Ngày Fenway Sports Group mua lại CLB, doanh nhân John Henry tuyên bố: “Chúng tôi ở đây là để giành chiến thắng”. Từ vị trí trong nhóm xuống hạng vào đầu thập niên cho tới chức vô địch Premier League 10 năm sau đó là một khúc tráng ca quá đẹp về một gã khổng lồ tỉnh giấc, rũ bùn, đứng dậy, sáng lòa.
Chức vô địch Premier League 2019/2020 không chỉ đánh dấu lần đầu tiên Liverpool chạm tay vào danh hiệu này. Nó còn là một dấu chấm ngọt ngào cho 10 năm vươn lên từ đáy vực để tìm lại vị thế vốn có.
Người hâm mộ Liverpool có lẽ đang là những cổ động viên bóng đá hạnh phúc nhất thế giới vào thời điểm này. Sau biết bao chờ đợi (30 năm cho lần tiếp theo vô địch quốc gia, 28 năm cho lần đầu tiên vô địch Premier League, 1 năm kể từ khi trở thành “kẻ về nhì vĩ đại” phía sau Manchester City và vài tháng trông ngóng vì đại dịch COVID-19 bất ngờ ập đến), họ đã được hưởng trái ngọt.
Và nếu nhớ lại những gì đội bóng đã trải qua vào đầu thập kỷ này, các cổ động viên Liverpool sẽ còn cảm thấy hạnh phúc hơn nữa bởi họ đã đồng hành cùng CLB một chặng đường dài từ dưới đáy vực sâu đi lên ngôi cao 9 tầng. Một hành trình không hề đơn giản, có những đớn đau, nuối tiếc, những giọt nước mắt rơi và cả nụ cười hạnh phúc. Nhưng sau cùng, mọi thứ cũng qua để khi nhìn lại thấy thành quả ngày hôm nay thật sự ngọt ngào.
Liverpool ngày nay là một cỗ máy chiến thắng trên sân cỏ, một tập thể với cấu trúc vững chắc và giàu chuyên môn ở hậu trường. Nhưng 10 năm trước, mọi thứ ở Anfield rối như canh hẹ. Những định hướng bị che lấp bởi tương lai mờ mịt, nguy cơ phá sản ập đến, những ngôi sao chán nản và đáng hổ thẹn là cái tên Liverpool bị nhắc tới với mục tiêu trụ hạng.
Đó là thời kỳ mà tiền đồ đội bóng tối đen như mực trong những năm tháng cuối cùng dưới quyền sở hữu của bộ đôi Tom Hicks và George Gillet. Roy Hodgson đến thay thế Rafa Benitez trên băng ghế huấn luyện với thành tích giúp Fulham lọt vào chung kết Europa League trong mùa giải trước đó. Nhưng tất cả vẫn là một mớ bòng bong không lối thoát. Đội bóng đứng trước nguy cơ phá sản với khoản nợ 351 triệu bảng trước khi được bán cho John Henry của Fenway Sports Group.
Trên sân cỏ, thành tích đội bóng bết bát và đáng thất vọng. Những bản hợp đồng như Paul Konchesky, Joe Cole hay Milan Jovanovic trở thành đại diện cho sự thất bại. Bạn sẽ hiểu sự thất bại của triều đại Hodgson là như thế nào nếu lắng nghe những gì nhà cầm quân này nói sau trận derby vùng Merseyside vào giữa tháng 10 năm 2010 trên sân Goodison Park, trận đấu mà Liverpool thất bại 0-2. Trong cuộc họp báo, Hodgson khẳng định: “Đó là trận đấu tốt nhất của chúng tôi trong mùa giải này. Tôi chẳng có gì phải băn khoăn về màn trình diễn này cả. Giành một kết quả tốt ở đây là điều không tưởng”.
Ở trên khán đài, cổ động viên Liverpool hòa cùng các cổ động viên đối thủ phản đối chiến lược gia người Anh vì lối chơi bế tắc và bảo thủ. Hodgson phản pháo lại rằng: “Sự cổ vũ của người hâm mộ trên sân Anfield không thực sự có kể từ khi tôi tới đây”. Việc Liverpool xuất hiện trong nhóm xuống hạng là đỉnh cao của sự hổ thẹn. Kết quả, Hodgson bị sa thải vào đầu tháng 1 năm 2011 với tư cách là HLV có triều đại ngắn nhất lịch sử CLB.
