Những vấn đề ở hàng tiền vệ chính là nguyên nhân gốc rễ cho những thất bại vừa qua của đoàn quân HLV Frank Lampard. Với những người từng dõi theo những thăm trầm trong sự nghiệp cầu thủ của ông, những gì HLV Chelsea đang đối mặt cũng khá tương đồng.
Những vấn đề ở hàng tiền vệ chính là nguyên nhân gốc rễ cho những thất bại vừa qua của đoàn quân HLV Frank Lampard. Với những người từng dõi theo những thăm trầm trong sự nghiệp cầu thủ của ông, những gì HLV Chelsea đang đối mặt cũng khá tương đồng.
Nhiều thế kỷ trước, khi thế giới còn hoang sơ và bóng đá chỉ tồn tại trong đống đổ nát của các sân vận động bị vùi chôn một nửa dưới những bãi cát, vẫn có một cơn gió thổi thoảng qua thung lũng đầy bụi bặm. Và nó mang theo một câu hỏi: “Nếu họ là những người chơi xuất sắc thì tại sao lại không thể chơi cùng với nhau?”
Một vài người còn sống sót sẽ chui vào các hang động, cố gắng sinh tồn với số lượng ít ỏi hoa màu còn lại. Họ chia thành 2 bộ lạc là “Gerrardites” và “Lampardians”, hoàn toàn không bận tâm đến những bộ lạc thiểu số như “Barryists” hay “Hargreavesians”. Bọn họ thờ ơ, không bận tâm đến yêu cầu của vị lãnh chúa bị lật đổ có tên Capello rằng mọi thứ chỉ có thể vận hành trơn tru nếu bộ lạc Gerrardites chiếm vùng đất bên trái.
Đôi khi có cảm giác rằng những tranh luận về Lampard-Gerrard sẽ là câu chuyện muôn thuở, sẽ mãi là câu hỏi định nghĩa nên nền văn minh đang suy tàn của chúng ta. Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên tại Euro 2004, thật bất ngờ là câu hỏi này vẫn tồn tại sau 15 năm. Tuy nhiên, điều đáng nói là chính câu hỏi ấy có thể sẽ định hình sự nghiệp huấn luyện của Frank Lampard.
|
Frank Lampard: Tiếng vọng từ quá khứ phản ánh những nhược điểm hiện tại |
“Để là một HLV, bạn phải quên đi mình từng là cầu thủ như thế nào”, đây là câu nói của cố HLV vĩ đại Valeriy Lobanovsky của Dynamo Kiev. Lobanovskyi - một nhà cầm quân kỷ luật và coi trọng những số liệu thống kê thời bấy giờ sẽ không có thời gian để vương vấn một Lobanovskyi từng là cầu thủ chạy cánh xuất sắc. Sẽ thật khó để cân bằng giữa hai điều này tuy nhiên những dấu hiệu ban đầu từ cách huấn luyện của Lampard đã chỉ ra rất nhiều điểm tương đồng - cả tích cực lẫn tiêu cực - với ông khi còn là cầu thủ.
Ở chuyến hành quân đến Old Trafford ở trận mở màn Premier League và sau đó là Siêu cúp châu Âu, những vấn đề nổi bật từ 2 trận đấu này của Chelsea nằm ở trung tuyến. Trước Manchester United là một đội dường như hoàn toàn phù hợp với sự nghiệp thi đấu của ông còn với Liverpool là phiên bản cải thiện đôi chút từ những vấn đề mà Maurizio Sarri đối diện mùa trước.
Trong cả 2 trận này, khi có bóng, Chelsea thực sự rất hay. Những pha phối hợp chuyền bóng tốc độ và ngẫu hứng của The Blues cho ta cảm giác họ có thể thổi bay bất cứ đối thủ nào yếu hơn. Thậm chí nếu họ không đen đủi trong những tình huống bóng chạm khung gỗ thì chưa biết chừng đã có những chiến thắng ấn tượng trước những đội bóng hàng đầu. Vấn đề ở đây là khi đoàn quân của HLV Lampard không có bóng, điều này đặc biệt được nhận thấy trong chuyến làm khách đến Old Trafford.
Dù “Quỷ đỏ” là những người giành 3 điểm chung cuộc với tỷ số cách biệt nhưng cho đến trước bàn thắng thứ 2, chúng ta vẫn có thể nhận thấy Chelsea mới là đội xứng đáng có chiến thắng hơn. Chelsea tung ra 18 cú dứt điểm (trúng đích 7) so với Manchester United là 11 (trúng đích 5).
Tuy nhiên, điều đáng nói là chỉ số “bàn thắng kỳ vọng” (xG) của Man United lớn hơn (2,37 so với 1,37) và đúng là đoàn quân của HLV Ole Gunnar Solskjaer đã thắng. Sau những cú dứt điểm chạm xà ngang, cột dọc của Emerson Palmieri và Tammy Abraham, sau những ưu thế kiểm soát bóng vượt trội, họ chỉ có thể tự trách mình vì sự thiếu chắc chắn khi Manchester United đã tận dụng rất tốt những pha phản công. Kurt Zouma vẫn là anh chàng vụng về như những gì anh từng thể hiện ở Everton mùa trước.
