Hai tiền đạo và năm lần thay người: Bí quyết thành công của Inter Milan mùa này

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Ba 16/05/2023 18:11(GMT+7)

Bạn có thể thành công bằng cách sao chép những gì người khác làm (dù cũ kĩ) và làm tốt hơn họ, hoặc làm những điều mới mẻ và khác biệt so với phần còn lại. Điều này đang đúng với Inter Milan. Dù vẫn còn nhiều khiếm khuyết, đội bóng này đang đứng thứ tư ở Serie A, lọt vào trận chung kết Coppa Italia và dẫn trước 2-0 ở trận lượt đi bán kết Champions League trước AC Milan.

 

Điểm nhấn đầu tiên đến từ một trường phái cũ, đó là việc đoàn quân của Simone Inzaghi chơi với hai tiền đạo chứ không phải một. Còn nét đổi mới đến từ việc Inter khai thác triệt để luật thay 5 người, khi thực hiện các quyền thay đổi ở các vị trí giống nhau và cùng một thời điểm trong các trận đấu.

Sử dụng cặp tiền đạo là phương án từng phổ biến ở bóng đá châu Âu trong nhiều năm. Tuy nhiên, hiện tại chúng đã phần nào lỗi thời, ít nhất là ở các đội bóng lớn. Chỉ một số ít các đội như Atletico Madrid và RB Leipzig vẫn sử dụng 2 tiền đạo như Inter. 

Hầu hết các CLB hàng đầu đều có xu hướng thích tấn công với 1 tiền đạo cắm và 2 cầu thủ chạy cánh ở hai bên. Đôi khi, các CLB này sử dụng những cầu thủ chạy cánh có xu hướng bó vào trong thay vì tạt bóng. Vinicius Junior của Real Madrid - 1 cầu thủ thuận chân phải chơi bên cánh trái - là một ví dụ điển hình.

Điều đó không đúng với Inter. Họ có 4 tiền đạo - Lautaro Martinez, Romelu Lukaku, Joaquin Correa và Edin Dzeko. Sơ đồ chiến thuật được thiết kế xoay quanh khả năng phối hợp giữa họ, còn các hậu vệ cánh sẽ có nhiệm vụ kéo giãn đội hình đối phương theo chiều ngang. Có hai trung phong ở phía trên - trong bối cảnh đa số các đội đều chơi với 4 hậu vệ - nghĩa là bạn đã trói chặt hai trung vệ đối phương, qua đó tạo khoảng trống cho 1 cầu thủ băng lên từ hàng tiền vệ.

 

Bàn thắng thứ hai của Inter vào lưới Milan trong trận bán kết lượt đi là ví dụ điển hình cho điều này: Dzeko và Martinez thực hiện các pha chạy chỗ để kéo người kèm cặp họ là Fikayo Tomori và Simon Kjaer ra khỏi vị trí, tạo điều kiện cho Henrikh Mkhitaryan di chuyển vào khoảng trống và ghi bàn. Tất nhiên, Sandro Tonali có thể đã làm tốt hơn trong việc kèm cặp Mkhitaryan. Nhưng bóng đá là môn thể thao có tỉ số không quá chênh lệch, do đó các chi tiết nhỏ sẽ có tác động rất lớn.

Dù chơi với sơ đồ 2 hay 3 trung vệ, hầu hết các đội không quen với việc đối mặt với hàng công 2 người, nghĩa là họ phải điều chỉnh chiến thuật. Nó không phức tạp và hoàn toàn có thể thực hiện được. Nhưng trong một trận đấu có tỷ lệ rủi ro cao như bán kết Champions League, thời gian bạn dùng để chuẩn bị cho việc điều chỉnh đồng nghĩa với khoảng thời gian bạn mất đi để suy nghĩ về những thứ khác giúp CLB giành chiến thắng. 

Có 1 vấn đề khác trong trường hợp của Inter: 4 tiền đạo của họ đều có những đặc tính cơ bản khác nhau. Lukaku cao lớn, mạnh mẽ và trực diện. Dzeko cũng cao nhưng dẻo dai hơn, chậm hơn (anh đã 37 tuổi) và chân chuyền bóng rất tốt. Martinez nhỏ con hơn, nhanh hơn và là một tay rê bóng tài năng. Còn Correa là một con bài “tẩy”: 1 cầu thủ to lớn nhưng sở hữu khả năng kiểm soát bóng khéo léo của những cầu thủ nhỏ con và tỏ ra rất khó đoán. Bộ tứ tiền đạo đa dạng này giúp Inzaghi thoải mái “bày binh bố trận”, tùy theo đối thủ và tình huống trong trận.

