Kẻ thù lớn nhất của Serie A

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 20/03/2021 16:58(GMT+7)

Sự vắng mặt của các đội bóng Serie A ở vòng tứ kết Champions League đã khơi mào lại cuộc tranh luận về thực trạng của bóng đá Ý. Thất bại của Milan trước Manchester United đồng nghĩa với việc Roma là đội bóng Ý cuối cùng còn sót lại ở đấu trường châu Âu mùa giải này.

 
Khoanh tay và dựa lưng vào ghế trong studio của Sky Italia, Fabio Capello đã một lần nữa khẳng định rằng các đội bóng Ý chơi quá chậm, thiếu cường độ và những trận đấu ở Serie A quá thường xuyên bị vỡ vụn bởi các trọng tài có khuynh hướng nhanh chóng thổi còi và kết luận một pha phạm lỗi dù chỉ là một va chạm nhỏ nhất. 
 
Alessandro “Billy” Costacurta cho rằng vấn đề nằm ở các nguồn lực. Serie A đã không còn giàu có như thời của ông và các CLB khác trên khắp châu lục đang có thể chi tiêu mạnh tay hơn. 
 
Trong khi đó, nhà báo Paolo Condo đã nhấn mạnh về sự thiếu vắng của những nòng cốt trẻ thấm nhuần và gánh vác các giá trị của CLB, yếu tố vốn thường là nền tảng cho tất cả các đội bóng vĩ đại từ Ajax dưới thời Rinus Michels, Milan dưới thời Sacchi cho đến Barcelona dưới thời Pep Guardiola.    
 
Nhưng như Leo Tolstoy đã viết trong Anna Karenina, tất cả các gia đình hạnh phúc đều giống như nhau. Còn mỗi gia đình không hạnh phúc đều khổ sở theo cách riêng của họ và mỗi đội bóng Ý đều đã bị loại vì những lý do khác nhau, không nhất thiết liên quan đến tình trạng của giải đấu. Ví dụ, Lazio đã không được góp mặt ở Champions League trong 13 năm, và ngay khi trở lại đã lập tức lọt được vào giai đoạn knockout – bất chấp những ảnh hưởng bởi COVID-19 – lần đầu tiên trong 2 thập kỷ. Việc họ bị loại bởi nhà đương kim vô địch thế giới Bayern Munich là chuyện đã được đoán trước, ngay cả khi kết quả của trận lượt đi thực sự là một thất bại đáng hổ thẹn.  
 
 
Về phần Atalanta, những kỳ vọng ở họ là rất cao sau mùa giải trước và thành thật mà nói, họ đã không gây thất vọng, kiếm được nhiều điểm hơn tại vòng bảng so với một năm trước, cũng như giành chiến thắng tại Anfield và Amsterdam. Đúng là những ý tưởng hay hoàn toàn có thể xóa nhòa sự chênh lệch về tài năng, nhưng cũng như trường hợp của Lazio, bạn đang kỳ vọng rất cao, yêu cầu rất nhiều khi mong muốn hai đội bóng nằm ngoài top 30 CLB giàu nhất của Deloitte vượt qua 2 trong số những đội bóng giàu có nhất trên lục địa. Đừng quên rằng, hóa đơn tiền lương của Atalanta vẫn đang đứng ở nửa cuối trong bảng xếp hạng hóa đơn tiền lương tại Serie A, và sẽ thực sự là một phép màu khi họ có thể kết thúc mùa giải trong top 4 chứ chưa nói đến chuyện lọt vào giai đoạn knockout của Champions League. 
 
Như Paolo Maldini đã chỉ ra trước cuộc đụng độ với Manchester United, khoảng cách về doanh thu giữa đội chủ sân Old Trafford và Milan – đứng thứ 30 trong danh sách của Deloitte, sau cả Sheffield United – là hơn 400 triệu Euro, nhưng không phải là điều đó đã được thể hiện rõ ràng trên sân cỏ, khi mà đội bóng của Ole Gunnar Solskjaer đã phải vô cùng vất vả mới có thể vượt qua được Rossoneri. 
 
