Liverpool: Truyền thống, bi kịch, nỗi uất ức và niềm tin vào thầy trò Klopp

Tác giả CG - Thứ Bảy 04/05/2019 15:33(GMT+7)

Zalo

Với nụ cười và niềm tin mãnh liệt của ông, tất cả điều ấy dường như là sự khởi đầu cho một điều gì đó dù họ có đứng thứ hai chung cuộc với số điểm 97 đáng kinh ngạc.

Liverpool đang trong cuộc đua quyết liệt để giành chức vô địch quốc gia đầu tiên sau gần 30 năm. Danh hiệu này có ý nghĩa rất lớn với một thành phố đã trải qua nhiều niềm vui, hy vọng, sự tuyệt vọng và cả bi kịch. Bài viết của nhà báo Wright Thompson sẽ làm sáng tỏ ý nghĩa to lớn của chức vô địch ấy với đội bóng thành phố cảng nước Anh.
Liverpool Truyền thống, bi kịch, nỗi uất ức và niềm tin hình ảnh
 
1. Người đánh đàn đại phong cầm trong nhà thờ muốn gặp ở bên ngoài sân vận động Anfield. Tên của cô là Anne Preston và cô mang theo chương trình của một đám tang mà mình đã chơi đàn ngày hôm trước, nó giống như một tài liệu về thứ gì đó mang cả nét cổ xưa lẫn hiện tại. Cô muốn tôi xem nó để có thể hiểu được về cuộc sống, cái chết và sự hồi sinh gắn liền với bóng đá dọc bờ sông Mersey.
 
Cô đi cùng với chồng, chúng tôi gặp nhau ở khu vực giữa khán đài Sir Kenny Dalglish và khán đài The Kop, Liverpool Kop vĩ đại. Khi người chồng đi chọn vé cho trận bán kết lượt đi Champions League ở Barcelona, cô kể cho tôi nghe một yêu cầu về âm nhạc từ phía gia đình có người mất. Người mẹ đưa ra yêu cầu cho Anne chơi bài “You’ll Never Walk Alone” trong suốt buổi thánh lễ an táng con trai bà. Đó là một yêu cầu quen thuộc với Anne và với mọi người hộ tang cũng như chơi đàn đại phong cầm ở Liverpool.
 
Tại lò hỏa táng cách đó nửa dặm, người phụ trách nói nơi ông làm việc giữ một CD phiên bản của ca khúc do nhóm Gerry and the Pacemakers thể hiện. Ông nói rằng 1/3 các gia đình có chuyện buồn đều yêu cầu bài hát này; 1/3 khác thì yêu cầu bài hát truyền thống của Everton. Đó là 8 trong số 12 đám tang muốn gắn bóng đá với buổi lễ mặc niệm của mình.
 
Bài hát truyền thống của Liverpool cũng được vang lên ở rất nhiều đám cưới. Điệu nhảy đầu tiên của Anne và chồng cô là trên nền "You'll Never Walk Alone”. Mọi người nghe chúng từ khi chào đời tới lúc vẫy tay chào thế giới, và Anne hiểu điều đó. Vì thế ngày hôm qua, khi cô chơi đàn trong suốt buổi thánh lễ, cô đã thấy chính mình. Cô chơi chậm lại nhưng những hợp âm quen thuộc của câu hát nổi tiếng nhất vẫn vang lên. “Walk on with hope in your heart and you'll never walk alone” (Bước đi với niềm hy vọng trong tim và bạn sẽ không bao giờ phải đi một mình).
Liverpool
 
2. Đây là quãng thời gian căng thẳng nhưng tràn đầy cảm xúc khi theo dõi CLB Liverpool. Họ vẫn đang trong cuộc đua vô địch Premier League với Manchester City và nếu cả hai CLB cùng thắng hết những trận còn lại, Man City sẽ kết thúc mùa giải với 98 điểm, hơn 1 điểm so với Liverpool. 97 điểm, đó là điểm số cao nhất mà một đội không vô địch Premier League từng làm được, đứng thứ ba trong số những đội giành tổng số điểm cả mùa cao nhất trong lịch sử. Ngôi á quân không chỉ khiến cổ động viên rất buồn mà bản thân đội bóng cũng vậy, CLB từng thống trị bóng đá Anh nhưng chưa vô địch quốc gia trong suốt 29 năm qua.
 
Từ năm 1976 đến 1990, Liverpool đã 10 lần vô địch quốc gia và sau đó khi Premier League ra đời năm 1992, “Lữ đoàn đỏ” chưa từng xưng vương lần nào. Toàn bộ lịch sử của họ nằm ở một thế giới bóng đá khác. Trong suốt nhiều năm, dường như họ bị tụt lại phía sau khi nền bóng đá Anh từng bảo thủ và sống trong “ốc đảo” bị thay thế bởi toàn cầu hóa. Giống như việc ngành kinh tế tàu thuyền của họ bị thụt lại, sự sa sút của thể thao và thương mại cũng phản ánh lẫn nhau. 
 
Năm ngoái, Liverpool vào đến chung kết Champions League và thất bại. Đó dường như là một sự bỏ lỡ tàn nhẫn quá sức chịu đựng. 9 hôm trước, tôi lái xe từ London đến xem Liverpool ở Cardiff. Sau đó, Liverpool và Man City đều giành chiến thắng tại Premier League. City đánh bại Burnley 1-0 với bàn thắng mà bóng lăn qua vạch vôi chỉ 2,79 cm.
Juergen Klopp va Liverpool: Moi luong duyen ay bat dau the nao?
Juergen Klopp và Liverpool: Mối lương duyên ấy bắt đầu thế nào?
Mùa giải Premier League còn 2 trận đấu nữa và Liverpool phải đá trận bán kết lượt đi tại Barcelona. “Lữ đoàn đỏ” có thể làm nên cú ăn ba lịch sử và trở lại với đỉnh cao của bóng đá thế giới hoặc kết thúc mùa bóng với 2 bàn tay trắng. Căng thẳng và hy vọng là những gì thôi thúc tôi lên đường khám phá. Và trên chuyến hành trình, tôi đã tìm thấy một CLB gần như phản ánh hoàn hảo thành phố kỳ lạ được gọi là nhà.
 
3. Chủ nhật 2 tuần trước, trong những phút cuối cùng của cuộc đối đầu giữa Liverpool và Cardiff tại Xứ Wales, tôi đi bộ đến bãi đỗ xe nơi những chiếc xe buýt chở các cổ động viên cuồng nhiệt của Liverpool đang đợi: “các HLV sân khách”, đó là cách gọi của người dân địa phương. Khi Liverpudlian (cổ động viên Liverpool) đi ra ngoài thế giới ngày càng nhiều thì vẫn còn 6 hay 7 nhóm còn lại là những người chuyên chở và bảo vệ truyền thống đó.

