Khi đạt cột mốc 100 trận với Barcelona ngày 18/8 vừa qua, Antoine Griezmann hồ hởi phát biểu: “Hy vọng tôi có thể chơi thêm 100 trận nữa để làm nên lịch sử với đội bóng này”.
13 ngày sau, câu nói ấy trở thành dĩ vãng, khi Griezmann trở lại Atletico Madrid dưới dạng cho mượn kèm theo điều khoản bắt buộc mua đứt.
Đó là cái kết cho câu chuyện biến Barcelona trở thành trò cười cho thiên hạ suốt hai năm qua: Mùa hè 2019, Barcelona bỏ ra 120 triệu euro để mua một cầu thủ họ không thật sự cần, 1 năm sau họ cho phép tiền đạo chủ lực Luis Suarez gia nhập Atletico Madrid dưới dạng chuyển nhượng tự do. Sau đó tiền đạo người Uruguay giúp họ vô địch La Liga mùa trước. Cuối cùng, họ bán lại Griezmann cho Atletico với giá bằng 1/3 giá họ mua cách đây hai năm.
Việc chiêu mộ cầu thủ người Pháp không một tay hủy hoại CLB, nhưng thương vụ này là bằng chứng rõ nhất, cho thấy Barcelona đang ở trong mớ hỗn độn lớn như thế nào.
|
Không lâu sau khi đạt cột mốc 100 trận cho Barcelona, Griezmann cũng nói lời chia tay CLB. Ảnh: FC Barcelona |
Quay trở lại hai năm trước, Barcelona ban đầu định mặc cả với Atletico trong việc mua Griezmann bằng cách xin trả góp. Atletico lập tức từ chối, buộc cựu chủ tịch Josep Maria Bartomeu phải tìm cách phá hợp đồng của Grizzy. Để thực hiện điều này, đội bóng cần sự hỗ trợ về mặt tài chính. Sau khi những nguồn cho vay truyền thống từ chối, đội bóng xứ Catalunya đã hành động liều lĩnh khi vay tín chấp ngân hàng 35 triệu euro trong 6 tháng và vay thế chấp 85 triệu euro từ thu nhập sau này.
Nghĩa là dù đã bán được cầu thủ người Pháp, các khoản nợ vẫn còn nguyên. Thậm chí điều lạc quan duy nhất ở thương vụ này, đó là quỹ lương của đội được giảm bớt một chút. Bởi số tiền 40 triệu euro sẽ chỉ được chuyển đến cho đội chủ sân Camp Nou vào năm 2023; nghĩa là trước mắt việc Griezmann ra đi không giúp họ trả được nợ.
Nguyên nhân dẫn đến nghịch cảnh này được đổ lỗi cho ban lãnh đạo cũ do cựu chủ tịch Josep Maria Bartomeu đứng đầu với khoản nợ lên tới 1,3 tỉ euro. Đó là lý giải cho mọi rắc rối diễn ra ở Camp Nou những tháng gần đây. Tuy nhiên, Joan Laporta và bộ sậu của ông đã biết rõ vấn đề họ phải đối mặt sau cuộc bầu cử Chủ tịch hồi tháng 3, nhưng không có nhiều bằng chứng cho thấy họ có một kế hoạch cụ thể để đối mặt với nó.
Barcelona không tài nào đẩy đi nổi những cầu thủ “ngồi mát ăn bát vàng“ như Philippe Coutinho, Samuel Umtiti và Ousmane Dembele (họ chỉ kịp đẩy Miralem Pjanic sang Besiktas khi thị trường chuyển nhượng ở 5 giải đấu lớn đã khép lại). Thay vào đó, những cầu thủ ít tên tuổi hơn phải ra đi, với những cái tên như Junior Firpo, Jean-Clair Todibo, Konrad de la Fuente, Francisco Trincao và Carles Alena.
Đã có những quyết định đau đớn được đưa ra một cách miễn cưỡng. Laporta ra rả việc Lionel Messi sẽ ở lại CLB, cho đến ngày 5/8, thời điểm Messi thừa nhận đó là điều không thể, với khuôn mặt đẫm nước mắt.
