Hy Lạp tại EURO 2004: Một underdog thực dụng gây sốc cho cả Châu Âu

Tác giả Skeleton - Thứ Bảy 08/06/2024 19:33(GMT+7)

Zalo

Dưới đây là bài viết để nhìn lại hành trình vô địch của Hy Lạp tại EURO 2004 trong loạt bài về những nhà vô địch EURO của The Athletic.

79263669_3319458424773647_4932071262424459273_n
 

Giới thiệu

Chức vô địch của Hy Lạp tại EURO 2004 là một thắng lợi hoàn toàn bất ngờ cho một đội tuyển quốc gia trước đây chưa từng có nhiều thành công trên đấu trường quốc tế. Đội tuyển Hy Lạp chỉ có 2 lần tham gia vào một giải đấu lớn cấp quốc tế ở thời gian trước đó là EURO 1980 và World Cup 1994. Và từ 6 trận đấu ở 2 giải đấu lớn đó, họ chỉ thu về được đúng 1 điểm duy nhất trong trận hoà không bàn thắng tại EURO 1980 trước Tây Đức  - đội tuyển vào thời điểm đó chỉ cần tránh thất bại là sẽ chắc chắn có được ngôi đầu bảng.

Không một ai hy vọng gì vào Hy Lạp ở năm 2004 và họ thậm chí còn không được dự đoán sẽ tạo ra được bất ngờ trước đội chủ nhà Bồ Đào Nha trong trận khai mạc của giải đấu. Tuy nhiên, đoàn quân của Otto Rehhagel đã tạo một cú sốc cho đội chủ nhà và giành được một thắng lợi rất xứng đáng nhờ bàn thắng sớm của Georgios Karagkounis và tình huống thực hiện thành công phạt đền của Angelos Basinas ở hiệp 2. Bàn thắng muộn màng ở phút 90+3 của Ronaldo sau đó chỉ giúp Bồ Đào Nha vớt vát lại được chút tinh thần trước khi đá trận tiếp theo. Thành công của Hy Lạp ở trận mở màn chắc chắn không phải là một sự kiện nhất thời mà nó cho thấy họ thực sự có năng lực để gặt hái nhiều thành công ở trong giải đấu.

"Đội tuyển Đan Mạch ở năm 1992 là một ví dụ tuyệt vời cho chúng tôi hy vọng. Họ đã làm nên những điều kỳ diệu dù không phải là đội bóng mạnh nhất. Tôi không nghĩ Tây Ban Nha mạnh hơn chúng tôi quá nhiều trong ngày hôm nay đâu" - Cầu thủ thường xuyên làm quen với ghế dự bị - Demis Nikolaidis chia sẻ trước trận đấu thứ 2 tại vòng bảng với Tây Ban Nha.

Huấn luyện viên

Trước khi nắm quyền huấn luyện viên trưởng của Hy Lạp vào năm 2001, HLV Otto Rehhagel chưa từng làm việc với tư cách huấn luyện viên trưởng của một đội tuyển quốc gia và cũng chưa có kinh nghiệm làm việc bên ngoài nước Đức - quê hương của ông. Otto Rehhagel là một người gắn bó rất bền chặt với bóng đá Đức. Ông là người đã từng thi đấu những trận đấu tiên của giải đấu Bundesliga vào năm 1963 và sau đó dẫn dắt nhiều đội bóng hàng đầu của Đức như Dortmund hay Bayern Munich. Nhưng dấu ấn của Rehhagel tại nước Đức thì phải nhắc tới thời kì ông làm việc cho Werder Bremen - đội bóng đã giúp ông có được 2 danh hiệu Bundesliga. Tiếp theo đó là CLB Kaiserslautern, đội bóng đã giành chức vô địch Bundesliga vào năm 1998 sau khi thăng hạng thành công từ giải hạng 2 vào mùa giải trước đó.