30 năm trước có rất nhiều nhóm từ các khu cụ thể nhưng nay chỉ còn vài nhóm với những biệt danh như Cambraco, Urchins, Vinny's, Birkenhead và Irregulars. Trong tiếng Italia, các cổ động viên như thế được gọi là “ultra”, hầu hết họ là con của những người lao động tại Liverpool. Ngay cả khi bị toàn cầu hóa ảnh hưởng thì Liverpool vẫn là nơi của các nét văn hóa nhỏ: các ban nhạc guitar và các chương trình nhạc tech-house của các nghệ sĩ underground, rồi trượt ván, bóng đá,… Liverpool là một thành phố được vận hành bởi các mã văn hóa, cả cũ lẫn mới.
 
Một người bạn là nhà báo thể thao đã giới thiệu cho tôi một người lái xe buýt. Việc tăng giá vé khiến nhiều người từng theo đội dù là sân nhà hay sân khách quyết định không mua nữa. Những cổ động viên địa phương đã đồng loạt phản đối những đợt tăng giá này, thậm chí 3 năm trước, hơn 10.000 người đã không đến sân và họ hát: “Các người là những kẻ khốn nạn tham lam!”.

Vào ngày diễn ra trận đấu, người đã nói ở trên phải tạo ra 3 điểm dừng đón riêng biệt ở Liverpool. Có một đường phân chia vô hình ở trước và sau mà chỉ một vài người lái xe có thể biết, sau 10 năm cùng nhau đi khắp đất nước. Người đàn ông kể cho tôi qua tin nhắn là sẽ mặc một chiếc áo phông Lost Art màu hồng từ một cửa hàng giày trượt băng ở Liverpool. Các cổ động viên không bao giờ mặc áo hay mang đồ có màu của đội bóng đến sân; đó là từng là cách để thoát khỏi sự nghi ngờ của cảnh sát.
 
Tôi phát hiện ra anh ta và hỏi anh ta sẽ giải quyết căng thẳng trong những tuần tới như thế nào. “Chúng tôi sẽ cố gắng. Chúng tôi sẽ thực sự cố gắng,” anh nói.
 
Chúng tôi đi giữa các nhóm cổ động viên, nơi có hàng trăm (hoặc hơn thế) người hâm mộ đang cười, đùa giỡn với những cảnh sát để ý họ sát sao. Họ giấu rượu trên xe và sẽ không lôi ra cho đến khi cả đoàn rời khỏi Cardiff được nửa tiếng. “Anh sẽ không bao giờ biết đây là đâu,” anh nói. “Lúc nào nó cũng tồn tại ở ngoài rìa”.
Bạn không thể bước lên xe nếu không được mời, thậm chí nếu đó là lời mời tạm thời. Có người đã mời một người trượt ván đi đến Cardiff, điều hiếm thấy vì hai văn hóa đó không phù hợp ở Liverpool. “Cả hai đều có những quy tắc rắc rối như nhau nhưng chúng không trộn lẫn với nhau,” ông giải thích.
 
Đoàn xe của ông cho người kia trượt ván kia một cơ hội nhưng khi người phụ trách xe cho rằng anh quá sỗ sàng và tự phụ, họ đã đi tiếp và bỏ anh lại ở đường cao tốc. Anh đã phá vỡ “giới luật”, từ việc ăn nói cho tới trang phục. Đồng phục của họ thời điểm hiện tại chịu ảnh hưởng của văn hóa hooligan ở thập niên 80: quần áo của các nhà thiết kế cao cấp như Missoni, Givenchy, Dior, bất cứ thứ gì đè lên nét đặc trưng của tầng lớp lao động của họ đều không có ý nghĩa. “Áo khoác 600 bảng và quần jean Jacob Cohen 600 bảng,” một cổ động viên cười và nói với tôi.
 
Cách đây không lâu, đồng phục một nhóm cổ động viên Liverpool là quần áo leo núi có nguồn gốc từ những kẻ buôn ma túy ở tây bắc nước Anh. Một lãnh đạo của một nhóm cổ động viên Liverpool đã mua rất nhiều trang phục cao cấp đến nỗi khi anh ta bị cấm đến sân vài năm trước, anh ta đã dùng nó để đi leo núi khắp cả nước vì không biết phải làm gì khác với chúng.
 
Người bạn mới của tôi quay lại chiếc xe buýt của anh ấy. Anh đeo một chiếc huy chương vàng hình thánh Christopher, vị thánh bảo trợ của những người đi du lịch. Đó là một món quà của mẹ anh khi anh bắt đầu đi khắp châu Âu để cổ vũ Liverpool. Ở mặt sau tấm huy chương, bà khắc một dòng chữ cầu nguyện con trai: “Để bảo vệ cho con”.
 
4. Nỗi sợ của bà là một lời nhắc nhở rằng ngay cả trong một năm tràn đầy niềm vui, quá khứ chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí của mọi người. Hầu như những ai mà tôi nói chuyện ở Liverpool đều nhắc tới hoặc gợi lên câu chuyện về thảm họa Hillsborough. Có lẽ bởi năm 2019 sẽ đánh dấu 30 năm ngày thảm họa tồi tệ đó xảy ra và vì những phiên tòa được chờ đợi đã lâu dành cho những người có trách nhiệm đã bị che lấp bởi mùa giải huyền diệu này.
 
Hillsborough là chủ đề nóng được chính phủ và tòa án rất chú trọng, các cuốn sách và các bộ phim tài liệu nhiều không kể hết, và cùng với đó là một loạt tin đồn và thông tin sai lệch. Sự thật về những gì đã diễn ra, được biết đến từ lâu ở Liverpool, gần đây vẫn còn nhiều tranh cãi, chưa thể bác bỏ hay kết tội sau hàng thập niên đấu tranh của gia đình các nạn nhân, những người sống sót và hàng xóm của họ.
 
Ngày 15/4/1989, Liverpool đá trận bán kết FA Cup trên sân Hillsborough ở Sheffield và 96 cổ động viên “Lữ đoàn đỏ” đã thiệt mạng. Không gì có thể tả được sự kinh hoàng và nỗi đau trong những thời khắc cuối cùng của cuộc đời họ. 96 người, bao gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em, đã bị giày xéo tới chết trên sóng truyền hình trực tiếp. Nhiều cảnh sát và quản lý sân, những người tạo ra cảnh tượng chen lấn thật tàn nhẫn, thích đổ lỗi cho người chết hơn là giúp đỡ họ. Người trẻ nhất qua đời khi đó mới 10 tuổi.
 
