It’s coming home: Giai điệu bất hủ và niềm khát khao đưa bóng đá trở về nhà

Tác giả Thế Trung - Thứ Bảy 03/07/2021 13:55(GMT+7)

Zalo

Raheem Sterling và Harry Kane đã giúp ĐT Anh trả món nợ kéo dài 25 năm với người Đức. Nhưng chính từ kỳ Euro 96 đầy cay đắng ấy, một giai điệu bất hủ của người Anh đã ra đời.

It
Ảnh: Getty Images

Thực tế, Three Lions (Tam Sư) không phải là bài hát đầu tiên của người Anh về bóng đá. Trước đó, họ từng có Back Home (Trở về nhà), Vindaloo, Diamond Lights (Ánh kim cương) hay World In Motion (Thế giới luôn chuyển động) nhưng chỉ có Three Lions mới lột tả được tình yêu bóng đá cháy bỏng cùng niềm tự hào dân tộc lớn lao của người dân xứ sở sương mù. 
 
Năm 1996, Liên đoàn Bóng đá Anh giao cho ca sĩ Ian Broudie của ban nhạc The Lightning Seeds nhiệm vụ sáng tác bài hát chủ đề cho kỳ Euro được tổ chức trên sân nhà. Broudie sau đó đã kết hợp với hai nghệ sĩ nổi tiếng khác là Frank Skinner và David Baddiel để tạo ra Three Lions. Ngay sau khi được giới thiệu, ca khúc đã vươn lên vị trí số một trên các bảng xếp hạng âm nhạc tại Anh và trở thành bài hát truyền thống cho những người yêu bóng đá. Câu hát “It’s coming home” (Bóng đá đang trở về nhà) từ đó cũng trở thành câu cửa miệng của người Anh mỗi khi đội tuyển quốc gia nước này đứng trước cơ hội ở các giải đấu lớn.
 
“Tam Sư trên ngực áo / Chiếc cúp Jules Rimet vẫn còn lấp lánh / 30 năm với những niềm đau / Cũng không thể khiến tôi ngừng khao khát”
 
Ca từ của bài hát thể hiện rất rõ những vui buồn mà bóng đá Anh phải trải qua kể từ chức vô địch World Cup lịch sử vào năm 1966. Đây cũng là lý do giúp Three Lions thành công vang dội khi nó đã chạm tới tận cùng cảm xúc của khán giả. Đó là niềm vui chiến thắng, niềm hy vọng tràn trề nhưng cũng là sự lo lắng mong manh khi mọi thứ có thể đổ bể bất cứ lúc nào. 
 
Khác với Ian Broudie, Frank Skinner và David Baddiel không phải là ca sĩ chuyên nghiệp nhưng họ lại là MC cho chương trình liên quan đến bóng đá. Và cũng chính hai nghệ sĩ này đã chủ động bày tỏ mong muốn được góp giọng trong bài hát được chọn làm ca khúc chủ đề cho Euro 1996.
 
“Chúng tôi rất háo hức khi được mời tham gia vào dự án này”, David Baddiel tiết lộ, “Chúng tôi cũng đã đưa ra lời đề nghị táo bạo rằng chúng tôi muốn hát cùng Ian. Thực sự táo bạo vì tôi và Frank đâu có biết hát”.

 
David Baddiel và Frank Skinner đã hoàn thiện phần lời cho Three Lions. Ban đầu, FA cũng có những lo lắng nhất định khi ca khúc được chọn làm bài hát chủ đề cho ngày hội bóng đá lại chứa đựng nhiều kỷ niệm buồn đến như vậy. Nhưng David Baddiel vẫn một mực kiên định với ý tưởng của mình.
 
“Tôi và Skinner đã bàn bạc với nhau rất kỹ càng”, David Baddiel chia sẻ, “Tôi không nhớ chính xác ai đã viết câu nào nhưng giữa chúng tôi dường như luôn có chung một luồng suy nghĩ. Chúng tôi muốn miêu tả hình ảnh chân thực của một người hâm mộ ĐT Anh. Trước năm 1990, các bài hát cổ động bóng đá đều mang một nội dung rằng chúng tôi sẽ giành chức vô địch nhưng điều đó không hề đúng. Là một người Anh, bạn sẽ thường xuyên cảm thấy sự bi quan trước mỗi giải đấu lớn. Chúng tôi viết Three Lions như một cách để khẳng định rằng với hy vọng và niềm tin cháy bỏng, nước Anh sẽ vượt qua cảm giác tổn thương ấy”.

Đã biết bao lần Tam Sư ở thật gần với chiến thắng nhưng vẫn phải đắng cay dừng cuộc chơi. Đó là những loạt luân lưu định mệnh trước Tây Đức năm 1990, trước Đức năm 1996, trước Argentina năm 1998 và Bồ Đào Nha năm 2006. Những quả penalty đã trở thành nỗi ám ảnh với người Anh và đó cũng là lý do Three Lions mở đầu bằng âm thanh của các khán giả, thứ âm thanh đặc trưng khi họ phải chứng kiến một quả penalty bị cản phá. 
 