Có thể nói, triều đại của Hodgson là đại diện cho cuộc khủng hoảng của Liverpool đầu thập niên 2010. Họ ngụp lặn trong hố sâu tăm tối. Kế tiếp đó là nỗ lực chắp vá không thành công của Kenny Dalglish, dự án dở dang và tiếc nuối của Brendan Rodgers trước khi Jurgen Klopp tới. Và hãy nhớ rằng, Klopp cũng mất một vài năm đầu tiên để xây dựng một nền móng trước khi có được ngày hôm nay. Một hành trình rất dài.
Đi qua ngày mưa mới thấy yêu những ngày nắng. Có trải qua những lụn bại của quá khứ mới trân trọng thành công của ngày hôm nay. Danh hiệu League Cup 2011/2012 chắc chắn không đủ sức nặng để đong đếm thành công cho một CLB tầm cỡ như Liverpool bởi trên bảng xếp hạng Premier League mùa giải đó họ chỉ xếp thứ 8 - vị trí thấp nhất trong 18 năm. Cú trượt chân của Steven Gerrard ở mùa giải 2013/2014 đã trở thành biểu tượng cho sự dở dang của triều đại Rodgers. Những giọt nước mắt lăn trên má Luis Suarez trong ngày Liverpool bị Crystal Palace lội ngược dòng là điều người hâm mộ đội bóng không thể quên.
Tuy nhiên trong suốt hành trình đó, Liverpool đã kiện toàn bộ máy ở đội ngũ ở hậu trường, từ bộ phận chuyên môn, chuyển nhượng cho đến thể lực, dinh dưỡng. Thành công của Liverpool ngày hôm nay không chỉ là thành công của riêng mình Jurgen Klopp cùng ban huấn luyện và các học trò. Đó còn là đóng góp của những người như chủ tịch Tom Werner, giám đốc thể thao Michael Edwards hay những người mà thật hiếm có dịp để được nêu tên như Ian Graham (Giám đốc phòng nghiên cứu), Andreas Kornmayer (Trưởng phòng thể chất), Mona Nemmer (Trưởng phòng dinh dưỡng), Philipp Jacobsen (Trưởng phòng hiệu năng và phục hồi y tế) hay Christopher Rohrbeck (Bác sĩ vật lý trị liệu). Và còn rất nhiều con người khác nữa.
Liverpool của Klopp đã từng là một đội bóng mong manh trước khi trở thành một tập thể thi đấu trơn tru như hiện tại. Chiến lược gia người Đức từng nhận vô vàn áp lực khi không thể giúp Liverpool giành danh hiệu nào sau gần 4 năm nắm quyền. Nhưng sau cùng tất cả vẫn đủ kiên nhẫn - từ ban lãnh đạo, bản thân Klopp, các cầu thủ cho tới người hâm mộ - để đội bóng có được vị thế và thành quả như hiện tại.
Klopp đã khóc khi Liverpool vô địch Premier League trong bối cảnh mùa giải còn 7 vòng đấu nữa. Nói một cách vui vẻ thì họ rất ít khi vô địch nhưng một khi đã lên ngôi thì phải theo cách hoành tráng như vậy. Tuy nhiên điều đó cũng cho thấy sự xứng đáng của họ sau một hành trình dài thi đấu ổn định. Klopp đã bước chân vào ngôi đền những huyền thoại trong lịch sử CLB còn thế hệ cầu thủ này xứng đáng được thừa nhận về sự vĩ đại.
Ngày Fenway Sports Group mua lại CLB, doanh nhân John Henry tuyên bố: “Chúng tôi ở đây là để giành chiến thắng”. Từ vị trí trong nhóm xuống hạng vào đầu thập niên cho tới chức vô địch Premier League 10 năm sau đó là một khúc tráng ca quá đẹp về một gã khổng lồ tỉnh giấc, rũ bùn, đứng dậy, sáng lòa.
CG