Ngoài Porto và Borussia Dortmund, tất cả những cái tên lọt được vào vòng 8 đội của Champions League đều có doanh thu cao hơn so với các đại diện của bóng đá Ý nếu chúng ta không tính đến thu nhập từ việc chuyển nhượng cầu thủ như một nguồn doanh thu. Sự thật rằng các đội bóng của Serie A đang quá phụ thuộc vào việc mua bán cầu thủ để kiếm thêm tiền đã cho thấy họ rất khó có được sự ổn định cấu trúc cần thiết để cạnh tranh với các đối thủ ở đấu trường châu Âu. 
 
Đã quá lâu rồi, bất cứ ai ngồi trên chiếc ghế chủ tịch của giải đấu đều đã chọn loay hoay và lún sâu vào những vấn đề chính trị nội bộ, thay vì cam kết và tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ  phát triển thương mại theo cách mà Richard Scudamore đã làm với Premier League, cũng như Christian Seifert và Javier Tebas đã làm với Bundesliga và La Liga.

Chính tại thời điểm này, Serie A vẫn không thể thống nhất về bất kỳ điều gì, cho dù là cuộc đấu thầu bản quyền truyền hình tiếp theo hay việc bán cổ phần cho một công ty cổ phần tư nhân để thu về 1,7 tỷ Euro. Kẻ thù lớn nhất của giải đấu này là chính bản thân nó, và việc nó không có khả năng tự cải cách có lẽ là một trong những lý do tại sao Andrea Agnelli lại đầu tư rất nhiều thời gian cho đấu trường châu Âu. 
 
Trong khi đó, các sân vận động đang tiếp tục xuống cấp và thiếu vắng những sân bóng thuộc quyền sở hữu riêng của các CLB. Đồng thời, không có quá nhiều tiền được tái đầu tư lại cho các đội bóng vì những quy định của Luật công bằng tài chính. Đây chính là khía cạnh mà Serie A đã thực sự bị các giải đấu khác bỏ lại ở phía sau.  
 
Atalanta và Lazio thực sự xứng đáng được ca ngợi và tôn trọng vì những thành tích vượt qua kỳ vọng, còn Juventus và Inter Milan thì không. Một phần nguyên nhân rõ ràng là lịch sử và truyền thống. Nhưng đồng thời, còn bởi những kỷ niệm đẹp gần đây về chuyện Juventus – giàu thứ 10 tại châu Âu – đã tiến gần đến việc giành cú ăn ba vào các năm 2015 và 2017, trong khi Inter Milan cũng đã lọt vào được trận chung kết Europa League vào năm ngoái.  
 
Họ cũng sẽ không nhận được sự thông cảm. Dù cho Juventus đã giành được một chiến thắng đáng tự hào ở Nou Camp vào đầu tháng 12, thì những trận hòa trước Lyon hay Porto rồi bị loại ở vòng 16 đội là không thể chấp nhận. Còn đối với Inter, nhiều kết luận tiêu cực sẽ được rút ra từ thành tích kém cỏi của Conte ở Champions League, nhưng các dữ liệu nâng cao sẽ nói với bạn rằng họ cũng đã cực kỳ “đen đủi” và phải “trả giá” vì đã không tận dụng được hàng loạt cơ hội, ngoài ra, không thể không nhắc đến chuyện Arturo Vidal và Nicolo Barella đã “tặng” cho đối phương những quả penalty trong các trận đấu với Borussia Monchengladbach và Real Madrid. 
 
Điều kỳ lạ là bóng đá Ý lại đang bắt đầu sản sinh ra những cầu thủ hàng đầu. Chắc chắn là không cùng đẳng cấp với thế hệ của những năm 1980 và 1990. Nhưng sự lạc quan xoay quanh đội hình Italy trẻ trung dưới thời Roberto Mancini không hề sai lầm. Barella đã tạo nên một trong những khoảnh khắc hay nhất vòng bảng với pha đánh gót volley đầy tinh tế kiến tạo cho Lautaro Martinez ghi bàn vào lưới Real Madrid. Gianluigi Donnarumma đã hết lần này đến lần khác thực hiện những pha cứu thua tuyệt vời trước Red Star, và liệu có ai không cảm thấy ấn tượng với Federico Chiesa trong cả hai lượt trận với Porto? 
 