“Biết bao nhiêu lời chế nhạo / Và những lần đến thật gần với chiến thắng / Tất cả khiến bạn héo mòn qua năm tháng / Nhưng tôi vẫn nhìn thấy cú tắc bóng của Moore / Và khi Lineker ghi bàn / Bobby ăn mừng với trái bóng / Còn Nobby thì đang nhảy múa”.
 
30 năm sau thế hệ vàng của những Bobby Moore, Bobby Charlton hay Nobby Stiles, nước Anh cần một bài hát thật phổ biến để kết nối cả dân tộc trong kỳ Euro được tổ chức trên sân nhà. Three Lions đã hoàn thành nhiệm vụ ấy và nó vẫn đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Giai điệu dễ nhớ, dễ hát và ca từ dễ thuộc, tất cả đã tạo nên một tác phẩm để đời mà cho tới ngày nay, khi Raheem Sterling và Harry Kane lần lượt ghi bàn giúp Anh vượt qua Đức ở  vòng 1/8 Euro 2020, Three Lions vẫn vang lên ở khắp mọi nơi, cùng với tiếng rót bia và sự ồn ào của những màn ăn mừng cuồng nhiệt.
 
“Không phải là tôi cố gắng bảo vệ giọng hát dở tệ của mình nhưng Three Lions là bài hát dành cho tất cả khán giả. Khi cổ vũ, chúng ta thường hát mà không cần quan tâm tới nhạc lý hay những gì tương tự như vậy. Một bài hát cổ động cần phải ưu tiên khả năng kết nối. Đó phải là thứ mà mọi CĐV trên khán đài đều có thể hát theo và tạo ra sức mạnh tinh thần cho cầu thủ đang thi đấu”, Baddiel nói.

It
Đội tuyển Anh đang tiến sâu ở Euro 2020. Ảnh: Getty Images
 
Three Lions lần đầu tiên được “lên sóng” ở Wembley khi ĐT Anh chạm trán Scotland. Sự hưởng ứng to lớn hàng vạn người hâm mộ là điều mà ngay chính tác giả của bài hát cũng không thể tưởng tượng ra. “Ngay khi tiếng nhạc vang lên, các CĐV liền lập tức hát theo”, Baddiel nhớ lại, “Họ đều thuộc lời. Đó là một khoảnh khắc phi thường, là giây phút mà bạn nhận ra rằng bài hát của mình đã được lan tỏa. Nó đã hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
 
Ngay đến các cầu thủ cũng rất yêu thích Three Lions. Trên chiếc xe buýt đưa các cầu thủ đến Wembley, Paul Gascoigne đã đề nghị được nghe ca khúc này trước khi vào sân. Còn với Darren Anderton, Three Lions luôn nằm trong danh sách những bài hát yêu thích nhất mọi thời đại của anh. Cựu tuyển thủ Anh chia sẻ: “Tôi vẫn nổi da gà mỗi khi nghe. Trong thời gian trước trận đấu, bài hát này luôn được phát trong sân. Bình thường, mọi người sẽ cố gắng hoàn thành bài khởi động thật nhanh để vào phòng thay đồ và sẵn sàng cho trận đấu. Nhưng tôi luôn cố nán lại một chút để nghe giai điệu ấy, nghe tiếng hát của cổ động viên trên khắp các khán đài. Đó thực sự là trải nghiệm không thể nào quên”.
 
Euro 1996 đã kết thúc trong thất vọng với người Anh nhưng bài hát chủ đề của giải đấu năm đó đã trở thành một bản “quốc ca không chính thức” với CĐV bóng đá Anh. Đó là tác phẩm của tình yêu bóng đá, của những hồi ức đẹp đẽ nhưng cũng rất đỗi bi kịch, là sự đau khổ tột cùng khi không thể đáp ứng sự chờ đợi nhưng cũng là ngọn lửa hy vọng luôn rực cháy trong mỗi trái tim. 
 
25 năm sau, Three Lions vẫn đang tiếp tục đồng hành với bóng đá Anh. “It’s coming home” (Bóng đá đang trở về nhà) vẫn là câu cửa miệng của người Anh mỗi khi họ nhìn thấy cơ hội, dù là nhỏ nhất, ở các giải đấu lớn. 25 năm sau, Gareth Southgate đã tìm thấy sự cứu rỗi cho cuộc đời mình. Nhưng liệu sau một phần tư thế kỷ, Tam Sư có thể thực sự mang bóng đá trở về nhà khi trận chung kết Euro 2020 sẽ được tổ chức tại “thánh địa” Wembley?
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow