Khi thiên đường và địa ngục chỉ cách nhau 11m

Tác giả Thế Trung - Thứ Hai 12/07/2021 17:49(GMT+7)

Zalo

Trận chung kết Euro 2020 đã kết thúc theo một cách không thể kịch tính hơn. Người Italy đã thắng theo đúng cái cách mà họ từng làm trong buổi tối ở Berlin cách đây 15 năm: bị dẫn trước, gỡ hòa rồi đánh bại đối thủ trên chấm 11 mét. Một lần nữa, giấc mơ đẹp đẽ đưa “bóng đá trở về nhà” của người Anh lại biến thành cơn ác mộng sau loạt luân lưu cân não.

Khi thiên đường và địa ngục chỉ cách nhau 11m
Ảnh: Getty Images

Trong bóng đá, 11m là một khoảng cách kỳ lạ. Đó là ranh giới mong manh giữa thành công và thất bại, giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa thiên đường và địa ngục. Mọi thứ nghe có vẻ thật đơn giản để thực hiện một quả 11m: bước từ vòng tròn giữa sân đến điểm đá phạt, lựa chọn góc sút, hít một hơi thật sâu và dứt điểm thật quyết đoán. Dẫu vậy, đó là khi chúng ta đã bỏ qua yếu tố tâm lý đến từ sức ép của hàng vạn khán giả đang có mặt trên sân và của cảm giác lâng lâng mơ hồ vì chiếc cúp vô địch tuy đang ở trước mặt nhưng vẫn thật xa xôi.
 
Với sự hỗ trợ đắc lực đến từ băng hình phân tích và số liệu thống kê, các cầu thủ giờ đây luôn sẵn sàng cho những màn “đấu súng” với đầy đủ thông tin cần thiết. Có những lúc, cả người sút và người bắt đều có thể tưởng tượng được bóng sẽ đi vào góc nào từ trước khi cú sút được thực hiện. Nhưng bóng đá là trò chơi giữa con người với con người. Chính vì vậy, sai lầm xảy ra là lẽ đương nhiên. 
 
Sút luân lưu là một màn thử thách cực kỳ khắc nghiệt về sức chịu đựng. Nó bắt đầu từ việc một cầu thủ phải đi từ vòng tròn giữa sân, nơi có vòng tay của các đồng đội tới chấm đá phạt (có những người đã gọi đây là quãng đường tra tấn nhất mà họ từng trải qua trong cuộc đời) đến nhiệm vụ một mình đối mặt với thủ môn. 
 
Đó là khoảnh khắc mà cầu thủ sẽ cảm nhận rõ sự cô đơn và áp lực, là khi họ suy nghĩ về thành công, thất bại và những hệ quả phía sau, là khi họ nhận ra rằng mình đang là người quyết định sự sung sướng thăng hoa hay nỗi thất vọng tột cùng của hàng triệu người. Từng ấy thứ đã biến cú sút từ khoảng cách 11m bỗng nhiên trở nên thật bất khả thi. 
 
Giải đấu lớn nào cũng vậy, sẽ luôn có những khoảnh khắc nghiệt ngã như của Roberto Baggio năm 1994 hay Gareth Southgate năm 1996. Đó là nỗi ám ảnh với cả người thực hiện lẫn những người phải chứng kiến. Năm 2017, tức là 23 năm sau cú sút đưa bóng đi lên trời ở Rose Bowl, Roberto Baggio thừa nhận ông vẫn cảm nhận rõ sự cay đắng như thể mọi thứ vừa mới diễn ra hôm qua. Gareth Southgate chắc chắn là người hiểu nhất cảm giác của Marcus Rashford, Jadon Sancho hay Bukayo Saka lúc này. Bao nhiêu lời động viên cũng là không đủ để che mờ đi thực tế rằng những chỉ trích cay nghiệt là thứ đang chờ đợi ba cầu thủ trẻ của Tam Sư và họ buộc phải tìm cách vượt qua.
 
Thời điểm bước lên thực hiện quả luân lưu của mình, Rashford mới 23, Sancho 21 còn Saka thì chưa tròn 20 tuổi. Những dấu hỏi lớn sẽ được đặt ra cho Gareth Southgate khi ông giao trọng trách nặng nề cho những gương mặt còn quá trẻ dù trong đội hình vẫn còn đủ những con người từng trải hơn. Bukayo Saka thậm chí chưa sút bất kỳ một quả 11m nào kể từ khi lên thi đấu chuyên nghiệp còn Rashford và Sancho chỉ mới vào sân được 90 giây và chạm bóng vỏn vẹn 2 lần. Không ai biết thứ tự sút của mỗi đội cho đến khi quả penalty được thực hiện (trừ trọng tài) nhưng nói một cách công bằng, cả Rashford, Sancho và Saka đã “bị” đẩy vào một tình huống mà từ trong sâu thẳm, họ biết rằng mình sẽ thất bại.
 
Trong quá khứ, trường hợp tương tự từng xảy ra với chính đội tuyển Anh khi trung vệ Jamie Carragher được HLV Sven-Goran Eriksson đưa vào sân ở cuối hiệp phụ thứ hai trận tứ kết World Cup 2006 với Bồ Đào Nha. Anh xung phong sút luân lưu mà không nhận ra rằng mình đang mắc phải một sai lầm lớn.

