Johan Cruyff, Leo Beenhakker cùng dòng chảy Hà Lan mạnh mẽ tại Real Madrid và Barcelona

Tác giả CG - Thứ Bảy 02/03/2019 17:11(GMT+7)

Zalo

Dù tương lai của bóng đá Hà Lan như thế nào nhưng những di sản của họ sẽ vẫn bền vững trong lòng bóng đá Tây Ban Nha và mãi mãi khắc sâu trong lịch sử của những đội bóng vĩ đại nhất thế giới.

Người hâm mộ trên khắp thế giới không còn lạ gì sức hấp dẫn của các trận El Clásico khi sự thù địch, căng thẳng giữa Barcelona và Real Madrid chỉ ngày càng khắc sâu hơn theo thời gian. Sự ganh đua, so kè giữa 2 đội đã tồn tại hơn 1 thế kỷ qua. Cuộc nội chiến Tây Ban Nha, sự cô lập của xứ Catalunya và sự áp bức của chế độ Franco đã tạo ra nhiều thế hệ cổ động viên nuôi đầy sự căm ghét với đại kình địch.
 
Kết quả hình ảnh cho patrick kluivert ajax

Như chúng ta thấy ở sự kình địch giữa bất cứ 2 đội bóng nào, sự thù hằn đó thường được thể hiện bằng cuộc đối đầu giữa cầu thủ, HLV 2 đội hay bằng cách phản chiếu lại chiến thuật đối phương để khắc chế họ. Đây chính là câu chuyện của 2 gã khổng lồ bóng đá Tây Ban Nha suốt nhiều thập niên, mỗi “quân cờ” di chuyển đều để giành lợi thế cho mình.
 
Sự cạnh tranh giữa La Blaugrana và Los Blancos nhiều năm qua đã diễn ra với nhiều hình thức khác nhau. Và vai trò của những người Hà Lan ở 2 đội là điều không thể phủ nhận, trong đó ảnh hưởng của những người đến từ xứ sở hoa tulip tại sân Camp Nou có thể nhìn thấy rõ nét hơn ở sân Bernabéu, 1 trong những yếu tố khiến đội bóng xứ Catalunya được ghi nhớ sâu đậm. Johan Cruyff, Johan Neeskens, Ronald Koeman và Frank Rijkaard đều là những cái tên đi vào lịch sử Barcelona. Trong số đó, nhắc tới Barcelona là nói về Cruyff và ngược lại.
 
1. Cruyff chuyển đến thành phố miền Bắc Tây Ban Nha vào năm 1973 để tái ngộ HLV Rinus Michels, người thầy cũ tại Ajax Amsterdam, cùng mức phí chuyển nhượng kỷ lục. Cuộc chuyển nhượng này được xem là động thái nhằm tái sinh Barcelona. Đó đích thị là giấc mơ đã thành hiện thực với những người hâm mộ đội bóng chủ sân Camp Nou thời điểm đó khi Cruyff mang theo tài năng đã được khẳng định tại Ajax và thể hiện những màn trình diễn sáng chói mà đội bóng xứ Catalunya đã thiếu trong nhiều năm.
Dòng chảy Hà Lan mạnh mẽ tại Real Madrid và Barcelona hình ảnh
 
Trong mùa giải 1973/1974, mùa giải đầu tiên của siêu sao Hà Lan, 1 Barcelona thi đấu dựa trên nguồn cảm hứng mang tên Cruyff đã giành danh hiệu La Liga đầu tiên sau 14 năm, đánh bại Real Madrid ngay tại sân Bernabéu đồng thời Cruyff bảo vệ thành công danh hiệu Quả bóng vàng mà 12 tháng trước ông từng nhận ở Hà Lan.

Mọi thứ trông như đóa hồng trong khu vườn Catalunya và Michels thậm chí còn đưa đồng đội của Cruyff ở Ajax là Neeskens đến Barcelona trong mùa giải sau đó. Tất cả đều thấy Barcelona đang trên đường xác lập sự thống trị. Tuy nhiên, chính từ thời điểm này, sự thành công những người Hà Lan tại Barcelona bắt đầu có dấu hiệu đi xuống.
 
