Hoa trên chiến trường: Những cô gái Libya khát khao chơi bóng

Tác giả KDNX - Thứ Sáu 07/06/2019 14:36(GMT+7)

Zalo

Khi bộ phim tài liệu Freedom Fields (Sân cỏ tự do) được trình chiếu, người ta mới lại bàng hoàng nhận ra rằng đâu đó trên đất Libya, các cô gái phải thi đấu trong bom đạn và những sự hà khắc của tôn giáo và giáo điều đè nặng trên vai.

"Đúng thứ chúng ta cần quá nhỉ !" một vị Imam mỉa mai trên truyền hình Libya. "Một đội bóng đá nữ ! Đã thế, họ còn chọn những phụ nữ đẹp, cao ráo cho đội tuyển nữa chứ, chưa kể họ sẽ phải khoe chân hàng tháng."
 
Kỳ World Cup bóng đá nữ sắp diễn ra trên đất Pháp sẽ là dịp để các cô gái thể hiện tài năng trên các thảm cỏ đất Pháp sau khi các chàng trai đã thể hiện hết mình 1 năm trước trên đất Nga.
Hoa trên chiến trường Những cô gái Libya khát khao chơi bóng hình ảnh
Hoa trên chiến trường: Những cô gái Libya khát khao chơi bóng
Nhưng khi bộ phim tài liệu Freedom Fields (Sân cỏ tự do) được trình chiếu, người ta mới lại bàng hoàng nhận ra rằng đâu đó trên đất Libya, các cô gái phải thi đấu trong bom đạn và những sự hà khắc của tôn giáo và giáo điều đè nặng trên vai. Cùng với những lời mỉa mai đầy cay độc của vị imam kể trên là thông điệp của nhóm cực đoan Ansar al-Sharia (Tiếng Ả Rập có nghĩa là "Những người ủng hộ luật Sharia"-ND): "Chúng tôi cực lực phản đối hành động của những kẻ ủng hộ cho thứ tự do phi đạo đức của Phương Tây đang làm dưới chiêu bài nữ quyền. Điều này sẽ càng khiến cho nhiều môn thể thao cho phép để lộ da thịt như bơi lội hay chạy bộ được hợp pháp."
 
Những lời trên được đọc thành tiếng bởi những kẻ vũ trang tới tận răng được cắt cử theo dõi đội bóng trong các buổi tập ở một địa điểm bí mật. Đó là ở thời điểm 2013, tức là 2 năm sau cuộc "cách mạng" Ả Rập do Phương Tây hỗ trợ nhằm lật đổ lãnh đạo hợp hiến Muammar Gaddafi. Một cuộc "cách mạng" đáng lẽ ra sẽ đem lại tự do và bình đẳng cho mọi người, trong đó có phụ nữ.
 
"Thời kỳ đó thật sự đáng mừng," đạo diễn Naziha Arebi của bộ phim tài liệu Freedom Fields chia sẻ. "Mọi người cứ tưởng nhiều điều sẽ diễn ra. Phụ nữ tưởng rằng họ sẽ được chơi bóng. Chúng tôi tưởng rằng họ sẽ có trận đầu tiên, và tôi sẽ có thể ghi lại những thước phim tươi đẹp về điều này, về cuộc đấu tranh này." Giọng cô lạc đi.
 
Mọi chuyện hóa ra lại chẳng được như ước ao của người Libya, của đội bóng nữ hay của Arebi. Cảm xúc lạc quan ban đầu giờ thế chỗ cho sự đau đớn của cuộc nội chiến kéo dài dai dẳng suốt 8 năm nay. Arebi tưởng tượng trong đầu cảnh bộ phim kết thúc với việc những kẻ chiếu dưới đến được với sân đấu lớn nhất thế giới, nhưng rồi điều đó mãi không xảy ra. Cô ở lại Lybia và giành 5 năm sau đó để đi theo bước đường của đội bóng trên, nhưng thường là ngoài sân tập.
 
Những cô gái đá bóng dưới ánh đèn đường

"Tôi bị cuốn hút bởi những cá tính tuyệt vời này," cô nói. "Vậy nên tôi gắn kết với họ, kể cả khi bóng đá không diễn ra". Dù không có những lượt đá luân lưu căng thẳng, bộ phim của Arebi vẫn nắm bắt được hy vọng và sự uất hận của một đất nước. Những điều còn hơn cả những pha bóng căng thẳng trên sân.
 
