Nếu đội bóng của bạn thi đấu bế tắc và không thể tạo ra cơ hội dứt điểm trước hàng phòng ngự đối phương, nguyên nhân có thể là do thiếu tiền đạo chất lượng. Nhưng nếu đội bóng của bạn dù đã tạo ra rất nhiều cơ hội mà vẫn không thể ghi bàn, đó còn là do khâu dứt điểm gặp vấn đề.
Bóng đá đỉnh cao của thời đại nào đi chăng nữa, vai trò của các tiền đạo luôn là rất quan trọng. Bởi lẽ muốn chiến thắng, bạn phải ghi bàn. Và cầu thủ ghi bàn nhiều nhất thường chính là các tiền đạo. Nhưng đôi khi có những CLB được xây dựng để chiến thắng mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào các tiền đạo. Để có thể đưa ra một phương án chiến thuật đi ngược lại với số đông mà vẫn thành công, đòi hỏi người dẫn dắt phải là một huấn luyện viên có bộ óc thiên tài. Về vấn đề kể trên, Pep Guardiola là số hai, không ai dám nhận là số một.
Đó hoàn toàn không phải là lời khen quá lời. Hẳn rất nhiều người hãy còn nhớ đến việc Pep Guardiola sẵn sàng tống Zlatan Ibrahimovic – trung phong đẳng cấp bậc nhất Châu Âu giai đoạn 2007-2010 lên băng ghế dự bị, để nhường chỗ cho một người chỉ cao 1.69 m như Lionel Messi lên đá cao nhất trên hàng công dưới vai trò của một “số 9 ảo”.
Pep Guardiola từng rất thành công với những “số 9 ảo” như Lionel Messi. |
Đó từng là quyết định gây tranh cãi cực độ vào thời điểm ấy, chỉ chưa đầy nửa năm sau khi lời đề nghị 42 triệu euro + Samuel Eto'o biến Ibrahimovic trở thành cầu thủ đắt giá thứ hai trong lịch sử bóng đá. Tuy nhiên đây lại là quyết định mở ra một thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử của Barcelona.
Ngoại trừ quãng thời gian dẫn dắt Bayern Munich, ở bất cứ đâu Pep Guardiola đặt chân đến, ông đều muốn sử dụng mẫu cầu thủ có thể đá “số 9 ảo”. Tuy vậy không phải lúc nào chiến thuật ấy cũng nhận được sự tán đồng đến từ giới chuyên môn và người hâm mộ, ngay cả khi ông giúp Manchester City trở thành thế lực thống trị tại nước Anh, đánh bật hết thảy các đội bóng truyền thống trước đó trong cuộc chiến vương quyền, bao gồm: Manchester United, Chelsea và phần nào là cả Liverpool.
Rõ ràng, chiến lược gia người Tây Ban Nha vẫn còn đó những vết gợn trong quãng thời gian đầy ắp vinh quang tại nước Anh, khi giấc mơ chinh phục Champions League cùng người hâm mộ The Citizen vẫn chưa thành hiện thực. Pep Guardiola chỉ mất 2 năm để biến Man City trở thành nhà vô địch Premier League với điểm số cao nhất lịch sử giải đấu (100 điểm). Tuy nhiên dù trải qua 5 năm nhưng đội bóng của ông chỉ có được thành tích tốt nhất tại đấu trường Châu Âu là lọt vào vòng tứ kết Champions League.
Đến đây, người ta bắt đầu đặt ra câu hỏi về bản lĩnh Man City tại đấu trường Champions League và phần nào đó là việc Pep Guardiola chỉ thực sự xuất sắc trong các cuộc đua đường dài.
Nhưng bỏ lại tất cả đằng sau, mùa giải trước Man City lần đầu tiên đi đến trận chung kết Champions League trong lịch sử đội bóng, sau khi giành tới 11/12 chiến thắng nếu tính từ vòng bảng, ghi trung bình 2 bàn/trận. Xét về mọi mặt, Man City của Pep Guardiola thời điểm ấy đều xuất sắc hơn Chelsea, ngay cả khi thầy trò Thomas Tuchel cũng trải qua một cuộc hành trình xuất sắc để đến với trận chung kết được tổ chức tại Porto, Bồ Đào Nha.
Tuy nhiên, buổi chiều trên SVĐ Dragao hôm đó, Pep Guardiola đã mắc sai lầm nghiêm trọng, khiến Man City phải trả cái giá quá đắt trước Chelsea. Vị thuyền trưởng 51 tuổi cất cả Sergio Aguero lẫn Gabriel Jesus lên băng ghế dự bị. Đồng thời sử dụng tới 5 tiền vệ có xu hướng tấn công trong đội hình, chỉ để Ilkay Gundogan đá thấp nhất trên hàng tiền vệ, dù cầu thủ người Đức vừa mới trở lại sau chấn thương, thay vì Rodri – cầu thủ đã “đóng đinh” cả mùa giải ở vị trí đó.
Ý tưởng được đưa ra là Pep Guardiola muốn các học trò tiếp cận trận đấu theo cách họ vẫn thường làm là cầm bóng và dồn ép đối thủ nhờ sự vượt trội của hàng tiền vệ sở hữu kỹ thuật cá nhân tốt. Và rồi Man City để thủng lưới ở cuối hiệp 1 sau pha phản công chớp nhoáng. Các cầu thủ Chelsea chỉ mất 3 đường chuyền để đưa bóng đến chân Kai Havertz, trước khi cầu thủ người Đức dứt điểm đánh bại Ederson, ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu.
