Liệu Liverpool có thoát được “bóng ma” của mùa giải cũ?

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Sáu 30/07/2021 18:21(GMT+7)

Từng là nhà vô địch Premier League 2019/2020 đồng thời phá vỡ rất nhiều kỷ lục tồn tại từ trước đó, thế nhưng ở mùa giải trước Liverpool đã sa sút không phanh, thậm chí suýt chút nữa không thể giành vé dự Champions League.

 
Khi nói về thất bại của Liverpool ở mùa giải trước, đa phần tất cả mọi người đều nói về chấn thương. Đúng, nhà vô địch Premier League 2019/2020 đã quá đen đủi khi mất hàng loạt các trụ cột vì cơn bão chấn thương tàn phá. Và việc thiếu hụt nhân sự ảnh hưởng trực tiếp đến cách vận hành lối chơi của Liverpool.
 

NGUYÊN NHÂN CHO SỰ SA SÚT

 
Cụ thể, lối chơi của Liverpool trong vài năm trở lại đây thường theo một quy chuẩn nhất định; pressing mạnh mẽ, sử dụng nhiều đường chuyền dài và một hàng phòng ngự dâng cao. Một hàng phòng ngự dâng cao, nghe qua thì có vẻ mạo hiểm nhưng đó là chính là mảnh ghép không thể thiếu trong hệ thống chiến thuật của Jurgen Klopp.
 
Về cơ bản, một hàng phòng ngự dâng cao sẽ hỗ trợ cực tốt cho công tác pressing. Bằng việc lợi dụng bẫy việt vị, họ sẽ biến chiều dài sân bóng 100m nhỏ lại còn 60-70m. Khi diện tích chơi bóng giảm xuống, đồng nghĩa với mật độ cầu thủ có mặt trên sân cũng tăng lên. Điều này hoàn toàn có lợi cho việc pressing, khi các cầu thủ của Liverpool không cần di chuyển quá nhiều để tranh chấp mà vẫn tạo ra sức ép liên tục.
 
Hàng phòng ngự dâng cao của Liverpool cũng là “bẫy vô hình” đối với những đội bóng đối mặt với họ. Cái bẫy này khiến phần lớn các đối thủ từ bỏ lối chơi triển khai bóng thông thường khi nhìn thấy khoảng trống mênh mông phía sau các hậu vệ của Liverpool. Họ sẽ cố gắng lên bóng thật nhanh để khai thác điểm yếu của hàng phòng ngự dâng cao. Nhưng như vậy đồng nghĩa với việc họ cũng đứng trước nguy cơ đánh mất quyền kiểm soát bóng. Và đây cũng là điều mà Liverpool dẫn dụ đối thủ, buộc họ phải chơi theo cách mà Jurgen Klopp mong muốn.
 
Hàng phòng ngự dâng cao là “đặc sản” của Liverpool dưới thời Jurgen Klopp
 
Ở thời kỳ đỉnh cao, Liverpool rất tự tin trong việc chống phản công, bí quyết nằm ở những đường chuyền dài vượt tuyến. Trong những trận cầu đỉnh cao, trước những đội bóng có xu hướng pressing mạnh mẽ chẳng kém, họ thường đưa bóng trực tiếp bằng những đường chuyền vượt tuyến lên khu vực 1/3 sân đối phương. Cách làm này khiến đối thủ chỉ có thể giành lại bóng ở bên phần sân nhà của họ. Với khoảng cách xa như vậy thì khi dính phản công, một hàng phòng ngự dâng cao sẽ có đủ thời gian để phán đoán và tổ chức, các hậu vệ cánh dâng lên cao cũng kịp thời lui về phòng ngự.
 
Những trung vệ như Virgil van Dijk, Joel Matip hay như thủ thành Alisson Becker đều được tập luyện hàng tuần để phòng ngự trong những tình huống kiểu như vậy. Thoạt nhìn thì chúng ta luôn cảm thấy Liverpool chống phản công thật điên rồ, nhưng những tình huống “điên rồ” ấy không phiêu lưu như chúng ta tưởng tượng.
 