Đội bóng nữ của Libya ra đời dưới thời Gaddafi, nhưng lại ít nhận được sự quan tâm. Libya khi ấy không phải là một nước Hồi giáo thủ cựu, nhưng vẫn có những hạn chế nhất định với phụ nữ. Tripoli thường ngưng đọng mỗi khi đội tuyển nam thi đấu, nhưng với phụ nữ, họ thường sẽ được bảo rằng nên đi lấy chồng và lập gia đình hơn là chơi bóng. Nói cách khác, bóng đá không phải là một sự nghiệp mà phụ nữ nên đi theo.
 
Xuyên suốt bộ phim, chúng ta được gặp thủ môn Halima, một dược sĩ luôn treo ảnh của tiền vệ người Libya Tarik El Taib và tiền đạo Barcelona Lionel Messi trong phòng ngủ. Cô đã định ngày đính hôn. "Hầu hết các cầu thủ nữ đã cưới thường sẽ nghỉ chơi bóng."
 
Kể cả khi không bị những kẻ cuồng tín nhắm vào, những người phụ nữ này vẫn phải chịu đựng sự hỗn loạn và cảm giác bất an của xã hội Libya khi đó. Những lần cắt điện xảy ra xuyên suốt bộ phim. Trong một phân đoạn, dàn đèn của sân tập thậm chí còn bị cắt trong một buổi tập ban đêm, vì vậy, toàn đội phải dùng đèn pha ô tô để chiếu sáng. Những khung hình ấn tượng khác của bộ phim cho ta thấy những cụm khói đen ở phía xa chân trời, những bãi đất trống đầy rác rưởi, cùng với đó là tiếng súng ở đằng xa.
 
"Phải quen thôi," Arebi nói. "Mọi người vẫn đến bãi biển khi xảy ra đọ súng ở phía bên kia thị trấn, hoặc tạt qua quán cà phê rồi đi," "Cái gì thế, pháo hoa hay súng ?" Không phải người dân ở đây lãnh cảm, mà là vì khi bạn sợ hãi, bọn chúng đã thắng, vậy nên với nhiều người, ngó lơ điều đó chính là cách thể hiện sự phản kháng." 
 
Tôi gặp Arebi lần đầu khi thăm Libya vào năm 2012 để viết về những những bước đầu chập chững của điện ảnh Libya thời cách mạng. Cô sinh ra và lớn lên ở Hastings, là kết quả của một mối tình Anh-Libya. Arebi chia sẻ rằng bố cô chưa bao giờ dạy cô tiếng Ả Rập khi cô còn bé. Nhưng ông thường đưa cô tới sân xem Arsenal thi đấu. Cô lần đầu về quê bố Libya vào năm 2010, trước khi cách mạng diễn ra để tạo mối dây liên kết với gia đình. "Tôi về lại nước Anh với chi chít những hình xăm Henna ( một dạng hình xăm truyền thống của những người thổ dân Libya-ND)", cô cười lớn. "Tôi thực sự bị cuốn vào thứ văn hóa đó."
 
Theo học ngành điện ảnh ở trường St Martin ở thành phố London, cô dự định tham gia sản xuất phim. "Tôi tính đi theo phong cách của Mike Leigh, phát triển cốt truyện một cách sinh động," cô nói. Khi cô chuyển về quê cha Libya vĩnh viễn vào năm 2011, cô tìm được một loạt những câu chuyện đời đang chờ được kể lại.
Leigh tham dự buổi công chiếu Freedom Fields ở liên hoan phim London năm ngoái. "Tôi bị choáng ngợp" Arebi nói, nhưng cô vẫn kịp trao đổi vài lời ông ấy. "Ông ấy nói muốn thấy bóng đá nhiều hơn, còn tôi như kiểu, "Nhưng đến họ còn không được chơi bóng nhiều nữa là, vậy nên ông sẽ không có nhiều cảnh về bóng đá đâu."


Làm một nhà sản xuất phim nữ ở Libya cũng có những trở ngại riêng. "Đây chắc chắn không phải là một ngành nghề mà phụ nữ hay tham gia," cô nói. Nhưng vẫn có những lợi thế riêng. "Khi lâm vào thế khó, tôi dễ dàng đàm phán với những nhóm vũ trang hay những người cố tình cản trở việc ghi hình, vì họ không coi tôi là mối đe dọa." Đấy là những ngày đầu hậu cách mạng, mọi người đều vui vẻ chấp nhận được lên hình, Arebi nói, nhưng tình hình càng ngày càng tồi tệ, mọi thứ dần ngột ngạt hơn, luật lệ dần hà khắc hơn. "Nhưng khi một người cản trở bạn, sẽ có một người giúp bạn."
 
