Ở mùa giải năm nay, sự trưởng thành vượt bậc của Bukayo Saka hay Emile Smith Rowe đã khiến các CĐV của Arsenal một lần nữa có quyền tự hào về lò đào tạo trứ danh của CLB. Không những thế, đây còn là câu chuyện về niềm tin, sự kiên trì và cả may mắn của những tài năng trẻ giàu tiềm năng
Cuộc cạnh tranh quyết liệt vì những tài năng trẻ Là người nhận được rất nhiều kỳ vọng ở môi trường học viện, Bukayo Saka khiến nhiều thành viên trong ban lãnh đạo đội bóng thậm chí còn không tin nổi rằng họ đang được sở hữu một cầu thủ xuất sắc đến như vậy. Dù vẫn chưa qua giai đoạn tuổi teen nhưng mỗi khi chứng kiến Saka thi đấu với những cầu thủ đồng trang lứa, người ta lại có cảm giác như thể anh đang chơi bóng với những cậu bé nhỏ tuổi hơn mình rất nhiều.
“Tôi đã đi cùng cậu ấy tới Florida để tham dự một giải đấu cho lứa U14. Cậu ấy khỏe và nhanh hơn tất cả những người còn lại. Thậm chí có lần Saka còn sút rách cả lưới đối phương”, Andries Jonker – cựu giám đốc học viện Arsenal – nhớ lại.
Phẩm chất của Bukayo Saka là điều không phải bàn cãi, nhưng cũng như với bất kỳ tài năng trẻ khác, luôn có những lo lắng về hướng phát triển của cầu thủ người Anh. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng Saka chơi bóng hay hơn người khác là vì anh “lớn trước tuổi” chứ không phải thực sự vì khả năng với trái bóng.
Ông Jonker nói tiếp: “Nhiều người chỉ nhìn vào lợi thế về thể chất ở tuổi 14 để nghi ngờ về tài năng của Saka. Có rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra ở thời điểm ấy nhưng cũng chẳng ai có thể đưa ra được câu trả lời. Nhưng những hoài nghi này xuất hiện cũng đơn giản là vì cậu ấy quá giỏi. Với tôi thì việc đánh giá một cậu bé chỉ vì cậu ấy nhanh và khỏe hơn những người đồng đội khác là điều không thể”.
Cho đến lúc này, có thể khẳng định rằng Bukayo Saka đã đưa ra câu trả lời cho tất cả những nghi ngờ đó. Ở tuổi 19, Saka đã trở thành một trong những cầu thủ quan trọng nhất của Arsenal, một tuyển thủ quốc gia, một cái tên đáng chú ý đối với mọi tuyển trạch viên của các CLB lớn trên thế giới và một ngôi sao tương lai của Premier League.
Sự trưởng thành của Bukayo Saka chính là thành công của HLV Mikel Arteta và là kết quả của một quá trình đòi hỏi nhiều công sức và tâm trí kéo dài trong vòng gần 10 năm. Nhưng không chỉ có Saka. Emile Smith Rowe cũng là một sản phẩm ưu tú của hệ thống đào tạo trẻ Arsenal. Mùa này, cả Saka và Smith Rowe đều đã chơi tuyệt hay trên hàng công của Pháo Thủ.
Ở tuổi 19 và 20, cả Saka và Smith Rowe đều còn cả một tương lai dài đầy tươi sáng ở phía trước. Họ cũng là hai trong số những người được coi là “lứa cầu thủ trẻ tài năng nhất trong lịch sử Arsenal”. Reiss Nelson, Joe Willock, Eddie Nketiah hay Ainsley Maitland-Niles đều nằm trong kế hoạch phát triển đội bóng của HLV trưởng Mikel Arteta. Mỗi người lại được sử dụng trong một giai đoạn khác nhau của mùa giải và đều đã có đóng góp không nhỏ cho CLB.
Có được một cầu thủ “cây nhà lá vườn” trong đội hình chính của CLB đã là quý nhưng ở thời điểm này, Arsenal có tới 6 cầu thủ tốt nghiệp từ học viện trong danh sách đội một. Đây quả thực là một thành tựu đáng tự hào của học viện Hale End và của những tuyển trạch viên đã vất vả đi tìm kiếm tài năng trẻ từ khi những cậu bé ấy còn chưa tròn 10 tuổi.
