Dưới sự dẫn dắt của Stefano Pioli, AC Milan đã bay cao với những đấu pháp nào?

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 23/01/2021 13:42(GMT+7)

Đã có một số màn trình diễn thu hút sự chú ý trên khắp châu Âu kể từ đầu mùa giải 2020/2021, cả theo hướng tích cực và tiêu cực. Từ một Liverpool dễ bị tổn thương đến kỳ lạ, phong độ thăng hoa đưa Atletico Madrid lên đỉnh La Liga, cho đến sự thống trị tuyệt đối của Bayern Munich ở Bundesliga. Nhưng không một cái tên nào kể trên có thể khiến thế giới bóng đá kinh ngạc hơn màn lột xác hoàn toàn của AC Milan, đội bóng đang bay cao dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên trưởng Stefano Pioli.

 
 
Rossoneri đã được nâng tầm một cách rõ rệt và vươn lên đỉnh Serie A. Đội bóng này đã giữ chặt lấy vị trí đó và bất bại cho đến vòng 16, khi họ bị đánh bại một cách đau đớn bởi Juventus. 
 
Sự cân bằng đáng kinh ngạc của đội chủ sân San Siro đã mang đến cho họ một phong độ đầy ổn định, dẫn đến việc thi đấu vượt trội gần như trước mọi đối thủ mà họ chạm trán cho đến hiện tại, và kết quả là trở thành đội bóng duy nhất còn bất bại ở 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu vào đầu năm 2021. 
 
Mặc dù gần như tất cả mọi người đều không hy vọng gì về khả năng của Pioli khi ông được bổ nhiệm vào chiếc ghế thuyền trưởng của Milan, nhưng nhà cầm quân người Ý đã thành công trong việc xây dựng một đội ngũ trẻ trung có thể chinh phục những đối thủ lớn nhất và gây bất ngờ với một thứ bóng đá đầy hiệu quả, mang về cho Rossoneri 13 chiến thắng, 4 trận hòa và chỉ phải nhận 1 trận thua sau 18 trận đã chơi ở mùa giải 2020/2021. 
 
Bài viết này sẽ phân tích đâu là chìa khóa đã tạo nên phong độ ổn định đến đáng nể của Milan và những yếu tố chiến thuật đã giúp họ bay cao. 
 
NHỮNG NÉT CHÍNH CỦA AC MILAN DƯỚI THỜI STEFANO PIOLI
 
Lối chơi của Milan thoạt nhìn thì khá đơn giản, nhưng bên trong thực sự chứa đựng một sự phức tạp đã đóng vai trò rất lớn trong việc giúp họ giành chiến thắng các trận đấu. Mặc dù Rossoneri không làm bất cứ điều gì quá bất thường, nhưng sự linh hoạt của đội chủ sân San Siro đã cho phép họ điều chỉnh một cách tuyệt vời trước các đối thủ và các tình huống khác nhau, trong khi vẫn tuân thủ những nguyên tắc chính của mình. 
 
Milan của Pioli đã triển khai một thứ bóng đá rất thông minh và đủ nhạy bén để nắm bắt những cơ hội của họ. Các cơ hội được Rossoneri tạo ra bởi những bước di chuyển chuẩn xác, các đường chuyền đầy tính sáng tạo và sự cân bằng của các tuyến. 
 
4-2-3-1 là đội hình được Milan sử dụng nhiều nhất, nhưng chiến thuật của họ luôn phụ thuộc vào đối thủ mà mình chạm trán và câu hỏi làm thế nào để họ có thể khai thác đối thủ một cách hiệu quả. Các nguyên tắc chính luôn được tuân thủ bao gồm phòng ngự thật chặt chẽ, pressing quyết liệt và bùng nổ trong tấn công. 
 
Milan thực hiện pressing với một cường độ rất cao

 
Đội hình xuất trận khá trẻ và nhất quán của Milan đang đạt được sự trơn tru, linh hoạt và tinh tế. Các cầu thủ có thể thích nghi rất dễ dàng với những cách tiếp cận khác nhau và luôn tìm ra được cách để đe dọa khung thành đối phương. Việc Milan vừa có khả năng tận dụng chiều ngang sân, vừa có thể sử dụng trung lộ, là một trong những lời giải thích cho sự hiệu quả của họ. Sự bùng nổ trong các pha tấn công của Rossoneri thường buộc đối thủ phải truy cản quyết liệt, dẫn đến rất nhiều tình huống phạm lỗi, đồng nghĩa với rất nhiều cơ hội từ các tình huống cố định. 
 
