Trận đấu cuối cùng của Man United trong năm 2024 dường như là khoảnh khắc mà "rạp xiếc" tại Old Trafford bắt đầu sụp đổ.
Trước đây, những khoảnh khắc được coi là thảm họa của Man United trong thập kỷ qua thường chỉ xảy ra ở những cấp độ mà hầu hết các câu lạc bộ khác chỉ có thể ngước nhìn và đôi khi là chẳng thể với tới, kiểu như: đứng cuối bảng tại vòng bảng Champions League; về hạng 8 tại Premier League nhưng vẫn giành FA Cup; thua trận chung kết Europa League với tỷ số luân lưu chung cuộc 11-10.
Tuy nhiên, khi bước sang năm 2025, nền tảng của chương trình giải trí hàng tuần mang tên "Manchester United" dường như đang sụp đổ dần đều và chuẩn bị đạt mức chạm đáy của sự tệ hại.
Sau các trận đấu với Nottingham Forest và Bournemouth, thất bại 0-2 trước Newcastle đã khiến Man United phải chịu trận thua thứ ba liên tiếp trên sân nhà tại Premier League. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1979, họ phải trải qua chuỗi ngày đen tối đến vậy trên chính sân nhà của mình. Trận thua trước Newcastle cũng là thất bại thứ 6 trên mọi đấu trường chỉ trong tháng 12 của Man United - số trận thua nhiều nhất trong một tháng dương lịch kể từ tháng 9/1930. Họ sẽ kết thúc năm 2024 ở vị trí thứ 14 - vị trí thấp nhất của đội bóng khi kết thúc một năm dương lịch kể từ năm 1989.
Man United thực sự đang thi đấu như gánh xiếc đang tự treo ngược bản thân lơ lửng trên những chiếc xà treo. Hàng tuần, họ cứ ra sân và thi đấu với tâm thế: “Nào hãy đến đây và xem chúng tôi có thể chạm đáy và tệ hại đến mức nào nhé!”
Giữa vòng xoáy của sự tệ hại này, khu vực xuống hạng đang ngày càng hiện rõ trong tầm mắt của Man United. Hiện tại, thầy trò Ruben Amorim chỉ còn hơn nhóm xuống hạng đúng 7 điểm. Thay vì phủ nhận khả năng phải nỗ lực hết mình để có thể trụ lại với Premier League ở mùa giải năm nay, Ruben Amorim lại trả lời trực diện vào vấn đề đó sau khi trận đấu với Newcastle kết thúc. “Chúng ta phải thừa nhận vị trí hiện tại của Man United,” ông nói. “Tôi nghĩ mọi người đã mệt mỏi với những lời bào chữa tại câu lạc bộ này. Đôi khi tôi nói về việc xuống hạng tại Man United chỉ vì câu lạc bộ này cần đến một cú sốc đủ mạnh.”
Với sự duyên dáng trong phòng họp báo, Ruben Amorim vẫn luôn đưa ra những câu trả lời thẳng thắn và rất đầy đủ. Chính điều này đã giúp ông đạt được những thành công khi giành hai chức vô địch tại Bồ Đào Nha và nhận công việc thay thế Erik ten Hag ở Man United. Tuy vậy, mọi thứ vẫn thật sự là kinh ngạc khi nghe một huấn luyện viên của Man United nói về tình trạng đội bóng chuẩn bị rơi vào nhóm phải trụ hạng tại Premier League. Tuy nhiên, phản ứng này của Amorim cũng được coi là một điều đáng thú vị để chờ đón khi ông rất thẳng thắn nhìn nhận vấn đề mà Man United đang gặp phải.
Nhìn theo một góc nhìn đầy mỉa mai thì việc xuống chơi tại Championship (Giải hạng nhất của Anh) sẽ mang lại cơ hội để INEOS tiếp tục tái cơ cấu đội bóng. Nhưng thực tế, không một ai tại Man United đủ sự nghiêm túc để nghĩ đến một cú sốc giống như năm 1974 và lấy đó là cơ sở để tái thiết đội bóng.
Ruben Amorim cũng cho biết, ông sẽ không thay đổi sơ đồ 3-4-2-1 và triết lý bóng đá của bản thân áp dụng tại Man United. Nếu đội bóng muốn tìm đến một điều gì đó tươi mới và sáng tạo hơn, họ sẽ cần tìm một HLV khác thay vì bắt Amorim phải thay đổi triết lý của mình. Và trên thực tế khi nhìn vào tình cảnh của Man United hiện tại, Amorim cũng có rất nhiều lý dó chính đáng để được thông cảm. Amorim chỉ có 4 buổi tập đầy đủ cùng các thành viên của đội một - những người đã được xây dựng để phục vụ cho một hệ thống khác hoàn toàn so với triết lý bóng đá của ông. Thêm vào đó, chất lượng và nền tảng thể lực của cầu thủ Man United cũng ngày càng bộc lộ rõ nhiều hạn chế theo thời gian.
