Không phải Modric, sự kiên cường mới là chìa khóa giúp Croatia giành chiến thắng

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Ba 06/12/2022 16:33(GMT+7)

Croatia đã đánh bại Nhật Bản tại vòng 16 đội theo cách tàn nhẫn nhất: Trên chấm phạt đền. Một chiến thắng giàu cảm xúc của đội bóng đến từ châu Âu, dù nó đến từ sức mạnh tập thể chứ không phải từ những ngôi sao nổi bật.

 

Khi hiệp phụ đầu tiên diễn ra được 9 phút, trong bối cảnh Croatia và Nhật Bản đang cầm chân nhau với tỉ số 1-1, HLV Zlatko Dalic của Croatia quyết định rút Mateo Kovacic và Luka Modric và tung vào sân Lovro Majer và Nikola Vlasic. Ở kỳ World Cup có thể là cuối cùng của nhiều ngôi sao - từ Cristiano Ronaldo, Luis Suarez đến Lionel Messi - hẳn bạn đang thắc mắc liệu mình có vừa chứng kiến những khoảnh khắc cuối cùng của Modric trên sân khấu lớn nhất thế giới hay không.

Modric giờ đã 37 tuổi. Bốn năm trước trên đất Nga, anh đã gồng gánh Croatia đến trận chung kết và giành Quả bóng Vàng. Tới thời điểm hiện tại, anh vẫn là một phần quan trọng của Real Madrid, nhưng để trụ đến EURO 2024 cùng Croatia là cả một vấn đề.

Khi thấy mình bị thay ra, Modric tháo băng đội trưởng và nhìn quanh, với vẻ mặt bối rối xen lẫn mệt mỏi. Một lúc sau, Domagoj Vida, trung vệ vạm vỡ từng là trụ cột của Croatia tại World Cup 2018 ôm lấy cả hai cầu thủ. Modric nức nở, trong khi Kovacic tỏ ra sợ hãi. Về phần mình, Vida trông giống như một người cha đang an ủi hai đứa con buồn bã bên ngoài văn phòng bác sĩ thú y, khi chúng lo lắng cho con vật cưng bị ốm.

Dalic khoanh tay và nhìn xuống sân. Nếu Croatia bị loại, người hâm mộ biết họ có thể phán xét ông điều gì: Thiếu tinh tế, cũng như không tôn trọng những tên tuổi lớn. Đó không chỉ là câu chuyện về Modric và Kovacic, cầu thủ không góp mặt trong trận chung kết năm 2018, nhưng đã đóng góp rất nhiều cho đội bóng nước này. Trong số 13 cầu thủ tham dự trận chung kết World Cup 2018 với Pháp, chỉ có 5 người lọt vào danh sách dự World Cup 2022. Vida ngồi dự bị, Andrej Kramaric bị thay sớm, Ivan Perisic sau đó cũng rời sân và cuối cùng là Modric. Chỉ có Dejan Lovren và Marcelo Brozovic là những cầu thủ duy nhất trụ lại cho đến loạt sút luân lưu.

Thành công của bóng đá Croatia dựa trên hai yếu tố. Croatia là đội bóng của những siêu nhân vùng Balkan, những người có sự bền bỉ, đoàn kết, dũng cảm và tinh thần cứng rắn giúp họ thường xuyên vượt lên chính mình. Phần còn lại là câu chuyện lãng mạn về những siêu sao kỳ cựu vận dụng kinh nghiệm, tinh thần dẻo dai để hết mình vì mục tiêu cuối cùng.

Croatia đánh bại Nhật Bản ở loạt đá luân lưu

Dalic đã tận dụng yếu tố đầu tiên một cách triệt để; tại sao không chứ? Croatia đã giành chiến thắng trong hai loạt sút luân lưu tại kỳ World Cup gần nhất (trước Đan Mạch và chủ nhà Nga), trước khi vượt qua Anh trong hiệp phụ ở trận bán kết. Họ không bối rối khi thời gian thi đấu kéo dài qua phút 90. Họ chơi bóng với cái đầu ngẩng cao, với đầu gối không hề biết run rẩy. 