Thảm họa ấy đã khiến tất cả mọi người phải sửng sốt. Liverpool là một thành phố lớn, đúng, nhưng đó cũng là một thị trấn nhỏ. Một ngày nọ, tôi gặp Peter Hooton của The Farm, ban nhạc rock tới từ Liverpool. Ông là người có mặt trên khán đài ngày hôm ấy. Một người khác ngồi với tôi, nói chuyện về những điều hoàn toàn khác, cho tới khi ông cũng nhắc tới câu chuyện đã được tận mắt chứng kiến khi đó. Cả hai chúng tôi đã khóc khi ông tả về một người phụ nữ thánh thiện sống gần sân vận động đã mở cửa và đưa cho ông điện thoại của bà.

Là một người mẹ, bà biết là ông cũng có một người mẹ ngồi ở nhà và tự hỏi liệu con trai mình có nằm trong số người đã thiệt mạng hay không. Ông vẫn còn nhớ tiếng hét vui sướng của dì mình khi bà ấy nghe thấy giọng nói của ông ở đầu dây bên kia và giọt nước mắt vì nhẹ nhõm khi trút được nỗi lo của mẹ. Tất cả những người còn sống đều kể câu chuyện về những cánh cửa mở ra và các bà mẹ Sheffield dẫn những cậu bé Liverpool vào trong nhà để gọi cuộc điện thoại quan trọng nhất cuộc đời: Mẹ à, con vẫn còn sống.
Nhưng có 96 cái điện thoại đã không đổ chuông.
 
Những cuộc điều tra đã kết luận rằng một loạt những vấn đề đã xảy ra đều có thể được ngăn chặn trước. Sân vận động khi đó đã không được chứng nhận an toàn. Chính phủ - những người đề phòng với Liverpool kể từ sau vụ cổ động viên đội bóng này khiến một bức tường trên sân Heysel ở Brussels đổ xuống làm 39 người chủ yếu là cổ động viên Juventus thiệt mạng năm 1985 - coi họ như một mối đe dọa. Cảnh sát thì dẫn mọi người tới một cửa xoay nhỏ hơn và tạo ra tình trạng tắc nghẽn “thắt cổ chai”.

Điều đó buộc hàng nghìn người phải đi qua một đường hầm dốc khá nguy hiểm khác để vào khu 3 và khu 4 trên khán đài phía sau cầu môn. Hệ thống loa truyền thanh yêu cầu người hâm mộ đã ở hai khu đó tiến lên để nhường chỗ cho người tới sau. Cả hai khu khán đài gần như trống không nhưng cũng chẳng còn đường để từ khu này sang khu kia nữa. Không ai là người chỉ huy đám đông ở cả hai bên, vì thế cổ động viên cứ thế bước vào trong đường hầm mà không biết điều gì sắp sửa xảy ra.
 
Khi trận đấu chuẩn bị bắt đầu, cảnh tượng hỗn loạn trở nên rõ ràng hơn. Viên cảnh sát phụ trách, David Duckenfield, yêu cầu mở cổng bên ngoài và trấn an những người đang chen chúc bên ngoài sân vận động. Trung sĩ Michael Goddard ra lệnh ông Roger Marshall – quản lý sân – “mở cổng”. Và vào lúc 14h52, cổng C mở ra, người hâm mộ ùa vào. Cấu trúc hình cổ chai của sân vận động khiến mọi người chỉ đi vào đường hầm dốc nguy hiểm đó để đến khu 3 và 4. Và những người đã ở hai khu đó rồi, đặc biệt là những người đứng hàng trước, bị giẫm đạp không thương tiếc. Những mô tả chân thực nhất về những gì diễn ra tiếp theo đến từ tiểu thuyết gia Kevin Sampson, người có mặt ở sân Hillsborough ngày hôm đó. Tôi đã đọc một nửa cuốn “Hillsborough Voices” (Tiếng vọng Hillsborough) của ông và phải dừng lại vì nó quá đau đớn.
 
Người hâm mộ Liverpool ở khu 3 và 4 đã mô tả sự tàn nhẫn vô nhân tính của cảnh sát trên khi đứng nhìn những người bạn của họ chết. Một cổ động viên tên Peter Carney bị mắc kẹt một chỗ, đôi chân tê dại và hai tay không thể nào nhúc nhích, đã cố gắng thở thật đều trong khi người đàn ông đứng bên cạnh mặt xanh lét. Ông hét vào mặt cảnh sát là hãy mở cổng ra để họ ra ngoài nhưng viên cảnh sát đó phớt lờ. Người hâm mộ cố gắng trèo qua hàng rào để thoát thân nhưng những hàng người dài phía sau níu họ lại.

Tất cả cùng hét vào mặt cảnh sát là hãy mở cổng ra. Cảnh sát vẫn làm ngơ. Một sĩ quan nhìn một cổ động viên có tên Damian Kavanagh và bảo anh quay lại. Tất cả những điều này xuất phát từ sự phân chia giai cấp ở Anh và tầng lớp lao động bị coi như những con thú nhốt trong lồng chứ không phải đồng bào cần được giúp đỡ. 1000 năm của những định kiến đã cho thấy bộ mặt tàn nhẫn của nó.
 
Cuối cùng, đã có những cổ động viên trèo qua được hàng rào để vào trong sân. Họ giúp đỡ những người khác. Khi Kavanagh đến cổng, một cảnh sát đẩy anh lại và nói “Thằng khốn”. Kavanagh mặc kệ điều đó và trốn thoát. Khi trở về nhà, anh thấy những vết bầm tím trên lưng in hình bàn tay người từ những người bị xô đẩy phía sau. Một người hâm mộ Liverpool là lính cứu hỏa ở London đã xuống sân để giúp sơ cứu. Những người chết và hấp hối nằm la liệt khắp sân vận động. Hầu hết cảnh sát chỉ đứng nhìn cổ động viên Liverpool và một vài phản ứng đầu tiên là hô hấp nhân tạo và sau đó cho hạ các tấm biển quảng cáo để làm cáng. 
 
Có những cổ động viên đã chết trong lúc gia đình họ xem qua truyền hình. Một cậu bé có tên Kevin Williams đã gọi “mẹ ơi” khi chuẩn bị ra đi và mẹ của cậu, bà Anne Williams, trở thành người quyết liệt nhất trong việc đòi trách nhiệm từ những nhà chức trách. Cuốn sách của Sampson là dành cho bà.
 

5.
Chính phủ gần như ngay lập tức cố gắng giấu giếm, che đậy. Nếu bạn nghe trên đài phát thanh sẽ thấy phát thanh viên nói rằng việc xô đẩy, giẫm đạp nhau xảy ra vì những cổ động viên Liverpool không có vé và phá cổng để vào. Cảnh sát đã nói với họ điều đó sao? Đó là sự dối trá được nhắc đi nhắc lại. Ngay từ đầu, kế hoạch chính là đổ lỗi cho Liverpool.
 
