Inter Milan đã chấm dứt một thập kỷ thống trị của Juventus như thế nào?

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 08/05/2021 11:04(GMT+7)

Vào Chủ Nhật tuần trước, Inter Milan đã giành được chức vô địch Serie A đầu tiên kể từ năm 2010 và kết thúc chuỗi 9 năm liên tiếp thống trị bóng đá Ý của Juventus.

Ảnh: Getty Images

Bạn sẽ không tách rời Antonio Conte và Romelu Lukaku được vì đơn giản là bạn không thể nào làm điều đó. 
 
Inter Milan đã thông báo về việc bổ nhiệm Conte trở thành huấn luyện viên trưởng vào ngày 31/5/2019. Hai tháng sau, vào ngày 8 tháng 8, Nerazzurri đã ký hợp đồng với Lukaku từ Manchester United. Mức lương mà Conte nhận được cho là bằng với mức lương của các huấn luyện viên trưởng Juventus, Atalanta, AC Milan, Lazio và Roma cộng lại. Trong khi đó, Lukaku đã gia nhập với mức phí chuyển nhượng kỷ lục của câu lạc bộ lúc bấy giờ là 80 triệu Euro. 
 
Mùa giải đầu tiên đã diễn ra khá tốt đẹp. Inter kết thúc ở vị trí thứ hai tại Serie A và để thua trong trận chung kết Europa League trước Sevilla – “ông trùm” của đấu trường này. Đây là cách nhìn nhận phổ biến nhất về Lukaku: Tuy là một tiền đạo rất cừ nhưng không thuộc tầm xuất sắc. Trong 2 năm ở Man United, hiệu suất ghi bàn trung bình của anh là 0,63 bàn thắng (không tính penalty)+kiến tạo mỗi 90 phút. 
 
Trong năm đầu tiên ở Inter, tiền đạo người Bỉ đã duy trì phần lớn tỷ lệ đó, kết thúc mùa giải với 17 bàn thắng không tính penalty và 2 pha kiến tạo, đạt hiệu suất trung bình 0,58/90 phút. 
 
Conte cũng đã làm những gì mà ông thường làm: Nhà cầm quân người Ý đã cải thiện Nerazzurri một cách mạnh mẽ, và sau đó mất kiểm soát bản thân, thể hiện rõ thái độ bực tức vì không nhận được sự hỗ trợ mà mình muốn từ công tác chuyển nhượng, gần như đã quyết định từ chức trong kỳ nghỉ sau mùa giải. 
 
Mặc dù chỉ về nhì nhưng Inter đã kiếm được nhiều hơn 13 điểm so với mùa giải trước đó. Trên thực tế, họ đã thu về được tổng số điểm tương đương với tập thể Inter Milan gần nhất giành được Scudetto – đoàn quân đạt được một cú ăn ba danh hiệu vào năm 2010 do Jose Mourinho dẫn dắt. 
 
Nhưng sau khi wingback thượng hạng Achraf Hakimi gia nhập đội bóng từ Real Madrid vào mùa hè năm ngoái, Conte đã tuyên bố “dự án của câu lạc bộ đã dừng lại”. Giống như những gì ông đã làm ở bến đỗ trước đó của mình, Chelsea, nhà cầm quân người Ý đã cân nhắc đến chuyện ra đi, nhưng sau những cuộc “đàm phán khủng hoảng” với chủ tịch của câu lạc bộ, doanh nhân 29 tuổi người Trung Quốc Steven Zhang, ông đã được thuyết phục ở lại, chấp nhận tiếp tục gắn bó với Inter. 
 
Bảy tháng sau, Conte đã tạo dựng thành công cho mình vị thế của một huyền thoại trong lịch sử Nerazzurri, và Lukaku cũng vậy. Cùng nhau, họ đã kết thúc triều đại kéo dài 3.283 ngày của Juventus với tư cách là nhà vô địch của đấu trường hạng cao nhất bóng đá Ý, và cơn khát danh hiệu kéo dài hàng thập kỷ của Inter. Chỉ mới một mùa giải trước, Conte đã gọi Lukaku là “đồ rác rưởi” và dọa sẽ lôi anh ra khỏi sân sau 5 phút thi đấu. Đó chính là cách mà sự thăng hoa của họ được tạo nên. 
 
