Duyên nợ bóng đá Anh - Italy: Mối hòa hảo từng nhuốm màu bạo lực và đau thương

Tác giả Trên đường Pitch - Chủ Nhật 11/07/2021 21:30(GMT+7)

Zalo

Lịch sử thăng trầm 88 năm hình thành và phát triển quan hệ bóng đá Anh - Italy có thể nói là một mối lương duyên hòa hảo theo từng ngày, nhưng cũng từng khởi nguồn và thử thách qua thời gian bằng những bạo lực và đau thương.

Duyên nợ bóng đá Anh - Italy: Mối hòa hảo từng nhuốm màu bạo lực và đau thương
Ảnh: Getty Images

Quay trở lại thập niên 70 và 80, nếu bạn thấy một tiệm bánh bất kỳ ở London, khả năng cao là nó được sở hữu bởi người Italy. Đối với dân Anh, ngoài văn hóa trà đạo truyền thống, không gì được ưa chuộng cho bữa sáng bằng một chiếc sandwich kẹp thịt và trứng kèm theo ly cà phê sủi bọt mang đậm hương vị Địa Trung Hải.
 
Bước vào quầy, thứ đập vào mắt quen thuộc thường là tấm ảnh chụp một đội bóng Italy được đóng khung treo tường ở vị trí đẹp nhất. Và nếu như bạn có thể đủ cởi mở gợi chuyện, tay chủ quán có lẽ sẽ thao thao bất tuyệt cả ngày về bóng đá.
 
Khá thú vị, đa phần bọn họ không phải người hâm mộ của những đội bóng lớn, thay vào đó chủ yếu là những cái tên ít nổi tiếng hơn, như Genoa, Bari, Cagliari, Lecce, Udinese, Bologna… Chẳng quan trọng, người Italy đơn giản phát cuồng vì bóng đá.
 
Người Anh vẫn luôn coi Đức, Argentina hay Scotland là những kỳ phùng địch thủ truyền kiếp, nhưng Italy cũng có chỗ đứng riêng của mình trong lịch sử phát triển của bóng đá xứ sở sương mù. Với mỗi khi hai đội tuyển có dịp đụng độ ở World Cup hay Euro, duyên nợ chồng chất từ quá khứ xưa cũ lại được khơi dậy mãnh liệt.
 
Không có những cái ôm hôn thắm thiết, thâm thù bóng đá Anh – Italy trải dài trên các cấp độ đội tuyển, nhuốm màu căng thẳng, tai tiếng và lẫn cả bạo lực.
 
Dấu ấn tiêu biểu nhất đến vào tháng 11/1934, khi Italy có lần đầu tiên làm khách ở Anh, trận đấu quốc tế đầu tiên của họ kể từ sau khi đăng quang World Cup. Tiếp đón các nhà đương kim vô địch thế giới thời điểm bấy giờ vốn chỉ là một tuyển Anh tương đối thiếu kinh nghiệm, với nòng cốt đội hình bao gồm bảy cầu thủ Arsenal lên ngôi vô địch quốc gia mới mùa giải trước đó.
 
Trận đấu sau này được biết đến với tên gọi “Huyết chiến ở Highbury” bởi những pha chặt chém không khoan nhượng và chấn thương trên sân bóng. Chủ nhà Anh cuối cùng chịu thiệt hại nặng nề hơn về quân số, nhưng thực chất chính họ đã khơi mào, châm ngòi cho màn bạo lực này.
 
Ngay từ phút thứ hai, Ted Drake có pha va chạm và làm gãy chân Luis Monti, hậu vệ người Italy chỉ có thể trụ lại thêm 15 phút trước khi rời sân trong đau đớn. Việc phải thi đấu thiếu người (chưa có luật thay người thời đó) đã khiến Italy nhanh chóng vỡ trận và phải nhận ba bàn thua liên tiếp trong hiệp một.

Duyên nợ bóng đá Anh - Italy: Mối hòa hảo từng nhuốm màu bạo lực và đau thương
Thủ môn Carlo Ceresoli của Italy giúp Ted Drake đứng dậy. Ảnh: PA
 
Tuy nhiên bước sang hiệp hai, các nhà đương kim vô địch thế giới đã chứng tỏ bản lĩnh và ý chí quật cường của mình khi gỡ lại hai trái – cú đúp do công của huyền thoại Giuseppe Meazza. Vậy vẫn chưa đủ, Anh vẫn bảo toàn được chiến thắng chung cuộc, nhưng Italy cũng có lý do riêng để hả hê bất chấp thất bại.