Cảnh sát đã thẩm vấn những người cha và anh em của các nạn nhân và chỉ trong vài giây, họ đã khẳng định người thân quá cố của họ sử dụng rượu bia trước trận. Một tay cảnh sát còn lạnh lùng ngăn một người đàn ông đau khổ hôn tạm biệt người anh em của ông và gọi xác chết đó là “thuộc quyền sở hữu của điều tra viên.”
 
“Anh ấy là con trai của mẹ tôi và chẳng thuộc quyền sở hữu của ai hết!”, người đàn ông đau khổ hét lên. Tay cảnh sát lạnh lùng đẩy ông ra. Sau đó, trước sức ép quá lớn của ông mà họ phải để ông vào trong một lúc để nói lời chào tạm biệt với anh trai trước khi lại đuổi ông ra ngoài một cách lạnh lùng.
 
Ông nói với cảnh sát rằng “Ngày mai, tôi sẽ quay lại để gặp anh ấy và cả ngày hôm sau nữa. Và tôi sẽ còn quay lại đây để nhìn anh ấy chừng nào chúng tôi chưa đưa được anh ấy về nhà ở Liverpool. Anh ấy không phải tài sản của các người.”
 
Một sĩ quan về sau cho biết ông thề đã nói thật trước tòa sau khi kể những gì mình biết là dối trá về hành vi của người hâm mộ Liverpool với một chính trị gia cao cấp, người mà ông tin đã thuật lại với Thủ tướng Margaret Thatcher – một nhân vật vốn rất ghét Liverpool. Câu chuyện mà ông và nhiều người khác kể lại cuối cùng lên trang nhất của tờ lá cải The Sun dưới tiêu đề “Sự thật”.
 
Bài báo cáo buộc cổ động viên Liverpool đã đi tiểu vào các nhân viên cứu hộ đang sơ cứu cho những người đang hấp hối và gây ra toàn bộ thảm họa vì say xỉn nên dùng bạo lực húc đổ cánh cổng. Thậm chí, bài báo còn nói người hâm mộ Liverpool móc túi của các nạn nhân đã qua đời. Dư luận Anh thì tin vào những gì họ biết về Liverpudlian (hay Scouser - người dân thành phố Liverpool).

“Vì thảm họa ở sân vận động Heysel mà chúng tôi không còn chỉ là tầng lớp lao động đơn thuần nữa mà biến thành những người lao động kinh tởm, xấu xí và bạo lực,” Paul Collins, một nhà hoạt động chống lại The Sun nói. “Quên The Beatles, quên những diễn viên hài đi, lúc bấy giờ các Scouser là những người rất tồi tệ. Giờ đây có 96 người chết trong một sân vận động. Chúng ta sẽ đổ lỗi cho họ. Dù sao, họ cũng chỉ là các Scouser”.
 
Dù những lời khẳng định của chính quyền trong nước có được củng cố như thế nào đi chăng nữa thì gia đình của 96 nạn nhân và người dân Liverpool cũng kiên quyết đấu tranh. Tại một buổi lễ tưởng niệm, ông Bill Kenwright – Chủ tịch của Everton, kình địch CLB Liverpool – đã phát biểu trước đám đông ở sân Anfield. Ông nói đã nhìn thấy một tấm biểu ngữ ở một trận đấu của Liverpool có nội dung “Các người đã chọn sai thành phố rồi” và khi đọc những từ đó, ông cho biết trong đầu ông lập tức nghĩ rằng: “Các người cũng chọn sai những bà mẹ rồi”.
 
Nhiều thập kỷ sau, một chính trị gia người Liverpool đã phát biểu tại Quốc hội và miêu tả về gia đình của 96 nạn nhân xấu số. “Họ đã chiến thắng mọi nghịch cảnh,” ông nói. “Họ đã giữ phẩm giá khi đối diện với tai họa khủng khiếp. Họ có thể đã không được thể hiện tình cảm nhiều hơn với những người thân đã mất. Họ thực sự đại diện cho những gì tốt đẹp nhất của đất nước chúng ta. Giờ đây, chắc chắn chúng ta phải suy nghĩ về việc nó đã khiến họ đau khổ và thất vọng suốt một thời gian dài”.
 

6.
Ngày hôm nay, gần như rất khó để tìm thấy một tờ The Sun được bán công khai ở thành phố Liverpool. Chúng chỉ được bán lén lút giống như các ấn phẩm có nội dung khiêu dâm. Hầu hết các sạp báo đều dán giấy ở cửa sổ để thông báo cho người mua biết là họ không có tờ báo lá cải lớn nhất nước. Cả Liverpool lẫn Everton đều không làm việc với các phóng viên đến từ tờ lá cải ấy. Tôi đã gặp Paul Collins, người phụ trách một tổ chức ở trong thành phố có tên Total Eclipse of the S*n ở quán café Italia trên một con phố.
 
“Anh có thể tìm thử trong một tuần và sẽ không thấy nó đâu,” Paul nói. “Anh có thể đến mọi quầy báo ở Liverpool nhưng cũng không thể tìm thấy”.
 
Tôi muốn Paul giải thích tại sao quê hương anh trong suốt một thời gian dài vẫn tiếp tục đấu tranh chống lại các thế lực mạnh hơn như các chính trị gia, cảnh sát và báo chí như vậy. Câu trả lời của anh đã đặt sự kiện Hillsborough vào đúng bối cảnh, ở cuối một thập kỷ khủng khiếp. Giống như nhiều thành phố công nghiệp của Mỹ, thập niên 70 đã giáng một đòn mạnh vào Liverpool.

Các bến cảng cùng nhà kho nổi tiếng của thành phố ngày càng ít hàng hóa hơn và công nhân của họ ngày càng ít việc làm. Thậm chí là thời điểm hiện tại, các nhà kho từng đầy ắp hàng hóa thì nay trống rỗng và bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm bên trong. Năm 1981, các cuộc đình công, bạo loạn ở khu của tầng lớp lao động có tên Toxteth đã khiến cả đất nước phải chú ý đến sự tuyệt vọng của Liverpool. “Liverpool đã trên bờ vực sụp đổ trong thập niên 80 bởi nạn thất nghiệp, đình công, bạo loạn, tất cả mọi thứ,” Collins nói.
 
Hai chúng tôi nhâm nhi cà phê và nói chuyện về lịch sử thành phố. Một người phụ nữ lớn tuổi nhìn vào một chiếc ghế trống và hỏi rằng liệu bà có thể tham gia hay không. Collins nhìn tôi và hỏi bà ấy “Bà nghĩ gì về The Sun?”
 
“Tôi không muốn bàn tay mình bị vấy bẩn cùng với nó,” bà trả lời.
 