Thử thách lớn nhất: giữ chân những ngôi sao tương lai
Không có nhiều thành phố trên thế giới sở hữu nhiều tài năng bóng đá như London và ở một vài khu vực, cuộc tranh giành những cầu thủ trẻ cũng diễn ra căng thẳng chẳng kém gì cuộc đua vô địch ở giải VĐQG. Arsenal, Tottenham, Chelsea, West Ham, Fulham và Crystal Palace là 6 đội bóng luôn mong muốn được sở hữu những tài năng trẻ chất lượng nhất. Phạm vi “săn lùng” của họ cũng không chỉ bó hẹp trong phạm vi của một vài khu vực nhất định.
Một ví dụ đơn giản: cả Saka, Smith Rowe, Nelson và Nketiah đều đang khoác áo Arsenal nhưng không có ai trong số họ đến từ Bắc London. Saka sinh ra ở Ealing (Tây London), Smith Rowe ở Croydon (Nam London), Nelson ở Walworth (Nam London) và Nketiah đến từ Lewisham (Nam London). Dẫu vậy, họ đều có chung một điểm đến là học viện Hale End của Arsenal.
Steve Morrow, người từng giữ vai trò đứng đầu hệ thống tuyển trạch của học viện Arsenal, cho biết: “Sự cạnh tranh giữa các CLB ở London là hết sức gắt gao. Khó khăn nhất có lẽ là lứa U12 và U9 vì U9 là độ tuổi mà các cậu bé bắt đầu được tuyển vào học viện. Sở hữu một cầu thủ từ khi cậu ta còn nhỏ tuổi cũng đồng nghĩa với việc CLB sẽ có nhiều cơ hội gắn bó với cầu thủ này hơn trong tương lai. Công việc của các tuyển trạch viên là tìm ra những cậu bé có tiềm năng lớn nhất và họ cần được công nhận với công sức đã bỏ ra”.
Khi mới bắt đầu con đường bóng đá, Saka mới 8 tuổi, Nelson thì 9 tuổi và Smith Rowe cũng chỉ 10 tuổi. Maitland-Niles và Willock thậm chí còn đến với học viện Hale End từ trước đó. Nketiah tới muộn hơn khi anh 14 tuổi nhưng đó là khi cầu thủ này rời khỏi học viện bóng đá của CLB Chelsea.
“Mọi thứ diễn ra hơi hỗn loạn một chút”, ông Morrow nói tiếp, “Nếu một cầu thủ trẻ cảm thấy học viện của một CLB không phải là nơi tốt nhất dành cho cậu ấy thì chúng tôi cũng phải chấp nhận”.
Ở Arsenal, công việc đào tạo trẻ được thừa hưởng nhiều lợi thế từ những gì HLV Arsene Wenger đã để lại. Jack Wilshere, Kieran Gibbs hay Aaron Ramsey chính là những minh chứng cụ thể cho việc mọi tài năng trẻ đều sẽ được trao cơ hội để chứng tỏ và phát triển bản thân ở Arsenal.
Sở hữu một cầu thủ tiềm năng đã khó, giữ được họ ở CLB còn là công việc khó khăn gấp nhiều lần. Các CĐV của Arsenal sẽ chẳng vui vẻ gì khi nhắc tới điều này khi họ đã quá nhiều lần phải chứng kiến những ngôi sao của đội bóng lần lượt dứt áo ra đi. Và có lẽ cũng không nhiều người biết rằng, Emile Smith Rowe đã có thể khoác áo Tottenham để đối đầu với chính Arsenal ở trận derby Bắc London cách đây chưa lâu.
David Webb – trưởng bộ phận phát hiện tài năng trẻ của Tottenham – chia sẻ: “Smith Rowe từng đối đầu với chúng tôi ở giải U18 và cậu ấy cực kỳ nổi bật trong vai trò của một số 10. Khả năng di chuyển không bóng và tần suất hoạt động của cậu ấy cũng hết sức ấn tượng. Chúng tôi đã cố gắng ký hợp đồng với Smith Rowe trước khi cậu ấy chấp nhận học bổng của Arsenal nhưng không thành công. Lúc ấy, Smith Rowe là cầu thủ hoàn hảo với lối chơi của HLV Mauricio Pochettino và dù cậu ấy mới 16 tuổi, chúng tôi đã biết rằng Smith Rowe sẽ không mất nhiều thời gian để có tên trong đội một”.