Hầu hết các huấn luyện viên trưởng chẳng hề quá quan trọng, đó là một quan điểm mà chuyên gia phân tích bóng đá Ryan O’Hanlon đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Anh cho rằng nếu trao cho hai nhà cầm quân ngẫu nhiên cùng một nguồn lực tài chính, theo thời gian, họ sẽ đạt được cùng một mức độ kết quả. Nhưng O’Hanlon đã thừa nhận rằng Antonio Conte rõ ràng là một trong những huấn luyện viên trưởng thực sự có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn. 

Ảnh: AFP
 
Conte chính là người đã khởi đầu một thập kỷ thống trị bóng đá Ý của Juventus. Trước khi ông đến Turin, câu lạc bộ này đã có hai mùa giải liên tiếp kết thúc ở vị trí thứ bảy. Juventus từng phải nhận án phạt xuống chơi ở Serie B vì vụ bê bối dàn xếp tỷ số nổi tiếng Calciopoli, nhưng họ đã trở lại đấu trường hạng cao nhất bóng đá Ý ngay lập tức, và sau đó lần lượt đứng ở vị trí thứ ba và thứ hai ở Serie A trước khi bắt đầu suy yếu. 
 
Trong cuốn tự truyện của mình, Andrea Pirlo đã kể lại cuộc họp đầu tiên của Conte với tập thể cầu thủ Juve: “Ông ấy chỉ cần một bài phát biểu đơn giản, với nhiều từ ngữ đơn giản, để chinh phục cả tôi và Juventus. Ông ấy có lửa chạy khắp huyết quản và hành động như thể một con rắn độc – tấn công phát nào cũng khiến ‘nạn nhân’ bị thấm đòn cực kỳ. ‘Các chàng trai, tập thể này đã có hai lần liên tiếp kết thúc mùa giải ở vị trí thứ bảy. Chuyện đó thật điên rồ. Quá sốc luôn. Tôi không đến đây chỉ để đạt được nhiêu đó thành quả, vậy nên đây là lúc để kết thúc câu chuyện nhục nhã này’”.

Conte từng gọi Gianluigi Buffon là “một nỗi thất vọng, một thằng thất bại ngay từ khoảnh khắc mở mồm ra”. Trong cuốn sách của mình, Pirlo cũng đã viết: “Khi Conte nói chuyện, ngôn từ của ông ấy sẽ tấn công bạn một cách mạnh mẽ. Chúng đạp tung cánh cửa tâm trí của bạn. Tôi đã không còn đếm được số lần mình đã nói: ‘Mẹ nó, hôm nay Conte lại nói chuẩn không cần chỉnh nữa rồi’”. 
 
Bạn sẽ được khai sáng và thúc đẩy động lực. Tuy nhiên, Conte cũng cảm thấy phát ốm với thứ danh tiếng mà mình được gán cho. “Tôi không thích chuyện mọi người có suy nghĩ rằng tôi là một kẻ hiếu chiến, thường làm cho mọi thứ trở nên căng thẳng”, đó là chia sẻ của ông gần đây.   
 
Ngoài phong cách quản lý con người đầy… lỗ mãng của mình, Conte đôi khi được mô tả như một vị huấn luyện viên thiên về phòng ngự, một phần nguyên nhân có thể là vì khuôn mẫu này đã được áp đặt cho mọi nhà cầm quân người Ý, và cũng bởi vì trong mùa giải đầu tiên dẫn dắt Chelsea, ông đã sử dụng đội hình 3-4-3 và The Blues đã ngay lập tức thắng 11 trận liên tiếp. 
 
Nhưng có lẽ đó không phải là một kết luận công bằng; Conte dường như chỉ đơn giản là lựa chọn bất kỳ đội hình nào phù hợp nhất với tài năng của mình. Đừng quên, ông từng để cho Andrea Pirlo, tiền vệ ít phòng ngự nhất thế giới, chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự. 

Ảnh: Getty Images
 
Từ khóa có thể nghĩ đến khi đề cập về phong cách chiến thuật của Conte là “sự kiểm soát”. Các động thái di chuyển của đội bóng mà ông dẫn dắt cả khi có và khi không có bóng rõ ràng đã được thực hiện hết lần này đến lần khác trên sân tập, được hệ thống hóa thành “nhạc nền” cho cảnh Conte vừa chỉ đạo vừa “mắng chửi” các cầu thủ. Đằng sau mọi thứ diễn ra trên sân đấu chính là sự lặp đi lặp lại vô số lần những điều đó trên sân tập. 
 