Chúng tôi nhìn vào bức ảnh đen trắng trên tường ở tòa nhà đối diện chỗ mình, bức ảnh về những cậu bé đang ngồi cạnh nhau ở đài phun nước. Đài phun nước thì vẫn ở đây còn Collins thì nhìn vào những gương mặt, anh đoán chừng khoảng năm 1880 đổ đi, khi Liverpool vẫn là một thương cảng sầm uất. Anh nghĩ tới việc tất cả các cậu bé ấy giờ đây đã qua đời và những bến tàu cũng đã chết cùng với hầu hết các công việc xung quanh nó nữa nhưng thành phố thì vẫn còn đây. Người dân của thành phố vẫn ở đây và tiếng nói của họ từ lâu đã biến Anfield Kop trở thành một địa chỉ đáng sợ, cuồng nhiệt.
 
Collins là một cổ động viên Liverpool; anh đã đến Thổ Nhĩ Kỳ để chứng kiến lần gần nhất Liverpool vô địch Champions League: phép màu Istanbul, như nó vẫn được gọi, khi từ chỗ để thua 0-3 sau hiệp một đến giành chiến thắng trên chấm luân lưu. “Tôi tới Istanbul năm 2005, một trong những tối nổi tiếng nhất trong lịch sử của chúng tôi,” Collins bày tỏ. “Chúng tôi ở một nơi có tên là quảng trường Taksim ở trung tâm Istanbul.

Quảng trường ấy rất lớn, và có hàng nghìn người hâm mộ có mặt tại đó. Các tấm biểu ngữ được giăng khắp nơi. Tôi đi bộ và đọc chúng, một vài cái là những bài thơ và anh biết không, thậm chí có cả những bài phát biểu của tướng De Gaulle, thật điên rồ. Nhưng cái tôi ấn tượng nhất là “Mẹ kiếp, Scousers đã trở lại”. Và nó khiến tôi bật cười. Chúng tôi đã trở lại sau 20 năm, trở lại đỉnh cao của đấu trường châu Âu. Mẹ kiếp, Scoursers đã trở lại”.
 

7.
Thành thật mà nói, đó là những gì tôi nghĩ đến khi Man United đối đầu Man City. Trận đấu vào đêm thứ Tư ấy đặt Liverpool vào một tình thế kỳ lạ khi phải cổ vũ cho kình địch lớn nhất và cũng đáng ghét nhất của họ. Nếu Manchester United thắng hoặc hòa, Liverpool sẽ vượt lên Manchester City trong cuộc đua vô địch. Cơn gió lạnh thổi đến Liverpool, một cơn mưa trút xuống để lại các con phố xung quanh sân Anfield đầy những vũng nước và phản chiếu ánh đèn đường.
 
Tôi đến một quán rượu có tên Arkles ở gần sân vận động và thấy một bàn. Người đàn ông ngồi cạnh tôi tên là Frank, anh ta đang đọc tờ báo của địa phương. Anh có hình xăm YNWA ở cẳng tay bên phải. Anh sống gần đó, giống như hầu hết những người ở quán rượu này (ngoại trừ tôi). Trận đấu chỉ còn chưa đầy một giờ đồng hồ nữa sẽ diễn ra. “Đó là lý do tôi uống rượu. Tôi uống để mình bình tĩnh lại,” anh nói.
 
Một cặp đôi ngồi trong góc đã gọi và mở một chai rượu. Một người đàn ông chơi ném phi tiêu. Một người khác đi lại quanh một cái thảm gây ảo giác.
 
“Tất cả Evertonian (cổ động viên Everton) đều cổ vũ City và tất cả người hâm mộ ‘Lữ đoàn đỏ’ thì ủng hộ United,” anh cười và nói như thế. “Có những thứ không đúng cho lắm”.
 
Frank rời quán rượu để về nhà xem trận đấu. Giá vé đã tăng lên, rất nhiều người từng góp phần lấp đầy khán đài The Kop thì giờ truyền thống của họ trong những ngày diễn ra trận đấu là có mặt ở những quán rượu như thế này hoặc ở nhà. Cặp đôi uống rượu đã rời đi 15 phút trước khi trận đấu diễn ra để về nhà theo dõi.
“Tiến lên nào, United!” Một nữ cổ động viên nói với những người bạn ngồi cạnh.
 
United không thể sớm vươn lên dẫn trước và một ông lão đội chiếc mũ Liverpool đã đập tay xuống bàn. “Quỷ đỏ” đã suýt ghi bàn ở phút 18 và ai đó đã hét lên “Trời ơi, cái quái gì thế!”. Khi hiệp một khép lại, một anh chàng cùng cô bạn gái cắn móng tay. Và rồi Man City có bàn thắng.
 
Một ông lão như muốn bốc hỏa, lắc đầu và không nói gì. Quán rượu yên tĩnh và khi United bỏ lỡ  một tình huống ghi bàn, có người lẩm bẩm “Chúa ơi” và gục đầu xuống đôi bàn tay. Người ngồi cạnh ông thì phải che miệng lại vì quá sốc.
 
“Trái tim của các người đâu? Các người là những kẻ không có trái tim!”, ai đó hét lên. “Chết tiệt!”, một người khác nói. Và rồi, không gian yên tĩnh trở lại.
 
Mọi người ra về trong đêm và tôi nghĩ về tổ tiên của họ, những người đến từ Ireland, Scotland, Xứ Wales và việc họ đã xây dựng nên một thành phố, một đế chế và một thứ tinh thần – “Scouse (phương ngữ Liverpool) không phải tiếng Anh”, mọi người hay nói như thế - và bạn yêu CLB Liverpool hay ghét họ, họ đi khắp thế giới như chính con người mình, điều này gắn với những thủy thủ đoàn trên các chuyến tàu suốt ba thế kỷ, các công nhân bến cảng đã bốc dỡ nguyên vật liệu và chế tạo nên của cải vật chất để làm nên thế giới hiện đại. Tôi nghĩ về những cậu bé ngồi bên đài phun nước, về Paul Collins và bất cứ điều gì bên trong con người anh để khiến anh kiên trì theo đuổi cuộc đấu tranh của quê hương.
 
8. Liverpool là một thành phố gồm toàn những nhà hoạt động cánh tả, những người thuộc tầng lớp lao động với những hiệu sách quy củ (tất nhiên có bán cả sách về Liverpool) và những quán rượu bình dân với những tấm áp phích cổ điển của Liên Xô trên tường. Ý thức chính trị đó ngấm vào các nhóm cổ động viên, những người đại diện cho một thành phố được tạo ra từ những người lao động nghèo. Lịch sử đó rất quan trọng với bất cứ cuộc tranh luận, thảo luận nào về gia đình của 96 nạn nhân xấu số và quyết định của thành phố khi đấu tranh trở lại. Và đó cũng là lý do tại sao CLB Liverpool từ lâu đã khiến các đội bóng khác phải sợ hãi và tôn trọng đồng thời nó cũng giúp ta hiểu mùa giải kỳ diệu này có ý nghĩa như thế nào.
 
