Khi Joan Laporta xây dựng lại Barcelona từ đống đổ nát

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Sáu 10/09/2021 11:03(GMT+7)

Đã từ rất lâu rồi người hâm mộ Barcelona mới trải qua một kỳ chuyển nhượng kinh hoàng đến vậy. Nhưng xét cho cùng đó chính là con đường duy nhất để cứu đội bóng xứ Catalunya thoát khỏi tình trạng tài chính khó khăn ở thời điểm hiện tại.

Trong một bài phỏng vấn hồi giữa năm 2019, khi Joan Laporta được phóng viên đặt câu hỏi về việc liệu đội bóng cũ của ông có nên thực hiện một cuộc bầu cử ở vị trí chủ tịch để thoát khỏi tình cảnh bê bối dưới thời Josep Bartomeu hay không, vị luật sư người Tây Ban Nha đã nói rằng: “Tôi nghĩ là có. Tôi yêu đội bóng này rất nhiều và sẵn sàng quay trở lại để giúp đỡ họ một lần nữa. Bất cứ ai muốn phục hồi thành công và mang vinh quang trở lại với Barcelona, nếu có thể, hãy bỏ phiếu cho tôi”. 
 
Và khi chính thức tái đắc cử hồi tháng 3/2021 với chiến thắng áp đảo khi nhận về 54,28% số phiếu bầu, vượt xa hai ứng cử viên khác là Victor Font (29,99%) và Toni Freixa (8,58%), một lần nữa Joan Laporta hứa hẹn về việc giữ chân Lionel Messi và sớm đem lại vinh quang cho đội bóng. Nhưng giờ đây, khi thị trường chuyển nhượng mùa hè chính thức khép lại, Messi đã chuyển đến đầu quân cho Paris Saint-Germain, kéo theo hàng loạt cái tên khác cũng lũ lượt rời Camp Nou trong những thời khắc cuối cùng của kỳ chuyển nhượng. Đế chế Barcelona từng khiến cả châu Âu khiếp sợ với thứ bóng đá Tiki-taka đầy ma thuật đang dần tàn lụi. Phải chăng Juan Laporta là kẻ thất hứa?

Joan Laporta từng hứa sẽ giữ chân Messi và đem lại vinh quang cho Barcelona khi đắc cử, nhưng ông buộc phải để anh ra đi vì tương lai đội bóng. Ảnh: Getty Images
 
Sự thật thì ngay cả chính bản thân vị chủ tịch 59 tuổi khi quyết định đứng ra tranh cử cũng chẳng thể ngờ được tình cảnh tài chính của đội bóng cũ lại bi đát đến vậy. Theo công bố mới nhất, Barcelona nợ tới khoảng 1,35 tỷ euro, trong đó các khoản lỗ tài chính mà họ phải gánh thêm trong mùa giải 2020/2021 là 481 triệu euro. Joan Laporta từng nói rằng: “Tôi chưa nhìn thấy điều gì tệ hại hơn di sản tàn ác mà Josep Bartomeu để lại”. 
 
Thời điểm tiếp quản Barcelona, đội bóng có quỹ lương chiếm 130% doanh thu, trong khi liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha chỉ cho phép các CLB chi tối đa 70% doanh thu cho các hoá đơn tiền lương. Và ngay cả khi Messi có giảm một nửa mức thu nhập, nỗ lực ấy chỉ có thể giúp quỹ lương đội bóng giảm xuống 110%. Đó cũng chính là lý do tiền đạo người Argentina phải ra đi trong nước mắt, dù trong thâm tâm anh không hề muốn rời ra ngôi nhà anh đã gắn bó từ thuở thiếu thời. Người ta có thể trách cứ các quyết định chuyển nhượng của Joan Laporta trong thời gian gần đây, nhưng xét cho cùng ông và các đồng sự của mình không có lựa chọn khác.
 
Antoine Griezmann bị đẩy ngược trở lại Atletico Madrid theo dạng cho mượn với thời hạn 2 năm, với điều khoản mua đứt bắt buộc ở mùa hè 2023 có giá trị 40 triệu euro. Ngay cả cộng thêm khoản thu 10 triệu euro nhận được từ thương vụ cho mượn này, phía Barcelona cũng lỗ hơn một nửa so với số tiền 120 triệu euro mà họ bỏ ra ở mùa hè 2019 để chiêu mộ cầu thủ người Pháp. Trên lý thuyết, chẳng ai muốn đi dâng cầu thủ của mình cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp chức vô địch cả. Bài học của Luis Suarez vẫn còn nóng hổi. Tuy nhiên, với quyết định ấy đã giúp ban lãnh đạo Barcelona sẽ giảm tải ít nhất 20 triệu euro trong quỹ lương.
 