Tuy nhiên trong bóng đá không bao giờ có khái niệm chiến thuật hoàn hảo. Bất cứ chiến thuật nào cũng tồn tại điểm yếu nhất định trong cách vận hành. Quãng thời gian 2 mùa giải 2018/2019 và 2019/2020 được xem là đỉnh cao của Liverpool. Minh chứng rõ nét nhất chính là hai chức vô địch Champions League và Premier League. Sang đến mùa giải tiếp theo, các đội bóng khác bắt đầu “bắt bài” được thầy trò Jurgen Klopp. 
 
Về cơ bản, chiến lược gia người Đức cũng không phải mẫu “tắc kè hoa” về chiến thuật như Pep Guardiola, dù cả hai đều là những người được đánh giá cực cao trên băng ghế chỉ đạo. Cộng thêm những chấn thương của các trụ cột khiến đại diện vùng Merseyside bắt đầu sa sút, khi họ không có được những gương mặt sáng giá nhất ở các tuyến.

Ở giai đoạn đỉnh cao phong độ, những đường chuyền dài là vũ khí tối thượng của Liverpool
 
Vị trí dễ nhận ra nhất là trung vệ, khi Liverpool mất hầu hết toàn bộ những cầu thủ tốt nhất ở khu vực đó. Cả Van Dijk, Matip lẫn Joe Gomez đều phải nghỉ dài hạn. Đã có nhiều thời điểm Jurgen Klopp phải kéo Fabinho hay Jordan Henderson về để khỏa lấp khoảng trống, khi cả Nathaniel Phillips và Ozan Kabak đều thiếu hụt kinh nghiệm. 
 
Rất dễ để nhận ra sự khác biệt của Liverpool trước khi sa sút và sau khi sa sút đó là họ để mất bóng quá nhiều ở phần sân nhà. Trong hai trận thắng thuyết phục Arsenal với tỷ số 3-1 và Chelsea với tỷ số 2-0 ở đầu mùa giải trước, tổng cộng Lữ đoàn đỏ chỉ mất bóng đúng 3 lần ở sân nhà, ngược lại ở trận thua 1-3trước Leicester City họ có tới 10 lần mất bóng ở sân nhà. 
 
Ngoài ra, ở trận lượt đi vòng tứ kết Champions League trước Real Madrid con số này cũng là 7 lần. Việc để đối thủ lấy được bóng ở những vị trí quá gần hàng phòng ngự dâng cao đã khiến Liverpool dễ tổn thương hơn rất nhiều. Những hậu vệ cánh vốn thường phải dâng rất cao như Trent Alexander-Arnold hay Andy Robertson không có đủ thời gian để kịp lùi về hỗ trợ các trung vệ, hay kể cả các trung vệ cũng không kịp phán đoán và tổ chức tác chiến cùng đồng đội một cách chủ động nhất. Vậy đâu là nguyên nhân?
 
Liverpool mất bóng nhiều hơn bởi một lý do là họ chuyền ở giữa sân nhiều hơn. Kiểu phát triển bóng từ hàng phòng ngự, chuyền qua lại ở sân nhà rồi bỏ qua trung tuyến mà trực tiếp đưa bóng thẳng lên trên cho hàng công bằng những đường chuyền dài vốn dĩ thường gây ra sự suốt ruột, bởi nó tạo tâm lý “phí bóng”. Tâm lý này phát sinh mạnh mẽ hơn trong hoàn cảnh hàng công của Liverpool đánh mất phong độ và tận dụng cơ hội kém. Đặc biệt là sự sa sút của Sadio Mane và Roberto Firmino mà ai cũng thế rõ. 
 
Sự suốt ruột sẽ càng bị khoét sâu hơn và họ sẽ dễ có xu hướng chơi thiên về kiểm soát bóng nhiều hơn để chắt chiu những cơ hội. Và thật trớ trêu là việc chuyền lòng vòng ở giữa sân như vậy lại trở thành miếng mồi béo bở cho hệ thống pressing và phản công của đối phương có cơ hội triển khai.
 

GIẢI PHÁP CHO MÙA GIẢI MỚI

 
Đó là lý do Jurgen Klopp quyết chi đậm cho cái tên Ibrahima Konate – trung vệ sở hữu thể hình vượt trội với chiều cao 1,95m, cực kỳ giỏi trong tranh chấp cũng như những tình huống cần đến sự máu lửa và quyết liệt. Về cơ bản, Konate không phải mẫu trung vệ có khả năng phát động tấn công, phất những đường bóng dài cho hàng công. Nhưng đó chắc chắn là một sự bổ sung chất lượng cho Van Dijk, khi mà phong độ của ngôi sao người Hà Lan sau gần 1 năm phải ngồi ngoài vì chấn thương vẫn còn là ẩn số. 
 