Vào thời điểm đó, nhiều người Hy Lạp tỏ ra hoài nghi về việc đội tuyển quốc gia quyết định bổ nhiệm ông Rehhagel về ngồi HLV trưởng của đội tuyển. Họ cho rằng Rehhagel không có được sự quen thuộc với bóng đá Hy Lạp và thêm vào đó là cả rào cản về ngôn ngữ - điều mà ông đã thừa nhận rằng nó là vấn đề nghiêm trọng hơn những gì ông dự đoán. Một số người thì lại cho rằng Rehhagel nhận lời với Hy Lạp chỉ là vì ông muốn tận hưởng một khoảng thời gian bán nghỉ hưu tại một đất nước có khí hậu ấm áp hơn quê hương của ông. 

otto-rehhagel-5_0908162852
 

Nhưng có vẻ triết lý huấn luyện có phần hơi cổ điển của ông khi chỉ tập trung vào điểm mạnh của các cầu thủ mình có và không dành quá nhiều thời gian để phân tích đối thủ lại mang đến sự hiệu quả bất ngờ cho đội tuyển Hy Lạp. Rehhagel được ngưỡng mộ ở Hy Lạp không chỉ vì tài năng trong chiến thuật mà còn là khả năng quản lý nhân sự bên ngoài sân cỏ. Và cho đến ngày nay, ông vẫn được coi là một công dân danh dự của thủ đô Athens.  

Chiến thuật

Đây thực sự là một câu chuyện thú vị. Trong cuốn sách xuất sắc của Vasilis Sambrakos mang tên "The Miracle", có rất nhiều người thường xuyên đề cập đến việc Rehhagel không chú trọng hoặc không có nhiều kế hoạch chi tiết về chiến thuật khi dẫn dắt đội tuyển Hy Lạp. Cuốn sách đã trích lời hậu vệ dự bị Stelios Venetidis như sau: “Rehhagel - ông ấy là người không đặt nhiều trọng tâm vào chiến thuật.” Một hậu vệ dự bị khác - Nikos Dabizas thì lại chia sẻ rằng: "Rehhagel không thích phân tích chiến thuật hay thay đổi chiến thuật quá nhiều". Còn với đội trưởng Zagorakis, anh nói: "Đội tuyển Hy Lạp không thực hiện quá nhiều chiến thuật trong những buổi tập trước trận đấu".

Tuy nhiên, ở kỳ EURO năm đó Hy Lạp đã lên ngôi vô địch một phần là nhờ vào phương pháp kèm người rất truyền thống mà các đối thủ của họ không thể tìm ra phương pháp hoá giải. Mặc dù phương pháp này không mới ở bóng đá Châu Âu lúc đó nhưng dường như nó lại tạo ra một sự bất ngờ với những cầu thủ khi phải đối đầu với Hy Lạp. Họ gần như đã gặp một bài toán rất khó để tìm ra cách phá vỡ hệ thống phòng thủ của đội tuyển này. 

Rehhagel dù được cho là không quan tâm quá nhiều đến mặt chiến thuật nhưng ông đã xây dựng đội hình của Hy Lạp hoàn toàn dựa trên đội hình của đối thủ đã bày ra. Ông sử dụng một đội hình 4-5-1 để chống lại một đội tuyển chơi một tiền đạo cắm và dùng 5-4-1 để chống lại đội bóng chơi 2 tiền đạo.

Trung vệ Traianos Dellas luôn là một phương án dự phòng (giữ vị trí và can thiệp khi cần thiết) khi một hoặc hai trung vệ của Hy Lạp tập trung vào việc ngăn chặn những tiền đạo cắm của đội bạn. Georgios Seitaridis vốn dĩ là một hậu vệ cánh phải theo vị trí chuyên môn của anh ấy nhưng đôi khi ở Hy Lạp anh được sử dụng như một trung vệ phụ trong một số trường hợp. Bộ kỹ năng phòng ngự của Seitaridis rất phù hợp để vô hiệu hoá những cầu thủ như Thierry Henry trong trận đấu tứ kết với đội tuyển Pháp. Ở trận đấu đó, chúng ta có thể nhìn ra phương pháp kèm người của Hy Lạp một cách rõ ràng nhất. Thierry Henry, Zinedine Zidane và Robert Pires ngày hôm đó của Pháp chơi khá tự do và không có cố định ở một vị trí nhưng họ vẫn không thể tìm ra được bất kỳ khoảng trống nào để bản thân tách ra xa khỏi các hậu vệ của Hy Lạp.

dl
 

Rehhagel không đưa ra quá nhiều chỉ dẫn cho cách tấn công của đội tuyển Hy Lạp, ông chủ yếu tin tưởng vào các giải pháp mà cầu thủ tự đưa ra trong trận. Ông không muốn các cầu thủ của mình mạo hiểm cầm bóng ở các vị trí ở nửa sân gần khung thành đội nhà. Nói một cách hay ho thì Hy Lạp chỉ cố gắng đưa bóng lên phía trước nhanh nhất có thể chứ họ chẳng có được kế hoạch cụ thể nào để tấn công về phía khung thành đối phương. Hy Lạp phụ thuộc khá nhiều vào các pha bóng cố định để tìm kiếm bàn thắng. 