Không chỉ nhận được sự quan tâm từ các CLB trong nước, Smith Rowe và nhiều cầu thủ cùng lứa khác của bóng đá Anh còn thu hút sự chú ý từ các CLB nước ngoài. Trong số đó, Jadon Sancho đã trở thành một trong những ngôi sao lớn nhất của Bundesliga.
“Các cầu thủ sẽ luôn nghe được những câu chuyện phía sau hậu trường, nhất là khi họ lên tập trung ĐTQG”, Steve Morrow cho biết, “Đó chính là trường hợp của Smith Rowe khi cậu ấy được gọi vào U17 Anh. Không chỉ Smith Rowe mà phần lớn các cầu thủ thuộc lứa đó đều nhận được rất nhiều sự chú ý. Chúng tôi cần phải chắc chắn rằng các cầu thủ này cảm thấy họ là một phần quan trọng của đội bóng. Có như vậy thì họ mới không muốn ra đi”.
Bên cạnh đó, yếu tố “thế hệ” cũng đóng vai trò rất lớn trong việc giữ chân một cầu thủ trẻ. Trong trường hợp của Arsenal, khi Reiss Nelson từ chối lời đề nghị của nhiều CLB khác thì những đồng đội cùng lứa tuổi với anh cũng nhanh chóng làm điều tương tự.
“Ở đây, chúng tôi tạo ra một môi trường bóng đá giúp cho những chàng trai này cảm thấy thoải mái nhất”, ông Andries Jonker nói, “Họ hiểu được niềm tin của chúng tôi và đều không muốn rời đi. Khi họ biết tin Reiss (Nelson), Emile (Smith Rowe) và Bukayo (Saka) đều ở lại thì họ hiểu rằng ai cũng sẽ có cơ hội ở đội bóng này. Reiss kể với tôi rằng cậu ấy chỉ có một ước mơ duy nhất khi còn nhỏ, đó là được chơi bóng ở Emirates. Những chàng trai này làm mọi thứ với Arsenal và họ có chung một mục tiêu, đó là thành công cùng Arsenal”.
Thất bại hoặc thành công
Bất chấp mọi nỗ lực của ê-kíp huấn luyện, việc các cầu thủ quyết tâm rời khỏi CLB vẫn là điều không tránh khỏi. Hơn nữa, chuyển sang một đội bóng mới cũng chính là cơ hội để một cầu thủ “đổi vận”. Josh Dasilva đang tỏa sáng ở Brentford sau khi từ chối gia hạn hợp đồng với Arsenal. Xavier Amaechi cũng đã quyết định rời Emirates để gia nhập Hamburg cách đây 2 năm. Folarin Balogun vẫn đang trong quá trình phát triển nhưng anh cũng sẽ chia tay Arsenal theo dạng chuyển nhượng tự do vào mùa hè tới.
Phần lớn các cầu thủ trẻ quyết định ra đi là vì họ không nhìn thấy cơ hội rõ ràng để lên chơi ở đội một sau khi tốt nghiệp học viện. Nhưng đó cũng chính là thử thách “đầu đời” mà mọi cầu thủ phải đối mặt. Họ sẽ rời khỏi học viện và phải tự chiến đấu trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp vô cùng khắc nghiệt. Và đó cũng là bài kiểm tra cuối cùng để CLB chắc chắn rằng liệu một cầu thủ trẻ có thể thực sự trưởng thành hay không. Và Bukayo Saka chính là trường hợp điển hình của Arsenal.
“Về thể chất, Bukayo (Saka) luôn tỏ ra sẵn sàng”, Steve Morrow chia sẻ, “Tôi có thể nhìn thấy những phẩm chất kỹ thuật và sự điềm tĩnh đến bất ngờ của cậu ấy, đặc biệt là khi phải xử lý trong không gian hẹp, ngay trong buổi tập đầu tiên mà cậu ấy tham gia cùng đội một. Được chơi bóng bên cạnh những cầu thủ giỏi giúp Saka càng tiến bộ hơn. Và cậu ấy cho thấy khả năng tồn tại của mình trong môi trường chuyên nghiệp. Chính tôi cũng ngạc nhiên khi cậu ấy không mất nhiều thời gian để hòa nhập và duy trì phong độ ở đẳng cấp cao nhất”.
