Everton và thứ gánh nặng mang tên lịch sử

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 14/12/2019 11:04(GMT+7)

Không có gì khó hiểu khi đối với những đội bóng như Everton, đó là một niềm tự hào to lớn. Nhưng trong cái thế giới đang ngày càng thay đổi mạnh mẽ này, thì cái “lịch sử vĩ đại” đó còn mang một ý nghĩa khác: Không còn là điểm mạnh, mà đã trở thành một điểm yếu.

Tin tức được lan truyền mạnh mẽ trong đêm, khi ấy, Everton đang thi đấu – và đã giành chiến thắng – tại Villa Park. Sau nhiều năm trời chờ đợi, rốt cuộc câu lạc bộ này cũng đã tìm thấy cho mình một ông chủ tỷ phú, một Mạnh Thường Quân với khối tản sản đủ để vực dậy “đội bóng thành công thứ tư nền bóng đá Anh” tìm lại chỗ đứng trong hàng ngũ của những tên tuổi hàng đầu của xứ sở sương mù. 

 
Trong số các cổ động viên đồng hành cùng câu lạc bộ đến sân khách, có những người gần như phát cuồng lên với tin tức này. Đó chính là những gì mà họ đã vô cùng khát khao trong suốt nhiều năm trời. Farhad Moshiri, một nhà tài phiệt Anglo-Irania, đã mua lại quyền kiểm soát Everton từ tay nhà sản xuất phim-sân khấu Bill Kenwright. Những ca khúc về sự giàu có của ông chủ mới đã được hát vang ở một góc sân vận động Villa Park, nơi tập trung các cổ động viên đội khách.
 
Sự phấn khích đó cũng mau chóng lan rộng bên trong câu lạc bộ. Tại một trong những cuộc gặp gỡ đầu tiên với huấn luyện viên trưởng của Everton – vào thời điểm đó đang là Roberto Martinez – Moshiri đã xác định về một số bảng hợp đồng tiềm năng mà mình muốn thực hiện trong kì chuyển nhượng mùa hè đầu tiên của ông tại đội bóng này.
 
Đó không phải là một danh sách mà các nhà cầm quân của Everton vẫn thường được nghe thấy: Những gã trai non trẻ, những ông già sắp đến tuổi về hưu, những kẻ bị bỏ rơi và những cái tên bị xem là người thừa ở các đội bóng hàng đầu châu Âu. Mà thay vào đó, đó là những mục tiêu thể hiện rõ cho tham vọng trỗi dậy của họ dưới thời ông chủ mới. Mesut Özil, một trong những cầu thủ được hưởng lương cao nhất nước Anh, chính là cái tên đứng đầu trong danh sách mục tiêu đó. Một chân trời mới, một tương lai đầy sáng sủa đã hiện lên rất rõ ở phía trước. Tất cả mọi thứ - như Moshiri đã hứa – sẽ thật sự trở nên khác biệt. 
 
Giờ thì chắc hẳn các bạn đều đã biết rõ tình hình ở hiện tại: Martinez bị sa thải; Người kế nhiệm của ông, Ronald Koeman, cũng bị sa thải; Sam Allardyce đến và phải ra đi chỉ trong vòng vài tháng, không được yêu mến và cũng không để lại sự tiếc nuối nào; và đến lượt Marco Silva, vào tối thứ Năm tuần trước, cũng phải chịu chung số phận với những người tiền nhiệm, sau thất bại nhục nhã trước Liverpool trong trận Derby vùng Merseyside; cùng với đó là hơn 500 triệu Dollar “đốt” trên thị trường chuyển nhượng một cách vô ích.
 
Các nguyên nhân để giải thích cho cái tình hình hiện tại là rất rõ ràng: Moshiri đang thiếu đi một tầm nhìn nhất quán về những gì mà ông muốn Everton trở thành; những thất bại của không chỉ một, mà là đến hai vị giám đốc thể thao được kì vọng sẽ chi tiêu những đồng tiền của ông một cách khôn ngoan; Và sự yếu kém của những người ngồi trên băng ghế huấn luyện. Có thể nói, Everton là một dạng câu lạc bộ vốn đã xuất hiện rất nhiều và  vô cùng quen thuộc tại nền bóng đá ở Premier League, những đội bóng không thể lập ra một kế hoạch dài hạn, tin rằng tiền có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề mà chính họ tạo ra cho mình. 
 
 
Nhưng đó cũng chỉ là một phần nguyên nhân, và phần nguyên nhân còn lại, cũng chính là một xu hướng đã lan rộng khắp lục địa, hoặc thậm chí là có thể xa hơn thế nữa. Có rất nhiều những đội bóng giống như Everton tại hầu hết các giải đấu lớn ở châu Âu: Leeds United, Aston Villa, West Ham và Newcastle United, Kaiserslautern và Hamburg, Real Zaragoza và Deportivo La Coruña. Olympique Marseille cũng đã phải nếm trải nó và dường như đang dần hồi phục trở lại; một loạt các đội bóng Ý, từ Sampdoria đến Lazio, cũng có thể được xem là nằm trong trường hợp này. 
 
Tất cả những cái tên ở trên, dù cho có rất nhiều sự khác biệt, nhưng đồng thời, cũng mang một điểm chung khá rõ ràng: Đó đều là những đội bóng có thể tự tin vỗ ngực khẳng định rằng họ có một lịch sử phong phú, đáng tự hào, đối với một vài trường hợp, thậm chí còn có thể mạnh miệng tự tuyên bố mình là một “siêu cường.” Thế nhưng, vì những giai đoạn tồi tệ hoặc những sự lựa chọn tồi tệ, họ đã bị tụt lùi quá xa ở phía sau trong cái thời đại mà thế giới bóng đá đang bị thống trị bởi những “superclub”.
 
