Khi Italy không còn dùng dao găm

Tác giả CG - Thứ Ba 06/07/2021 17:07(GMT+7)

Thành công của đội bóng nào cũng cần nhắc tới vai trò của HLV trưởng, nhất là với một nền bóng đá nặng tính tư tưởng như Italy.

 

Khi còn thi đấu, Roberto Mancini là một tiền đạo tài hoa. Hành trình của ông bắt đầu ở Bologna với 9 bàn thắng trong mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên, khi đó Mancini mới 16 tuổi. 1 năm sau, chủ tịch Paolo Mantovani của Sampdoria mở két, chi ra ra 2 tỷ rưỡi lire (tương đương khoảng 40 triệu euro ngày nay) cộng thêm 4 cầu thủ nữa để đưa Mancini về sân Massari. Với một cầu thủ thiếu niên, đó là con số quá lớn.
 
Trên trang web của mình, Mancini chia sẻ về điều đó như sau: “Giấc mơ của tôi đã thành sự thực, tôi hiểu là nhiều CLB mong muốn có tôi, trong đó có Sampdoria của Mantovani. Tôi phải cải thiện bản thân và tôi hiểu mình có thể làm được. Tôi không muốn làm một ngôi sao băng: đây là cơ hội của tôi, tôi không thể đánh mất. Tôi hiểu rằng mọi thứ có thể kết thúc ngay lập tức”.
 
Và sau đó, Mancini tới Sampdoria, trở thành một tiền đạo lẫy lừng, gặt hái thành công cùng đội bóng này. Mọi thứ không phải lúc nào cũng bằng phẳng và suôn sẻ, nhưng về cơ bản Mancini cũng có được những sự trọng vọng. Ông không phải ngôi sao băng. 
 
Italy mà ông dẫn dắt ở Euro 2020 cũng đang đứng trước một cơ hội tuyệt vời để làm nên một vinh quang: mang về chiếc cúp châu Âu thứ hai trong lịch sử của họ và là danh hiệu gần nhất trong 15 năm. Mọi thứ vẫn chưa được định đoạt, và bóng đá thì đa diện, khó mà nói trước được điều gì, nhưng dù có gặt hái thành công cuối cùng hay không thì ở tập thể Azzurri này, chúng ta nhìn thấy họ không phải một ngôi sao băng.

Italy đang thể hiện lối chơi thuyết phục nhất Euro 2020. Ảnh: Getty Images
 
Thật dễ để khen Italy ở thời điểm hiện tại. Nói họ là đội bóng thi đấu hay nhất giải cho đến lúc này cũng không sai. Mọi thứ được vận hành có tổ chức và định hướng, các cá nhân trên sân đều thực sự là những gương mặt chất lượng trải đều các tuyến. Gianluigi Donnarumma là thủ môn số một của Italy thời điểm hiện tại, dù mới 22 tuổi nhưng anh đã có 6 năm thi đấu chuyên nghiệp và được cho là chuẩn bị gia nhập Paris Saint-Germain. 

Giorgio Chiellini và Leonardo Bonucci từng được Jose Mourinho ca ngợi là những “giảng viên Havard” và ở Euro 2020 họ chứng minh vẫn còn chỗ cho những người già. Ở phía trên, bộ ba tiền vệ Jorginho, Nicolo Barella và Marco Verratti là một sự đảm bảo: người là trụ cột giúp Chelsea giành chức vô địch Champions League, người là tiền vệ hay nhất Serie A mùa giải trước, người là trụ cột của PSG và vẫn chứng minh đẳng cấp của mình suốt nhiều năm qua.

Vị trí khiến người ta đặt dấu hỏi nhiều nhất ở Azzurri là hàng tiền đạo, cụ thể là Ciro Immobile. Nhưng đây là chân sút đã 3 lần đoạt danh hiệu Vua phá lưới Serie A. Bên cạnh anh là một Lorenzo Insigne vừa có mùa giải bùng nổ bậc nhất sự nghiệp. Ngoài ra, còn những cái tên khác của đội tuyển Italy đã để lại dấu ấn ở Euro năm nay. Nhưng điều quan trọng là họ chơi một thứ bóng đá đầy cảm hứng, tấn công mạch lạc uyển chuyển. Và chúng ta đề cao điều đó vì họ là Italy - một tập thể đại diện cho cả nền bóng đá nổi tiếng với cách chơi phòng ngự làm nền tảng.
 
Tư tưởng phòng ngự, ngăn chặn đối thủ làm ưu tiên đã ngấm vào DNA của những người làm bóng đá Italy suốt nhiều thế hệ. Chúng ta đều biết catenaccio chính là bóng đá, là lối chơi làm nên thương hiệu của người Italy. Tư tưởng bóng đá phòng ngự của người Italy được truyền thụ từ lớp người này sang lớp người khác, thế hệ này sang thế hệ khác. Chiến thắng tất nhiên là thứ quan trọng nhất, và để chiến thắng thì trước tiên không được phép thua. Tư duy phòng ngự ăn sâu bén rễ vào đời sống bóng đá Italy.
 
