Man Utd và tập đoàn INEOS: Lại một bình minh giả tạo hay khởi đầu một kỷ nguyên?

Tác giả Fussballgott - Thứ Năm 28/12/2023 16:25(GMT+7)

Như vậy sau nhiều tháng đàm phán, nỗ lực của tỷ phú người Anh Sir Jim Ratcliffe đã được đền đáp. Chủ tịch kiêm CEO của công ty hóa chất INEOS vừa hoàn tất thương vụ mua lại 25% cổ phần của Manchester United với giá 1,25 tỷ bảng Anh (1.6 tỷ USD).

 

Hy vọng lại được thắp lên cho Mancunian trên toàn thế giới, bởi theo giới thạo tin, Sir Jim Ratcliffe đặt quyết tâm cải tổ mạnh mẽ khía cạnh thể thao của CLB, cũng là nỗi đau dày vò những người yêu mến Quỷ Đỏ suốt mười mấy năm qua.

Chắc chắn cả sân Old Trafford và trung tâm huấn luyện Carrington sẽ được nâng cấp đáng kể, nhưng bộ máy điều hành thiếu hiệu quả mới là đại công trường ngổn ngang cần được dọn dẹp. Tor-Kristian Karlsen, người từng giữ vai trò giám đốc điều hành, giám đốc thể thao tại AS Monaco, nói về những việc cần làm ngay của Sir Ratcliffe với Man United trên ESPN.

Chia tay những nhà quản lý hữu danh vô thực

Những vị trí quản lý cao nhất là nơi dễ dàng nhất để bắt đầu cuộc cải tổ. Nhìn từ bên ngoài, Man United đã có một giám đốc điều hành Richard Arnold, giám đốc bóng đá John Murtough và Darren Fletcher trong vai trò giám đốc kỹ thuật. Dựa vào sự xuất hiện nhạt nhòa của họ trước truyền thông, có thể thấy quyền lực (và trách nhiệm) của HLV Erik ten Hag là rất lớn. Nói cách khác, bộ ba này không làm đúng phần việc của mình hoặc làm việc thiếu hiệu quả. Điều này khiến cho cơ cấu phân chia quyền lực và trách nhiệm ở Old Trafford trở nên dị biệt, không giống bất kỳ CLB nào khác cùng tầm cỡ ở châu Âu. Người thì đầy việc, kẻ thì rảnh rang.

Lúc này, Man United đang thiếu một người giữ vai trò giám đốc thể thao đúng nghĩa theo tiêu chuẩn châu Âu hiện đại. Người này phải kết nối hội đồng quản trị (hoặc CEO) với HLV trưởng đội bóng, được cung cấp quyền hạn đủ lớn để vạch ra và thực thi chiến lược phát triển bóng đá ở Manchester. Thách thức cho Sir Jim Ratcliffe và cộng sự là hiện tại có rất ít ứng viên phù hợp với tiêu chí này. Đó là chưa nói đến làm việc ở một CLB như Man United, vị trí giám đốc thể thao cần phải có khả năng xử lý áp lực, kỹ năng giao tiếp truyền thông khéo léo và đặc biệt là tính cách phải phù hợp với phần còn lại. Với việc trưởng bộ phận tuyển trạch Steve Brown nhiều khả năng được giữ lại, nhiệm vụ của giám đốc thể thao mới sẽ còn tập trung ở việc điều hành các hoạt động thể thao, từ đội một đến học viện, và hỗ trợ HLV Ten Hag khi cần thiết. 

 

Tạm biệt quá khứ, thận trọng hướng tới tương lai

Trong suốt một thời gian dài, Man United không thể xây dựng một tầm nhìn chung có tính rõ ràng khi nói đến phong cách chơi bóng. Thuật ngữ ‘The United Way’ được đưa ra nhưng ngoại trừ vài lần đề cập đến thời hoàng kim với sự dẫn dắt của Sir Alex Ferguson, tầm nhìn này vô cùng khó hiểu. Hiển nhiên là một khái niệm mơ hồ như vậy không thể mang đến bất kỳ kết quả tích cực nào trên sân đấu. 