Ngay sau thương vụ Griezmann, Miralem Pjanic cũng nối gót rời đi. Điểm đến của tiền vệ người Bosnia là Besiktas. Đại diện của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải trả 2,7 triệu euro phí mượn người, bù lại Barcelona vẫn chi phần lớn mức lương trong khoản tiền 10 triệu euro mà Pjanic đang hưởng. Lại một thương vụ thất bại khác dưới thời Bartomeu mà giờ đây Juan Laporta phải gánh hậu quả. Chỉ 1 năm trước đó, tiền vệ sinh năm 1990 này chuyển sang thi đấu tại Tây Ban Nha theo bản hợp đồng trao đổi Arthur Melo với Juventus, như một cách để cân bằng tài chính. 
 
Hậu vệ phải Emerson Royal và sao mai triển vọng IIaix Moriba cũng được bán đứt cho Tottenham và RB Leipzig để thu về 50 triệu euro chỉ vài giờ trước khi thị trường chuyển nhượng mùa hè chính thức đóng cửa. 
 
Ở chiều ngược lại, Barcelona chỉ chi ra vỏn vẹn 1,5 triệu euro cho 5 tân binh, trong đó phần lớn là khoản phí mượn cầu thủ từ 2 thương vụ Yusuf Demir và Luuk de Jong. Còn lại, 3 bản hợp đồng Eric Garcia, Memphis Depay, Sergio Aguero đều cập bến Camp Nou theo dạng chuyển nhượng tự do.

Pjanic và Griezmann, hai bản hợp đồng thất bại dưới thời chủ tịch Bartomeu, đã rời Barcelona trong mùa hè này. Ảnh: Getty Images
 
Nếu xét trên phương diện bóng đá, các Cules đã trải qua một mùa hè kinh hoàng khi sức mạnh đội bóng bị sứt mẻ nghiêm trọng. Họ mất đi một huyền thoại sống trên hàng tấn công và chiêu mộ Luuk de Jong – tiền đạo chỉ ghi vỏn vẹn 10 bàn thắng trong 2 mùa giải gần nhất tại LaLiga. Nhưng nếu nhìn từ góc độ tài chính, Joan Laporta đã thành công khi giảm tải bớt khoảng 135 triệu euro khoản nợ cho đội bóng (theo thống kê từ Transfermarkt).
 
Rõ ràng để đưa Barcelona trở lại với quỹ đạo của một đội bóng lớn tại châu Âu, Laporta cần mạnh tay với những quyết định dù đau lòng nhưng lại hết sức cần thiết. Xét cho cùng mọi nỗ lực nửa vời cũng chẳng đi đến đâu. Thương vụ trao đổi Arthur Melo lấy Pjanic để “lấp liếm” tài chính đã cho thấy kết quả tệ hại đến mức nào. Các Cules sẽ không bao giờ quên được cái ngày định mệnh khi Messi rời đi. Họ cũng sẽ khắc sâu một mùa hè 2021 thảm hoạ trên thị trường chuyển nhượng. Tuy nhiên sau tất cả chẳng có bất cứ cá nhân nào được phép đứng trên giá trị của đội bóng.
 
Thật trớ trêu khi trong những năm cuối nhiệm kỳ đầu tiên của Laporta, Messi đã cứu chiếc ghế của ông bằng phong độ huỷ diệt với cú ăn 6 thần thánh ở mùa giải 2008/2009, mặc dù trước đó họ từng trải qua 2 năm gần nhất thất bại dưới sự thống trị của Real Madrid. Còn giờ đây, chính tay vị luật sư người Tây Ban Nha phải bắt đầu lại nhiệm kỳ mới với nhiệm vụ loại bỏ El Pulga ra khỏi kế hoạch phục hưng Barcelona. Đó chính là trò đùa ác của số phận!
 
Trước mắt với dàn nhân sự đang có trong tay, ban lãnh đạo Barcelona chỉ còn biết trông chờ vào sự chèo lái của vị thuyền trưởng Ronald Koeman ở mùa giải 2021/2022. Công cuộc tái thiết chắc chắn cần ít nhất từ 2-3 năm. Trong khoảng thời gian ấy, người ta khó lòng được chứng kiến đội bóng xứ Catalunya vung tiền mua sắm siêu sao. 
 