HLV Carlo Ancelotti từng nói "Các đội bóng Italy thường đánh lén đối thủ. Họ không cố gắng chứng minh mình giỏi hơn mà họ cho đối phương thấy họ khôn ngoan hơn". Rudi Fuchs, nhà phê bình nghệ thuật kỳ cựu người Hà Lan, nhận xét: “Người Italy dụ dỗ và ru ngủ bạn trong vòng tay mềm mại của họ, và rồi ghi một bàn thắng như thể đâm bạn bằng một nhát dao găm”. Còn Gianni Brera, ký giả huyền thoại của Italy, thậm chí còn cực đoan hơn: “Trận đấu bóng đá hoàn hảo là trận đấu kết thúc với tỷ số 0-0”.

Ảnh: Getty Images
 
Cũng chính vì thế, một lối tư duy khác mà Arrigo Sacchi thể hiện ra từng một thời bị coi là “dị giáo” ở Italy và ông bị các đồng nghiệp chỉ trích nặng nề. Tất nhiên, bóng đá ngày nay đã thay đổi, xu thế toàn cầu hóa khiến các hệ thống, đặc tính chiến thuật của các nền bóng đá dần bão hòa với nhau. Các CLB ở Italy đã không còn chỉ chú tâm vào phòng ngự, thậm chí họ tấn công rất quyến rũ (như Napoli dưới thời Maurizio Sarri là minh chứng).
 
Song, đội tuyển quốc gia vẫn là đại diện cho cả nền bóng đá. Màn trình diễn và sự thành công của Italy dưới thời Mancini, đặc biệt là Euro 2020, như đại diện cho một sự chuyển biến to lớn. Trên The Guardian, ký giả Nicky Bandini cho rằng bàn thắng rất đẹp của Insigne vào lưới đội tuyển Bỉ ở trận tứ kết là minh chứng tiêu biểu cho một “Italy mới” trong 4 năm qua. Trong cả sự nghiệp, đội trưởng Napoli đã ghi nhiều bàn thắng kiểu như thế, nhưng trong màu áo đội tuyển, ở sân chơi này, vòng đấu này với tính chất quan trọng như thế, nó thực sự giá trị.
 
4 năm trước, khi Italy thua Thụy Điển ở trận play-off tranh vé đi World Cup, Insigne ngồi dự bị suốt cả trận. Khi HLV Giampiero Ventura yêu cầu Daniele De Rossi ra khởi động, cầu thủ của AS Roma khi ấy “bật” lại: “Tôi khởi động để làm cái gì? Tôi vào sân thì có ích gì, tung tiền đạo vào đi” rồi chỉ tay về phía Insigne.
 
4 năm sau, Insigne đã được giải phóng để vẽ nên một siêu phẩm đẹp mắt, đại diện cho sự tự do, phóng và khoáng và sự thay đổi của cả một tập thể. Mancini đã làm được một điều là thay đổi bộ nhận diện của cả nền bóng đá theo hướng tích cực, và kiên định với niềm tin của mình. Thành công của đội bóng nào cũng cần nhắc tới vai trò của HLV trưởng, nhất là với một nền bóng đá nặng tính tư tưởng như Italy.

Ở đội tuyển Italy hiện tại, tất cả cùng nhìn về một hướng. Ảnh: UEFA EURO 2020
 
Italy giờ đây không “đánh lén” đối thủ bằng một “nhát dao găm” mà họ sẵn sàng chơi phủ đầu, ào ạt xông lên. Mọi thứ được vận hành trơn tru và ăn khớp, từng vị trí như một chi tiết trong cả cỗ máy được lập trình. Các cầu thủ gần như thấm nhuần tư tưởng của Mancini, họ cũng tin vào lối chơi đó và người thầy của mình. 
 
Và điều quan trọng, bộ khung của đội hình ấy sẽ sẵn sàng chinh chiến tại World Cup 1 năm nữa, cũng với vị thuyền trưởng đó. Đội tuyển Italy này không phải ngôi sao băng, dù họ có đi đến đích hay không, bởi mọi thứ không phải thoáng chốc. Đó là cả một hành trình gieo mầm và đợi hái quả.
 
Trước thềm Euro 2020, Roberto Mancini tuyên bố trong một chương trình được truyền hình trực tiếp cho cả đất nước Italy: “Chúng tôi sẽ thu hút người hâm mộ bằng sự vui vẻ”. Đúng, nhìn Italy chơi bóng vào lúc này rất vui.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.