Nếu Van Dijk lấy lại 80-90% phong độ đỉnh cao, Konate và Van Dijk có thể là cặp trung vệ số 1 của Liverpool mùa này. Đó sẽ là sự kết hợp chất lượng giữa một trung vệ dập (Konate) và một trung vệ thòng, sở hữu khả năng bao quát thế trận và phát động tấn công (Van Dijk). 
 
Hiện tại, vị trí trung vệ của Liverpool với sự xuất hiện của Konate và sự trở lại của nhiều trụ cột đã không còn là tử huyệt. Điều này khiến HLV Jurgen Klopp hướng tầm ngắm đến những vị trí cấp thiết khác. Đặc biệt là một tiền vệ trung tâm sau sự ra đi của Georginio Wijnaldum.

Ibrahima Konate nhận được nhiều kỳ vọng cho mùa giải tới ở Lữ đoàn đỏ. Ảnh: Liverpool
 
Sự thật thì Wijnaldum nắm giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong cách vận hành lối chơi của Liverpool. Bản thân Jurgen Klopp cũng rất nhiều lần thừa nhận vấn đề này. Sự đa năng, nền tảng thể lực sung mãn của Wijnaldum là món quà cho hàng tiền vệ Liverpool giữa bối cảnh tuyến giữa của họ cũng gặp nhiều xáo trộn chẳng kém hàng thủ ở mùa trước. 
 
Cụ thể cầu thủ người Hà Lan đã ra sân trong toàn bộ 38 vòng đấu tại Premier League, đá chính 34 trận, bằng cả thời gian thi đấu của những Alex Oxlade-Chamberlain, Naby Keita, Xherdan Shaqiri và James Milner cộng lại. Nên nhớ đây đã là mùa giải thứ 3 liên tiếp mà Wijnaldum thi đấu trên 80% số trận cho đội bóng áo đỏ. Giá trị của tiền vệ 30 tuổi không bộc lộ ở những bàn thắng hay kiến tạo, mà anh là một cầu thủ cực kỳ tích cực trong công tác pressing.
 
Hiện tại, Liverpool cần mẫu tiền vệ để khỏa lấp vào vị trí mà Wijnaldum để lại, một người sở hữu nền tảng thể lực dồi dào, sẵn sàng thi đấu lăn xả, quyết liệt – nâng tầm giá trị của Thiago Alcantara. Tại sao lại nâng tầm Thiago Alcantara? Thực tế cho thấy, tiền vệ người Tây Ban Nha vừa trải qua một mùa giải không hề tệ như nhiều người vẫn nghĩ. Những phẩm chất từng làm nên thương hiệu như phân phối bóng, thoát pressing, hay việc tung ra những đường chuyền xé toang hàng phòng ngự đối phương, vẫn còn đó. 
 
Nhưng Thiago ở Liverpool khác với Thiago ở Bayern bởi anh chưa nhận được sự hỗ trợ đủ tốt từ các đồng đội. Để tỏa sáng, anh cần một đối tác chất lượng giống như Leon Goretzka. Renato Sanches sẽ là một gợi ý không tồi. Bản thân tiền vệ người Bồ Đào Nha cũng đang được cho là nhận sự quan tâm của đại diện xứ sở sương mù dành cho mình. 
 
Ngoài ra, một tiền đạo cũng nên là phương án cần cân nhắc. Sự quá tải của bộ ba Mane – Firmino – Salah là điều dễ nhận thấy. Diego Jota là cái tên đầy triển vọng, thậm chí nhiều người còn dự báo cựu ngôi sao của Wolves sẽ sớm đẩy Firmino lên băng ghế dư bị. Tuy nhiên, Jurgen Klopp cần thêm những sự dự phòng chất lượng, giữa bối cảnh cả Divock Origi lẫn Takumi Minamino đều không mang đến sự hiệu quả.
 
Nếu có thể chiêu mộ thành công thêm những bản hợp đồng mới trên hàng tiền vệ và hàng công, một mùa giải 2021/2022 đầy hứa hẹn là điều mà các Liverpudlian có thể nghĩ đến ngay từ lúc này.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.