Ảnh hưởng của Cruyff là rất đậm nét: những màn trình diễn của ông trên sân đã đưa Barcelona lên tầm cao mới và sự xuất sắc của ông cùng với “Bóng đá Tổng lực” giúp phương pháp huấn luyện của Michels càng được xác lập vị thế. Họ muốn câu lạc bộ tập trung vào thứ bóng đá đi vào chi tiết, các cầu thủ thoải mái thay đổi vị trí và kiểm soát bóng liên tục. Tuy nhiên, thay đổi này  không thể mang lại thành công như mong đợi.
Johan Cruyff va Louis van Gaal: Chien tranh giua cac vi sao3

Chức vô địch mùa giải 1973/1974 là 1 trong 2 danh hiệu lớn duy nhất của Cruyff với tư cách 1 cầu thủ Barcelona (bên cạnh Copa del Rey mùa 1977/1978) khi ông cùng Michels và Neeskens không thể làm gì hơn. Ngược lại, Real Madrid tận hưởng 1 trong những kỷ nguyên thành công nhất của mình. Mọi thứ trở nên ngọt ngào hơn khi Barcelona gần như “không có cửa” cạnh tranh với họ.
 
Từ 1975 đến 1980, Real Madrid giành 5 chức vô địch Quốc gia và 3 Copa del Rey với khả năng săn bàn thượng thặng của Pirri và Santillana. Sự thèm khát danh hiệu ám ảnh Barcelona. Họ bắt đầu nói về những triều đại và việc tạo ra thứ gì đó lớn hơn những danh hiệu đơn thuần – 1 nền tảng cho tương lai – nhưng về mặt thực tế, phải thừa nhận Real là đội thành công.
 
2. Tầm ảnh hưởng của người Hà Lan tại cả 2 đội đều không đậm nét cho đến giữa thập niên 80, nhưng lần này là Real Madrid nếm trải thành công. HLV Ajax là Leo Beenhakker được lựa chọn làm HLV trưởng Real năm 1986 tuy nhiên ông không được chào đón nồng nhiệt tại Madrid. Nhiều cổ động viên Los Blancos không hài lòng vì sự ra đi của HLV Luis Molowny, người đưa đội bóng vô địch Quốc gia mùa giải 1985/1986 và người thay thế ông lại không quá ấn tượng.
 
Tại Hà Lan, sự nghiệp cầm quân của Beenhakker có thể gói gọn trong 1 câu: nay đây mai đó. Ông chỉ giành 1 danh hiệu Eredivisie (chức vô địch Quốc gia Hà Lan) cùng Ajax trước khi đến Tây Ban Nha. Ông quá khác so với những chiến lược gia trước đó của Real Madrid, ông không mang phong cách giải trí như Vujadin Boškov và Alfredo Di Stéfano, và chỉ chăm chỉ làm việc để đạt được điều mà Real Madrid ám ảnh nhất: mạnh hơn Barcelona.

Thực tế, hầu hết cầu thủ trong đội lúc đó đều đang ở độ chín. Hugo Sánchez tiếp tục là cỗ máy ghi bàn trong suốt triều đại Beenhakker, hỗ trợ phía sau là Jorge Valdano và Emilio Butragueño. Cùng nhau, họ giành 3 danh hiệu La Liga dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân Hà Lan.
 
Beenhakker là 1 HLV thường bị lãng quên tại Real Madrid, những đóng góp của ông luôn bị đánh giá thấp không đúng với nội hàm của nó. Nhưng đội bóng Hoàng gia có động lực rõ ràng khi thuê ông tới làm việc. Sau thành công ở cuối thập niên 70, họ phải đối diện với sự lựa chọn tiếp tục con đường với những giải pháp ngắn hạn hay noi theo Barcelona và lập 1 kế hoạch dài hơi.
 
Dù Real chưa bao giờ thừa nhận điều đó nhưng họ vẫn luôn bị ấn tượng với những gì mà Cruyff và Michels làm được ở xứ Catalunya. Và Real muốn có 1 phiên bản của riêng mình. Beenhakker cũng đến từ Ajax như Michels và Cruyff, người sau này làm cố vấn kỹ thuật trong suốt những khoảng thời gian cuối cùng của ông tại Ajax. Điều này thu hút sự chú ý của Real Madrid.
 