Một trong những điều ấn tượng nhất về bộ phim đó là sự tương phản giữa hình ảnh các cầu thủ nữ làm người phụ nữ trong nhà và khi họ trên sân tập. Tầng lớp, tư tưởng chính trị và văn hóa dường như biến mất. Họ cười đùa, họ tranh luận và chơi bóng. "Chúng tôi nhận ra rằng những người phụ nữ này là những con người thực thụ: có tinh thần, có quyết tâm, kiên cường và vui tính," Arebi nói. "Hạnh phúc khi được là một phần của điều gì đó hiển hiện rõ trong họ."
 
Ở một quốc gia nơi mà phụ nữ và đàn ông thường có phòng riêng trong nhà, sân bóng là nơi phụ nữ có thể hoàn toàn thể hiện bản thân. "Với họ," Arebi nói, "không cần phải trở thành một đội tuyển tuyệt vời. Chỉ đơn giản là chơi bóng và đương nhiên là chơi tốt, nhưng đồng thời là cảm giác có được tự do."
 
ĐT nữ Libya không góp mặt ở kỳ World Cup năm nay diễn ra trên đất Pháp. Họ thậm chí không được FIFA xếp hạng, dù đã thi đấu vài trận ở cấp độ ĐTQG trước Ethiopia và Ai Cập. Họ để thua 8-0 trong cả hai trận đó. Các cầu thủ xuất hiện trong Freedom Fields giờ đây không còn trong đội hình, một vài trong số đó lập ra các quỹ phi chính phủ sử dụng thể thao như một công cụ xoa dịu nỗi đau chiến tranh, kết nối và hàn gắn phụ nữ với nhau. Họ cũng hỗ trợ Arebi rất nhiều trong quá trình quay phim.
 
Image result for libya women's national football team

"Những điều trên không vì bóng đá," Arebi nói. "Mục đích của nó là sử dụng bóng đá vào những mục đích khác. Thông qua thể thao, họ đã phá vỡ những rào cản về chính trị và giai cấp. Họ trở nên mạnh mẽ và bạo gan. Đối với họ, nhiệm vụ là truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai."
 
Với thế hệ làm phim nữ tương lai của Ả Rập, Arebi là một biểu tượng của hy vọng. Cô đã sản xuất thêm một bộ phim tài liệu khác về Libya trong 6 năm qua, bộ phim về một cặp anh em chiến đấu ở hai đầu chiến tuyến của cuộc cách mạng. Cô cũng viết một film hài gia đình về Libya để trở thành Mike Leigh của quê hương mình. Cô cũng đang làm nhiệm vụ của một người kết nối, xây dựng một cộng đồng làm phim cho quê hương của mình. Những năm qua, cô đã học được rằng: cách mạng là một chuyện, nhưng những thay đổi cần nhiều thời gian, cần nhiều quá trình hơn nhiều. Và dù còn quá nhiều hỗn loạn, đây rõ ràng là thời điểm thích hợp để bắt tay vào công việc.
 
"Quan trọng là chúng tôi phải đưa ra quan điểm của mình về thời cuộc và kể câu chuyện của mình," cô chia sẻ. "Chúng tôi không thể chờ đợi cái đống hỗn độn này kết thúc, vì nếu phải chờ, chắc sẽ phải chờ cả đời."
 
Lược dịch từ bài viết gốc:  'You get used to the gunfire' – filming the Libyan women's football team " của tác giả Steve Rose đăng trên The Guardian.

KDNX (TTVN)
 
 
 

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lịch thi đấu căng như dây đàn, liệu Real có thể tiếp tục nói hai từ "hài lòng"?

Trong những mùa giải gần đây, chúng ta luôn thấy một khả năng xoay sở rất tốt của HLV Carlo Ancelotti với những gì Real Madrid có trong tay. Nhưng ở mùa này, khi cơn bão chấn thương lũ lượt kéo tới, liệu chiến lược gia người Italia có thể tiếp tục nói "chúng tôi hài lòng với đội hình hiện tại"?

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

X
top-arrow