Và dường như cũng có một giao kèo giữa các cầu thủ Hy Lạp kiểu như họ sẽ cố gắng tập trung hết mức có thể trong khâu phòng ngự để không cho đối thủ ghi bàn trong hiệp 1. Rồi tiếp sau đó, họ sẽ tăng cường tấn công trong hiệp hai khi đối thủ của họ đã thấm mệt và cảm thấy nản khi tìm đường vào khung thành của Hy Lạp. Quả thật chiến lược này của các cầu thủ Hy Lạp đã hoạt động rất xuất sắc ở giai đoạn vòng đấu loại trực tiếp. Dưới đây là cách Hy Lạp sắp xếp đội hình ở trận chung kết với đội tuyển Bồ Đào Nha.

greece04
 

Cầu thủ chủ chốt

Vượt trên tất cả thành công của các đội tuyển tại EURO, chức vô địch của Hy Lạp là công sức của cả một tập thể thi đấu rất kiên cường. Tiền vệ Zagorakis nhận được rất nhiều lời khen ngợi ở mùa hè năm đó và thậm chí anh còn lọt vào top 5 của danh sách đề cử danh hiệu quả bóng vàng Ballon d’Or năm 2004 vì là cầu thủ giữ băng đội trưởng của đội tuyển Hy Lạp lên ngôi tại EURO. Trong khi đó Angelos Charisteas với 3 bàn thắng tại EURO 2004 cũng được lọt vào top 11 của danh sách Ballon d’Or năm đó.

Nhưng cầu thủ thật sự xuất sắc phải là Traianos Dellas - cầu thủ đã quét sạch những mối nguy từ các đợt tấn công của đối phương ở vị trí phòng ngự giống như cách mà Matthias Sammer đã thực hiện 8 năm trước ở EURO 1996. Anh là một trung vệ quét thực thụ, một cầu thủ luôn có mặt ở phía sau hàng phòng ngự và không bị ràng buộc phải theo kèm bất kì cầu thủ nào của đối phương. Tuy nhiên, khác với Matthias Sammer, những đóng góp mang tính chất quyết định ở hàng phòng ngự của Dellas xuất phát từ những pha bóng trên không thay vì ở dưới mặt đất. 

Dellas rõ ràng không thể có được khả năng kiến tạo như Sammer. Anh là một trung vệ chỉ đơn giản thi đấu theo cách pha bóng liên tục không có mục đích và phá bóng mỗi khi gặp phải áp lực. Thi đấu không quá phức tạp nhưng Dellas gần như không thể bị đánh bại trong vòng cấm địa của Hy Lạp. Anh thi đấu rất tốt trong chiến thắng của Hy Lạp trước Cộng hoà Séc ở trận bán kết. Ngày hôm đó anh được giao nhiệm vụ là một trung vệ dự phòng để hỗ trợ cho Michalis Kapsis - một trung vệ có chiều cao khá khiêm tốn tập trung vào việc đối phó với một Jan Koller khổng lồ bên phía Cộng hoà Séc. Đó là cách Dellas bọc lót cho Kapsis khi bóng ở khu vực trung lộ, nhưng khi trái bóng được chuyển sang hai cánh thì nhiệm vụ của hai trung vệ sẽ được hoán đổi. Lúc này, Dellas với chiều cao 1m96 sẽ giải quyết được gã tiền đạo khổng lồ Jan Koller cao 2m02 bên trong vòng cấm. 

dl
Dellas trong một pha bóng theo kèm với Jan Koller

Ngoài việc xuất sắc trong việc phong toả tiền đạo chủ chốt của đối phương, Dellas còn chính là cầu thủ ghi bàn thắng quyết định vào lưới Cộng hoà Séc ở trong hiệp phụ để giúp Hy Lạp có được thắng lợi đầy cảm xúc nhờ luật 'bàn thắng bạc' (luật này cho phép một đội giành chiến thắng ngay lập tức khi họ là đội ghi bàn trước ở trong thời gian thi đấu hiệp phụ). Nhưng trên thực tế, bàn thắng của Dellas đến ở thời điểm đồng hồ trận đấu bước sang những phút bù giờ của phút 105 nên nó có thể được coi là một 'bàn thắng vàng' của đội tuyển Hy Lạp.