“Nếu các cầu thủ của tôi không hiểu điều gì đó, tôi sẽ buộc họ phải hỏi mình tại sao chúng tôi lại di chuyển như vậy hoặc thực hiện một số chiến thuật nhất định trên sân tập cả trong khâu tấn công và phòng ngự. Tôi luôn muốn các cầu thủ của mình hiểu hết vấn đề. Tôi muốn họ hiểu tại sao chúng tôi đang làm những việc nhất định và tại sao những điều đó lại hữu ích”, Conte từng chia sẻ.

Tại Juventus, Bianconeri đã giành được Scudetto ngay trong mùa giải đầu tiên Conte được bổ nhiệm làm huấn luyện viên trưởng, và không thua một trận nào trong cả mùa giải. Họ đã tiếp tục chinh phục được Serie A vào mùa giải tiếp theo, và trong mùa giải thứ ba – đồng thời cũng là mùa giải cuối cùng ông dẫn dắt đội bóng này – Juventus đã tạo nên một kỷ lục tại đấu trường hạng cao nhất bóng đá Ý, kiếm được 102 điểm. 
 
Sau đó là hai năm ông đảm nhận vai trò huấn luyện viên trưởng ở đội tuyển quốc gia Ý. Tại Euro 2016, Azzurri đã đánh bại nhà đương kim vô địch Tây Ban Nha với tỷ số 2-0 ở vòng 16 đội và sau đó khiến cho nhà đương kim vô địch World Cup, đội tuyển Đức, phải đến tận loạt sút luân lưu mới đánh bại được họ. 
 
Và tiếp theo là Chelsea, nơi ông đã đưa một đội bóng đứng thứ mười ở mùa giải trước đó giành được chức vô địch Premier League. The Blues đã kiếm được 93 điểm – tổng số điểm nhiều thứ hai trong lịch sử giải đấu vào thời điểm ấy, và cải thiện một cách đáng nể hiệu số bàn thắng bại từ +6 thành +52. 
 
Và giờ đây, tại Inter, sự cải thiện đã diễn ra cực kỳ nhanh chóng:
 
- Mùa giải 2018/2019: Kiếm được trung bình 1,82 điểm mỗi trận (PPG), hiệu số bàn thắng bại trung bình mỗi trận (GD) +0,63, hiệu số bàn thắng bại kỳ vọng trung bình mỗi trận (xGD) +0,68 (số liệu được cung cấp bởi FBref).
 
- 2019/2020: 2,16 PPG, +1,18 GD, +0,83 xGD
 
- 2020/2021: 2,41 PPG, +1,32 GD, +1,00 xGD
 
Câu chuyện về Serie A 2020/2021 của Inter là họ đã nhập cuộc với một lối chơi điên cuồng, chẳng quan tâm đến yếu tố “kiểm soát” thương hiệu của Conte và thay vào đó đã làm những việc như bố trí Aleksandar Kolarov thi đấu ở vị trí trung vệ. Inter đã pressing cực kỳ quyết liệt, và họ thể hiện một hình ảnh hoàn toàn có thể được coi là đội bóng tấn công hay nhất thế giới, nhưng khâu phòng ngự thì không được mạnh mẽ như vậy. 
 
Tình trạng thiếu cân bằng đó chứa đựng rủi ro rất lớn, Inter hiếm khi để cho đối phương tạo ra được nhiều cơ hội, nhưng những cơ hội mà họ phải đương đầu đều cực kỳ nguy hiểm. Thật bất ngờ, Conte đã loại bỏ trung vệ Milan Skriniar, một trong những cầu thủ ổn định nhất của câu lạc bộ trong 4 năm qua và là một trong số ít những ngôi sao trẻ của Inter, đưa vào đội hình thi đấu nhiều cầu thủ tấn công hơn như Kolarov. 
 
