Liệu đội ngũ của Jurgen Klopp có trở thành GOAT trong lịch sử Liverpool? (p1)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Tư 22/01/2020 11:14(GMT+7)

Sau những Shankly, Paisley, Dalglish và Benitez, Liverpool lại đang có thêm một đội ngũ kiệt xuất khác. Nhưng chúng ta nên đo lường về họ như thế nào?

Sau những Shankly, Paisley, Dalglish và Benitez, Liverpool lại đang có thêm một đội ngũ kiệt xuất khác. Nhưng chúng ta nên đo lường về họ như thế nào?
Về mặt thống kê, đây chính là mùa giải xuất sắc nhất trong lịch sử Liverpool tại bóng đá Anh, và đối với một câu lạc bộ đã giành được 18 chức vô địch tại giải đấu hạng cao nhất đất nước, thì đó chắc chắn là một sự thật rất ấn tượng. Mùa giải duy nhất có thể “tầm thường hóa” đi phần nào cái chiến tích này chính là vào năm ngoái, khi họ thất bại trong việc chinh phục Premier League – như một lời nhắc nhở đầy tính thuyết phục cho việc, các số liệu luôn phải được nhìn nhận trong một context cụ thể. Sự vĩ đại không hề chỉ nằm trong những con số. 
Và trong một cái thế giới mà Juventus quyết định sa thải vị huấn luyện viên đã dẫn dắt họ giành được 5 chức vô địch quốc gia liên tiếp, Barcelona thực hiện động thái tương tự sau hai chức vô địch La Liga liên tiếp, cũng như đứng ở vị thế dẫn đầu trên bảng xếp hạng ở mùa giải này dưới sự chèo lái của vị thuyền trưởng Ernesto Valverde, và 95+ điểm dường như đã trở thành tiêu chuẩn dành cho một nhà vô địch Premier League, cái nhận thức chung đã được lan rộng tại tất cả các đội bóng lớn chính là việc sự thống trị tại giải quốc nội đã không còn mang một ý nghĩa tương tự như trong quá khứ nữa. 
Những chân lý trên không nên được mang ra để “tầm thường hóa” đi những gì mà đội ngũ Liverpool này đang làm được, đặc biệt là khi mức chi tiêu ròng của họ trong suốt 4 năm qua chỉ là 70 triệu bảng và cái thực tế là họ đã phải cạnh tranh với một Manchester City cực kì giàu có, hùng mạnh; chính xác hơn, là chúng được sử dụng để nói lên rằng các cấu trúc tài chính của thế giới bóng đá hiện đại đang làm nới rộng thêm khoảng cách giữa những kẻ ở trên đỉnh và những cái tên đứng ở dưới tận cùng của “xã hội bóng đá”, khi mà các quỹ lương thậm chí còn lớn hơn cả ngân sách chuyển nhượng. Ngay cả khi cho phép thay đổi quy mô giải đấu và số điểm được nhận cho một chiến thắng, thì 95 điểm vẫn là một con số dễ đạt được hơn ở hiện tại so với thời đại của những Bill Shankly, Bob Paisley hoặc Kenny Dalglish.
Tất cả những luận điểm trên đều là một cách diễn giải hơi dài dòng để chỉ ra rằng, mỗi thời đại khác nhau sẽ có những tiêu chuẩn khác nhau và sự vĩ đại là một thứ có “muôn hình vạn trạng”. Liverpool đầy lý tưởng ở thế giới hiện đại chính là một thành quả đã được Shankly đặt nền móng và tạo dựng nên. Khi ông nắm quyền tại câu lạc bộ này vào năm 1959, có lẽ khi đó chỉ mới 12 năm trôi qua kể từ chức vô địch quốc gia gần nhất của họ, nhưng họ đã phải chơi ở Second Division đến 5 mùa giải và vừa bị loại khỏi FA Cup trong mùa giải trước đó bởi đội bóng non-league Worcester City. Ông đã tiến hành cải thiện Anfield và sân tập của câu lạc bộ, phát triển một phong cách thi đấu hiệu quả, cũng như tập hợp một đội ngũ đã giành được chiếc vé thăng hạng vào năm 1962 và đăng quang tại giải vô địch quốc gia vào năm 1964. Tuy nhiên, phải đến mùa giải tiếp theo đó, đội ngũ Liverpool kiệt xuất đầu tiên của Shankly mới thật sự chạm đến đỉnh cao, khi họ đánh bại Leeds trong hiệp phụ của trận chung kết FA Cup. 
