Lí do khiến Brighton trở thành bậc thầy trên thị trường chuyển nhượng

Tác giả Tú Nguyễn - Chủ Nhật 21/08/2022 14:53(GMT+7)

Trừ khi bạn là người hâm mộ Brighton, có lẽ bạn chưa từng nghe tới cái tên Leo Ostigard. Trung vệ người Na Uy từng là cầu thủ của Brighton, trước khi đội chủ sân Amex bán đứt anh cho Napoli tháng trước.

 

Là bởi Ostigard có 4 năm khoác áo Brighton, nhưng chưa từng chơi trận nào cho đội một. Nhưng nếu cộng tất cả chi phí cho Ostigard, 10 triệu bảng sẽ là con số Napoli phải bỏ ra. Nên nhớ rằng Brighton chỉ mất 100.000 bảng để đưa hậu vệ này đến Anh vào năm 2018.

Trong một mùa hè mà mức phí chuyển nhượng của Yves Bissouma và Marc Cucurella chiếm trọn tiêu đề trên các mặt báo, thương vụ Ostigard dù không nổi bật bằng nhưng là minh chứng không kém phần mạnh mẽ, cho thấy cách làm của Brighton đang tỏ ra hiệu quả: Mua cầu thủ với giá thấp, giúp họ phát triển trước khi bán lại với giá trên trời. Brighton thậm chí còn chẳng cần phải tự đào tạo cầu thủ - ví dụ như Ostigard đã trải qua ba mùa giải gần nhất dưới dạng cho mượn.

Đó là một cách thức kinh doanh ấn tượng bởi một CLB đã nâng tầm việc bán cầu thủ trở thành nghệ thuật. Sự ra đi của Bissouma (25 triệu bảng, tới Tottenham Hotspur) và Cucurella (60 triệu bảng, tới Chelsea) xảy ra một năm sau khi Brighton đồng ý bán Ben White cho Arsenal với giá 50 triệu bảng. Ba lần bán người giúp Brighton thu về 135 triệu bảng chỉ trong gần một năm. Để đánh giá tầm quan trọng của những giao dịch này với Brighton, đội bóng chỉ tốn 93 triệu bảng để xây sân Amex.

Mô hình này không những hiệu quả đối với doanh thu của Brighton, mà còn với chính thành tích của đội bóng trên sân cỏ. Sự ra đi của White, cầu thủ xuất sắc nhất Brighton mùa giải 20/21 không ảnh hưởng nhiều đến màn trình diễn của đội bóng dưới thời Graham Potter. Mùa trước, họ kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng, thành tích tốt nhất từ trước đến nay. Trước đó, thậm chí Brighton còn bán tiếp Dan Burn cho Newcastle United với giá 13 triệu bảng hồi tháng Giêng.

Reece James và Cucurella đang có phong độ cao

Ở giai đoạn đầu mùa giải này, Brighton có khởi đầu không tệ chút nào dù không còn sự phục vụ của Bissouma và Cucurella. Đội bóng của Potter đã có màn trình diễn tuyệt vời trong chiến thắng trước Manchester United, với điểm nhấn là sự xuất sắc của tiền vệ trẻ Moises Caicedo, người được kì vọng sẽ lấp đầy khoảng trống mà Bissouma để lại. Năm nay mới 20 tuổi, Caicedo có giá chỉ 4,5 triệu bảng khi anh đến từ Ecuador năm ngoái. Hoàn toàn có căn cứ nếu cho rằng một khi cầu thủ này ra đi, Brighton sẽ thu được một khoản lợi nhuận đáng kể.

“Sẽ là sáo rỗng nếu nói rằng bạn không muốn mất những cầu thủ giỏi nhất của mình,” Potter nói. “Về mặt lí thuyết, tuyên bố đó chẳng có gì sai. Nhưng nếu chỉ chăm chăm giữ người, điều đó sẽ ảnh hưởng đến CLB. Bạn phải nhìn vấn đề ở góc độ rộng hơn.