Nhưng thế vẫn là chưa đủ.
Sau khi Messi ra đi, cả Laporta lẫn HLV Ronald Koeman đều nói về Griezmann một cách hào hứng, khiến người ta tin rằng tiền đạo người Pháp sẽ trở thành trung tâm cho một Barca–hậu–Messi. Dù vậy, như một bài hát của Soobin Hoàng Sơn, Griezmann “đi để trở về”.
|
Barcelona không thể giữ lại Messi vì chính tương lai và sự tồn vong của đội bóng. Ảnh: Getty Images |
Nhưng thế vẫn là chưa đủ.
Gerard Pique tỏ ra hào phóng khi cắt giảm lương, giúp Barcelona đăng ký được thêm hai bản hợp đồng tự do là Memphis Depay và Eric Garcia. Ngày cuối cùng của kì chuyển nhượng chứng kiến thêm hai người đồng nghiệp của Pique là Jordi Alba và Sergio Busquets đồng ý giảm lương, giúp họ sở hữu một cầu thủ tự do khác, Sergio Aguero.
Nhưng thế vẫn là chưa đủ.
Cuối cùng, Barcelona phải sắm vai của một đội bóng nhỏ thiếu tiền, khi chấp nhận bán những cầu thủ mà họ muốn giữ lại.
Như một hệ quả tất yếu, Emerson Royal đến Tottenham với giá 25 triệu euro, dù chỉ vài tuần trước cầu thủ này mới được Barcelona mua lại từ Real Betis. Thương vụ đó với Spurs thậm chí chỉ giúp Barcelona kiếm được 5 triệu euro, do họ còn nợ tiền Real Betis. Nhưng họ vẫn phải làm, vì giao dịch này sẽ cung cấp 20 triệu euro cho năm tài chính hiện tại.
Họ cũng buộc phải bán Ilaix Moriba cho RB Leipzig với giá 16 triệu euro, bởi họ không thể trả hơn 100.000 euro/tuần cho một cầu thủ 18 tuổi và mới chỉ đá cho đội một 14 trận tại La Liga.
Nhưng thế vẫn là chưa đủ. Như thanh gươm Damocles, những khoản nợ vẫn treo lơ lửng trên đầu CLB. Quỹ lương của Barcelona vẫn cao hơn 25% so với các đối thủ cạnh tranh, với số tiền lên tới 617 triệu euro. Doanh thu mùa 2019/2020 giảm 18% do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cuối cùng, các thống kê cho thấy Barcelona còn nợ các CLB khác gần 200 triệu euro phí chuyển nhượng.
Vẫn có những lạc quan rằng nếu kết quả trên sân bóng tỏ ra tích cực, bức tranh kinh tế của đội sẽ bớt ảm đạm hơn. Thế nhưng, chừng nào họ còn mang ra châu Âu cặp tiền đạo như Luuk de Jong với Memphis Depay, thay vì những cái tên có thể sánh với Ronaldinho, Samuel Eto’o, David Villa của ngày xưa, hay Messi, Neymar và Luis Suarez của sau này, thì vinh quang còn lâu mới ở trước mắt.
Cầu thủ đáng chú ý nhất trong đội hình Barcelona, Ansu Fati vừa lấy chiếc áo số 10 mà Messi để lại. Đó có thể là bước ngoặt để cầu thủ 18 tuổi bứt lên, nhưng nếu vậy, đây có thể sẽ là mùa cuối cùng người hâm mộ Barca thấy cầu thủ trẻ này chơi bóng. Nếu họ nhận ra người đại diện của Fati là Jorge Mendes, và hợp đồng của anh cũng sẽ hết hạn vào tháng 6 năm sau.
Một mùa hè rất dài vừa trôi qua với Barcelona. Nhưng như bệnh nhân mới được chẩn đoán ung thư, cơn đau mới chỉ bắt đầu và sẽ còn kéo dài...
Tú Nguyễn