Người hâm mộ Man United đã bày tỏ quan điểm của mình khi hát vang “Amorim’s Red and White Army” (Đội quân đỏ trắng của Amorim) ở cả hai hiệp đấu.
Bản thân ông nói: “Tôi phải thuyết phục được mọi người tin tưởng vào triết lý bóng đá của tôi. Tôi không có ý tưởng nào khác vào lúc này. Nếu tôi thực hiện sự thay đổi liên tục, mọi thứ sẽ còn tệ hơn nữa.”
Sự tận tâm của Amorim trong thời gian làm việc tại Man United là điều rất đáng khen ngợi. Nhưng việc sử dụng Casemiro và Christian Eriksen ở hàng tiền vệ là một ý tưởng đã lỗi thời ngay từ mùa giải trước chứ chưa nói đến việc áp dụng lại phương án đó vào giữa mùa giải này. Newcastle vẫn như dự đoán của nhiều người, họ tỏ ra quá mạnh mẽ so với đội bóng của Amorim ở khu trung tuyến trong trận đấu muộn vào tối thứ Ba.
Cảnh Bruno Guimaraes đập nhả với Sandro Tonali để vượt qua Eriksen trong tình huống dẫn đến bàn thắng thứ hai của Newcastle trông thật đau đớn từ góc nhìn của Manchester United.
Đây thực sự là một trong những khởi đầu thảm hoạ nhất của Man United tại Old Trafford trong những mảng ký ức thời gian gần đây. Sau 25 phút thi đấu, trong khi United không có nổi một cú sút, Newcastle đã có đến 8 lần dứt điểm (bao gồm 4 cú sút trúng đích và 3 trong số đó là những cơ hội rõ rệt được xác định bởi chuyên trang thống kê Opta). Điều đó còn chưa tính đến 2 pha đá phạt góc hiểm hóc từ Kieran Trippier - một phương án có thể coi là hữu hiệu để chọc thủng lưới Man United trong thời gian mà đội bóng này tỏ ra cực kỳ yếu kém trong khâu phòng ngự các pha bóng cố định từ hai cột cờ góc. Khi Sandro Tonali bất ngờ xâm nhập vào vòng cấm của Man United với một pha dứt điểm rất nguy hiểm nhưng lại đi trúng cột dọc, bầu không khí tại Old Trafford bắt đầu trở nên hỗn loạn dần đều.
Thay vì rút ra Casemiro hoặc Eriksen - hai tiền vệ đã 32 tuổi và hoàn toàn thua thiệt so với hàng tiền vệ cơ bắp của Newcastle, Ruben Amorim lại quyết định thay Joshua Zirkzee bằng Kobbie Mainoo. Đó thực sự là một quyết định kỳ lạ đến khó hiểu, đặc biệt trong bối cảnh Man United rất cần bàn thắng để vực lại tinh thần sau quãng thời gian đầu bị Newcastle chèn ép. Quyết định này đã diễn ra ở phút 33 trong một bối cảnh trông vừa tàn nhẫn vừa rất... kỳ lạ.
Những tiếng reo hò bắt đầu vang lên khi số áo của Zirkzee được giơ lên trên bảng thông báo của trọng tài bàn, nhưng kỳ thực đó không phải là hành động để cổ vũ mà lại mang tính chất mỉa mai về màn trình diễn đáng thất vọng của cầu thủ người Hà Lan. Dẫu vậy, vẫn có một số cổ động viên đã có những màn đáp trả lại các phản ứng có phần tiêu cực này - họ làm như vậy như để bày tỏ sự ủng hộ và tính đoàn kết cho các cầu thủ trẻ của Man United. Cầu thủ 23 tuổi với giá trị 36,5 triệu bảng đã đi thẳng vào đường hầm sau khi được thay ra. Anh chàng này đã trở lại với băng ghế dự bị sau đó vài phút với chiếc mũ trùm kín đầu.
Kobbie Mainoo được tung vào sân và giúp Man United tránh khỏi một trận thua đậm ngay trên sân nhà. Nhưng thực tế, những thứ "hài hước" và đậm chất của một gánh xiếc vẫn tiếp diễn trên sân. Casemiro có lẽ đã tung ra một cú sút lệch mục tiêu nhiều nhất mà con người có thể thực hiện và sau đó lại tiếp tục tung ra một cú sút chệch khung thành ở khoảng cách gần hơn. Kobbie Mainoo sau khi nhận được bóng từ chân Fabian Schar (Newcastle) đã chọn chuyền lại cho chính... Fabian Schar thay vì đưa bóng cho Hojlund hay Amad trong tình huống 4vs2. Họ cứ thế hùa nhau diễn một vở tuồng mà không ai hiểu rõ họ đang làm thứ gì trên sân.