Kết quả hình ảnh cho rinus michels

Người Real Madrid vẫn không thể nào nguôi cơn giận khi Cruyff quyết định chọn Barcelona vào năm 1973 chứ không phải họ vì mối liên hệ với chế độ độc tài Franco nhưng có lẽ quan trọng hơn, họ không thể để Barcelona nắm giữ nhiều lợi thế hơn nữa. Beenhakker đại diện cho con đường mà Real chọn. Ông không phải là HLV thời thượng hay truyền cảm hứng nhất nhưng lại thấm nhuần tư tưởng Ajax. Beenhakker có khả năng giải mã những bí mật mà Michels đã tạo ra ở sân Camp Nou.
 
Trong khi đó, Barcelona ngày càng chán nản khi phải sống trong cái bóng của Real và chỉ với 1 danh hiệu vô địch Quốc gia giành được kể từ năm 1974, họ quay trở về với vị phù thủy của mình 1 lần nữa. Sau khi treo giày, Cruyff trở thành HLV Ajax năm 1985. Nhưng 3 năm sau, khi Barcelona gọi, ông quay trở lại xứ Catalunya để nhận công việc đã được định sẵn cho mình. Dù khao khát thành công nhưng đội bóng này cũng nhận thức được những áp lực từng đặt lên vai Michels. Do đó, ban lãnh đạo Barcelona cho phép dự án “Bóng đá Tổng lực” của Cruyff có thời gian thực hiện. 
 
Trong khoảng thời gian đó, Los Blancos tiếp tục gặt hái thành công . Mùa giải 1988/1999, mùa bóng đầu tiên Cruyff dẫn dắt Barcelona, ông gặp lại người thầy cũ Beenhakker ở bên kia chiến tuyến. Năm đó, Beenhakker gặt hái nhiều thành công hơn khi giành cú đúp giải Quốc nội. Tuy nhiên, đây là mùa bóng giá trị với Cruyff trong những ngày đầu làm HLV tại sân Camp Nou. Trong khi đó, những danh hiệu chính là món quà chia tay của Beenhakker với Real khi ông rời đội bóng để trở lại Ajax ngay mùa hè ấy.
 
3. Khi sức mạnh của Barcelona dường như ngày càng tăng lên sau sự trở lại của Cruyff, Real lại bắt đầu bất ổn. Họ bổ nhiệm HLV John Toshack là người thay thế Beenhakker. Chiến lược gia Xứ Wales giúp Real vô địch Quốc gia ngay mùa bóng đầu tiên nhưng ông chỉ giữ được chiếc ghế của mình trong 15 tháng.
 
Sau đó họ cũng trở lại với phong cách của mình, bổ nhiệm và sa thải liên tục trong suốt thập niên 90, gạt bỏ đi những sự ổn định dưới kỷ nguyên Beenhakker. Điều này giúp Barcelona vượt lên trong cuộc cạnh tranh giữa 2 đội, nhất là khi cỗ máy mà Cruyff tạo ra được kích hoạt hoàn hảo. Kế hoạch của ông diễn ra đúng như dự kiến trong 2 năm – hoặc 16 năm tùy thuộc và cách bạn nhìn nhận vấn đề - và phương pháp huấn luyện của ông được khẳng định bằng danh hiệu đầu tiên của Barcelona vào năm 1991, chức vô địch sau 6 năm im hơi lặng tiếng. Với những tài năng như Michael Laudrup, Hristo Stoichkov và Pep Guardiola, đội bóng của Cruyff bắt đầu sự thống trị.
 
Họ bảo vệ thành công chức vô địch La Liga trong 3 năm liên tiếp cùng 1 European Cup năm 1992, trở thành đội bóng Tây Ban Nha đầu tiên làm được điều này kể từ thành tích của Real năm 1966. Người ghi bàn đem về chiến thắng cho La Blaugrana trong trận chung kết với Sampdoria, Ronald Koeman, đến nay vẫn được xem là sản phẩm thành công nhất của Cruyff với tư cách HLV và chính là hiện thân cho những tư tưởng của huyền thoại Hà Lan.
 

