Trong bóng đá, đặc biệt là bóng đá hiện đại, có hai từ chúng ta thường nói đó là "biết đâu đấy" và "nếu". Sau trận thắng ngày hôm nay của Man United, người hâm mộ của đội bóng này sẽ lại phải nghe hai từ đó.
“CÓ” HOẶC “KHÔNG”, CÂU TRẢ LỜI CHỈ CÓ MỘT
Có một thời, mọi chương trình catwalk của Việt Nam đều tấu lên bài hát: "Can't Get You Out Of My Head" (Không thể để anh rời khỏi tâm trí em-ND) của Kylie Minogue, một bài hát có giai điệu vui tươi và sôi động, rất thích hợp cho những sàn catwalk tràn đầy năng lượng.
Sau 20 năm, một lần nữa Can't Get You Out Of My Head lại nổi tiếng, lần này là thông qua Glimmers of Bloom, một ca sĩ người Áo. Khác với cái chất vui tươi của Kylie Minogue, bản phối lại của Glimmers Of Bloom lại cho chúng ta thấy rõ cái sự ngột ngạt của một gã trai bị giam cầm trong cái tình yêu của mình với một cô gái không tên.
Sau khi chứng kiến trận thắng ngày hôm qua của Manchester United, người hâm mộ của nửa đỏ thành Manchester có lẽ lại chia ra làm hai nửa giống như bài hát kia, một bên là phe vui tươi: một trận thắng để tiếp thêm sinh khí, một trận thắng để bắt đầu lại, một trận thắng để Man United có thể hồi sinh. Còn ở bên kia là những người sợ hãi khi nghĩ đến cái vòng lặp mỏi mệt của triều đại Ole Gunnar Solskjaer, vòng lặp đã được mổ xẻ rất nhiều lần bởi các huyền thoại cũng như các bình luận viên của Sky Sports: thắng, rồi lại thua, rồi lại thắng.
Vậy, phe nào mới là đúng? Có lẽ sau những chuỗi ngày vừa qua của mùa giải, phe bi quan, hay có thể gọi vui là phe Glimmers of Bloom, đã đúng. Trận thắng này của Man United trước Tottenham thực sự chẳng mang nhiều ý nghĩa. Đúng là Man United đã có được 3 bàn thắng, nhưng phần nhiều là vì Tottenham Hotspur ở trận đấu này đã đá quá tệ và để lỡ quá nhiều cơ hội mà thôi.
Tuy nhiên, khi nhìn vào những bàn thắng, những pha bứt tốc, cái bàn thắng đẹp như mơ của Cristiano Ronaldo, bàn thắng như tái hiện lại một cách hoàn hảo siêu phẩm của "thiên nga" Marco Van Basten vào lưới Liên Xô ở trận chung kết Euro 1988, có lẽ người hâm mộ Man United của phe lạc quan , cũng có ít nhiều cơ sở. Có lẽ, chính nhờ cái tinh thần và sự quyết tâm của Cristiano Ronaldo, của Edinson Cavani, chắc chắn Man United có thể nghĩ đến một danh hiệu ở đấu trường châu Âu như họ đã từng làm được với Ibrahimovic, một lão tướng khác cũng đến với Man United để đoạt được danh hiệu Europa League, danh hiệu châu Âu đầu tiên ở cấp CLB của anh.
Nhưng trong bóng đá, người ta không thể sống bằng hai chữ, đó là "nếu" và "biết đâu đấy". Bởi, bóng đá, nhất là bóng đá hiện đại, là cái trò chơi của hai chữ "không" và "có", là nơi mà khi người ta hỏi bạn: "Liệu anh có thể đưa đội bóng của chúng ta ra khỏi khủng hoảng hay không?" Câu trả lời của bạn sẽ chỉ có thể là "có" hoặc "không" mà thôi.