Bạn có thể ngạc nhiên khi biết điều này...

Trước thềm trận chung kết giữa Bồ Đào Nha và Hy Lạp, đã xảy ra một vụ lùm xùm nhỏ tại Bồ Đào Nha khi có tin tức cho rằng trọng tài chính bắt trận chung kết - Markus Merk (trọng tài người Đức) - trước đây từng là một nha sĩ và từng khám chữa cho gia đình của Otto Rehhagel. Chi tiết này đã vô tình dấy lên những lo ngại cho một số người hâm mộ của Bồ Đào Nha khi họ cho rằng ông trọng tài người Đức có thể bắt thiên vị cho đội bóng mà người đồng hương đang dẫn dắt.

dl
Trọng tài Markus Merk trong trận chung kết giữa Bồ Đào Nha và Hy Lạp

Khi được hỏi về vấn đề này trước thềm trận chung kết, trọng tài Markus Merk đã trả lời một cách châm biếm như sau: "Cảm ơn vì câu hỏi này. Nếu chúng ta đi theo lối tư duy của những cổ động viên Bồ Đào Nha thì sẽ không có một trọng tài nào làm việc trong tương lai cả. Vì mỗi trọng tài đều phải tham gia chỉ đạo ở rất nhiều trận đấu và nhiều quốc gia khác nhau.

Không có chuyện gì bất thường khi có một trọng tài người Đức và một huấn luyện viên người Đức trong một trận bóng đá cả. Tôi đã có khoảng 5000 bệnh nhân tới khám răng trong đời làm nha sĩ - một số người thậm chí cũng là người Bồ Đào Nha hoặc Hy Lạp. Tôi cũng có năm nhà hàng yêu thích để lui tới: trong số đó cũng có nhà hàng của Bồ Đào Nha và nhà hàng của Hy Lạp".

Trận chung kết

Ở trận chung kết, Hy Lạp một lần nữa tạo ra cú sốc cho đội chủ nhà Bồ Đào Nha khi họ giành thắng lợi chung cuộc với tỉ số 1-0.

Thực ra trận đấu ngày hôm đó diễn ra khá buồn tẻ vì cả hai đội đều giữ một tâm lý khá căng thẳng khi tiến vào trận. Bồ Đào Nha dường như vẫn chưa có sự chuẩn bị thực sự tốt cho kiểu kèm người của Hy Lạp trong lần thứ 2 đụng độ tại giải đấu năm đó. Cristiano Ronaldo và Luis Figo vẫn giữ nguyên vị trí ở hai cánh thay vì di chuyển rộng hơn để thoát khỏi sự kèm cặp của các hậu vệ Hy Lạp. Deco ngày hôm đó cũng gặp rất nhiều khó khăn khi anh không thể thoát khỏi sự chú ý của Kostas Katsouranis. Bồ Đào Nha ngày hôm đó không tạo ra được nhiều phương án tấn công đủ sáng tạo cho đến khi Rui Costa - cầu thủ đã 32 tuổi và coi kỳ EURO 2004 là giải đấu cuối cùng trong sự nghiệp thi đấu quốc tế được tung vào sân để tạo ra một vài cơ hội sáng nước cho đội chủ nhà.

dl
Những ngôi sao như Ronaldo, Figo hay Deco ngày hôm đó đều không thể tạo ra sự khác biệt

So với những trận đấu trước đó ở vòng đấu loại trực tiếp thì có lẽ phong độ ở trận chung kết của Hy Lạp là ít ấn tượng hơn cả. Nhưng dẫu sao họ cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trận chung kết với không có nhiều sự lo lắng bất chấp việc Bồ Đào Nha có lợi thế trên sân nhà, có nhiều hơn 1 ngày nghỉ và đã sẵn sàng ở Lisbon để thi đấu chung kết thay vì phải di chuyển từ Porto xuống như Hy Lạp. 

Khoảnh khắc quyết định

Trong ba trận liên tiếp ở vòng loại trực tiếp, Hy Lạp đều giành chiến thắng nhờ một cú đánh đầu thành bàn từ pha bóng xuất phát từ bên cánh phải. Giống như ở trận tứ kết, người ghi bàn là Charisteas. Và giống như ở trận bán kết là bàn thắng đó đến từ một tình huống phạt góc mà Hy Lạp được hưởng.

