Làm kinh tế kiểu Bayern Munich

Tác giả Thế Trung - Thứ Hai 23/08/2021 14:19(GMT+7)

Zalo

Năm này qua năm khác, CLB Bayern Munich liên tiếp tạo nên những kỷ lục mới về kết quả tài chính. Tuy nhiên, gã khổng lồ xứ Bavaria lại không phải là đội bóng giải quyết một cách thần tốc các khoản nợ, họ cũng không hề được đầu tư bởi các ông chủ siêu giàu có như nhiều đối thủ ở các giải đấu khác.

Bayern Munich
Ảnh: Bongda24h.vn

Vì thế, việc Bayern có thể vừa cạnh tranh ở đẳng cấp cao nhất, vừa duy trì được một nền tảng tài chính vững chắc chính là chủ đề vô cùng thú vị.
 
Cho đến thời điểm này, Bayern Munich vẫn là CLB bóng đá vĩ đại nhất nước Đức. Kể từ khi thành lập vào năm 1900, đội bóng này đã giành được hơn 50 danh hiệu quốc nội và 9 danh hiệu ở đấu trường châu lục (bao gồm 6 Champions League, 1 UEFA Cup và 2 Siêu cúp Châu Âu). Nhưng câu chuyện không hề đơn giản như vậy.
 
Để hiểu được nền móng cho những thành công của Bayern Munich, chúng ta cần phải quay về những năm 70 – thời điểm được xem như bước ngoặt quan trọng của CLB. Sau 5 năm không thể giành được chức VĐQG (từ mùa 1974/1975 đến 1978/1979), Bayern chìm trong nợ nần. Ban lãnh đạo đội bóng quyết định đã đến lúc phải thay đổi. Bắt đầu từ thượng tầng, họ bổ nhiệm cầu thủ mới giải nghệ là Uli Hoeness làm giám đốc điều hành (CEO). Nhiệm vụ đầu tiên của Hoeness khi ấy không phải là cải thiện về chuyên môn mà chính là ổn định tài chính cho CLB. Ông nhận ra rằng để làm được điều này, Bayern Munich cần phải có thêm nguồn thu. 
 
Trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước, tiền bán vé chiếm phần lớn tổng doanh thu của một CLB và với Bayern Munich là 85%. Nếu cần một phép so sánh thì con số này của Die Roten trong năm 2019 chỉ là… 14%. 86% còn lại thuộc về các hợp đồng tài trợ, hoạt động quảng cáo thương mại và kinh doanh sản phẩm liên quan. Có thể nói, sự thay đổi này là một bước tiến mang tính cách mạng và nó chính là công lao của Uli Hoeness – người sau này đã có 10 năm giữ cương vị chủ tịch CLB.
 
Sau khi nhậm chức giám đốc điều hành vào năm 1979, một trong những việc đầu tiên mà Uli Hoeness làm là tập trung vào lĩnh vực buôn bán các sản phẩm lưu niệm của CLB như áo thi đấu hay khăn quàng cổ,… Ông áp dụng chiến lược kinh doanh của các giải đấu thể thao nhà nghề Mỹ như NBA (bóng rổ), NFL (bóng bầu dục) hay MLB (bóng chày) và nó đã phát huy được hiệu quả. Doanh thu của Bayern Munich tăng lên đáng kể. 

Trước đây, cổ động viên chỉ có hai lựa chọn là áo đấu hoặc khăn quàng. Cho đến ngày nay, một người hâm mộ trung thành của Bayern Munich thậm chí có thể bày tỏ tình yêu với đội bóng bằng việc ngủ trên tấm ga trải giường có in hình Bayern, cạo râu với dao cạo râu có in hình Bayern và chuẩn bị bữa sáng bằng máy nướng bánh mì cũng in logo của Bayern Munich.

Bayern Munich
Uli Hoeness trở thành CEO của Bayern Munich ngay sau khi giải nghệ và giữ cương vị này trong 30 năm trước khi trở thành chủ tịch CLB. Ảnh: Getty Images
 
Bên cạnh mảng kinh doanh và marketing, Hoeness cũng nhận thấy tầm quan trọng của một sân vận động đúng nghĩa. Trong suốt một thời gia dài, Bayern Munich đã tận dụng sân Olympic ở thành phố Munich làm sân nhà. Đây là sân vận động được xây dựng để phục vụ cho Thế vận hội mùa hè năm 1972 với sức chứa hơn 60.000 chỗ ngồi – một trong những sân lớn nhất châu Âu thời bấy giờ. Với danh tiếng của mình, các trận đấu của Bayern Munich thường xuyên “cháy vé”. Chính vì thế, tiền bán vé đã chiếm một phần quan trọng trong nền tảng tài chính của CLB trong nhiều thập kỷ liền. 
 