Shankly mang hình ảnh của một người truyền cảm hứng tuyệt vời, một người đàn ông có sức thu hút mạnh mẽ , ý chí xây dựng một câu lạc bộ vĩ đại và lôi cuốn cả một thành phố (hoặc ít nhất là một nửa) đồng hành với mình. Nhưng đội bóng của ông cũng đã được cải tiến rất nhiều về mặt chiến thuật, triển khai một 4-4-2 nguyên thủy đầy hiệu quả, mặc dù bao gồm hai cầu thủ chạy cánh “thuần túy” Ian Callaghan và Peter Thompson. Đó không nhất thiết là một lối chơi phổ biến, như đã được làm rõ bởi bài đưa tin của Mirror về trận chung kết, một cuộc đụng độ của hai đội bóng từ lâu đã từ bỏ W-M truyền thống. Theo như Ken Jones ghi chép: “Ngày càng có nhiều câu lạc bộ chuyển sang chơi một cách hệ thống và quy tắc, kỷ luật hơn … như thể một làn sóng mà tất cả đều bị cuốn theo vậy. Sự cuốn hút giờ đây là nằm ở việc cố gắng đánh giá xem đội bóng nào sẽ phá vỡ thế bế tắc trước tiên.”
Nhưng đó chính là cái định hướng mà Liverpool khi ấy – cũng như cả thế giới bóng đá – đang đi theo. Các phóng viên đương đại có lẽ đã rất kinh ngạc với cái bối cảnh này, mặc dù những khán giả hiện đại sẽ không hề nhìn thấy bất cứ điều gì khác thường về trận đấu đó, ngoài việc có thể sẽ lưu ý rằng nó mang một phong cách gần giống với bóng đá hiện đại hơn là trận chung kết diễn ra 7 năm trước đó, khi một Bolton với nguồn cảm hứng mang tên Nat Lofthouse đã đánh bại Manchester United. Đội ngũ kiệt xuất đầu tiên của Shankly đã tạo nên một cuộc cách mạng cho câu lạc bộ này và để lại một khuôn mẫu chung cho Liverpool trong suốt một phần tư thế kỷ. 
Liverpool luôn có xu hướng xem trọng tính hiệu quả hơn là sự hào nhoáng, lòe loẹt, nhưng không vì vậy mà họ không có những khoảnh khắc siêu việt trên sân cỏ. Có lẽ màn trình diễn tuyệt vời nhất của Liverpool dưới thời Shankly chính là trong trận đấu cuối cùng mà ông dẫn dắt đội bóng này, khi mà đội ngũ kiệt xuất thứ hai của ông, những người đã giành được cú đúp danh hiệu giải vô địch quốc gia và UEFA Cup vào mùa giải trước đó, đánh bại Newcastle trong trận chung kết FA Cup năm 1974. Giống như những gì mà Borussia Mönchengladbach đã phải trải qua trong trận chung kết UEFA Cup một năm trước đó, Liverpool có thể đã cho thấy sự vượt trội so với đối thủ về mặt thể lực, thể chất, nhưng thứ đã thật sự đánh bại Newcastle tại Wembley chính là một câu lạc bộ triển khai thứ bóng đá pass-and-move (chuyền và di chuyển) đầy kì lạ.
Quyết định nghỉ hưu của Shankly vào mùa hè năm 1974 có lẽ đã được thúc đẩy một phần nào đó bởi cái suy nghĩ rằng mọi thứ đã đạt đến sự hoàn mỹ tuyệt đối, sẽ không thể nào tạo ra được thêm nữa một thứ gì đó tuyệt vời hơn cái hệ thống mà ông đã xây dựng và hoàn thiện khi ấy. Trong 15 năm, ông đã tạo nên hai đội ngũ kiệt xuất, cỗ máy tàn nhẫn đầu tiên đã đặt nền móng cho tất cả mọi thứ tiếp theo sau đó, và cỗ máy thứ hai – với một thứ bóng đá linh hoạt hơn – chính là một đội ngũ đã có được những sự chuẩn bị tốt nhất cho cái vị thế thống trị châu Âu mà họ sẽ tạo ra sau đó dưới thời Paisley, một người đàn ông đã đóng một vai trò rất quan trọng trong hầu hết những sự phát triển chiến thuật tại Liverpool ở đằng sau hậu trường. 
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Will Klopp’s team become the GLOAT (Greatest Liverpool Of All Time)?” của Jonathan Wilson, đăng tải trên The Guardian.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.