 

Tính đến trước trận gặp Sassuolo, Inter đã chơi 49 trận mùa này. Số lần đá chính của 4 tiền đạo được chia đều: Lautaro đá chính nhiều nhất (39 trận), tiếp theo là Dzeko (30), Lukaku (17) và Correa (14). Họ không hoàn toàn có thể thay thế lẫn nhau. Lautaro đá nhiều nhất vì anh là cầu thủ giỏi nhất trong nhóm này, còn Lukaku đã bỏ lỡ một phần mùa giải vì chấn thương. Nhưng chắc chắn Inzaghi tin tưởng cả 4 người. Bằng chứng nằm ở cách ông sử dụng quyền thay người cũng như phân bổ số phút.

Inter đã chơi 34 trận tại giải VĐQG, nghĩa là số lần thay người tối đa mà họ có là 170. Họ đã sử dụng 167 quyền thay người. Ngược lại, Manchester City cũng đã thi đấu 34 trận, nhưng họ chỉ thay 110 lần. Không có đúng hay sai ở đây; đó chỉ là một cách tiếp cận khác dựa trên những gì phù hợp với đội bóng của bạn. 

Điều thú vị ở chỗ, Inter luôn có xu hướng thay người giống nhau. Inzaghi thường sẽ thay 2 tiền đạo và 2 hậu vệ cánh, vị trí cũng có số phút được phân bổ hợp lý với Federico Dimarco và Robin Gosens ở bên trái và Denzel Dumfries và Raoul Bellanova (hoặc Matteo Darmian khi anh không đá trung vệ lệch phải) ở bên phải, sau một giờ đồng hồ thi đấu.

 

Những lợi ích ở đây là hiển nhiên. Các hậu vệ đối phương sẽ phải đối mặt với những tiền đạo sung mãn hơn, với những đặc tính hoàn toàn khác biệt trong nửa giờ cuối cùng. Hậu vệ cánh trong sơ đồ 3-5-2 của Inzaghi có lẽ là vị trí đòi hỏi nhiều thể lực nhất và rõ ràng, chơi hết mình trong 60 phút sẽ ít mệt mỏi hơn so với chơi trong 90 phút. Inter không phải là một đội chơi pressing với nhịp độ cao. Nhưng công bằng mà nói, họ sẽ càng ít pressing hơn nếu các tiền đạo của họ phải thi đấu trọn vẹn 90 phút.

Việc xoay tua ngay trong trận cũng giúp các cầu thủ có động lực. Bạn có thể xuất phát từ băng ghế dự bị, nhưng nếu bạn là hậu vệ cánh hoặc tiền đạo, bạn biết mình có thể sẽ ra sân. Các tiền đạo dự bị của Inter đã vào sân trong 85% các trận đấu. Đối với các hậu vệ cánh, tỷ lệ này là 78%. Tất nhiên, nó còn giúp giữ cho các cầu thủ luôn có thể trạng tốt - điều đặc biệt quan trọng đối với các cầu thủ lớn tuổi, đồng thời giảm thiểu nguy cơ chấn thương. 

Rõ ràng, trước khi ca ngợi Inzaghi là 1 thiên tài và nhà đổi mới, có một số lưu ý. Cách tiếp cận này chỉ hiệu quả khi bạn có những người có khả năng tương đương như Dzeko và Lukaku. Nếu Carlo Ancelotti xoay tua Karim Benzema và Mariano Diaz ở Real Madrid, hoặc nếu Mikel Arteta của Arsenal thay Bukayo Saka cho Reiss Nelson sau 60 phút trong mỗi trận đấu, họ có thể sẽ bị bắt vì tội chống lại bóng đá. Ngoài ra, bạn nhận được bao nhiêu ở sự mới mẻ và khó đoán, bạn lại mất đi bấy nhiêu ở khía cạnh ăn ý, bởi càng chơi với nhau thì mới càng hiểu nhau hơn. Dễ hiểu khi Inzaghi không có ý định làm điều này ở hàng tiền vệ và trung vệ, bởi đây là những vị trí cần sự ăn ý và khả năng phối hợp.

Mặc dù vậy, cách tiếp cận của ông đang mang đến sức hấp dẫn cho Inter mùa này. Nó đã giúp họ vượt qua một số thời điểm khó khăn và giữ cho các cầu thủ cảm thấy vui vẻ - nhiệm vụ không hề dễ dàng tại một đội bóng có lịch sử hỗn loạn và bất ổn. Nó cũng đặt ra những nghiên cứu thú vị, rằng liệu các HLV có thể thay đổi trận đấu ra sao khi được thay 5 người. Bởi ngoại trừ Inzaghi và một vài nhà cầm quân khác, đa số đều chưa tận dụng triệt để luật mới này.

Nhìn chung, thành công của Inter cho thấy sự khác biệt đôi khi cũng quan trọng không kém việc chơi tốt trong một trận đấu.

Lược dịch bài viết “Two strikers and fives subs: The secrets to Inter Milan's success” của Gabriele Marcotti (ESPN)

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.