“Không phải vì chuyện chiến thuật” là phân tích của Esteban Cambiasso về thất bại của Serie A ở đấu trường châu Âu mùa giải này. Ví dụ, Conte đã vô địch Premier League và Claudio Ranieri, Carlo Ancelotti và Roberto Mancini cũng vậy.

Những ý tưởng từng được áp dụng ở Ý đã tỏa sáng tại Anh và chắc chắn Serie A vẫn là một “phòng thí nghiệm” tuyệt vời của những ý tưởng mới. Nhưng nhìn chung, các đội bóng Ý vẫn không chấp nhận mạo hiểm, đi ngược lại với văn hóa và truyền thống đậm chất thực dụng đã tồn tại lâu đời. Chẳng hạn, ý tưởng đưa Ralf Rangnick đến làm việc ở Ý của phần lớn ban lãnh đạo Milan vào 1 năm trước đã vấp phải những làn sóng phản đối dữ dội. Ngoài Paulo Fonseca, ngay cả các nhà cầm quân nước ngoài làm việc ở nền bóng đá này cũng … đậm chất Ý. Ivan Juric và Sinisa Mihajlovic đã chơi bóng ở đây lâu đến mức coi đất nước này cũng là quê hương của mình và trở thành những “sản phẩm” đích thực của môi trường bóng đá Ý. 
 
Việc các giám đốc thể thao chuyển từ CLB này sang CLB khác, bổ nhiệm một vị HLV mà họ từng làm việc cùng trong quá khứ, và sau đó ký hợp đồng với một số cầu thủ mà họ từng làm việc cùng cũng là một phần nguyên nhân. Chẳng khác nào một vòng lặp cả và chẳng có gì mới mẻ xuất hiện. Đó là tâm lý thủ cựu, tất cả quá dễ đoán, diễn ra theo một khung có sẵn và dường như không sẵn sàng hoặc không thể chào đón sự thay đổi. Cambiasso tin rằng những khó khăn gần đây của bóng đá Ý được bắt nguồn từ văn hóa và tâm lý. 
 
“Tôi nghĩ có những giới hạn gắn liền với lịch sử,” Ông lập luận trên Sky Italia. “Chiến thắng đương nhiên sẽ giúp ích rất nhiều, nó mang đến niềm hạnh phúc, nhưng cũng có thể níu chân bạn. Tôi đã đi nhiều nơi, theo dõi tất cả các giải đấu, lắng nghe những gì mà mọi người nói và đọc các nhà báo đang viết gì, và tôi khẳng định rằng chúng ta có những giới hạn. Tôi bảo ‘chúng ta’ là do Argentina cũng đang ít nhiều gặp phải những vấn đề giống như ở Ý, bởi vì khi mọi người yêu cầu chúng tôi thay đổi, câu trả lời của chúng tôi luôn là: ‘Ừ, nhưng bọn này đã hai lần vô địch World Cup đấy’. Tây Ban Nha đã thay đổi bởi vì họ chưa từng vô địch trước đây và những thay đổi mà họ thực hiện đã dẫn đến sự thành công của Barcelona và đội tuyển quốc gia ở World Cup …”
 
“Nếu bạn muốn bắt đầu lại từ đầu, bạn cần phải quên đi những vinh quang đã có được và tập trung vào tương lai,” Cambiasso kết luận. “Quá khứ là quá khứ. Không nên lãng quên chúng, nhưng nếu lúc nào cũng chỉ quay đầu nhìn về phía sau, bạn sẽ không thể nào tiến lên được.” Chỉ có như vậy, Serie A mới ngừng thụt lùi. 
 
Nguồn: Lược dịch từ bài phân tích “Serie A is its own worst enemy. No wonder there’s only one team left in Europe” của nhà báo James Horncastle, đăng tải trên The Athletic. 
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.