Không Ronaldo, Real Madrid còn lại gì?

Tác giả Elflaco - Thứ Năm 11/10/2018 16:53(GMT+7)

Real thời hậu Ronaldo (và Zidane) có quá nhiều vấn đề nan giải mà hiệu quả tấn công cùng 409 phút tịt ngòi chỉ là bề nổi của một tập thể không có được sự chuẩn bị đủ tốt cả về nhân sự, kĩ-chiến thuật lẫn tinh thần trong mùa giải đầu tiên mất đi người-hay-nhất…

Estadio de Mendizorroza, Alaves: 16 pha dứt điểm cầu môn, không bàn thắng và thua chung cuộc 0-1 bởi pha thủng lưới ở phút bù giờ thứ 5. Luzhiniki, Moscow: 16 lần bắn phá khung thành đối phương không đem lại pha lập công nào, chấp nhận bại trận 0-1 bởi bàn thua ngay từ phút thứ 2. Santiago Bernabeu, Madrid: 13 cú sút để hòa… 0-0. Sanchez Pizjuan, Sevilla: thua 0-3 trong một trận đấu dứt điểm 15 lần. Và Bernabeu, hiệp hai trận đấu với Espanyol: 7 lần dứt điểm, vẫn không bàn thắng.

Không Ronaldo, Real Madrid còn lại gì?
4 trận đấu… rưỡi. 67 tình huống dứt điểm về phía khung thành đối thủ, nhưng không có nổi dù chỉ 1 bàn thắng. Và tổng cộng 409 phút tịt ngòi. Một bản thống kê thảm hại về chất lượng tấn công và hiệu quả dứt điểm của một CLB  tầm thường? Không, đó là “thành tích” của Real Madrid, đội bóng đang sở hữu cầu thủ đã thâu tóm hàng loạt giải thưởng cá nhân cao quý thời gian qua Luka Modric, vẫn có trong đội hình nhưng hảo thủ như Isco, Gareth Bale, Karim Benzema, Toni Kroos hay Asensio.
 
409 phút không thể ghi bàn liên tiếp là điều chưa từng xảy ra với Real kể từ mùa giải 1984/85. 33 năm trước, Real từng có chuỗi trận tịt ngòi lên tới 496 phút. Và ở mùa giải 1984/85 ấy, Real chỉ xếp hạng 5 chung cuộc La Liga, dưới cả… Sporting Gijon, đội giờ đang chơi ở hạng Nhì Segunda. Nhưng đấy vẫn là mùa giải khởi đầu cho một chu kì thành công của Real với chức vô địch cúp UEFA và màn “ra mắt” của bộ ngũ kền kền Quita del Buitre gồm Butragueno, Monolo Sanchis, Martin Vazquez, Michel, Miguel Pardeza – những tài năng trưởng thành từ lò Castilla đặt nền móng cho 5 mùa giải đăng quang La Liga liên tiếp 1986-1990.
 
HLV Lopetegui cua Real
Hiện tại rõ ràng là 1 kịch bản rất khác. Không phải là một Real bắt đầu thời kì huy hoàng mới với những sản phẩm tài năng từ Học viện mà là một Real vừa chia tay kỉ nguyên chiến thắng gắn liền với “chân mệnh thiên tử” Zinedine Zidane và biết bao bàn thắng của Cristiano Ronaldo. Tại Juventus, Ronaldo không “nổ” đều đặn như thời còn khoác áo Real nhưng anh đóng góp cho lối chơi vào chuỗi toàn thắng của CLB thành Turin theo 1 cách khác, qua hàng loạt pha kiến tao và lối chơi giàu hi sinh hơn rất nhiều.
 
Còn Real hậu Ronaldo? Khởi đầu không tệ với 6 trận bất bại (thắng 5) ở La liga và Champions League khiến người ta tưởng rằng tân HLVL Julen Lopetegui đã tìm ra được liệu pháp để giúp Real sống khỏe sau khi mất đi “kho bàn thắng” Ronaldo. Nhưng thực tế đang diễn ra theo chiều hướng tệ hơn rất nhiều so với cách mà các Madridista có thể tưởng tượng. Kể từ sau pha lập công của Asensio vào lưới Espanyol ở phút 41 trận thắng 1-0 tại Bernabeu hôm 23/9, là 67 pha dứt điểm, là 409 phút bất khả ghi bàn và chuỗi trận bất thắng kèo dài tới con số 4.
 
Real liên tục sảy chân
Chỉ tính riêng tại La Liga, Real đã dứt điểm cầu môn tới 131 lần qua 8 vòng đấu mùa này. CLB Hoàng gia Tây Ban Nha có 12 bàn. Tức bình quân, Real phải sút tới gần 11 quả mỗi trận để thu về 1 bàn thắng. Có CLB nào sở hữu hiệu quả ghi bàn/ tổng số pha dứt điểm tệ như cách Real đang thể hiện? Câu trả lời trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu là Không.