Ngược lại, sau Griezmann và Pjanic, những cái tên hưởng lương trên trời nhưng lại chẳng đóng góp nhiều vào thành tích trên sân cỏ như Samuel Umtiti, Ousmane Dembele, Philippe Coutinho, đều được dự báo sẽ ra đi trong tương lai gần. Và đó là cơ hội để những tài năng trưởng thành từ lò đào tạo La Masia hay những cầu thủ trẻ khác bước ra ánh sáng. Chẳng phải những Ansu Fati, Pedri, Riqui Puig và Oscar Mingueza là những ví dụ điển hình đó sao?

Joan Laporta đang làm tất cả những gì có thể để vực dậy Barca. Ảnh: Getty Images
 
Nhưng với quan điểm rõ ràng của mình, Joan Laporta cũng không giữ chân bất cứ cầu thủ nào mất đi động lực cống hiến cho Barcelona, dù cho đó là ai đi chăng nữa. IIaix Moriba chính là một ví dụ. Sao mai trưởng thành từ La Masia được đánh giá rất cao và cũng đã có bước tiến nhất định ở mùa giải trước khi được HLV Ronald Koeman trao cơ hội ra mắt đội 1, tuy nhiên những đòi hỏi lương bổng có phần quá đáng của Moriba đã đóng sập cánh cửa để tiền vệ mới 18 tuổi này ở lại Camp Nou. Khẩu hiệu “Més que un club” (Không chỉ là một CLB) đã tồn tại cả thế kỷ và chắc chắn tinh thần đáng trân quý ấy vẫn sẽ được duy trì trong thời điểm khó khăn như hiện tại.
 
Trong tương lai gần, cụ thể là ở mùa giải 2020/2021, Barcelona có thể sẽ hụt hơi trong cuộc đua La Liga với hai đội bóng thành Madrid, điều này đã được dự báo trước. Barcelona sẽ thất bại tại Champions League, điều này cũng sẽ chẳng bất ngờ. Đó là viễn cảnh mà giới thường tầng CLB đã nghĩ đến. Sau tất cả, Joan Laporta đang tìm cách gieo sự sống lên đống đổ nát từ di sản tàn ác của Bartomeu, dẫu biết rằng chặng đường trước mắt vẫn còn mịt mờ tăm tối lắm!

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.

Có một Arsenal khốn khổ trong nỗi nhớ Martin Odegaard

Thua, hòa và lại tiếp tục thua. Đó là kết quả thi đấu của Arsenal tại Premier League trong 3 vòng đấu gần nhất. Từ việc tràn trề hi vọng cạnh tranh chức vô địch với Manchester City và Liverpool, Pháo thủ thành London giờ đây đang trượt dài trong mớ hỗn độn không lời giải vì phong độ chạm đáy.

Lửa khủng hoảng đang lan nhanh ở Etihad?

Manchester City đã phải nhận thất bại muối mặt 1-4 trên sân Jose Alvalade trước Sporting Lisbon trong loạt trận thứ 4 Champions League rạng sáng hôm nay. Đây đã là trận thua thứ 3 liên tiếp của đoàn quân Pep Guardiola trong vòng một tuần, khi trước đó họ để thua Tottenham ở Carabao Cup và Bournemouth ở giải ngoại hạng. Có chăng một cuộc khủng hoảng đang ngầm lan nhanh ở Etihad?

Liverpool đứng đầu Premier League: Niềm tin cho Arne Slot

Lội ngược dòng trước Brighton với chỉ 3 phút bằng 2 bàn thắng chớp nhoáng của Cody Gakpo và Mohamed Salah, Liverpool của Arne Slot đã giành lại ngôi đầu giải ngoại hạng Anh sau khi vòng đấu thứ 10 khép lại. Khoảng cách giờ là 2 điểm với những nhà đương kim vô địch Manchester City và là 7 điểm đối với kẻ được xem là ứng cử viên số 2 mùa này Arsenal.

Chuyện gì đang xảy ra với Arsenal?

Hành quân đến Newcastle với tâm thế không thật sự thoải mái sau những lần hụt chân liên tiếp gần đây khiến cho kết quả mà Arsenal phải nhận trước những người chủ nhà thực ra không quá bất ngờ với những ai am tường về Arsenal lẫn ngoại hạng Anh. Có chăng một cuộc khủng hoảng đang dần lan rộng ở Emirates?