Có lẽ không công bằng khi thực hiện phép so sánh này nhưng bởi thực tế là sự nghiệp thi đấu của Frank Lampard vẫn còn quá nguyên vẹn trong ký ức chúng ta. Hãy quay trở lại với trận đấu vòng loại World Cup diễn ra vào tháng 9/2004 tại Vienna, đội tuyển Anh đã dẫn trước 2-0 nhưng rồi những khoảng trống thênh thang mở ra đã giúp tuyển Áo gỡ liền 2 bàn. Thủ thành David James trở thành vật tế thần ngày hôm ấy nhưng ít nhất, cặp đôi Lampard-Gerrard cũng phải chịu trách nhiệm vì đã không thể đảm bảo sự vững chãi trước bộ tứ vệ.
Còn ở mùa 2018/2019, các số liệu từ Opta chỉ ra Derby County dưới sự dẫn dắt của Lampard có tỷ lệ bàn thua từ những pha phản công nhanh lớn nhất tại Championship (giải Hạng nhất Anh). Sẽ có người đặt câu hỏi: Nếu khi còn thi đấu, Lampard không thể tổ chức một hàng tiền vệ đủ tốt thì sao ông có thể tổ chức nên một hàng tiền vệ khi giờ đây đã đứng chỉ đạo ở khu kỹ thuật?
Tuy nhiên, bóng đá không đơn giản như thế và Lampard cho đến nay đã cho thấy ông là một người tiếp thu khá nhanh những gì đã học được trong nghiệp huấn luyện. Minh chứng đáng chú ý nhất có lẽ là cái cách ông điều chỉnh chiến thuật trong lần thứ 4 đối đầu Leeds United (cũng là trận bán kết play-off Championship) sau 3 thất bại liên tiếp trước đó ở mùa giải 2018/2019. Chắc chắn nhiều người rất lo lắng Chelsea sẽ bị Liverpool - đội bóng phản công tốc độ cao hàng đầu thế giới hiện nay - “làm gỏi”, nhưng họ thì không.
Tất nhiên, sự trở lại của N’Golo Kanté đóng vai trò quan trọng, nguồn năng lượng và khả năng đọc trận đấu của anh đã củng cố sự chắc chắn cho hàng tiền vệ. Nhưng kể cả khi có sự hiện diện của tiền vệ người Pháp thì người hâm mộ vẫn có lý do để lo lắng, chủ yếu vì Lampard cũng gặp phải vấn đề mà Sarri đã không thể giải quyết được là xếp Jorginho và Kanté chơi cùng phía. Họ là những mẫu cầu thủ khác với chính Lampard và Gerrrard nhưng vấn đề cơ bản thì rất tương đồng: 2 cầu thủ này đều muốn hoạt động trên cùng khoảng không gian trên sân.
Nhiều người nghĩ rằng Lampard sẽ từ bỏ sơ đồ 4-3-3 của Sarri ở mùa giải trước để chuyển sang một hệ thống cho phép Kanté thi đấu bên cạnh Jorginho, ở phía trên là một cầu thủ sáng tạo có thể đe dọa khung thành đối phương từ hàng tiền vệ - điều mà Chelsea luôn thiếu kể từ khi Cesc Fàbregas ra đi.
Tuy nhiên, trong trận đấu với Liverpool tại Istanbul vừa qua, chiến lược gia 41 tuổi lại mắc kẹt với đúng những gì Sarri gặp phải: xếp Jorginho đá ở giữa, Kanté bên phải và Mateo Kovacic bên trái. Dù phải thừa nhận Kanté có một ngày thi đấu xuất sắc nhưng những hạn chế trong khả năng phòng ngự của Jorginho là một vấn đề lớn. Sau khi Roberto Firmino vào sân, Jorginho đã không thể khắc chế được cầu thủ người Brazil thường xuyên lùi xuống khu vực của anh. Và trong bàn thắng thứ 2 của Sadio Mané, tiền vệ Italia đã bị hút vào bóng và để tiền đạo Liverpool hoàn toàn tự do ở trước vòng cấm địa.
Ở một khía cạnh nào đó, những khó khăn Lampard đang gặp phải là kết quả của quá trình làm lại, tuy nhiên sẽ không thể hy vọng có một thay đổi lớn lao nào sớm diễn ra trong thời gian tới. Lampard cần phải cho thấy ông có thể tìm ra sự cân bằng ở hàng phòng ngự cũng như tìm ra phương cách để không phải phụ thuộc hoàn toàn vào Kanté.
CG (TTVN)
Lược dịch từ bài viết “Shortcomings of Lampard the manager echo those of Lampard the player” của ký giả Jonathan Wilson trên The Guardian