Tuy nhiên, nhu cầu của Bayern Munich từ lâu đã vượt quá khả năng đáp ứng của sân vận động Olympic và đội bóng xứ Bavaria cần một sân mới cho riêng mình. Uli Hoeness cũng tán thành ý kiến này. Dù phải nhận vô số những chỉ trích từ người hâm mộ và từ chính các thành viên khác trong thượng tầng đội bóng, Hoeness vẫn thuyết phục được đủ số phiếu ủng hộ. Allianz Arena với sức chứa 75.000 chỗ ngồi đã chính vì thế mà ra đời. Dẫu vậy, ngay cả khi xây xong, các cổ động viên vẫn tỏ ra hoài nghi khi cho rằng bầu không khí ở sân vận động mới sẽ mất đi tính truyền thống trong khi giá vé lại quá cao. 
 
Trong cuộc họp ban quản trị về vấn đề này, Uli Hoeness đã không giữ nổi bình tĩnh và để lại một câu nói nổi tiếng: “Nếu bầu không khí ở sân mới tồi tệ thì là do các người chứ không phải chúng tôi. Còn nếu Allianz Arena không được xây dựng thì Bayern Munich sẽ một lần nữa chơi bóng trên băng tuyết vậy”.
 
Đến nay, Bayern Munich đã thanh toán hết mọi khoản nợ tiền xây Allianz Arena. Không những thế, với việc độc quyền sở hữu sân vận động, CLB giàu truyền thống nhất nước Đức còn được hưởng toàn bộ tiền bán vé mà không phải trả phí thuê cho bên thứ ba như nhiều đội bóng khác.

Bayern Munich
Việc sở hữu sân Allianz Arena giúp Bayern Munich giúp Bayern Munich hưởng toàn bộ tiền bán vé mà không phải trả phí thuê cho bên thứ ba như nhiều đội bóng khác. Ảnh: Bayern Munich
 
Có thể nói các nguồn thu từ tiền bán sản phẩm, bán vé hay bản quyền truyền hình của Bayern Munich cũng khá tương đồng so với các CLB hàng đầu khác ở châu Âu. Yếu tố làm nên sự khác biệt nằm ở danh sách cổ đông của họ.
 
Các CLB ở Bundesliga đều xây dựng đội bóng theo nguyên tắc “50+1”, tức là bản thân CLB luôn phải giữ lượng cổ phần lớn hơn so với các cổ đông khác. Điều này đảm bảo rằng đại diện CLB sẽ là những người được đưa ra quyết định cuối cùng trong những hoàn cảnh đặc biệt. Bayern Munich thậm chí còn có những quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này. 
 
Cụ thể, họ sẽ không bao giờ để một cổ đông nắm giữ nhiều hơn 30% cổ phần. Ở thời điểm hiện tại, 25% cổ phần của Bayern được chia đều cho 3 nhà đầu tư là Adidas, Audi và Allianz. 75% còn lại thuộc về đội bóng. Cách phân chia này tạo ra hai thuận lợi. Thứ nhất, Bayern Munich hoàn toàn độc lập so với các chủ sở hữu khác. Thứ hai, đội chủ sân Allianz Arena sẽ nhận được một khoản lợi nhuận rất lớn khi giá trị của họ tăng lên và họ được toàn quyền sử dụng khoản tiền này cho việc tái đầu tư (mua cầu thủ mới, nâng cấp sân vận động, cơ sở tập luyện,…).
 
Trong khi hầu hết các CLB lớn khác trên thế giới đều được sở hữu bởi một ông chủ “bí mật” nào đó và phần lớn đều đang phải đối mặt với các khoản nợ khổng lồ thì Bayern Munich vẫn được sở hữu bởi chính người của đội bóng. “Festgeldkonto” là một cụm từ rất nổi tiếng của truyền thông Đức dùng để ám chỉ khoản tiền hàng trăm triệu euro luôn sẵn sàng trong tài khoản của Bayern Munich. Kể từ thời kỳ đầu của triều đại Uli Hoeness đến nay, Bayern Munich chưa bao giờ lâm vào cảnh nợ nần. Và với triết lý làm việc đó, họ cũng rất nguyên tắc trong việc mua sắm cầu thủ. Bayern Munich chỉ chiêu mộ những bản hợp đồng mà họ đủ khả năng tài chính.
 
Họ cũng không để đội bóng phụ thuộc hoàn toàn vào một cá nhân như trường hợp của Barcelona và Lionel Messi trước kia. David Alaba chính là ví dụ điển hình. Dù cầu thủ người Áo là một trong những công thần trong thành công của Bayern Munich nhiều năm qua nhưng Bayern cũng không chấp nhận trả mức lương như Alaba yêu cầu. Hai bên chia tay nhau trong êm đẹp và David Alaba sẽ ra đi tự do sau khi hợp đồng của anh đáo hạn.

