Khi chung kết Asian Cup vắng bóng những ngôi sao

Tác giả Nam Giang - Thứ Bảy 10/02/2024 08:19(GMT+7)

Asian Cup vốn là đấu trường số 1 châu Á cấp ĐTQG, tuy nhiên, trận chung kết của kỳ Asian Cup năm nay lại có phần kém sức hút do sự vắng mặt của các ngôi sao.

 

Không phải những cường quốc hàng đầu của bóng đá châu Á như: Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc hay Úc; trận chung kết Asian Cup 2023 diễn ra giữa Jordan và Qatar. Điều đó cho thấy 3 điều: Sự thiếu vắng của các ngôi sao, tính bất ngờ của giải đấu và sự lép vế của các đại diện Đông Á. 

Bất ngờ về một chung kết Asian Cup thiếu vắng sao số

 

Trên đây là BXH các ĐT có giá trị đội hình cao nhất Asian Cup 2023. 8 đội dẫn đầu danh sách này là Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Úc, UAE, Uzekistan, Ả Rập Saudi và Syria đã phải xách va li về nước trước khi giải đấu bước đến trận chung kết. Thay vào đó, Jordan (đứng hạng 10) và Qatar (hạng 9) mới là 2 đội bóng giành vé vào chơi trận tranh cúp. 

 

Còn đây là BXH các đội có tỷ lệ vô địch cao nhất, theo tính toán từ siêu máy tính của hãng thống kê Opta. 5 đội đứng đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Úc và Ả Rập Saudi đã chia tay giải đấu từ trước. Cũng chẳng phải những UAE, Uzbekistan, Iraq, Trung Quốc hay Oman; Qatar (đứng hạng 6 với 9.8% khả năng vô địch) và Jordan (hạng 12 với chỉ 1.1% khả năng vô địch) mới là những đại diện đã làm đảo lộn mọi dự đoán để trở thành 2 đội có thành tích tốt nhất toàn giải. 

BXH FIFA trước khi Asian Cup 2023 khởi tranh (tính đến ngày 21/12/2023)

Nhìn lên BXH FIFA, những lá cờ đầu của làng túc cầu châu Á như Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc, Úc hay Ả Rập Saudi đều thất bại trong việc trụ lại đến trận chung kết, chứ chưa nói tới những đội bóng đứng dưới như Iraq, UAE, Uzbekistan, Oman, Trung Quốc và Bahrain. Không chỉ có thứ hạng top đầu trên BXH FIFA (riêng Nhật Bản còn là á quân Asian Cup 2019), đây còn là những đại diện của châu Á tại VCK World Cup 2022. 

Qatar thuộc trường hợp đặc biệt do không phải thi đấu vòng loại vì là nước chủ nhà. Trong khi đó, Jordan xếp tận hạng 87 trên BXH FIFA. Vậy còn các đại diện tới từ hệ thống giải trẻ của châu lục thì sao? Ở VCK U23 châu Á gần nhất (diễn ra năm 2022), Ả Rập Saudi giành chức vô địch, Uzbekistan là á quân, Nhật Bản giành huy chương đồng còn hạng 4 thuộc về Úc. 

Siêu máy tính của kênh thể thao Alkass (Qatar) cũng dự đoán sai 2 đội đá trận chung kết là Nhật Bản gặp Iran

Đó là cái nhìn tổng quan về các đội bóng, vậy còn những cá nhân? Trong top 28 cầu thủ đắt giá nhất Asian Cup 2023, chỉ có đúng 1 cầu thủ có thể góp mặt ở trận chung kết, là Mousa Al Tamari của Jordan – người có giá trị chuyển nhượng 6 triệu euro trên Transfermarkt và đứng tận vị trí thứ 26 trong danh sách này. Trong khi đó, cầu thủ đắt giá nhất bên phía Qatar là Akram Afif, kém 1.5 triệu euro so với Al Tamari. 

 

Nếu lên trang web Transfermarkt để tra cứu số liệu về các cầu thủ đắt giá nhất Asian Cup 2023, bạn phải chuyển sang trang thứ 2 thì mới có thể tìm được những cầu thủ xuất hiện ở trận chung kết

Chỉ có đúng 1 cầu thủ đang thi đấu ở top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu có tên trong danh sách đăng ký thi đấu ở trận chung kết Asian Cup năm nay, là Al Tamari của Jordan – người đang khoác áo Montpellier – CLB đang nằm ở nửa dưới BXH Ligue 1. Phía bên kia chiến tuyến, toàn bộ đội hình của Qatar đều đang thi đấu ở giải vô địch quốc nội (Qatar Stars League). 

