Glory Glory Man United - Những nốt nhạc vàng tại Nhà hát

Tác giả Phương GP - Thứ Hai 23/05/2016 17:47(GMT+7)

“Glory Glory Man United là bốn chữ vàng của những người yêu mến Manchester United”, nhà báo Harsh Gupta đã viết như thế trong một bài báo của mình. Chúng được sử dụng ở những câu biểu ngữ từ cổ động viên Quỷ đỏ, được những người hâm mộ ca vang từ những khán đài trong trận đấu có Man United. Được in trên khắp băng-rôn, poster, cờ quạt cổ động. Và chắc chắn những ngày nay, sẽ tiếp tục được sử dụng trên khắp nẻo đường thành phố. Khi chiếc cúp FA lần thứ 12 đi ngang qua, những người hai bên đường lại tiếp tục hô vang, Glory Glory Man United!
Glory Glory Man United Bài hát đi cùng lịch sử của Quỷ đỏ
VINH QUANG TỪ ĐỊA NGỤC
Khi chắp bút cho những dòng chữ này, người viết từng nghĩ rằng chỉ cần viết một bài giới thiệu đơn giản với những vinh quang của câu lạc bộ thuộc thành phố công nghiệp lớn nhất nước Anh. Thế nhưng, khi càng lúc càng đào sâu tìm hiểu những câu chuyện xung quanh bài hát, có một niềm thôi thúc phải kể đến các bạn những câu chuyện xung quanh nó, những câu chuyện lịch sử.
Các bạn biết không? Bài hát này nó kể về…vinh quang thật. Nhưng đó là nét vinh quang từ những bức tranh gồm máu và nước mắt. Niềm vinh quang đến từ những miền đất địa ngục.Vào những năm đầu thế kỷ 18, hàng ngàn nô lệ ở Mỹ đứng lên bạo động, bãi nô. Với lời kêu gọi của John Brown, những người thuộc từng lớp thấp nhất trong xã hội quyết tìm tiếng nói riêng của mình. Khi đó, những lời ca kêu gọi tự do từ những người nô lệ nổi lên khắp nẻo đường miền Missouri:
"We'll shout and give him glory
We'll shout and give him glory
We'll shout and give him glory
For glory is his own"
(Chúng ta sẽ hét lớn và đem về vinh quang
Chúng ta sẽ hét lớn và đem về vinh quang
Chúng ta sẽ hét lớn và đem về vinh quang
Cho vinh quang của riêng mình)
Các CĐV United hát vang Glory Glory Man United trên các khán đài Old Trafford
Những lời kêu gọi với giai điệu của những làn điệu folk của người dân Mỹ được đặt với cái tên thân thương John Brown’s Body. Những lời ca đầy hào hùng đã giúp những con người dưới đáy xã hội tìm được ánh sáng vinh quang từ những vùng đồn điền địa ngục, chống lại những ngọn roi từ những gã chủ nô độc ác. Và lời ca mang theo niềm hy vọng đến tai những người cầm quyền nước Mỹ.
Năm 1862, sau khi Julia Ward Howe sửa lại lời, bài ca trở thành khúc quân hành của quân Liên bang miền Bắc với cái tên “The Battle Hymn of the Republic”. Bài ca đến mọi ngóc ngách của chiến trường khi quân đội của Abraham Lincoln chiến đấu với quân Liên Minh phía Nam của đại tướng Lee dũng mãnh.
"Glory, glory, hallelujah!
Glory, glory, hallelujah!
Glory, glory, hallelujah!
His truth is marching on"
Bài ca chiến thắng, hallelujah, đã đem vinh quang cho những người lính phía Bắc. Các chiến trường địa ngục đầy máu trải dài từ Nam California cho đến Virginia, kéo đến tận sông Missisipi đã được soi sáng bằng những vinh quang từ chiến dịch Maryland hay Overland. Để từ đó một nước Mỹ mới được hình thành, một đất nước không nô lệ.
Gần một thế kỷ sau, những người lính Mỹ đã đem giai điệu này bay trên những vùng trời châu Âu.
"Gory, gory, what a hell of a way to die,
Gory, gory, what a hell of a way to die,
Gory, gory, what a hell of a way to die,
He ain't gonna jump no more!"
(Ôi những cuộc chiến, ôi cái chết tàn khốc,
Ôi những cuộc chiến, ôi cái chết tàn khốc,
Ôi những cuộc chiến, ôi cái chết tàn khốc,
Anh ta sẽ không nhảy lần nào nữa đâu)
Trong những tháng ngày ác liệt nhất của chiến tranh thế giới thứ hai, “Blood on the Risers” trở thành thánh ca của tất cả quân đoàn không quân Mỹ. Những người lính nhảy dù ca vang bài hát “chế” từ giai điệu bất hủ bằng cách thay thế từ "vinh quang" (glory) bằng "cuộc chiến đẫm máu" (gory). Đó như là một cách để lấy tinh thần, để họ “cười” lần cuối trước khi nhảy vào “địa ngục” Normandie của miền tây bắc nước Pháp.