Cùng với cái thời điểm mà những kẻ đã từng đứng ngang hàng với họ bỏ xa họ ở phía sau, thì ngay cả cái thế giới ở “phía sau” của họ cũng đã có những sự thay đổi rất lớn. Việc họ có một sân vận động lớn, một fanbase khổng lồ và một tủ cúp hoành tráng không còn đảm bảo cho họ cái quyền tự xem mình là một câu lạc bộ lớn nữa. Hiện tại, mọi đội bóng đều có thể kiếm được cả núi tiền nhờ vào bản quyền truyền hình. Ở Anh và Đức, điều đó có nghĩa là sân chơi đã trở nên đồng đều hơn. Còn ở những nơi khác, sự thay đổi về thời thế đã diễn ra theo hướng hoàn toàn chống lại họ. 
 
Những câu lạc bộ nhỏ hơn, những đội bóng mà họ từng xem nhẹ đã bắt đầu trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Bournemouth, RB Leipzig, Sassuolo, Eibar không cần phải lo nghĩ và mang cái gánh nặng về việc duy trì, ôm ấp một cái quá khứ hào nhoáng, vĩ đại; Họ có thể thoải mái vạch ra và thử nghiệm một con đường mới, để chấp nhận những rủi ro, để làm những điều khác biệt và để viết nên một trang sử mới. Nếu thất bại, không vấn đề gì cả, chỉ việc làm lại từ đầu mà thôi. Đột nhiên, họ có được cả núi tiền trong tay để làm những điều đó một cách dễ dàng hơn. Đầu tiên, họ được nâng tầm đẳng cấp. Và sau đó, khi “những gã khủng lồ sa ngã” đang giậm chân tại chỗ, họ bùng nổ và có những bước đột phá để san bằng vị thế, hay thậm chí là vượt mặt những gã đó. 
 
Những gì đang xảy ra với Everton là một trường hợp điển hình trong câu chuyện về “đẳng cấp” của các câu lạc bộ. Sức nặng của lịch sử khiến cho nhiệm vụ đổi mới càng trở nên khó khăn và nhiều áp lực hơn. Những đòi hỏi từ các fan hâm mộ về sự thành công – không phải chỉ là chơi một thứ bóng đá tử tế và đứng ở vị trí thứ 12, mà là phải giữ vững cái hình ảnh của mình trong quá khứ, khi họ vẫn còn có thể cạnh tranh một cách mạnh mẽ các danh hiệu – đã tạo ra một môi trường đầy căng thẳng, áp lực. “Mức độ thất bại được cho phép” bị đẩy xuống cực thấp, trong khi mức độ kì vọng lại tăng ngày càng cao hơn. Chính vì vậy, những thay đổi đã được tiến hành một cách gấp gáp, mà không trải qua sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Và thế là những sai lầm đã liên tiếp xuất hiện. 
 
 
Trong một thời gian, điều đó sẽ không thành vấn đề. Họ có thể quanh quẩn ở giữa bảng xếp hạng, nhưng vẫn được bao bọc bởi cái quá khứ hào hùng của mình, vẫn duy trì được một sự cách biệt về mặt đẳng cấp so với những kẻ ở “phía sau”. Thế nhưng, sẽ có những thời điểm mà chỉ một sai lầm thôi cũng có thể tạo nên những hậu quả nghiêm trọng. Số lượng các câu lạc bộ sẵn sàng vượt mặt họ sẽ đạt đến một mức độ đáng báo động. Sự sụp đổ sẽ được đẩy nhanh tiến độ hơn bao giờ hết. Hiện tại, Zaragoza đang chơi ở giải hạng hai Tây Ban Nha. Hamburg đã phải xuống hạng lần đầu tiên trong lịch sử ở cuối mùa giải trước. Còn Kaiserslautern đang phải chơi ở tận giải hạng ba.  
 
Liệu cái kết cục tương tự có xảy đến với Everton, một đội bóng chưa từng bị xuống hạng khỏi Premier League? Mọi chuyện không nhất thiết sẽ diễn ra theo hướng tồi tệ như vậy. Họ có lẽ sẽ tự kéo mình ra khỏi cuộc chiến trụ hạng trong những tháng tới. Có lẽ vị huấn luyện viên tiếp theo của họ sẽ có thể ngăn chặn được sự sụp đổ. Trong chiến thắng 3-1 trước Chelsea cuối tuần vừa qua, Duncan Ferguson ăn mừng sau bàn thắng thứ ba, chúng ta có thể nhận ra được chiến thắng này có ý nghĩa như thế nào đối với Everton. Mới vừa chia tay HLV Marco Silva hai ngày trước, 3 điểm thực sự là niềm động viên lớn đối với The Toffees

 
Thế nhưng, những bài học, đã được diễn ra trên khắp châu lục, là sẽ không một câu lạc bộ nào trong số đó được nằm trong vùng an toàn cả. Thế giới bóng đá sẽ không đảm bảo cho họ sự bất biến, dù cho lịch sử có vĩ đại đến đâu. Không có gì khó hiểu khi đối với những đội bóng như Everton, đó là một niềm tự hào to lớn. Nhưng trong cái thế giới đang ngày càng thay đổi mạnh mẽ này, thì cái “lịch sử vĩ đại” đó còn mang một ý nghĩa khác: Không còn là điểm mạnh, mà đã trở thành một điểm yếu. 
 
Lược dịch từ bài viết “Everton and the Burden of History” của tác giả Rory Smith, đăng tải trên The New York Times.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.