Bởi lẽ, họ đã thành công trong việc trả đũa đối thủ sau chấn thương kinh hoàng của đồng đội Monti. Trong khi “thủ phạm” Drake chỉ bị ăn một cú thúc cùi chỏ vào mặt, các đồng đội của ông mới phải gánh chịu hậu quả thực sự. Đội trưởng Eddie Hapgood máu mũi đầm đìa, Eric Brook gãy tay, Reg Bowden vỡ mắt cá chân, hay Wilf Copping băng bó toàn bộ phần bắp đùi trái.
 
Phòng thay đồ của tuyển Anh sau trận “giao hữu” này trông không khác gì một nhà thương. Truyền thông xứ sở sương mù phát hoảng, kêu gọi đội nhà cạch mặt, không bao giờ thi đấu với Italy nữa, đồng thời gây sức ép cho Liên đoàn Bóng đá Italy trừng phạt các cầu thủ của mình.
 
Tất nhiên, điều này cũng không bao giờ trở thành hiện thực. Thậm chí, Anh vẫn còn gặp lại Italy, khi đó đã bảo vệ thành công chức vô địch World Cup, thêm một lần nữa trước chiến tranh thế giới thứ hai, bất phân thắng bại với tỷ số 2-2 trên đất khách Milan. Sau thế chiến, Anh trải qua chuỗi tám trận bất bại trước người Italy, trước khi có lần đầu tiên biết thua vào năm 1973.
 
Cũng kể từ thời điểm đó, cán cân thành tích đối đầu đảo chiều giữa hai đội tuyển quốc gia. Anh chỉ thắng Italy thêm một lần duy nhất trong khuôn khổ các giải đấu chính thức, ở vòng loại World Cup 1978 (trớ trêu thay, cuối cùng Italy đoạt vé đi tiếp còn Anh thì không). Còn lại, Tam Sư đã liên tục phải ôm hận trước Azzurri, điển hình qua bốn cuộc đụng độ ở vòng bảng Euro 1980, tranh hạng ba World Cup 1990, tứ kết Euro 2012 và vòng bảng World Cup 2014.
 
Tương tự bình diện quốc tế, hai đất nước cũng chứng kiến những cuộc đối đầu nảy lửa giữa các đại diện ở cấp độ câu lạc bộ, đơn cử như những trận đấu đường phố nhuốm màu bạo lực giữa Chelsea và AS Roma hay Arsenal và Lazio ở Cúp Hội Chợ vào các năm 1965 và 1971. 

Duyên nợ bóng đá Anh - Italy: Mối hòa hảo từng nhuốm màu bạo lực và đau thương
Italy và Anh ở Euro 1980. Ảnh: Getty Images
 
Xét trên mặt bằng chung, các đội bóng Anh vẫn tương đối thất thế bởi sự kị rơ với triết lý bóng đá catenaccio đã trở thành thương hiệu của Italy. Hệ thống chiến thuật siêu phòng ngự, không ngại va chạm quyết liệt và lẫn cả tiểu xảo này đã làm nên thành công vang dội cho AC Milan và Inter Milan trong thập niên 60 với bốn chức vô địch C1 thống trị Châu Âu.
 
Theo thời gian, mối quan hệ bóng đá Anh – Ý trở nên hòa hảo hơn và không ít những cầu thủ từ xứ sở sương mù đã quyết định phát triển sự nghiệp trên mảnh đất hình chiếc ủng. Song, chưa có ai thực sự thành công nơi đất khách quê người này, chủ yếu bởi yếu tố chặt chẽ và tính kỷ luật được đề cao, khác biệt với thứ bóng đá tốc độ và phóng khoáng hơn ở quê nhà.
 
Từ những bậc tiền bối Denis Law (Torino), Jimmy Greaves (AC Milan), Ray Wilkins (AC Milan), Liam Brady (Juventus), Paul Gascoigne (Lazio), David Platt (Juventus), Lee Sharpe (Sampodria), Paul Ince (Inter Milan)… cho đến thế hệ của những David Beckham (AC Milan), Ashley Cole (AS Roma), Ashley Young (Inter Milan), Chris Smalling (AS Roma), Fikayo Tomori (AC Milan) hay Ravel Morrison (Lazio)… sau này.
 