Có những thời điểm Harry Maguire đã cố gắng thúc đẩy nhịp độ trận đấu trở nên cao hơn khi anh dẫn bóng và ra hiệu cho Garnacho và Dalot di chuyển lên phía trước. Nhưng trong một khoảnh khắc có vẻ bực bội về cách chơi của cả đội, đường chuyền của anh lại đi thẳng ra ngoài sân và vượt xa khỏi tầm kiểm soát của hai cầu thủ kể trên. Điều đáng chú ý hơn nữa, Man United chưa từng ghi được một bàn nào trong 3 trận gần nhất khi Dalot và Mazraoui xuất phát ở vị trí hậu vệ cánh. Ngay cả một cầu thủ có phong độ đang lên như Amad Diallo cũng bị ảnh hưởng bởi thế trận khó hiểu này của Man United. Chính bản thân cầu thủ này đã có một pha chuyền bóng cho... bảng quảng cáo khi Man United đang có một cơ hội tốt để tổ chức pha tấn công.
Manchester United trong tình thế đó buộc phải tìm đến các tình huống cố định để tìm cơ may cho mình. Christian Eriksen đã cố gắng tận dụng các quả đá phạt ở giữa sân để đưa bóng vào vòng cấm. Một quả ném biên với lực mạnh của Dalot cũng gây ra chút gì đó hỗn loạn trong vòng cấm của Newcastle. Trong một tình huống như vậy, Harry Maguire đã đến rất gần với bàn thắng bằng một cú đánh đầu đưa bóng đi trúng cột dọc.
Ở vị trí cao nhất trên hàng công, Rasmus Hojlund trông có vẻ đầy cô đơn và thất vọng. Đó là kết quả của việc kết hợp giữa những hạn chế của chính bản thân Hojlund với khả năng hỗ trợ cực kém từ các đồng đội. Cả trận, tiền đạo người Đan Mạch chỉ có một cơ hội rõ ràng nhưng lại dứt đi chệch cột dọc trong sự tiếc nuối.
Đến khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, Marcus Rashford vẫn ngồi lỳ trên ghế dự bị với khuôn mặt đầy chán nản. Đây là lần đầu tiên anh có mặt trong danh sách thi đấu sau 4 trận bị gạch tên. Lần cuối cùng Rashford ra sân tại Premier League, anh đã ghi hai bàn vào lưới Everton vào đầu tháng 12. Nhưng có lẽ phải có một lý do chính đáng nào đó để Amorim tiếp tục không sử dụng anh trong một khoảng thời gian dài đến vậy.
Rashford thất vọng rời sân khi trận đấu kết thúc |
Rashford được đưa trở lại đội hình trong trận đấu với Newcastle do Bruno Fernandes và Manuel Ugarte bị treo giò. Nhưng dù trong hoàn cảnh đó, anh vẫn không được tung vào sân. Điều này liệu có phải một sự sỉ nhục còn lớn hơn việc bị gạch tên ra khỏi đội hình? Hay đây là bước đầu tiên để anh chàng sinh năm 1997 tái hòa nhập với CLB? Không ai rõ câu trả lời chính xác là gì, mọi thứ có lẽ sẽ được làm sáng tỏ qua thời gian.
“Tôi không cố làm bất cứ điều gì đặc biệt,” Amorim nói. “Tôi chỉ nghĩ đến đội bóng. Các bạn đã đặt mối quan tâm quá nhiều về Marcus. Tôi chỉ muốn giành chiến thắng trong trận đấu và mọi người có thể cảm nhận được điều đó khi tôi làm việc tại đây. Tôi đang nói về những ý tưởng và cuộc cạnh tranh để có vé trụ hạng đấy. Và các bạn có thấy tôi đang cố làm điều gì đặc biệt để chứng tỏ bản thân không? Không hề có, tôi chỉ muốn đội mình chiến thắng mà thôi."
Sự hứng khởi từ Rashford và Zirkzee trong chiến thắng tưng bừng trước Everton giờ đây đã hoàn toàn tan biến. Hiện tại mọi thứ liên quan tới Man United chỉ giống như một gã hề đang cố gắng đi thăng bằng trên một sợi dây đầy chông chênh và mỏng manh trong một rạp xiếc.
Theo Laurie Whitwell (NY Times)