Hơn 10 năm sau, cũng từ một chiếc máy bay trên bầu trời Munich, một sự kiện đẫm máu cũng đã xảy ra. 23 “đứa trẻ nhà Busby” đã không còn cơ hội để gặp lại người cha kính yêu của mình. Để 28 năm sau, Frank Renshaw đã đề tên họ vào những lời ca đầu tiên trong niềm vinh quang của Quỷ đỏ.
BÀI CA CỦA…QUỶ
“Glory glory Man United,
Glory glory Man United,
Glory glory Man United,
As the reds go marching on on on!”
(Vinh quang cho Man United,
Vinh quang cho Man United,
Vinh quang cho Man United,
Và đoàn quân Đỏ cứ thế trùng trùng bước!)
Trận chung kết cup FA mùa giải 1982-1983, những người hâm mộ màu áo đỏ đã ca vang sân vận động Wembley bài hát Glory Glory Man Unnited, và đó cũng là lần đầu tiên bài hát của Frank Renshaw được sử dụng. Những đôi chân của đoàn Quỷ đã chạy phăng phăng trên nền cỏ xanh, và với cú đúp của con Quỷ đầu đàn Bryan Robson vào lưới Brighton & Hove Albion, Man United đã đem về phòng truyền thống chiếc cup FA thứ năm trong lịch sử. Từ đó, bài hát trở thành bài ca truyền thống của cổ động viên Man United.
Lịch sử của Man United gắn liền với các huyền thoại
Giai điệu đầy tính cổ động, lời bài hát đầy tính tự hào đã dần đi vào tiềm thức những người yêu màu áo đỏ. Họ ca vang với niềm tự hào và say mê cho những vinh quang của mình. Glory Glory Man United trở thành thánh ca của Red Devils. Linh hồn bài hát giúp hòa quyện hơn 75.000 linh hồn trong Nhà hát của những giấc mơ trở thành là một.
Những thế hệ Quỷ đỏ trẻ sẽ luôn được những lời ca của Renshaw giúp nhớ lại quá khứ hào hùng của mình. Họ sẽ nhớ đến những người đã mất trên chuyến bay định mệnh đến Munich. Họ sẽ biết đến huấn luyện viên huyền thoại, Sir Matt Busby, với những chiến tích vào những năm 40-50. Nhớ đến những vị HLV đáng kính đã mang đến nền móng Quỷ đỏ hôm nay là Tommy Docherty và Ron Atkinson. Và những thế hệ nhạc sĩ đàn em của Renshaw như Will Robinson hay Daniel Ryan cũng nhanh chóng cập nhật những thông tin mới cho thế hệ Quỷ trẻ hơn. Để họ biết đến những huyền thoại mãi mãi mang dòng máu Quỷ như Ryan Giggs hay Gary Neville. Và biết đến một thời người đội trưởng Rooney từng cùng Ronaldo đặt những đội bóng ở giải Ngoại hạng dưới dấu giày của mình.
Cứ như thế bài hát truyền thống sẽ được truyền từ đời này qua đời khác, nhắc nhở cho từng thế hệ với những truyền thống vinh quang mà người đi trước đã đạt được, và những giá trị để người đi sau phải kế thừa. Để từ đó, tiếng kèn trumpet và tiếng guitar, organ sẽ luôn vang lên trên Old Trafford cùng người hâm mộ Man United ca vang cổ vũ đội quân của mình dưới sân đấu.
KHÚC CA TẠI WEMBLEY
Phút thứ 110 trận chung kết FA Cup 2015/2016, Jesse Lingard tung cú volley vẽ nên một đường bóng thần kỳ. Cả sân vận động Wembley như bùng nổ, còn Man United như từ cõi chết sống lại. Họ tưởng như đã chết đi từ vết đâm của Puncheon vào phút 78, nhưng nhờ bản lĩnh của mình đã sống lại vào những phút cuối cùng. Và sau 3 năm tưởng như sẽ mãi sống dưới địa ngục sau khi Sir Alex về hưu, họ đã tìm được ánh sáng từ niềm vinh quang.
Những giai điệu quen thuộc lại vang lên khi Quỷ đỏ giành cúp FA
Dù ánh sáng lần này có yếu đi ít nhiều, thì nó cũng tạo nên một tiền đề cho tương lai. Hãy nhìn cách ăn mừng của Van Gaal, và người “cha” Ferguson trên khán đài, chúng ta mới thấy hết ý nghĩa của chiến thắng hôm nay. Cuối cùng thì đoàn quân Quỷ đỏ cũng đã biết đội bùn đứng dậy, biết chiến thắng sau khi xuống tận cùng của sự thất vọng.
Chiến thắng đầu tiên trong triều đại Sir Alex là chiến thắng ở cup FA, Renshaw viết lời cũng dành để ca ngợi cho những chiến thắng từ chiếc cúp lâu đời nhất giới bóng đá này. Liệu đây có phải là sự trùng hợp của lịch sử để Man United trở lại hay không? Đó vẫn là câu hỏi mà chỉ có thời gian mới trả lời được.Nhưng chí ít trong ngày hôm nay, Lingard, một “con Quỷ” hoàn toàn thuộc thời đại hậu Sir Alex đã tỏa sáng. Và nó giúp người hâm mộ tin rằng, dù sao đi nữa thì đoàn quân áo đỏ vẫn sẽ mãi tiến lên như lời ca hào hùng của mình.
As the Reds go marching on, on, on!...


Theo TTVN

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.