Trên BXH La Liga, Real vẫn đứng trong Top 4 chủ yếu là bởi những đối thủ cạnh tranh hàng đầu như Barcelona và Atletico Madrid cũng thể hiện thất thường từ đầu mùa. Tại Champions League, tình hình cũng không đến nỗi quá tệ cho Real chỉ sau 1 thất bại ở Moscow. Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng trên mặt trận tấn công hiện tại không sớm được Lopetegui và các ngôi sao Real cải thiện, chuyện đội bóng này tụt sâu hơn nữa ở 2 đấu trường chính là điều không có gì phải bàn cãi.
 
Bale cũng sa sút phong độ
Cuối tuần trước, International Soccer Observatory (CIES) đã công bố một bảng xếp hạng đặc biệt thể hiện sự ổn định về mặt nhân sự của các CLB hàng đầu châu Âu. Theo đó, Real với bình quân mỗi cầu thủ trong đội hình hiện tại đã gắn bó 5,84 năm với đội, là CLB có sự ổn định về mặt nhân sự số 1 châu Âu, đứng trên Barca (5,36 năm), Bayern (5,26), Atletico (4,17), Tottenham (3,89) và Manchester United (3,72). Bạn có thấy sự trùng hợp gì ở bảng xếp hạng “ổn định” tốp đầu này với màn trình diễn của các CLB nêu trên kể từ khi mùa giải 2018/19 khởi tranh hay không?
 
Câu trả lời, tất cả các CLB trên đều thể hiện không tốt so với cùng kì mùa trước. Tottenham đã thua cả 2 trận ở Champions League và 4/10 trận mùa này. Barca, đầu bảng La Liga và đầu bảng Champions League nhưng thực ra chỉ thắng được duy nhất Tottenham trong 5 trận chính thức gần nhất. Bayern đang khủng hoảng trầm trọng với serie 4 trận liên tiếp chỉ hòa và thua khiến BLĐ đội bóng này phải tính tới phương án “trảm” tân HLV Niko Kovac. Atletico cũng chỉ mới khởi sắc sau giai đoạn “đề-pa” đáng thất vọng. Man United từ đầu mùa là trung tâm của những lời chỉ trích và chế nhạo trong khi Real, như chúng ta đã biết, là chuỗi 409 phút không thể ghi bàn.
 
Với cụ thể trường hợp Real, “sự ổn định nhân sự” bình quân chẳng có nghĩa lý gì khi CLB này không có sự vận động tích cực sau khi mất đi 2 nhân vật quan trọng bậc nhất làm nên “sự ổn định về mặt thành tích”: tài cầm quân của Zidane và những bàn thắng cùng phẩm chất nhà vô địch của Ronaldo. Những người sớm tung hô Bale, Asensio và Benzema sau một vài trận đầu chơi tốt rằng nhóm này đã có “không gian và cơ hội” để tỏa sáng sau khi Ronaldo rời đi, giờ có lẽ phải đang tự vấn chính bản thân mình.
 
Benzema Ronaldo khi xưa
Gần 1 thập kỉ, Real qua mọi đời HLV đã quá quen với việc dồn bóng cho Ronaldo, tạo cơ hội ghi bàn hết mức cho Ronaldo để từ đó mở ra những thắng lợi và những chiến tích đỉnh cao. Thay đổi một thói quen không bao giờ là chuyện đơn giản, nhất là một thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức, vào cách chơi của từng cầu thủ, vào cả cách vận hành một đội bóng như Real thời còn Ronaldo và hiện tại – khi đã chia tay CR7. 
 
Sau giai đoạn hứng khởi ngắn ngủi vì thoát khỏi cái bóng của Ronaldo, giờ là lúc Real phải đối mặt với một sự thật khắc nghiệt: ai sẽ thay Ronaldo đảm bảo hiệu suất “nổ súng” như CR7 đã từng trong bối cảnh những người được kì vọng (Mariano, Asensio) chưa từng cho thấy họ có bản năng sát thủ, Benzema và Bale phải học cách thích nghi với việc không-phải-làm-nền nữa, Modric đã đạt đỉnh tuổi 33 và những pha leo biên của Marcelo đã không còn hiệu quả khi mất đi đối tác thân thuộc Ronaldo.
 
Real thời hậu Ronaldo (và Zidane) có quá nhiều vấn đề nan giải mà hiệu quả tấn công cùng 409 phút tịt ngòi chỉ là bề nổi của một tập thể không có được sự chuẩn bị đủ tốt cả về nhân sự, kĩ-chiến thuật lẫn tinh thần trong mùa giải đầu tiên mất đi người-hay-nhất…

ELFLACO (TTVN)
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.