Milan hiện là một trong những đội bóng có thành tích ghi bàn tốt nhất Serie A – 39 bàn thắng. Họ cũng là một trong những đội bóng thành công nhất trong việc chuyển hóa các tình huống cố định thành bàn thắng. Rossoneri đang ghi được 16 bàn thắng từ các tình huống cố định (bao gồm 9 quả penalty). 
 
Nhưng nhờ đâu mà họ đạt được phong độ ổn định đó? Nhờ công “gánh team” của “thần tài” Zlatan Ibrahimovic hay tài cầm quân của huấn luyện viên trưởng Stefano Pioli? 
 
Tiếp theo, chúng ta sẽ phân tích sâu hơn về những khía cạnh ấn tượng nhất của Milan và cách mà họ thành công trong việc thể hiện sự vượt trội trước các đối thủ mà mình chạm trán.  
 
PHẢN CÔNG HAY ĐẾN ĐÁNG SỢ
 
Milan đang thể hiện rất ấn tượng trong các tình huống phản công – được họ tạo ra nhờ chiến thuật pressing và khả năng thu hồi bóng của mình. Rossoneri sẽ liên tục cố gắng làm những điều mà đối thủ không ngờ đến, sử dụng tốc độ và những pha di chuyển không bóng thông minh để xuyên phá đối thủ. 
 
Trong phong cách phản công của Milan, có 2 chiến thuật khác nhau để xuyên phá đối phương và tạo ra các cơ hội. Họ sẽ sử dụng tiền vệ tấn công (người luôn chọn những vị trí có thể tạo điều kiện lý tưởng cho các pha phản công) để kỹ năng di chuyển và chuyền bóng của anh đóng vai trò “nhạc trưởng” dẫn dắt các đồng đội, hoặc họ sẽ trực tiếp sử dụng Zlatan Ibrahimovíc với các khả năng “hold up play” (nhận bóng, xoay sở để giữ bóng và chờ các đồng đội cùng dâng lên để phối hợp), không chiến và xoay sở trước áp lực từ đối phương mà anh sở hữu. 
 
Trong phương án đầu tiên, Milan di chuyển rất nhiều, tập trung vào việc tạo ra lợi thế quân số ở các khu vực trên cao và tạt bóng, còn trong trường hợp thứ hai, họ thường cố gắng đưa bóng trực tiếp đến cho tiền đạo 39 tuổi với một đường chuyền dài, và anh sẽ tự mình dứt điểm hoặc trả bóng ngược về phía sau cho một người đồng đội (thường xuyên nhất là Hakan Çalhanoğlu) sút từ ngoài vòng cấm. Milan là một trong những đội bóng có nhiều cú sút xa nhất – có đến 37% trong những cú dứt điểm mà họ tung ra được thực hiện bên ngoài vòng cấm. 
 
Một tình huống chọn vị trí của Çalhanoğlu trong một pha phản công
 
Tiền vệ người Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò rất quan trọng trong khâu tấn công của Milan, khi khả năng di chuyển và chuyền bóng của anh thường được sử dụng để phân phối bóng cho hàng công và giúp Rossoneri thực hiện các pha phản công. Anh luôn đưa mình vào những vị trí lý tưởng để có thể nhận một đường chuyền khi đội giành lại quyền kiểm soát bóng và nhanh chóng phát triển nó đến các khu vực trên cao bằng một đường chuyền dài, một pha tăng tốc hoặc một đường chọc khe. 
 
Các hành động phòng ngự của Milan đã tiến bộ rõ rệt, đó là một trong những lý do chính biến họ trở thành một đội bóng cực kỳ đáng sợ về phản công. Cường độ pressing của Rossoneri thường đáp ứng mục đích của nó và dẫn đến việc thu hồi được bóng, điều này mang đến cho họ những cơ hội phản công hoàn hảo. Chiến thuật “một kèm một” và pressing cường độ cao mà Milan áp dụng lên đối phương đã thường xuyên thành công và mang đến cho họ rất nhiều cơ hội ghi bàn. 
 
Rossoneri đã thu hồi bóng trung bình 78,14 lần mỗi 90 phút, trong khi 4,86 pha phản công mỗi 90 phút đã tăng thêm sự bùng nổ của đội bóng này và giúp họ tạo ra nhiều cơ hội hơn trước khung thành đối phương. Sự tỉnh táo và tập trung đã giúp Milan cắt các đường chuyền của đối phương, và việc họ không ngừng chủ động tìm cách đoạt bóng thay vì phòng ngự một cách bị động đã trở thành một trong những chiếc chìa khóa mang về các chiến thắng cho họ. 
 