Đế quốc Anh tồn tại nhờ nguyên liệu thô từ cảng Liverpool chuyển đi và từ đó trở thành những mặt hàng chất lượng. Tuy nhiên, “hàng hóa” có giá trị nhất với sự phát triển của Liverpool là nô lệ châu Phi. Những con tàu chất đầy hàng hóa từ Liverpool đi dọc bờ biển Tây Phi, họ bán tất cả và dùng số tiền ấy để đưa nô lệ lên thuyền. Sau đó, những con thuyền giương buồm đến châu Mỹ để bán nô lệ và một lần nữa lại chất đầy lên thuyền đường, bông và thuốc lá.
 
“Chặng giữa” (Middle Passage), cái tên đáng sợ này được đặt như vậy vì đó là phần giữa của hành trình theo kiểu hình tam giác đến Liverpool. Theo cuốn sách “Bến tàu Liverpool” (Liverpool Docks) của David Paul, trung bình các nô lệ mang về khoảng 8% đến 10% lợi tức để tái đầu tư, tạo ra khối lượng tài sản và quyền lực khổng lồ.

Trong khoảng thời gian từ năm 1787 đến 1807, thị trưởng nào của Liverpool cũng đều gắn liền với buôn bán nô lệ. Gia đình Heywood đã kiếm được rất nhiều tiền từ buôn bán nô lệ và sau đó thành lập ra một ngân hàng. Ngân hàng đó đổi chủ nhiều lần và cuối cùng, theo tài liệu lưu trữ quốc gia của Anh và BBC, nó trở thành một phần của Barclays. Gia đình Leyland cũng mở ra một ngân hàng, cũng được mua bán và sáp nhập nhiều lần. Theo thông tin về lịch sử gia đình trên Liverpool Echo, cuối cùng nó sáp nhập vào HSBC.
 
Ngay cả sau đó, khi chế độ nộ lệ bị coi là bất hợp pháp, sự phát triển của Đế quốc Anh và những thuộc địa của nó vẫn tiếp tục biến Liverpool thành một trong những thành phố giàu có nhất thế giới. Từ năm 1820 đến 1865, khoảng 80% – 90% số lượng bông vào Anh đều phải qua Liverpool. Người dân thành phố đã lắp rất nhiều tàu đến nỗi tất cả cây ở khu Lord Sefton đều bị chặt hạ hết. Sự cứng cáp, bền bỉ của những con tàu tác động đến tất cả mọi người, kể cả các nhạc công. Một công ty âm nhạc đã thuê một ban nhạc nổi tiếng của Liverpool xuất hiện trên tàu Titanic. Họ đã liên tục chơi nhạc cho đến khi chết. Đó chính là Liverpool.
 
Sau đó, việc phát minh ra container vận tải đa phương thức khiến tổng trọng tải hàng năm của cảng sụt giảm vì các kho chứa hàng thực sự không còn quá cần thiết. Các công đoàn của công nhân bến cảng đã đấu tranh phản đối kịch liệt các container nhưng không thành công, và những cuộc tranh đấu này đến tận thập niên 70 của thế kỷ 20 mới chấm dứt. Vào mùa hè nóng bỏng năm 1981, với tình trạng thất nghiệp hoành hành và Liverpool trên bờ vực sụp đổ, các cuộc bạo loạn đã xảy ra ở khu Toxteth.

Để đối phó lại, Bộ trưởng ngân khố Anh đã kêu gọi Thủ tướng Thatcher bỏ thành phố này và cho phép nó tan rã từ một “sự lụi tàn được kiểm soát”, theo các hồ sơ công khai hiện đã được công bố. Các vị lãnh đạo ở London muốn Liverpool lụi tàn và chết. Để chống lại Thatcher, các cử tri đã bầu ra các chính quyền thành phố theo hướng xã hội chủ nghĩa cứng rắn từ năm 1983 đến 1987 chỉ để chờ đợi Đảng Lao động đẩy những vị quan chức ra khỏi chính phủ và thay thế họ. Thành phố này chưa bao giờ tha thứ cho những nhà lãnh đạo ở thủ đô.
 
“Liverpool chưa bao giờ thực sự bằng lòng với London,” Collins nói. “Họ nhìn về nước Mỹ. Họ nhìn về Ireland. Anh biết câu nói của chúng tôi mà: ‘Scouse không phải tiếng Anh’. Và hãy quay trở lại thập niên 80. Chúng tôi từng đến Wembley để tham dự các trận chung kết cúp. Chúng tôi sa sút vào giữa thập niên 80 và họ chơi bài ‘God Save the Queen’. Chúng tôi luôn hát ‘You'll Never Walk Alone’ thay cho quốc ca. Và tôi nhớ là trong suốt nhiều năm, các bình luận viên thường nói trên sóng truyền hình trực tiếp rằng ‘Điều này thật đáng xấu hổ, những cổ động viên Liverpool’, anh biết đấy, đó là sự thiếu tôn trọng nữ hoàng. Nhưng bà ấy sống trong cung điện mạ vàng trong khi có rất nhiều người vật lộn từng ngày để kiếm sống ở Liverpool. Và họ muốn chúng tôi hát quốc ca”.
 
Trong suốt ba thế kỷ, những người lao động nghèo của thành phố Liverpool đã làm những công việc nguy hiểm trên tàu, trên bờ để các nhà đầu tư và gia đình quyền lực trở nên giàu có. Họ là những người đàn ông, phụ nữ đã đến một sân bóng ở Hillsborough, nơi mà họ thấy những kẻ cũng sở hữu quyền lực muốn xóa sổ họ khỏi thế giới. Đó là những người quyết định chống lại cảnh sát, chính trị gia và báo chí: Tầng lớp lao động Liverpool dựa trên nền tảng của một đế chế đã được xây dựng. Họ không thể quay ngược thời gian để chống lại những bất công ấy nhưng khi đó họ có thể. Khi ấy, họ đã đấu tranh và giành chiến thắng, một thành phố bị cô lập bằng cách nào đó đã trở nên gắn kết hơn bao giờ hết.
 
9. Tôi gặp Dave Pichilingi ở văn phòng của anh nằm trong khu phố Baltic Triangle của Liverpool. Anh đang chạy một lễ hội âm nhạc có tên Sound City. Chúng tôi ngồi trên gác xép trong khi ở phía dưới, 10 đến 20 bạn trẻ đang gấp rút chuẩn bị cho lễ hội âm nhạc chỉ còn chưa đầy một tuần nữa sẽ diễn ra.
 
Anh gõ ngón tay liên tục vào chiếc MacBook. Có một bức tranh tường hình HLV Juergen Klopp trên phố đối diện văn phòng của anh, và các cửa hàng cà phê, quán bar cũng như các địa điểm tổ chức sự kiện được lót ván gỗ sang trọng. Thành phố ấy đã trở lại mạnh mẽ từ bờ vực sụp đổ. Liverpool không chết. Không hề có sự lụi tàn được kiểm soát nào hết. Baltic Triangle là một trong những ví dụ điển hình nhất về nguồn năng lượng lan tỏa khắp thành phố: Đó là một nơi hiện đại, đa văn hóa và đầy nội lực mà bằng cách nào đó cũng đã có thể trở thành một kiểu bộ lạc. Một vài nơi khác trên thế giới có cả hai điều đó.
 