Ở một CLB có vẻ quá hoài niệm và sa đà vào quá khứ vàng son của mình, phũ bỏ sạch trơn những gì của thế hệ trước là điều không tưởng. Nhưng việc liên tục bị chỉ trích, so sánh với thế hiện trước chỉ tạo ra những áp lực có thể bóp nghẹt sự sáng tạo của một đội bóng muốn vượt qua khủng hoảng. Nó thể hiện ở việc họ đã bị bó buộc trong quan điểm phải tìm kiếm một nhà quản lý toàn diện từ 2013 - với thất bại lần lượt của David Moyes, Louis van Gaal và Jose Mourinho - cho đến khi Ole Gunnar Solskjaer xuất hiện. Ngay việc bổ nhiệm cựu danh thủ Na Uy cũng cho thấy lối tư duy an toàn của những người có trách nhiệm - cụ thể ở đây là Murtough và Fletcher.

 

Về phong cách thi đấu và phương pháp huấn luyện, Quỷ Đỏ cần nhìn vào cách hai đại kình địch Man City và Arsenal đã trải qua. Ngay trong thời điểm khó khăn nhất, họ vẫn có sự nhận diện rõ rệt trong lối chơi. Đường hướng được đề ra và các tuyến trẻ cho đến đội một cứ theo đó mà làm. Nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm, nhưng vẫn còn hơn hiện tại là chẳng biết bắt đầu từ đâu và sẽ đi về đâu. Và kể cả khi mục tiêu đúng đắn thì nó cũng cần rất nhiều thời gian để nhìn thấy sự hiệu quả, nhưng một triết lý nhất quán, một tầm nhìn chung, dài hạn là điều mà Man United cần thiết lúc này. 

Giảm gánh nặng cho HLV Ten Hag

Dù cho đã xuất hiện những lời kêu gọi sa thải HLV Hà Lan nhưng INEOS sẽ có những nhận định khác. Với sự xuất hiện của một giám đốc thể thao đích thực, Ten Hag sẽ được giải phóng khỏi vô số nhiệm vụ không cần thiết, bao gồm trả lời câu hỏi xung quanh chính sách chuyển nhượng, phát triển chiến lược của CLB và cả quản lý khủng hoảng bao gồm những câu chuyện tiêu cực như đã xảy ra với Jadon Sancho.

Về lý thuyết, Man United đã không dành cho Ten Hag một môi trường làm việc giống Ajax, cũng như đa số các CLB hàng đầu châu Âu hiện nay. Việc ôm đồm nhiều việc vì thiếu hỗ trợ từ cấp trên góp phần khiến HLV này không thể tái tạo năng lượng, cũng như tìm kiếm những ý tưởng mới trong công tác huấn luyện. Ý tưởng sa thải HLV ở giữa mùa giải cũng thường không mang đến ích lợi gì. Các HLV hàng đầu chắc chắn không muốn nhảy vào chiếc ghế nóng rồi đối mặt với muôn vàn khó khăn trong việc tạo ra ảnh hưởng ngay lập tức.

 

Ngoài ra sự xuất hiện của INEOS ít nhiều sẽ mang đến những biến động nhất định, do đó, việc giữ lại Ten Hag càng cần thiết hơn. Việc của họ là nỗ lực hàn gắn những xung đột trong CLB, còn kết quả vào cuối mùa sẽ giúp BLĐ đánh giá được công việc của Ten Hag. Một trong những xung đột lớn nhất của Man United hiện tại là vụ Sancho. Thật khó hiểu khi không ai có thể đứng ra dàn xếp mâu thuẫn giữa cầu thủ khiến họ tiêu đến 85 triệu euro với HLV trưởng. Đó chắc chắn phải là phần việc của cấp cao hơn Ten Hag. Và dù cho án kỷ luật được xem là chính đáng thì nó cũng góp phần tạo ra sự đồn thổi về mâu thuẫn âm ỉ giữa HLV này và các cầu thủ.

Thay đổi chiến lược chuyển nhượng

Một trong những nỗi xấu hổ của Man United trên thị trường chuyển nhượng là việc liên tục bị các đối tác liên tục ép giá. Điều ngạc nhiên là bộ phận tuyển trạch của họ đủ lớn để cung cấp một danh sách gồm nhiều cái tên phù hợp, nhưng họ vẫn bị lôi kéo vẫn những vụ chuyển nhượng kéo dài hằng tháng trời mà chưa bao giờ chiếm được thế thượng phong? Vụ chuyển nhượng Jadon Sancho (85 triệu euro) và Antony (95 triệu euro) là những ví dụ điển hình. Họ hoàn toàn có thể chuyển sang những mục tiêu dự phòng hoặc tin tưởng tài năng học viện, như trường hợp của Kobbie Mainoo. Cách tiếp cận của Man United trong những năm qua cho thấy họ đơn giản là quá ngờ nghệch trên thị trường chuyển nhượng, hay nói cách khác là chẳng có chiến lược cụ thể nào để nâng cấp chất lượng đội bóng.