Một ví dụ khác về tầm quan trọng của Çalhanoğlu. Trong ảnh này, bạn cũng có thể thấy sự sẵn sàng của các cầu thủ tấn công khác để xuyên phá đối phương.
 
LINH HOẠT TRONG KHÂU TRIỂN KHAI BÓNG
 
Bài viết không đề cập nhiều về Ibrahimović không phải vì đánh giá thấp tầm ảnh hưởng của anh, mà bởi vì tiền đạo người Thụy Điển cũng chỉ là một trong những bộ phận của cỗ máy tuyệt vời mà Milan đã trở thành. Ibrahimovíc, cùng với các đồng đội của anh, là một phần của một hệ thống chiến thuật thông minh, sử dụng những điểm mạnh của các cầu thủ theo cách tốt nhất có thể và liên tục gây khó khăn cho các đối thủ của họ. 
 
Điều tạo nên sự khác biệt ở Rossoneri chính là cách xây dựng các phương án triển khai bóng đầy chu đáo và linh hoạt của họ. Mặc dù đội bóng này không làm những điều quá phức tạp với cách di chuyển của mình, nhưng những sự điều chỉnh tuyệt vời của Milan trước các chiến thuật khác nhau của đối phương đã khiến khâu tấn công của họ trở nên rất khó đoán và giúp họ xuyên phá thành công các hệ thống phòng ngự khác nhau.
 
Nhìn vào các chiến thuật triển khai tấn công của Milan, sự dựa dẫm của họ vào các khu vực cánh là rất rõ ràng, nhưng họ cũng có thể thường xuyên sử dụng những phương án khác tùy thuộc vào các tình huống trong trận đấu. 
 
1/ TRIỂN KHAI LỐI CHƠI POSITIONAL PLAY (ĐỊNH HƯỚNG VỊ TRÍ) VÀ TẬN DỤNG CHIỀU NGANG SÂN
 
Trong cách thiết lập đội hình thông thường của Milan, cặp đôi pivot Franck Kessié và Ismaël Bennacer sẽ ở gần nhau để bảo vệ các khu vực trung lộ và hỗ trợ cho hàng thủ 4 người. Họ sẽ không chỉ mang đến sự hỗ trợ như một tuyến phòng ngự thứ hai, mà còn thường xuyên lui xuống hẳn hàng thủ, cho phép các hậu vệ cánh (đặc biệt là Theo Hernández) di chuyển đến những vị trí cao hơn và giúp đội phát triển bóng. 
 
Milan chủ trương triển khai bóng từ hàng thủ bằng cách sử dụng lối chơi positional play (định hướng vị trí), trông cậy vào các trung vệ và các hậu vệ cánh, những người rất thường xuyên được đẩy lên giữa sân để hỗ trợ cho việc luân chuyển bóng, tổ chức tấn công. Họ sẽ sử dụng những pha phối hợp chuyền ngắn và luân chuyển bóng từ trong ra ngoài, cố gắng đưa nó lên phía trên một cách trơn tru. Milan thường tìm cách tận dụng chiều ngang sân cho việc triển khai tấn công, và positional play đã giúp họ làm được điều đó. 
 
 
Khâu chọn vị trí của các cầu thủ Milan trong một tình huống triển khai bóng từ hàng thủ
 
Các hậu vệ cánh luôn tìm cách thực hiện những pha di chuyển overlap (chồng cánh, cầu thủ overlap sẽ luôn chạy chỗ vào khu vực gần biên hơn so với cầu thủ đang cầm bóng) và underlap (cũng là chồng cánh, nhưng cầu thủ chạy chỗ sẽ di chuyển bó vào trong), qua đó buộc đối phương phải cử người “chăm sóc” họ thật chặt, thường mở ra nhiều khoảng trống hơn cho các trung vệ di chuyển vào và khai thác. Điều đó giúp ích rất nhiều cho quá trình phát triển bóng, bởi vì các khoảng trống liên tục mở ra, cho phép Milan thực hiện rất nhiều pha di chuyển lý tưởng.
 
Các hậu vệ cánh sẽ hoán đổi vị trí với các winger và hoạt động dựa vào link-up-play (sự liên kết của lối chơi) ở các khu vực trên cao. Dù cho Milan thường xuyên thực hiện những quả tạt (trung bình 13,81 quả tạt mỗi 90 phút), nhưng ngoài ra, một trong những món “tài sản” quý giá nhất của họ còn có khả năng di chuyển không bóng rất hay của Çalhanoğlu và Ibrahimović. Hai người họ sẽ không chỉ chờ nhận bóng ở các khu vực trung lộ, mà còn hỗ trợ những hoạt động ở 2 bên cánh, liên tục cung cấp các phương án chuyền bóng và kéo các cầu thủ đối phương ra khỏi vị trí. 
 