Trên BXH các giải VĐQG của IFFHS (liên đoàn thống kê và lịch sử bóng đá thế giới), Qatar Stars League xếp ở tận vị trí thứ 75 toàn cầu và thứ 8 tại châu Á; sau K League 1 của Hàn Quốc, Saudi Pro League của Ả Rập Saudi, J1 League của Nhật Bản, Uzbekistan Super League của Uzbekistan, Persian Gulf Pro League của Iran, UAE Pro League của UAE và China Super League của Trung Quốc. 

Danh sách triệu tập của Qatar tại Asian Cup 2023

Trận chung kết của Asian Cup 2023 cũng sẽ không có sự xuất hiện của cầu thủ đang dẫn đầu danh sách vua phá lưới (tính đến sau vòng bán kết) là Aymen Hussein khi ĐT Iraq của anh đã thua Jordan 2-3 ở vòng 1/8. 

Người đang nắm giữ giải thưởng cầu thủ xuất sắc nhất châu Á (do AFC tổ chức bầu chọn) là Salem Al Dawsari cũng tương tự, sau khi Ả Rập Saudi không thể vượt qua Hàn Quốc ở vòng 16 đội. 

Chủ nhân của giải thưởng cầu thủ xuất sắc nhất châu Á (do Titan Sports – một tờ báo thể thao của Trung Quốc tổ chức bầu chọn) từ năm 2019 đến nay là Son Heung Min cũng vắng mặt ở trận chung kết sau khi Hàn Quốc chịu thất bại 0-2 trước Jordan ở bán kết. 

Có thể thấy, những ngôi sao hàng đầu của Asian Cup 2023 đều thuộc 2 đại diện Đông Á là Hàn Quốc và Nhật Bản. Và sự vắng mặt của 2 ĐT này ở trận chung kết, cho thấy sự lép vế của bóng đá Đông Á nếu so với các đại diện Tây Á.

Sự thua kém của bóng đá Đông Á tại Asian Cup 2023

Cả 4 đội dự EAFF E-1 (giải vô địch Đông Á cấp ĐTQG) ở lần gần nhất (diễn ra năm 2022) là Nhật Bản (vô địch), Hàn Quốc (hạng nhì), Trung Quốc (hạng 3) và Hong Kong (về bét) đều vắng mặt tại chung kết Asian Cup 2023. 

Tính từ sau năm 1996 đến trước khi giải đấu năm nay khởi tranh, 6 kỳ Asian Cup đã trôi qua, nhưng chỉ có 1 lần duy nhất trận chung kết vắng bóng các đại diện Đông Á, là trận chung kết năm 2007, diễn ra giữa Iraq và Ả Rập Saudi. Đặc biệt là trận chung kết năm 2004, diễn ra giữa 2 đội Đông Á là Nhật Bản và Trung Quốc. 

Kết quả các trận chung kết Asian Cup từ năm 2000 đến nay

Nếu xét rộng hơn, từ khi Asian Cup bắt đầu có vòng đấu loại trực tiếp năm 1972 đến trước năm 2023, mới chỉ có 3 lần trận chung kết vắng bóng các đại diện Đông Á là các năm 1976 (Iran thắng Kuwait), 1996 (Ả Rập Saudi thắng UAE) và 2007 (Iraq thắng Ả Rập Saudi).

Ở Asian Cup 2023, ứng viên số 1 mang tên Nhật Bản dù là đội đắt giá nhất (316.95 triệu euro) với 20 trên 26 cầu thủ đang chinh chiến ở châu Âu, có thứ hạng cao nhất trên BXH FIFA (17) và là đội vô địch nhiều nhất (4 lần nâng cúp ở các năm: 1992, 2000, 2004 và 2011). Trước khi hành quân tới Qatar, thầy trò HLV Hajime Moriyasu thắng 10 trận liên tiếp và là đương kim á quân nhưng lại dừng bước ở tứ kết khi thất bại 1-2 trước Iran và có kỳ Asian Cup nhận nhiều bàn thua nhất lịch sử (8 lần lọt lưới). 

Ở vòng bảng, Nhật Bản phải trải qua lần đầu tiên thua Iraq sau 42 năm (lần gần nhất là tại Asiad 1982). Theo Sofascore, đây là lần đầu tiên trong lịch sử “Samurai xanh” để thua 2 bàn ngay trong hiệp 1 ở 2 trận liên tiếp. Trước đó, thủ thành Zion Suzuki để Nguyễn Đình Bắc và Phạm Tuấn Hải chọc thủng lưới 2 lần trước khi hiệp 2 trận ra quân (thắng Việt Nam 4-2) bắt đầu. 