Khi thiên đường và địa ngục chỉ cách nhau 11m
Ảnh: Getty Images
 
“Tôi vào sân ở phút 118 chỉ để sút một quả luân lưu”, Carragher nhớ lại. “Tôi nhớ là mình còn chẳng kịp chạm bóng lần nào trước loạt luân lưu. Tôi nôn nao tới mức đã thực hiện cú sút của mình trước cả tiếng còi của trọng tài và buộc phải đá lại. Đó là lúc tôi thật sự lo lắng vì tôi cảm giác rằng thủ môn đối phương đã biết hướng sút của mình. Đến khi sút lại, tôi chọn góc đối diện và anh ấy (thủ môn Ricardo Perreira) vẫn cản phá được”.
 
Cũng cần phải nhắc tới Jordan Pickford khi anh đã làm tất cả những gì có thể để níu kéo hy vọng cho đội tuyển Anh. Nhìn biểu cảm của thủ thành đến từ Sunderland có thể thấy anh đã đặt cả sự nghiệp của mình vào loạt luân lưu này. Anh đoán đúng hướng sút của Andrea Belotti trước khi sửa sai cho Jadon Sancho bằng pha đổ người xuất sắc cản phá cú đá thương hiệu của Jorginho – điều mà Unai Simon đã không thể làm được ở trận bán kết trước đó. 
 
Ở thời điểm căng thẳng như vậy, có đủ sự lạnh lùng để thực hiện một pha “nhảy chân sáo” như Jorginho đã là khó, nhưng để điềm tĩnh như Pickford thì còn khó hơn. Thứ khiến những cú sút theo kiểu như vậy khó bị ngăn cản chính là tính thời điểm. Cú nhảy lên ở cuối pha chạy đà chính là điều kiện để đưa thủ môn vào bẫy và quyết định dứt điểm vào góc nào chỉ được đưa ra ở khoảnh khắc cuối cùng. 
 
Thông thường, mọi thủ môn đều sẽ chọn một bên khung thành để sớm thực hiện pha đổ người nhưng Pickford không làm như vậy. Anh sẵn sàng cho màn đấu trí với Jorginho. Anh kiên nhẫn chờ đợi và chỉ đổ người ngay sau khi tiền vệ người Italy để lộ hướng sút của mình. 

Khi thiên đường và địa ngục chỉ cách nhau 11m
Ảnh: Getty Images
 
“Sự kiên nhẫn là yếu tố sống còn. Các thủ môn sẽ cố gắng làm lung lay tâm lý của người sút bằng cách kéo dài thời gian. Có một nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu phải chờ đợi càng lâu, tỷ lệ một cầu thủ đá hỏng penalty sẽ càng cao”, chuyên gia tâm lý học thể thao Tom Young cho biết. 
 
Từ góc nhìn của một thủ môn, loạt sút luân lưu mang đến cơ hội để họ trở thành người hùng hơn là biến họ trở thành tội đồ. Sẽ chẳng có thủ môn nào bị chê trách vì không thể cản phá được một quả luân lưu trong trận chung kết (trừ… David De Gea). Dẫu vậy, người chiến thắng thì chỉ có một và Chúa đã ở bên người Italy. Số phận đã chọn Donnarumma thay vì Pickford. 
 
Sự đối lập giữa Gianluigi Donnarumma to lớn với Bukayo Saka nhỏ bé, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, chính là hình ảnh thu nhỏ của Italy và Anh trong loạt đấu súng cân não. Sau tất cả, Gareth Southgate vẫn thể hiện được vai trò của một người thuyền trưởng khi ông ôm lấy Bukayo Saka sau khi tiền đạo này đá hỏng và tập trung các cầu thủ để họp đội dù trận đấu đã được định đoạt. Đó chính là dấu hiệu của niềm hy vọng, của niềm tin về tương lai đáng để chờ đợi cho một thế hệ tài năng khác của bóng đá Anh.
 
Còn với người Italy, họ cũng sẽ nói bóng đá đã trở về nhà theo cách của riêng mình, vì Euro 2020 đã bắt đầu ở Roma và điểm dừng chân cuối cùng của chiếc cúp Henri Delaunay cũng là Thành phố vĩnh cửu.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Từ kiên cố như Arsenal đến bất ổn như Man Utd: Các tổ hợp trung vệ ở Premier League đang chơi thế nào?

Nhân dịp Arsenal đang đạt được vị thế một ứng cử viên cho chức vô địch Premier League mùa giải này dựa trên “nền móng” là cặp trung vệ Gabriel Magalhães và William Saliba, sẽ rất thú vị nếu chúng ta tiến hành một cuộc “điều tra” về tình trạng hiện tại của các tổ hợp trung vệ còn lại ở giải đấu này.

Hãy mạnh dạn đặt niềm tin vào "Bộ 6 siêu đẳng" của ông đi nào, Gareth Southgate!

Trong một bài phân tích do đích thân mình viết gần đây cho The Athletic, cựu tiền đạo huyền thoại Alan Shearer đã đề xuất một ý tưởng xây dựng đội hình cho HLV trưởng của Tam Sư là Gareth Southgate, ông tin rằng nó sẽ hình thành một “bộ 6 siêu đẳng” trên tiền tuyến của tuyển Anh và giúp họ thăng hoa.

Giải mã thành công của Inter dưới thời Inzaghi theo góc độ chiến thuật

Inter Milan là á quân Champions League 2023 và đang chơi thứ bóng đá tuyệt vời để thống trị Serie A Italia. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích các khía cạnh chính về mặt chiến thuật của HLV Simone Inzaghi, hi vọng có thể giúp các bạn hiểu được tại sao tập thể này tạo ra hiệu suất vượt trội đến thế.

X
top-arrow