Việc sử dụng các half-space cũng cực kỳ quan trọng. Nếu chúng ta xét về những cầu thủ thường góp mặt trong đội hình xuất trận của Milan, thì Çalhanoğlu và Alexis Saelemaekers là 2 cầu thủ đóng vai trò chủ chốt trong khía cạnh này. Bất cứ khi nào hậu vệ phải, Davide Calabria, dâng cao, Saelemaekers sẽ bó vào bên trong và kết hợp với tiền vệ tấn công, cả hai người họ sẽ đóng vai trò như những “outlet” để chuyền bóng đến hoặc thu hút sự chú ý của các hậu vệ đối phương. Khả năng kiểm soát và chuyền bóng của Çalhanoğlu chính là chìa khóa để tạo ra các cơ hội. Ngôi sao người Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng thứ hai giải đấu về tỷ lệ thành công trong những pha lừa bóng 1 chọi 1 – với 73,17%. Khả năng rê dắt của anh thường đóng vai trò chìa khóa cho việc phát triển bóng và những hành động của đội ở khu vực 1/3 cuối sân đối phương. 
 
Một tình huống di chuyển của Çalhanoğlu ở half-space và nỗ lực phát triển bóng của anh.
 
2/ LỐI CHƠI CHUYỂN CÁNH TẤN CÔNG (SWITCH OF PLAY) VÀ TRIỂN KHAI BÓNG Ở TRUNG LỘ
 
Milan cũng có một giải pháp để đối phó với những đội bóng triển khai “low-block” với một cấu trúc chặt chẽ. Bất cứ khi nào gặp khó trong việc khai thác khoảng không gian giữa các tuyến và tìm cách “xuyên thủng” đối phương, họ sẽ thực hiện lối chơi “chuyển cánh tấn công” và sử dụng khả năng di chuyển của các cầu thủ đá cánh để nhanh chóng đột phá và khai thác các khoảng trống trong khi cấu trúc phòng ngự của đối phương vẫn còn đang nghiêng về một bên cánh. Phía cánh “ban đầu” đó thường là cánh phải, để Theo Hernández ở cánh trái được sử dụng như một mối đe dọa trực tiếp. 
 
Tuy nhiên, Milan sẽ không chỉ sử dụng các khu vực cánh để xuyên phá đối phương. Họ cũng có thể triển khai tấn công thông qua trung lộ. Ở đó, Kessié cũng sẽ giúp đỡ cho việc phát triển bóng, nhưng vai trò chủ chốt thuộc về Çalhanoğlu, người sẽ lui xuống sâu hơn, thường là ở vạch giữa sân, để nhận bóng và tiếp tục đưa nó lên phía trên. Ngôi sao người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là “outlet” chuyền bóng chính bất cứ khi nào Milan tìm cách triển khai tấn công thông qua trung lộ.
 
3/ SỬ DỤNG PHƯƠNG ÁN LÊN BÓNG TRỰC TIẾP TRƯỚC NHỮNG ĐỐI THỦ CHƠI PRESSING
 
Hệ thống 4-2-3-1 của Milan thường xuyên cho phép các cầu thủ chọn được những vị trí lý tưởng và mở ra các “tuyến đường” chuyền bóng mà không cần phải tốn nhiều công sức. Chính vì vậy nên họ có xu hướng dựa dẫm vào những pha phối hợp chuyền ngắn và các hành động được “đo lường” cẩn thận. 
 
Khi Milan cần tìm ra một giải pháp trước các đối thủ chơi pressing, họ sẽ chuyển sang phương án lên bóng trực tiếp và cố gắng đưa bóng một cách nhanh nhất đến một vị trí có thể tạo ra cơ hội ghi bàn hoặc dựa vào các pha phản công. 
Rossoneri thường không sử dụng những đường chuyền dài vì phương án này có quá nhiều rủi ro và nó không cung cấp nhiều sự lựa chọn, nhưng thỉnh thoảng vẫn sẽ dùng đến chúng để tận dụng các cầu thủ tấn công đã chọn được những vị trí lý tưởng ở các khu vực trên cao. 
 