“Người hâm mộ luôn muốn đội bóng có sức cạnh tranh, tức là chúng tôi không được phép chơi tệ đi. Đó là một thách thức lớn, bởi nếu bạn bán những cầu thủ có giá trị cao, tức là họ là những cầu thủ giỏi. Thay thế họ không bao giờ là dễ dàng. Đó là câu chuyện rất phức tạp.”

Những lần bán người đắt đỏ đã giúp Brighton trở nên bền vững hơn về mặt tài chính và ít phụ thuộc hơn vào chủ sở hữu Tony Bloom.

Potter nói: “Mọi người nói rằng họ không muốn trở thành một đội bóng chỉ biết bán người. Tốt thôi, nhưng giải pháp thay thế là gì? Bạn muốn trở thành một CLB chỉ biết mua ư? Khi đó, bạn sẽ cạn túi nhanh đấy.”

Bissouma

Vậy đâu là lý do giúp Brighton thành công trên TTCN? Điều đầu tiên cần làm là các cầu thủ cần có những bước tiến rõ ràng dưới sự chỉ bảo của Potter. Điều thứ hai là sẵn sàng cho họ cơ hội để bước ra ánh sáng. Những cầu thủ như Caicedo và Tariq Lamptey (3 triệu bảng từ Chelsea) là những khoản đầu tư rủi ro thấp nhưng đã tăng giá trị rất nhanh trong thời gian qua. Nhưng không nhiều đội bóng ở Premier League sẵn sàng trao cho họ cơ hội thể hiện trên sân như Brighton.

Potter đã dùng từ "dũng cảm" khi đề cập đến cách chiêu mộ cũng như bán cầu thủ của Brighton. Trên thực tế, ông còn thiếu hai tính từ: Thông minh, như cách họ bán Bissouma sau khi xác định Caicedo là người kế nhiệm tuyển thủ Mali từ trước, hay như việc họ nhanh chóng chiêu mộ Pervis Estupinan, một cầu thủ giàu tiềm năng để thay thế Cucurella với giá chỉ bằng ¼.

Ngoài ra, Brighton cũng vô cùng cứng rắn trên bàn đàm phán. Một khi đã định giá các cầu thủ, họ sẽ không có ý định lay chuyển. Năm ngoái, Arsenal dù rất cố gắng nhưng không tài nào mua được White với giá thấp hơn 50 triệu bảng. Còn đến năm nay, Manchester City đã phải rút lui sau khi không thể đáp ứng số tiền lớn hơn 40 triệu bảng cho Cucurella.

Sự ra đi của GĐKT Dan Ashworth, người đã chuyển đến Newcastle không làm thay đổi cấu trúc nội bộ của Brighton. David Weir đã làm trợ lý cho Ashworth trước đó, nên không khó để Weir có thể tiếp quản vai trò này ngay lập tức.

Tất nhiên, những ví dụ trên không đồng nghĩa với việc Brighton luôn có lí trong các quyết định của mình. Họ từng dẫn đầu cuộc đua giành hậu vệ Calvin Bassey, nhưng việc do dự đã tạo điều kiện để Ajax Amsterdam ký hợp đồng với cầu thủ này từ Rangers. Năm ngoái, “Những chú hải âu” cũng cố gắng nhưng không thể chiêu mộ Darwin Nunez từ Benfica, người đang khoác áo Liverpool.

Nhưng nhìn chung, thật khó để phủ nhận thành tích tìm ra và phát triển những tài năng trẻ của Brighton. Trong số 11 người đá chính trước M.U, có 5 người được ký hợp đồng với tư cách là cầu thủ tự do hoặc xuất thân từ học viện của đội bóng. 6 người còn lại có giá tổng cộng 50 triệu bảng, ít hơn số tiền Man United chi cho trung vệ Lisandro Martinez.

Đó tiếp tục là bằng chứng cho thấy một chính sách hiệu quả được vận hành bởi một trong những CLB thông minh và dũng cảm nhất của nước Anh.

Lược dịch, có bổ sung từ bài viết “How Brighton became masters of the transfer market” của Sam Dean (The Telegraph)

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.