“Ý chí kiên cường của các cầu thủ phản ánh bản chất của người Croatia,” Dalic nói về các học trò. "Chúng tôi đã trải qua quá nhiều thương đau, vì thế chúng tôi không bỏ cuộc. Chúng tôi là một quốc gia nhỏ nhưng có trái tim lớn. Chúng tôi thi đấu vì những người hâm mộ và luôn hy vọng vào một ngày mai tốt đẹp hơn.”

Nhưng ở vế thứ hai, ông đã đặt lý trí lên trên tình cảm. Modric và Kovacic tỏ ra thấm mệt, trong khi Kramaric chơi thiếu hiệu quả. Perisic trụ được hết 90 phút chính thức, nhưng cũng chính thức ‘hết xăng’ khi hiệp phụ thứ nhất khép lại. 

Quan trọng không kém, Dalic có niềm tin vào những người thay thế. Cho dù thành thật mà nói, không ai trong số họ là những cái tên quen thuộc hoặc có khả năng sẽ là những cái tên quen thuộc ở cấp CLB. Mario Pasalic (27 tuổi) và Lovro Majer (24 tuổi) không phải lúc nào cũng có tên trong đội hình xuất phát của Atalanta và Rennes. Nikola Vlasic (25 tuổi) thất bại ở West Ham và Everton và hiện đang ở Torino. Marko Livaja (29 tuổi) đã trở lại Croatia để khoác áo Hajduk Split. Livaja từng là một cầu thủ trẻ rất được chào đón, nhưng giờ bạn có thể nói rằng anh đã để lại tương lai rực rỡ đó ở phía sau.

Hãy cùng xem họ thay thế những ai. Một huyền thoại của Real Madrid và từng giành Quả bóng Vàng, một trụ cột của Chelsea, một chàng trai đã ghi 91 bàn thắng tại Bundesliga cho Hoffenheim và một ngôi sao của Tottenham từng khoác áo Bayern Munich, Inter Milan và Borussia Dortmund. Modric, Kovacic, Kramaric và Perisic đã cống hiến tất cả những gì có thể cho Dalic. Ngoài ra, bốn cầu thủ này sẽ nằm trong số những người thực hiện loạt đá phạt đền nếu họ vẫn còn ở trên sân, như Dalic đã xác nhận sau đó.

 

Tuy nhiên, ông đã được minh oan cho quyết định của mình. Croatia không thể giành chiến thắng trong 120 phút. Nhưng ba trong số bốn người (Livaja, Pasalic và Vlasic) đã bước lên để thực hiện các quả phạt đền (chỉ có Livaja đá hỏng). Majer sẽ là người thực hiện cuối cùng, trước khi các cú đá hỏng liên tiếp của Nhật Bản khiến lượt đá của anh trở nên không cần thiết.

Khi được yêu cầu so sánh những tân binh của mình với những cầu thủ đã thể hiện rất tốt ở Nga, Dalic nói: “Tôi đã nói với họ rằng đây là cơ hội để họ làm nên lịch sử, giống như những người đi trước họ ở Nga. Tối nay, họ đã làm được điều đó.”

Khi được hỏi liệu chiến thắng trong loạt đá phạt đền là do may mắn hay do sự chuẩn bị, HLV của Nhật Bản Hajime Moriyasu chia sẻ: “Tôi nghĩ là cả hai... Đó là do may mắn, nhưng cũng một phần do quá trình tập luyện.” Tuy nhiên, Moriyasu đã bỏ lỡ một thứ: Đó cũng là câu chuyện về sự dẻo dai và kiên định tuyệt đối. Và trên hết là niềm tin của họ.

“Đừng đánh giá thấp người Croatia, chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc,” Dalic nói. "Chúng tôi luôn tin tưởng vào điều lớn lao. Và Chúa luôn ở bên chúng tôi.”

Lược dịch bài viết “Croatia's resilience, not veterans like Luka Modric, key to their World Cup round of 16 win over Japan” của Gabriele Marcotti (ESPN)

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lịch thi đấu căng như dây đàn, liệu Real có thể tiếp tục nói hai từ "hài lòng"?

Trong những mùa giải gần đây, chúng ta luôn thấy một khả năng xoay sở rất tốt của HLV Carlo Ancelotti với những gì Real Madrid có trong tay. Nhưng ở mùa này, khi cơn bão chấn thương lũ lượt kéo tới, liệu chiến lược gia người Italia có thể tiếp tục nói "chúng tôi hài lòng với đội hình hiện tại"?

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.