Trong khi đó, Hàn Quốc sở hữu đội hình đắt giá thứ nhì (193 triệu euro) và đứng thứ 3 châu Á trên BXH FIFA (hạng 23) nhưng cũng chỉ trụ được đến trận bán kết. Tờ báo Chosun của nước này gọi thất bại 0-2 trước Jordan hôm 6/2 là “thảm họa”. 

2 đại diện còn lại của EAFF (Liên đoàn bóng đá Đông Á) ở Asian Cup 2023 là Trung Quốc và Hong Kong đều phải xách va li về nước ở vòng bảng. Thành tích này không bất ngờ với Hong Kong do thầy trò HLV Jorn Andersen chỉ đứng hạng 150 trên BXH FIFA , cùng Kyrgyzstan là 2 đội có giá trị đội hình thấp nhất toàn giải và có cơ hội vô địch thấp nhất toàn giải (0.1%). 

Còn với Trung Quốc, việc phải dừng cuộc chơi ở vòng bảng lại là nỗi thất vọng. Ở cả 2 lần dự giải gần nhất, đại diện tới từ đất nước tỷ dân đều vào đến tứ kết. Trong 12 lần dự giải trước đây, Trung Quốc chưa từng ghi dưới 2 bàn và lần ấy đã diễn ra từ tận năm 1976. Trước năm 2024, đại diện tới từ đất nước tỷ dân cũng từng có 3 lần phải chia tay giải đấu từ vòng bảng, diễn ra vào các năm 1980, 2007 cũng như 2011, nhưng trong cả 3 lần ấy, họ đều kiếm được 1 trận thắng và tích lũy được 4 điểm.

Tờ Xinmin Evening News của Trung Quốc chỉ trích: "Không quá lời khi miêu tả đội tuyển Trung Quốc hiện tại là 'tệ nhất trong lịch sử'. Hàng tiền vệ thiếu khả năng chỉ huy, phối hợp và không thể hỗ trợ hiệu quả cho tiền tuyến. Chúng ta chỉ có phương thức tấn công duy nhất và luôn dễ dàng bị đối thủ cản phá”.

Tựu chung lại, Asian Cup 2023 là giải đấu mà đa phần NHM bóng đá Đông Á sẽ muốn quên đi. Còn với các CĐV trung lập, họ cũng phải theo dõi một trận chung kết thiếu vắng những ngôi sao hàng đầu. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.

Có một Arsenal khốn khổ trong nỗi nhớ Martin Odegaard

Thua, hòa và lại tiếp tục thua. Đó là kết quả thi đấu của Arsenal tại Premier League trong 3 vòng đấu gần nhất. Từ việc tràn trề hi vọng cạnh tranh chức vô địch với Manchester City và Liverpool, Pháo thủ thành London giờ đây đang trượt dài trong mớ hỗn độn không lời giải vì phong độ chạm đáy.

Lửa khủng hoảng đang lan nhanh ở Etihad?

Manchester City đã phải nhận thất bại muối mặt 1-4 trên sân Jose Alvalade trước Sporting Lisbon trong loạt trận thứ 4 Champions League rạng sáng hôm nay. Đây đã là trận thua thứ 3 liên tiếp của đoàn quân Pep Guardiola trong vòng một tuần, khi trước đó họ để thua Tottenham ở Carabao Cup và Bournemouth ở giải ngoại hạng. Có chăng một cuộc khủng hoảng đang ngầm lan nhanh ở Etihad?

Liverpool đứng đầu Premier League: Niềm tin cho Arne Slot

Lội ngược dòng trước Brighton với chỉ 3 phút bằng 2 bàn thắng chớp nhoáng của Cody Gakpo và Mohamed Salah, Liverpool của Arne Slot đã giành lại ngôi đầu giải ngoại hạng Anh sau khi vòng đấu thứ 10 khép lại. Khoảng cách giờ là 2 điểm với những nhà đương kim vô địch Manchester City và là 7 điểm đối với kẻ được xem là ứng cử viên số 2 mùa này Arsenal.

Chuyện gì đang xảy ra với Arsenal?

Hành quân đến Newcastle với tâm thế không thật sự thoải mái sau những lần hụt chân liên tiếp gần đây khiến cho kết quả mà Arsenal phải nhận trước những người chủ nhà thực ra không quá bất ngờ với những ai am tường về Arsenal lẫn ngoại hạng Anh. Có chăng một cuộc khủng hoảng đang dần lan rộng ở Emirates?