Koeman từng có cuộc chia tay Ajax gây tranh cãi vào cuối mùa giải đầu tiên mà Cruyff dẫn dắt đội bóng này để chuyển tới PSV, chỉ vài tuần sau khi họ cùng nhau đưa Ajax lên ngôi vô địch Eredivisie. Thế nhưng Cruyff lại không thể nào quên Koeman và HLV trưởng đội tuyển Hà Lan thời điểm hiện tại là 1 trong những bản hợp đồng đầu tiên mà ông đưa về sân Camp Nou. Koeman là cầu thủ đặc biệt, 1 hậu vệ sở hữu số lượng bàn thắng không thua kém gì các tiền đạo, khả năng điều phối bóng của 1 tiền vệ trung tâm cùng sự chính xác trong những tình huống bóng chết của 1 cầu thủ số 10.
 
4. Cruyff rời Barcelona năm 1966 với niềm tin rằng ông đã hoàn thành công việc của mình và Michels khi tạo ra 1 triều đại mà mình muốn khi còn làm cầu thủ đồng thời thiết lập nên 1 hệ tư tưởng chơi bóng cho câu lạc bộ. Nhiều năm sau này, Guardiola, 1 trong những sản phẩm tốt nhất trong di sản của Cruyff chia sẻ: “Cruyff xây dựng nên thánh đường, nhiệm vụ của chúng tôi là duy trì và cải tiến nó.”
 
Barcelona duy trì mối liên kết với Cruyff bằng cách giữ những tư tưởng của ông tồn tại. 1 năm sau khi Cruyff rời đi, Louis van Gaal đến đảm nhận công việc HLV trưởng. Dù không hoàn toàn cùng trường phái tư tưởng như người tiền nhiệm nhưng mối liên kết vẫn còn đó. Van Gaal bảo vệ thành công danh hiệu vô địch Quốc gia năm 1998 và 1999 với 1 đội hình được xây dựng dựa trên nòng cốt là những tài năng người Hà Lan như Frank và Ronald De Boer, Phillip Cocu, Michael Reiziger và Patrick Kluivert.
 
Kể từ đó, đã có nhiều sự thay đổi trên băng ghế huấn luyện của đội bóng xứ Catalunya nhưng những dấu ấn của Cruyff vẫn được giữ lại, từ Carles Rexach và Frank Rijkaard đến Guardiola và Luis Enrique.
Munich, Milan hay Camp Nou, lich su luon goi ten Rijkaard2
 
Trong khi đó, những mối liên hệ Hà Lan của Real Madrid được hồi sinh ngắn ngủi vào năm 2007 khi những pha lập công của Ruud van Nistelrooy giúp đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha giành La Liga nhờ hiệu số bàn thắng lớn hơn Barcelona. Tuy nhiên, các bản hợp đồng như Arjen Robben, Wesley Sneijder, Rafael van der Vaart và Klaas-Jan Huntelaar đều để lại dư vị cay đắng với người hâm mộ Madrid. Mỗi người tận hưởng thành công theo cách khác nhau nhưng những bản hợp đồng này đều bị xem là tụt lùi so với Galácticos, đặc biệt ở khoản tiền lương. Và thực tế trường hợp của Sneijder và Robben chứng minh Real Madrid đã sai.
 
Trong suốt triều dài mối quan hệ nhiều thăng trầm với người Hà Lan, Barcelona và Real Madrid hiện đại hôm nay phần nhiều được định hình nhờ những con người tới từ vùng đất thấp ở châu Âu. Dù tương lai của bóng đá Hà Lan như thế nào nhưng những di sản của họ sẽ vẫn bền vững trong lòng bóng đá Tây Ban Nha và mãi mãi khắc sâu trong lịch sử của những đội bóng vĩ đại nhất thế giới.
 
Dịch từ bài viết “The influence of the Netherlands on Barcelona and Real Madrid” của tác giả Feargal Brennan trong ấn phẩm Netherlands (These Football Times)

CG (TTVN)
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.

X
top-arrow