Nhưng cuối cùng nhà cầm quân người Ý đã có những điều chỉnh để trở nên thận trọng hơn và sử dụng lại Skriniar với tư cách một phần của một hàng thủ ba trung vệ. Sau đó, mặt trận tấn công đã giảm sút, nhưng điều này đã được bù đắp bằng sự cải thiện lớn trong khâu phòng ngự:
 
Diễn biến xG (bàn thắng kỳ vọng) và xGA (bàn thua kỳ vọng) của Inter Milan ở Serie A mùa giải 2020/2021. Ảnh: No Grass In the Clouds
 
Một lý do then chốt giúp cho khâu tấn công của Inter vẫn “sống khỏe” khi Conte chuyển sang sử dụng nhiều nhân sự phòng ngự hơn là Lukaku đã trở thành cầu thủ xuất sắc nhất Serie A. Tiền đạo người Bỉ đã ghi 16 bàn thắng không tính penalty (đứng thứ ba ở Serie A) và có 10 pha kiến tạo (đang đồng hạng nhất với Juan Guillermo Cuadrado). Tổng hợp lại, tiền đạo người Bỉ đã góp dấu giày vào 26 bàn thắng không tính penalty; không một cầu thủ nào khác được ghi nhận thành tích nhiều hơn con số 23. 
 
Các “chỉ số ẩn” của Lukaku cũng ấn tượng như vậy: Anh đang được ghi nhận 23,9 bàn thắng kỳ vọng (không tính penalty) + kiến tạo kỳ vọng cho đến nay; Cristiano Ronaldo là cầu thủ duy nhất còn lại có thống kê trên 20. 
 
Lukaku không chỉ đóng góp những bàn thắng và thực hiện các đường chuyền cuối cùng; anh còn là người duy trì sự tồn tại của các đợt tấn công mà Inter triển khai. Chỉ có Duvan Zapata của Atalanta là có nhiều lần chạm bóng trong vòng cấm hơn con số 225 của Lukaku, và không một cầu thủ nào khác tại Serie A nhận lấy nhiều đường chuyền phát triển bóng hơn anh. Tiền đạo người Bỉ cũng đứng thứ 10 ở Serie A về số lần thực hiện pressing ở khu vực 1/3 cuối sân đối phương, với con số 172. (Để tham khảo, Ronaldo có 98).
 
Trong những khía cạnh tạo nên một tiền đạo trung tâm lý tưởng, Lukaku đã làm tốt toàn bộ: Anh ghi bàn, anh kiến tạo cơ hội, anh đóng vai trò một “đầu ra” cho bóng trên hàng công, anh là một tiền đạo mục tiêu, và anh cố đoạt lại bóng ngay sau khi để mất nó. Với tất cả những phẩm chất đó, Lukaku đã thực sự trở thành một người hùng tại Inter. 

Ảnh: Getty Images
 
Có nhiều yếu tố đã tạo nên mùa giải đáng kinh ngạc này của Inter chứ không chỉ mỗi Conte và Lukaku. Lautaro Martinez là một tiền đạo đối tác lý tưởng dành cho Lukaku – thực hiện những cú dứt điểm mà ngôi sao người Bỉ sẽ không làm, dẫn đầu cả Serie A về số lần pressing ở khu vực 1/3 cuối sân đối phương – trong khi Nicolo Barrella, 24 tuổi, đã trở thành một trong những tiền vệ xuất sắc nhất thế giới. Hakimi đã chơi tốt như khi anh khoác áo Borussia Dortmund. 
 
Trong khi đó tất cả mọi người đều biết rằng Marcelo Brozovic là một trong những tiền vệ xuất sắc nhất thế giới – và phong độ đó đã được thể hiện trong vài năm nay. Ngay cả những cầu thủ như Matteo Darmian, Alexis Sanchez, và Christian Eriksen cũng đóng những vai trò quan trọng và có những phút thi đấu siêu hiệu quả ở nhiều thời điểm khác nhau của mùa giải. Nhưng thành quả này sẽ không đến nếu không có Conte, và Conte sẽ không thể làm được điều đó nếu không có Lukaku. 
 
Đại dịch đã khiến Inter bị tổn thương, giống như hầu hết các câu lạc bộ khác, một hoàn cảnh rất khắc nghiệt. Trên hết, Steven Zhang và công ty của bố anh, Suning, dường như đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Tương lai của câu lạc bộ đang ở trong tình trạng âm u; đã có những tin đồn về một khoản vay 250 triệu Euro từ Bain Capital, đây không phải là một cái tên mà bạn sẽ nhờ cậy đến khi có tình hình tài chính tốt. Nhưng bất kể điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đi chăng nữa, Lukaku và Conte hoàn toàn xứng đáng được tận hưởng những thành quả của họ vào thời điểm này. 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.