Điều đáng nói ở đây là Man City chỉ có thể tung ra 4 pha dứt điểm trong hiệp 2 và chẳng có pha dứt điểm nào đi trúng đích, dù đã tung ra sân tất cả những nhân tố tốt nhất trong đội hình. Đó là lần đầu tiên trong mùa giải Pep Guardiola bất lực đến vậy trong việc xuyên phá hàng phòng ngự đối phương.
Kể từ khi rời Barcelona, Pep Guardiola không thể chạm tay vào danh hiệu Champions League. |
Nếu đội bóng của bạn thi đấu bế tắc trước hàng phòng ngự đối phương, nguyên nhân có thể là do thiếu tiền đạo chất lượng. Man City trong ngày hôm ấy chỉ tung ra 8 pha dứt điểm, 1 đi trúng đích, thông số còn kém hơn cả đội bóng chơi phòng ngự phản công là Chelsea. Có thể trong giây phút tiếng còi kết thúc trận đấu từ trọng tài Antonio Mateu vang lên, Pep Guardiola đã hối hận khi mình không đưa về một chân sút đủ tốt để làm nên điều thần kỳ.
Pep Guardiola đã cố gắng sửa sai bằng việc theo đuổi Harry Kane về trong mùa hè 2021. Nhưng rồi thương vụ đổ bể do BLĐ Tottenham nhất quyết không chịu nhả người. Nhưng thay vì chuyển hướng sang một tiền đạo khác, ông lại đưa về Jack Grealish với cái giá 100 triệu bảng Anh.
Thực tế đã có những thời điểm, hàng công của Man City vận hành tốt với sự xuất hiện của Jack Grealish trong vai trò mới mẻ là Mezzala. Bộ tứ nguyên tử Joao Cancelo - Jack Grealish - Kevin De Bruyne – Bernardo Silva chính là nhóm chiếm tỉ trọng cao nhất trong chuỗi chuyền bóng của Man City. Cách chơi khoét sâu vào hành lang trong của những Mezzala đã khiến lối bố trí thiên về phòng thủ khu vực lùi sâu của nhiều đội bóng không thực sự tạo ra được giải pháp triệt để.
Điểm hay với một hàng tiền vệ cơ động là bất kỳ nhân tố nào cũng đều nguy hiểm khi chơi bám cánh lẫn bó vào trung lộ, tạo điều kiện cho việc hoán chuyển vị trí giữa họ đôi lúc không phải là 1-1 nữa mà là tới 3-3, có rất nhiều biến thể được tạo ra từ đó để hút người, lộ ra khoảng trống ở hành lang trong rồi khai thác.
Nhưng rõ ràng chẳng có chiến thuật nào là hoàn hảo cả. Đội bóng của Pep Guardiola rất sợ khi đối đầu trước những đối thủ chơi phòng ngự phản công. Trận thua trước Chelsea tại chung kết Champions League 2021, hay như Tottenham cũng là khắc tinh của Man City.
Man City thường gặp khó khăn trước những đối thủ có lối chơi phòng ngự phản công như Chelsea. |
Và như đã nói ở trên, chính việc lạm dụng một đội hình không có tiền đạo thường gây ra những sự mất cân bằng trong đội hình. Trong trận lượt đi vòng 1/16 trước Sporting Lisbon, đại diện nước Anh chỉ mất 45 phút để nã vào lưới đối thủ 4 lần, lập kỷ lục khi trở thành đội bóng đầu tiên có lợi thế dẫn 4 bàn trên sân khách chỉ trong hiệp 1. Nhưng cũng chính họ chỉ ba tuần sau đó, với lợi thế sân nhà, để đối thủ cầm hòa trong trận cầu không bàn thắng, dù sở hữu thế trận vượt trội với tỉ lệ kiểm soát bóng lên đến 69% và tung ra 14 pha dứt điểm. Mới nhất, Man City tiếp tục bị Crytal Palace cầm chân cũng với tỉ số 0-0 dù vẫn thống trị ở hai thông số: kiểm soát bóng (74%) và dứt điểm (20). Hai trận đấu chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, tổng cộng 34 lần “bắn phá” cầu môn đối phương nhưng chỉ 9 trong số đó đi trúng đích, chỉ đạt 26,4%. Nếu đội bóng của bạn dù đã tạo ra rất nhiều cơ hội mà vẫn không thể ghi bàn, đó còn là do khâu dứt điểm gặp vấn đề.
Hàng công của Manchester City đang gặp vấn đề với khâu dứt điểm. |
Mùa hè tới, chắc chắn BLĐ Man City sẽ đưa về Etihad một người như vậy. Rất có thể đó sẽ là Erling Haaland theo như các nguồn tin uy tín từ truyền thông Anh tiết lộ. Nhưng bản thân Haaland có thể chờ Man City khi mùa giải này khép lại, nhưng điều ngược lại thì không. Man City của Pep Guardiola sẽ phải chiến đấu phần còn lại của mùa giải với nỗi lo canh cánh về vị trí trung phong, giữa bối cảnh khoảng cách của họ với Liverpool tại Premier League chỉ còn là 4 điểm và lại đang đá nhiều hơn 1 trận. Còn tại Champions League, mọi thứ thậm chí sẽ còn phức tạp và khó đoán hơn rất nhiều. Chẳng nói đâu xa, dù có lợi thế sân nhà nhưng cả Manchester United lẫn Ajax mới đây đều nhận thất bại cay đắng.