Gigi Peronace là người có công kết nối khăng khít hai nền bóng đá bằng những bản hợp đồng chuyển nhượng và các giải đấu giao hữu. Có thể nói, ông được xem như một nhà ngoại giao bóng đá thực thụ, thậm chí chính là người đại diện đầu tiên cho các cầu thủ trong lịch sử bóng đá Anh, mặc dù là một công dân mang quốc tịch Italy.
 
Cũng chính Peronace, người sau này trở thành giám đốc thể thao của Liên đoàn bóng đá Italy, đã đề xuất ý tưởng tổ chức Anglo-Italian Cup, giải đấu giao hữu thường niên giữa các câu lạc bộ Anh và Italy trải dài trên các cấp độ từ chuyên nghiệp đến bán chuyên, kéo dài trong suốt 26 năm từ 1970 đến 1996.
 
Tuy nhiên, giao hảo Anh – Italy đã sứt mẻ nghiêm trọng trong thập niên 80, với chính cái chết bất ngờ của Peronace khoảng thời gian này tựa như điềm báo chẳng lành. Năm 1980, khi đang cùng đội tuyển Italy tham dự một giải đấu giao hữu ở thủ đô Montevideo, Uruguay, Peronace lên cơn trụy tim và qua đời ở tuổi 55, trong vòng tay của huấn luyện viên trưởng Enzo Bearzot.

Duyên nợ bóng đá Anh - Italy: Mối hòa hảo từng nhuốm màu bạo lực và đau thương
HLV Roberto Mancini có quãng thời gian thành công ở Manchester City. Ảnh: Getty Images
 
Và rồi sau đó nửa thập kỷ, thảm họa Heysel xảy ra. Đó là trận chung kết Cúp C1 Châu Âu khi Juventus đánh bại Liverpool để lên ngôi vô địch, nhưng cái giá đau thương phải trả là cái chết của 39 cổ động viên là nạn nhân của một cuộc ẩu đả trên khán đài và bị chôn vùi dưới bức tường sân vận động Nhà vua Baudouin ở thủ đô Brussels, Bỉ.
 
Mọi thứ dần được phục hồi từ thập niên 90 trở về sau, với tiếp tục là những bản hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ giữa các câu lạc bộ hai quốc gia. Lúc này, Premier League và đặc biệt Chelsea bắt đầu tiếp nhận làn sóng mới lạ từ một Serie A thời kỳ hoàng kim hưng thịnh, mở màn với những cái tên tiêu biểu như Gianfraco Zola, Gianluca Vialli, Roberto Di Matteo, Carlo Cudicini và Pierluigi Casiraghi. Ngoài ra có thể kể đến những Paolo Di Canio (West Ham), Nicola Berti (Tottenham), Marco Materazzi (Everton) hay Massimo Taibi (Manchester United). 
 
Thậm chí, chính Roberto Mancini cũng từng gắn bó duyên nợ với bóng đá Anh trên cả cương vị cầu thủ lẫn huấn luyện viên, từ bốn trận đáng quên với Leicester City đến bốn năm đáng nhớ với Manchester City, với chức vô địch Premier League đầu tiên trong lịch sử mang về cho sân Etihad. Và giờ trên ghế nóng đội tuyển Italy, thầy trò ông chuẩn bị tái ngộ và đối đầu người Anh trong trận chung kết Euro 2020, với kỳ vọng đưa quê hương xưng vương Châu Âu sau 53 năm chờ đợi.
 
Lịch sử 88 năm hình thành và phát triển quan hệ bóng đá Anh - Ý, có thể nói là một mối lương duyên hòa hảo theo từng ngày, nhưng cũng từng khởi nguồn và thử thách qua thời gian bằng những bạo lực và đau thương nhuốm màu. Bỏ lại quá khứ thăng trầm, tất cả chuẩn bị thăng hoa lên đỉnh cao nhất với trận chung kết Euro 2020 trong đêm Wembley tháng 7.
 
 
Hải Đường

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.

X
top-arrow