“Có một công viên trượt băng và Netflix đã dán một quảng cáo trên tường,” Pichilingi nói. “Tất cả những đứa trẻ trượt băng đã bóc ra, chỉ khoảng 4 giờ sau khi nó được đăng lên. Chúng nói ‘Không phải ở trong thành phố của chúng ta.’”
 
Liverpool là một thành phố toàn cầu và CLB Liverpool là một CLB toàn cầu, điều tạo ra sự tranh cãi tự nhiên trong cộng đồng người hâm mộ. Những thứ gì thuộc về các khu phố cũ và những điều gì của thế giới mới? Tại sao chúng ta không thể đóng góp cho quyền phát triển, như một người cha từng nói với tôi? Đâu là ranh giới giữa “của chúng ta” và “của họ” trong một thành phố mà sức cuốn hút của hồn cốt văn hóa đến từ nền tảng khác?
 
Âm nhạc của thành phố trở thành thứ hàn gắn những chia rẽ. Tạp chí BOSS đã tạo ra các sự kiện và bữa tiệc cùng xem bóng đá để những người không đến Anfield vì vé quá đắt có một nơi lưu giữ văn hóa của họ đồng thời tiếp tục làm chủ và định nghĩa nó. Họ gọi những sự kiện như thế là BOSS Night. HLV Klopp từng tham gia một trong số các sự kiện như thế, hành động cho thấy ông muốn tìm hiểu, hòa nhập ngôi nhà mới của mình giống như cách mà Sir Kenny Dalglish, HLV của CLB thời điểm xảy ra sự kiện Hillsborough, đảm bảo rằng đội bóng luôn có một đại diện ở tất cả đám tang của 96 nạn nhân. Dalglish đã đến rất nhiều gia đình và chính gia đình của các nạn nhân xấu số đã đóng góp tiếng nói quan trọng để ông được nhận tước hiệu hiệp sĩ.
 
Phần trình diễn bài hát "Allez, Allez, Allez" của Jamie Webster – một kỹ sư của địa phương – tại các sự kiện BOSS Night đã trở thành một hiện tượng, bài hát hiện tại được chơi ở Anfield và khắp nơi trên thế giới. Webster đi khắp thế giới, ở bất cứ đâu mà đội bóng thi đấu, để chơi ca khúc của mình như một bài thánh ca và phần nào đó là lời cảnh báo. “Chúng tôi là những cổ động viên trung thành và chúng tôi đến từ Liveprool,” anh hát.
 
Một trong những nhạc công biểu diễn cùng Webster ở xung quanh sân Anfield trước các trận đấu, Kieran Molyneux, nói suốt một thời gian dài anh rất khó chịu trước tất cả những người mới gia nhập cổ vũ đội bóng của anh. “Khi tôi lần đầu tiên đến các trận đấu, tôi không quan tâm đến những ai không đến từ Liverpool, đến từ một gia đình như tôi và có một nền tảng giống tôi”.
 
Và rồi anh nhận ra mình có ba lựa chọn. Thứ nhất, anh có thể dừng đến các trận đấu. Một vài người đã làm thế và thậm chí lập ra một đội bóng mới là City of Liverpool FC. Đó là nơi chứa đựng các tư tưởng chính trị về tình đoàn kết của giai cấp công nhân và khát khao trở thành CLB bóng đá chuyên nghiệp theo tư tưởng cộng sản đầu tiên trên thế giới.
 
Thứ hai, anh có thể đi đến sân và tự dằn vặt, than vãn. Hoặc thứ ba, anh có thể dạy những “tân binh” ấy về lịch sử đội bóng mà họ đã chọn.
 
Molyneux chọn phương án ba. Hiện tại, anh đang chơi nhạc sống ở quán rượu The Sandon, cách Anfield một khu nhà, vào ngày diễn ra trận đấu. Trong quán bar nơi CLB Liverpool được thành lập, anh chơi những bài nhạc cũ từ trên sân thượng. Khán giả đến từ hàng chục quốc gia khác nhau và hát cùng với những chàng trai trẻ từ khu L8 đến L4 và khắp các khu vực nội thành của Liverpool. Ở nhiều CLB lớn với cộng đồng người hâm mộ trên toàn cầu, những căn phòng sinh hoạt chung như thế là điều không thể.
 
Ở một trong số các nhóm ultra, những người da trắng thuộc tầng lớp lao động, có một nhóm người theo đạo Sikh đạp xe mỗi tuần. Những người đàn ông cổ điển ở trên xe buýt gặp nhiều vấn đề với London hơn là một tôn giáo mà họ không thực sự hiểu. Sự gắn kết đó là nhờ Toxteth, Thatcher và Hillsborough: Bất cứ ai cũng có thể là một phần của bộ lạc miễn là họ bảo vệ mã văn hóa và tôn trong lịch sử của nó. Không cúi đầu trước bất cứ ai. Không đọc The Sun. Không treo cờ Union Jack (Quốc kỳ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland). Là người Liverpool, nói tiếng Liverpool chứ không phải người Anh, nói tiếng Anh. Trong suốt 29 năm khi thế giới bóng đá chứng kiến CLB Liverpool sa sút, những điều đó trở thành thứ gắn kết mọi người lại để chuẩn bị cho một mùa giải như hiện tại.
 
“Có nhiều thứ để nói với những người bên ngoài về sự ảnh hưởng và tất cả chúng ta là Scouser,” Pichilingi nói. “Bất kể màu da của bạn là gì, thì chúng ta cũng đều có điểm chung là Scouser. Tôii nghĩ mọi người chọn Liverpool vì thành phố của họ cũng chấp nhận các Scouser”.
 
“Thật chứ?” Tôi hỏi anh với ánh mắt hồ nghi.
 
“Không, không, là thật đấy!” anh trả lời chắc nịch. “Hoàn toàn thật! Hoàn toàn thật! Liverpool là một thành phố luôn xem mình là kẻ ngoài cuộc. Liverpool đôi lúc có nhiều điểm chung với New York hơn là nước Anh. Vì thế, luôn có cảm giác là chúng tôi luôn nhìn ra ngoài thế giới xa xôi”.
 
Tôi tới một quán rượu gần đó, chui xuống dưới hầm – một phần của nhà kho bỏ hoang, nơi họ bán những lon rượu táo Thatcher, thứ được đặt bằng mã. Người chủ bảo tôi: “Rượu táo quý bà đã chết” – một lời nhắc nhở rằng thời gian dù có qua đi nhưng một thành phố như Liverpool thì không bao giờ quên. Khi Thatcher qua đời, nhiều cổ động viên của CLB Liverpool đã hát “Maggie đã chết, đã chết, đã chết”.
 