Con đường phát triển của Emile Smith Rowe lại có phần khác biệt so với Bukayo Saka. Sau khi được HLV Unai Emery đôn lên đội một và ghi được 3 bàn thắng, cầu thủ sinh năm 2000 lần lượt đến với RB Leipzig và Huddersfield Town theo những bản hợp đồng cho mượn.
Thực tế, Smith Rowe có nhiều lựa chọn hấp dẫn hơn nhưng chính anh đã lựa chọn tới khoác áo một CLB gặp nhiều khó khăn ở giải hạng dưới. David Webb, người từng thất bại trong việc đưa Emile Smith Rowe về với Tottenham, lại hoàn toàn ủng hộ quyết định này.
“Huddersfield là nơi hoàn hảo để Emile có thể thử thách bản thân”, cựu trưởng bộ phận tuyển trạch của Tottenham Hotspur cho biết, “Đó chính là cơ hội để cậu ấy tự xoay sở và cậu ấy đã làm rất tốt. Emile là một chàng trai bẽn lẽn và không thực sự có tầm ảnh hưởng lớn trong phòng thay đồ nhưng cậu ấy đã làm mọi thứ có thể để hòa nhập. Cậu ấy sẵn sàng chiến đấu để tồn tại và vì một mục đích lớn hơn”.
Bức tranh toàn cảnh
Một trong những sản phẩm ưu tú và thành công nhất của lò đào tạo trẻ Arsenal trong vài năm gần đây chính là Alex Iwobi. Chất lượng của một học viện không chỉ được đánh giá bằng những đóng góp của một cầu thủ cho đội bóng ấy mà còn có thể theo nhiều cách khác. Minh chứng rõ ràng nhất chính là số tiền hơn 30 triệu bảng mà Arsenal đã có được từ thương vụ bán Iwobi cho Everton.
Sẽ không có gì bất ngờ nếu Joe Willock hay Maitland-Niles cũng sẽ đi theo con đường của Alex Iwobi ngay trong mùa hè năm nay. Arsenal hiện tại đang cần tiền để khắc phục những khó khăn về tài chính và những cầu thủ trưởng thành từ học viện Hale End chính là cơ hội để họ tạo ra lợi nhuận.
Theo lời của cựu giám đốc học viện Andries Jonker, ông và cựu giám đốc điều hành Ivan Gazidis đã có một cuộc nói chuyện cởi mở khi ông mới nhậm chức cách đây 7 năm. Lúc đó, Jonker và Gazidis đã cùng nhau thống nhất một kế hoạch lớn, một tầm nhìn chiến lược cho Arsenal sau này.
“Chỉ có hai CLB lớn ở châu Âu có truyền thống ở cả khâu đào tạo trẻ và thành tích của đội một, đó là Barcelona và Ajax Amsterdam. Ngay cả khi các cầu thủ của hai đội bóng này mặc một màu áo khác nào đó, bạn vẫn sẽ nhận ra ngay đó là Barca và Ajax khi nhìn vào cách họ chơi bóng. Tôi nghĩ rằng Arsenal hoàn toàn có thể trở thành CLB thứ ba đi theo hướng phát triển ấy. Ivan nói với tôi rằng Arsenal sẽ chẳng bao giờ vô địch với 11 cầu thủ được mua về nhưng có thể sẽ vô địch nếu chúng tôi tự tạo ra một nửa đội hình chất lượng. Nếu lấy các cầu thủ tốt nghiệp từ học viện làm nền tảng và sau đó bổ sung thêm những nhân tố chất lượng, chúng tôi có thể thành công trong một thời gian dài với hạt nhân vẫn là Arsenal”, ông Andries Jonker chốt lại.
Lược dịch từ: Revealed: The secrets of the Arsenal academy - and how it drives ambition to mirror Barcelona and Ajax/ The Telegraph