CÁI BÓNG CỦA SIR ALEX FERGUSON
Trong những ngày gần đây, khi những thông tin về việc Ole Gunnar Solskjaer chuẩn bị rời khỏi sân Old Trafford được cánh truyền thông xứ sở sương mù đồn đoán, Sir Alex Ferguson đã đăng đàn nêu rõ sự ủng hộ của mình với cậu học trò cũ người Na Uy. Khi được hỏi vì sao, cựu HLV người Scotland đã chia sẻ: "Hồi tôi mới dẫn dắt Man United, ngài Bobby Charlton luôn ủng hộ tôi trong những lúc khó khăn."
Với người hâm mộ Man United, đặc biệt là những người sinh ra và lớn lên trong giai đoạn hoàng kim của nửa đỏ thành Manchester, mỗi lời Sir Alex nói, mỗi hành động của Sir Alex đều như một "thánh chỉ". Vì vậy, nếu ông đã ra mặt ủng hộ Ole Gunnar Solskjaer, thì chắc chắn tương lai của HLV người Na Uy sẽ được đảm bảo. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, chính cách làm của Sir Alex Ferguson lại đang khiến cho đội bóng của ông lún sâu hơn vào vũng lầy của sự mệt mỏi.
Không thể phủ nhận ngài Bobby Charlton đã đúng khi quyết định ra mặt ủng hộ Sir Alex Ferguson trong những thời điểm ông gặp khó khăn. Nhưng đó là vì ông đã nhìn ra được tố chất của một HLV thiên tài ở vị HLV người Scotland, nhưng trên hết, đó là vì bóng đá ở thời đại 32 năm trước rất khác so với không khí ngột ngạt và đậm chất chiến thuật của thời hiện đại. Vì vậy, vị HLV người Scotland hoàn toàn có thể sửa chữa sai lầm kể cả khi ông nhận phải những lời phản đối từ người hâm mộ đội nhà.
Còn ở thời kỳ bóng đá hiện đại, một đội bóng mang giá trị toàn cầu như Man United không thể dựa vào một HLV vẫn còn non kinh nghiệm như Ole Gunnar Solskjaer mãi được, dù ông có hiểu đội bóng và yêu mến nó nhiều như thế nào. Vì vậy, sẽ tốt hơn cho cả hai nếu Ole Gunnar Solskjaer có thể rời khỏi sân Old Trafford ngay sau trận thua muối mặt trước Liverpool hồi cuối tuần trước.
Có lẽ, việc HLV người Na Uy vẫn còn tại vị chính là minh chứng rõ nhất cho việc Sir Alex Ferguson, dù đã nghỉ hưu, vẫn còn là một nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn ở sân Old Trafford. Tuy nhiên, chính sức ảnh hưởng và tâm lý của một HLV đời cũ như Sir Alex Ferguson đã và đang khiến cho Man United dần tụt hậu lại phía sau. Bởi, chừng nào vị HLV người Scotland vẫn còn là người có tiếng nói và là người đưa ra những sự ủng hộ cho những người mà ông tin tưởng, thì chừng đó, Man United vẫn chưa thể bứt phá ra khỏi cái hình ảnh cũ kỹ của thời đại Sir Alex Ferguson để trở thành một Man United mới mẻ hơn và hiện đại hơn.
Sau trận đấu ngày hôm nay, thay vì tự nhủ với nhau: "Nếu thắng trận đấu Champions League với Atalanta vào tuần sau, Ole sẽ phục hồi Man United", hay "biết đâu đấy sau trận thắng này, Man United sẽ phục sinh", người hâm mộ Man United tốt nhất nên hỏi nhau một câu từ đáy lòng mình: "Liệu Ole Gunnar Solskjaer có thể vực dậy Man United sau trận thắng Atalanta hay không?" Khi đó, họ chỉ có thể trả lời "có" hoặc "không".
Nếu không trả lời được hai câu hỏi đó, Man United sẽ mãi mãi kẹt lại trong cái vòng luẩn quẩn, trong cái sự ngột ngạt, bức bối của một đội bóng không thể tìm ra lối thoát, không thể tìm ra một bản dạng mới cho mình ở thời đại mà các đội bóng luôn phải thay đổi để tồn tại.