Người hâm mộ giăng những tấm biểu ngữ: “Ding, Dong, Mụ phù thủy đã chết. Công lý cho 96 nạn nhân”; “Bà không bận tâm khi bà dối trá. Chúng tôi không quan tâm là bà đã chết”; “Bà đã chọn sai thành phố”.
 
Chồng của chủ quán rượu, người đàn ông có tên Tristan, nói chuyện với tôi về một chuyến đi mà anh và một vài người bạn vừa trở về, nơi họ đã đi quanh một cái hồ ở Thụy Sỹ và giả vờ như đang tham gia một tour đi thăm quan bến cảng Liverpool (có thể anh ta đã dùng một số chất kích thích gây ảo giác). Anh đã bắt nhịp cho cả nhóm hát ca khúc "Ferry Cross the Mersey". Hai vợ chồng anh nói về câu hát mà họ đặc biệt yêu thích: “Chúng tôi không quan tâm tên của bạn là gì, chàng trai. Chúng tôi sẽ không bao giờ chối bỏ bạn”.
Tristan mỉm cười. “Điều đó chính là tính cách quan trọng của người Liverpool”, anh nói.
 
Coutinho khen ngoi bo ba tan cong cua Liverpool
 
10. Trước đây tôi chưa bao giờ tới Anfield và vào một tối thứ Sáu mưa gió lạnh lẽo, chỉ vài giờ trước khi bóng lăn, tôi đã đến một khu phố. Các sân vận động vĩ đại đều có nguồn năng lượng riêng – những nơi như sân Tiger ở Baton Rouge, Old Trafford ở Manchester, Azteca, Melbourne Cricket Ground hay Wrigley Field – nó tọa lạc ở trên đường phố và tạo ra một bong bóng ma thuật. Trên một chiếc khăn được bán ở đối diện cổng sân có dòng chữ “Chẳng có nơi nào ồn ào như tiếng ồn ở Anfield”.
 
Bên ngoài sân, những người bán bánh và khoai tây chiên cùng với cà ri hoặc nước sốt. Bên trong sân vận động, các cổ động viên đứng chen nhau. Những khán đài lớn thì hoạt động giống như một đường hầm gió, nhiệt độ sẽ giảm đáng kể khi bạn bước vào để tìm chỗ ngồi. Ở khu vực báo chí ở phía dưới, có các cốc cà phê được pha nóng hổi. 
 
Khi tôi bước vào trong khán đài, “A Hard Day’s Night” của The Beatles vang lên. Chúng tôi ngồi xuống. Các cổ động viên hát “You'll Never Walk Alone” và sau đó giữ im lặng trong một phút để mặc niệm một cựu ngôi sao của đội là Tommy Smith, người vừa mới qua đời. Sân vận động hoàn toàn yên lặng, không hề có tiếng huýt sáo nào hết dù là cổ động viên khách. Giống như sự ồn ào ở Anfield không giống với nơi nào thì sự yên lặng ở đây cũng vậy. Các khán giả trung thành của sân bóng này có lẽ hiểu hơn ai hết về sự tôn trọng và tôn vinh một ký ức.
 
Trận đấu với đội bóng đã xuống hạng là Huddersfield bắt đầu. Naby Keita mở tỷ số sau 15 giây. Anfield gầm lên để ăn mừng. Trong 89 phút tiếp theo, Liverpool pressing và tấn công, họ ghi thêm 4 bàn nữa và chơi thứ bóng đá mà dù có vô địch Premier League hay không thì họ cũng đã tạo ra một mùa giải mà người hâm mộ sẽ không bao giờ quên. Juergen Klopp, người cảm thấy như mình đang chuyên chở tinh thần của CLB giống như Alex Ferguson đã làm cho Man United, xuất hiện sau trận với một nụ cười. Ông ngồi trong phòng họp báo và ca ngợi phong cách thi đấu của đối thủ cũng như đội bóng mà mình dẫn dắt. Ông cũng nói về mùa giải này của đội bóng.
 
“91 điểm, thật điên rồ”, chiến lược gia người Đức nói và lắc đầu.
 
Ông nói tới 2 tuần tiếp theo, với mỗi trận đấu đều rất quan trọng với cả Liverpool lẫn Man City. Dù sao, Klopp cũng tự hào về cách đội bóng ông thi đấu dưới áp lực và sự căng thẳng trong mùa giải tuyệt vời này. Với nụ cười và niềm tin mãnh liệt của ông, tất cả điều ấy dường như là sự khởi đầu cho một điều gì đó dù họ có đứng thứ hai chung cuộc với số điểm 97 đáng kinh ngạc.
 
Klopp lieu co the giup Liverpool tao ra man nguoc dong than thanh chua tung co trong lich su Champions League o tran luot ve?
 
“Chúng tôi không thể làm gì hơn là giành chiến thắng những trận đấu này,” Klopp bày tỏ. “Nếu không thắng thì chúng tôi cũng đã làm hết sức. Bạn không thể đòi hỏi vào định mệnh. Bạn phải làm việc vì nó”.
 
Tôi rời sân vận động, đi qua một vũng nước và kéo áo khoác thật chặt. Một cơn mưa đổ xuống. Rời khỏi sân, tôi đi bộ tới quán rượu The Sandon có tấm thảm màu đỏ tía và một vương miện màu trắng. Ở đây có rất đông người, tôi gọi một ly Worthington và lang thang về phòng khiêu vũ lớn nơi Kieran đang chơi nhạc. Tôi đã nghe thấy những giọng Mỹ, giọng tới từ tiểu lục địa và nhiều nơi khác mà tôi  không thể gọi tên. Tôi cũng nghe thấy giọng Liverpool, mọi người đứng chật kín phòng hát khi Kieran chơi những ca khúc cũ về Rafa Benitez theo giai điệu của “La Bamba” và một bài hát về chức vô địch Champions League theo giai điệu của “Sloop John B" – “Chúng tôi đã vô địch 5 lần, chúng tôi đã vô địch 5 lầnnn” – anh gõ vào cây đàn và mọi người đồng thanh hát theo.
 
Có rất nhiều niềm vui trong căn phòng này. Mọi người sinh ra ở bất cứ đâu và họ chọn nó, họ biết những mã văn hóa cũ và cố gắng học. Và đêm đó, trong một quán rượu dưới cái bóng của một sân vận động trống không, hy vọng mong manh và sự thất vọng mơ hồ trong 2 tuần tới dường như xa xôi tít bến cảng ngoài kia.
 
Dịch từ bài viết “Liverpool rising” của tác giả Wright Thompson trên ESPN

CG
 (TTVN)
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.

X
top-arrow