Bayern Munich
Tầm vóc và chiến lược chuyển nhượng khôn ngoan giúp Bayern Munich luôn có đội hình mạnh. Ảnh: Getty Images
 
Thành công của Bayern Munich được Uli Hoeness xây dựng dựa trên ba yếu tố: sự phát triển có hệ thống, độc lập về tài chính với các nhà đầu tư và sự vượt trội về chuyên môn. Sự vượt trội ấy không chỉ thể hiện ở số danh hiệu quốc nội mà còn qua cách Bayern đầu tư vào thị trường cầu thủ nội địa. Hoeness luôn giữ Bayern Munich ở vị thế của những “anh hùng dân tộc” bằng cách đưa về sân Allianz Arena những tuyển thủ quốc gia Đức ưu tú nhất. Đây cũng là điểm thu hút những nhà đầu tư muốn thâm nhập vào thị trường Đức.
 
Sau khi Uli Hoeness rời khỏi cương vị chủ tich, Herbert Hainer là người được lựa chọn thay thế và nhiệm vụ của ông lúc này không chỉ là duy trì những gì người tiền nhiệm đã làm được mà còn phải biến Bayern Munich thành một thương hiệu toàn cầu. Hainer từng là CEO của Adidas trong vòng 15 năm và giúp công ty này đạt được thành công to lớn trên toàn thế giới. Chuyên môn và kinh nghiệm của Hainer chính là những gì Bayern cần để có thể khai thác thêm nhiều thị trường tiềm năng. Sự kết hợp giữa bộ óc kinh tế của Herbert Hainer và chuyên môn về bóng đá của Oliver Kahn – người đã thay thế Karl-Heinz Rummenigge làm CEO của CLB – hứa hẹn sẽ giúp Bayern Munich thành công trên con đường phát triển mới của họ mà không đánh mất truyền thống.
 
Cánh báo chí Đức truyền nhau rằng Bayern Munich đã lập nên một kế hoạch khổng lồ được đặt tên là “FC Bayern AHEAD”. Những gạch đầu dòng quan trọng nhất trong bản kế hoạch này cũng đã bị lộ ra ngoài, trong đó có: bảo đảm CLB luôn có mặt trong top 5 đội bóng hàng đầu châu Âu, cân nhắc trong việc chiêu mộ ngôi sao và đầu tư phát triển cầu thủ trẻ từ học viện, phát triển cách thức tiếp cận mới, lấy người hâm mộ và các giá trị cốt lõi làm trung tâm.

Bayern Munich
Chủ tịch Herbert Hainer và CEO Oliver Kahn là những lãnh đạo lèo lái Bayern Munich ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Getty Images
 
Kế hoạch này nếu nhìn qua có vẻ không có gì khác so với những gì Uli Hoeness đã làm trong quá khứ. Thế nhưng, ở những khía cạnh cụ thể, Heiner và Kahn sẽ có những bước phát triển mang tính chiến lược hơn. Một vài bước đi gần đây của đội bóng đã cho thấy Bayern Munich sẽ dành sự quan tâm lớn cho thị trường châu Á. 
 
Họ mở những học viện bóng đá ở các quốc gia có nền bóng đá phát triển ở châu Á nhằm tìm kiếm và đưa những tài năng trẻ này đến với môi trường Bundesliga. Đây chính là chiếc chìa khoá để mở ra cánh cửa dẫn đến những nguồn doanh thu béo bở của châu lục rộng lớn nhất thế giới này. Bên cạnh đó, Bayern Munich cũng lựa chọn trở thành đối tác của tựa game Pro Evolution Soccer (hay bây giờ là eFootball) và công ty đến từ Nhật Bản KONAMI thay vì FIFA và công ty Electronic Arts (EA) của Canada để có thêm cơ hội thâm nhập thị trường châu Á. Đây là một trong những khác biệt dễ thấy nhất của Bayern dưới thời Herbert Hainer so với Uli Hoeness.
 
Có một điểm cũng cần phải nhắc đến, đó là ngoài 25% cổ phần dành cho ba công ty là Adidas, Audi và Allianz, Bayern Munich vẫn “để dành” 5% cổ phần cho một cổ đông mới trong tương lai. Và với hướng đi của Herbert Hainer cùng Oliver Kahn, khoản 5% cổ phần này của đội bóng xứ Bavaria có lẽ cũng sẽ sớm có chủ.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Hãy mạnh dạn đặt niềm tin vào "Bộ 6 siêu đẳng" của ông đi nào, Gareth Southgate!

Trong một bài phân tích do đích thân mình viết gần đây cho The Athletic, cựu tiền đạo huyền thoại Alan Shearer đã đề xuất một ý tưởng xây dựng đội hình cho HLV trưởng của Tam Sư là Gareth Southgate, ông tin rằng nó sẽ hình thành một “bộ 6 siêu đẳng” trên tiền tuyến của tuyển Anh và giúp họ thăng hoa.

Giải mã thành công của Inter dưới thời Inzaghi theo góc độ chiến thuật

Inter Milan là á quân Champions League 2023 và đang chơi thứ bóng đá tuyệt vời để thống trị Serie A Italia. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích các khía cạnh chính về mặt chiến thuật của HLV Simone Inzaghi, hi vọng có thể giúp các bạn hiểu được tại sao tập thể này tạo ra hiệu suất vượt trội đến thế.

X
top-arrow