Chiến lược chuyển nhượng mới cũng sẽ bao gồm loại bỏ sự ảnh hưởng của HLV trưởng lên việc xét duyệt mục tiêu. Thật khó tin nếu nói những Christian Eriksen (có quá khứ ở Ajax), Tyrell Malacia (nhận sự ngưỡng mộ công khai của Ten Hag khi còn ở Hà Lan), và Antony, Sofyan Amrabat, Lisandro Martinez, Andre Onana chuyển đến mà không có sự tác động của Ten Hag. Mặc dù việc HLV trưởng có tiếng nói trong việc chuyển nhượng là điều hợp lý, nhưng một giám đốc thể thao có năng lực và bộ phận tuyển trạch năng nổ là điều CLB nào cũng cần. 

Mặt khác, chính sách bổ sung những siêu sao từng có hào quang rực rỡ - trophy signing - như Cristiano Ronaldo, Raphael Varane hay Casemiro đã cho thấy những mặt trái. Sau những hồ hởi ban đầu, các ngôi sao này cho thấy nguyên nhân Real Madrid chấp nhận để họ rời đi. Quỷ Đỏ nên nhìn vào cách Man City, Arsenal, Liverpool hoạt động trên thị trường chuyển nhượng, tập trung vào giá trị thực và tiềm năng của cầu thủ, thay vì tìm kiếm những ngôi sao lớn chỉ để xoa dịu cổ động viên.

 

Chiến lược chuyển nhượng rõ ràng sẽ giúp CLB tránh được những ‘hợp đồng khẩn cấp’ vốn nhiều rủi ro như Amrabat, Sergio Reguilon, Wout Weghorst và Odion Ighalo. Thực tế thì những giải pháp ngắn hạn này không đến nhiều lợi ích về chuyên môn. Chưa kể những kể những bản hợp đồng vội vàng này đi ngược lại bản sắc của Man United, làm cổ động viên cảm thấy khó chịu nhiều hơn là hy vọng. Lịch sử vinh quang của Man United đi cùng sự tin tưởng tuyệt đối vào học viện chứ không phải những bản hợp đồng mang tính ăn xổi.

Cuối cùng, Man United cần bình tâm hơn trước khi đưa ra quyết định gia hạn với cầu thủ. Họ không nên sợ hãi khi đứng trước viễn cảnh mất cầu thủ theo dạng chuyển nhượng tự do. Man City để đội trưởng Ilkay Gundogan ra đi tự do, trong khi Liverpool từ chối các thỏa thuận mới cho Sadio Mane và Roberto Firmino khi họ bước qua ngưỡng 30. Quỷ Đỏ cần tránh những sai lầm tương tự việc gia hạn với Phil Jones vào năm 2019. Tình cảm là tốt nhưng bóng đá không phải là nơi ban phát những bản hợp đồng tri ân.

Bám sát và kiên định với kế hoạch

Một BLĐ mới kéo theo những biến động bên CLB. Vậy nên bất ổn trong ngắn hạn là điều có thể đoán trước. Nhưng hãy nhớ năm đầu tiên của Jurgen Klopp ở Liverpool đã kết thúc với vị trí thứ 8, còn Pep Guardiola phải đối mặt chỉ trích vì ‘quá tham vọng’. Ông đòi hỏi để hậu vệ và thủ môn khi ấy cầm bóng nhiều hơn. Guardiola đã kiên định. Và sự sư kiên định đó khiến giới chủ đầu tư tự tin cung cấp những bản hợp đồng phù hợp với định hướng. Ten Hag vẫn chưa mang lại một sức sống mới cho đội bóng, tuy nhiên với sự hậu thuẫn của INEOS và một giám đốc thể thao thực thụ, thay đổi sẽ đến sớm thôi. Còn nếu ông tiếp tục thất bại, Man United vẫn còn mùa hè để tìm kiếm ứng viên chất lượng.

Và dù chiến lược nào cũng cần điều chỉnh liên tục khi áp dụng vào thực tế, nhưng sẽ chẳng có ích gì khi BLĐ mới thay đổi liên tục do sức ép từ bên ngoài. Man United phải học được điều đó, vì họ, và vì tất cả những người yêu mến họ.

(Tổng hợp từ bài viết ‘What is on Ratcliffe and Ineos' to-do list at Man United?’ của Tor-Kristian Karlsen trên ESPN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.