Mặc dù bị coi là điểm yếu tiềm tàng trong suốt giải đấu của Bồ Đào Nha nhưng thủ thành Ricardo đã cho thấy mình vẫn thi đấu tương đối tốt khi thực hiện những pha cứu thua cũng như thực hiện thành công quả đá luân lưu trong loạt sút luân lưu thắng tuyển Anh ở tứ kết. Những khả năng ra vào và chọn vị trí cản phá của Ricardo đã không đủ chắc chắn trong tình huống Charisteas ghi bàn. Và khi thủ môn đối thủ đã lao ra không hợp lý kèm với chiều cao 1m91 của mình, Charisteas đã bật cao hơn tất cả để đánh đầu vào khung thành đã bị bỏ trống của Bồ Đào Nha. 

z5520021634802_fbecedc0448abc624e8d3574df0d8a55
 
z5520023127360_2fc4c377a94e541c4cc38f0de88b3677
 

Vậy họ có thực sự là đội bóng mạnh nhất giải?

Công bằng mà nói nếu bạn cho thi đấu lại loạt trận đấu loại trực tiếp ở EURO 2004 thì có lẽ bạn sẽ không thể thấy Hy Lạp giành chiến thắng đến 3 lần giống như cách họ vô địch. Cộng hoà Séc có lẽ là đội bóng hoàn thiện nhất ở giải đấu năm đó khi họ sở hữu cặp tiền đạo rất xuất sắc là Jan Koller và Milan Baros. Hàng tiền vệ của Cộng hoà Séc cũng có rất nhiều ngôi sao thi đấu sáng tạo và thêm vào đó là họ có một thủ một được coi là xuất sắc nhất giải đấu năm đó - Petr Cech. Tuy nhiên khi Pavel Nedved dính chấn thương và phải sân trong hiệp 1 trận bán kết với Hy Lạp, Cộng hoà Séc đã mất đi niềm tin có thể đánh bại đối thủ. 

Ngoài việc gặp may mắn khi đội bóng hoàn thiện nhất giải đấu mất đi cầu thủ xuất sắc nhất, Hy Lạp không cần phải dựa dẫm quá nhiều vào sự may mắn trong suốt giai đoạn vào đấu loại trực tiếp. Họ không thường xuyên phải phụ thuộc vào những pha cản phá quyết định hay những tình huống cứu thua ở phút chót để giữ sạch mảnh lưới. Cách chơi của họ chỉ đơn giản là cố thủ giữ vững tỉ số 0-0 đến hết hiệp 1 và sau đó sẽ tận dụng cơ hội có được để ghi bàn khi đối thủ đã thấm mệt vào hiệp 2. Và sau khi đã có được lợi thế, Hy Lạp sẽ bảo vệ thành quả đó bằng mọi giá. Lợi thế của họ có được sẽ được giữ đến khi trận đấu kết thúc mà không phải dựa vào những chiêu trò câu giờ hay các tiểu xảo để gây ức chế cho đối phương. 

Chắc chắn họ là những nhà vô địch mà không một ai nghĩ tới tại giải đấu năm đó tại Bồ Đào Nha. Họ đã phải nỗ lực phòng ngự rất nhiều trận để tìm kiếm cơ hội, nhưng trên hết là Hy Lạp đã tận dụng được và trở thành nhà vô địch. So với Hy Lạp thì trước đây EURO còn chứng kiến nhiều chức vô địch còn may mắn hơn thế rất nhiều.

GettyImages-51017456
 

 

Ở vòng đấu loại trực tiếp, Hy Lạp đã đánh bại đương kim vô địch - đội tuyển Pháp, đánh bại đội bóng được coi là toàn diện nhất và cuối cùng là đánh bại nốt chủ nhà của giải đấu với 3 tỉ số 1-0. Thắng lợi của Hy Lạp tại EURO 2004 chỉ đến sau vài tuần khi Porto của Jose Mourinho tại ra một sự chấn động tại trời Âu khi họ lên ngôi tại UEFA Champions League. Porto tại Champions League và sau đó là Hy Lạp tại EURO, có thể nói năm 2004 chính là một năm của những đội bóng thuộc nhóm 'underdog' (những đội yếu thế). 

Theo Michael Cox (The Athletic)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

X
top-arrow