THÀNH TÍCH ẤN TƯỢNG VỀ NHỮNG TÌNH HUỐNG CỐ ĐỊNH
 
Cho đến thời điểm hiện tại, thành tích của Rossoneri về những tình huống cố định là rất ấn tượng. Do chiến thuật tấn công mà Milan sử dụng và sự quyết liệt của các đối thủ khi chống đỡ trước họ, đội chủ sân San Siro đã thường xuyên được trao cho những tình huống cố định.
 
Milan đã tận dụng rất tốt những pha phạt góc mà mình nhận được. Họ đang được hưởng 6,5 tình huống phạt góc mỗi 90 phút, và quan trọng hơn, 37,4% trong số chúng đã kết thúc bằng một cú dứt điểm, trong khi mức trung bình của Serie A là 30,8%. Khả năng chọn vị trí bên trong vòng cấm và không chiến đầy ấn tượng của Rossoneri thường mang lại lợi thế cho họ trong những tình huống này. 
 
Khâu dàn xếp của Milan trong một tình huống phạt góc. Trong tình huống này, họ đã ghi bàn. Việc chọn vị trí phù hợp để đề phòng một pha phản công của Daniel Maldini cũng rất quan trọng. 
 
Rossoneri đã được hưởng rất nhiều quả penalty nhờ khả năng nhận thức vị trí và sự tinh tế của mình, buộc đối phương phải truy cản quyết liệt. Cho đến thời điểm hiện tại, Milan đã ghi được 9 bàn thắng từ chấm penalty ở Serie A, và tất cả đều được thực hiện bởi Ibrahimović và Kessié.
 
Hiện tại, trong 39 bàn thắng mà Milan đã ghi được có 16 bàn được ghi trong các tình huống cố định, đây là một thành tích thực sự ấn tượng. 
 
ZLATAN IBRAHIMOVÍC VÀ THEO HERNÁNDEZ
 
Ngoài Çalhanoğlu, người mà bài viết đã đề cập với vai trò cầu thủ sáng tạo chính của Rossoneri, còn 2 cái tên khác xứng đáng được nhận định là những “nhân vật chính” của đội – Ibrahimovíc và Theo Hernández. 
 
Mặc dù mới chỉ ra sân 8 trận tại Serie A cho đến hiện tại, nhưng tiền đạo 39 tuổi vẫn đang là cây săn bàn hàng đầu của đội chủ sân San Siro với 12 pha lập công. Sự hiện diện của Ibrahimovíc ở trong và xung quanh vòng cấm đóng vai trò rất quan trọng đối với các hành động tấn công của Milan. Không chỉ nhờ những tình huống chọn vị trí đầy thông minh và khả năng dứt điểm thượng hạng của anh, mà còn cả khả năng không chiến, hold-up play và nhãn quan mà tiền đạo người Thụy Điển sở hữu. 
 
Mặc dù việc đóng vai trò “target-man” của đội và tận dụng chiều cao của mình (Ibrahimovíc hiện đang tham gia 10,27 tình huống không chiến mỗi 90 phút và đạt tỷ lệ thành công 60,9%) là một trong những trách nhiệm chính của anh, nhưng lão tướng 39 tuổi không hề tỏ ra ích kỷ và luôn cố gắng hỗ trợ cho các đồng đội. Kinh nghiệm và nhãn quan của Ibrahimovíc đã giúp anh thực hiện những đường chuyền đầy thông minh và các pha chọc khe để tạo ra các cơ hội cho Rossoneri. Thông số 3,05 đường chuyền thông minh và 2,57 pha chọc khe mỗi 90 phút đã càng làm tăng thêm giá trị của lão tướng người Thụy Điển. Anh không chỉ luôn là một mối đe dọa trực tiếp thường xuyên gây nguy hiểm cho khung thành đối phương với 5,45 cú sút mỗi 90 phút, mà còn cung cấp những đường chuyền rất chất lượng cho các đồng đội. 
 
Khả năng hold-up play và nhãn quan của Ibrahimovíc đã giúp Milan được hưởng lợi lớn trong tình huống này. Mặc dù đang bị đối phương gây áp lực, nhưng anh vẫn giữ được bóng và kiến tạo cho Kessié ghi bàn.
 
Tầm ảnh hưởng của Theo Hernández tại Milan cũng ấn tượng không kém. Hậu vệ cánh trái này đã trở thành một cầu thủ chủ chốt của Rossoneri trong 2 mùa giải qua nhờ những khả năng không thể thay thế trong việc hỗ trợ phát triển bóng và tham gia tấn công. Trong khi đảm nhận trách nhiệm phòng ngự, vai trò chính của Hernández còn nằm ở việc đưa bóng lên phía trên bằng cách sử dụng khả năng kiểm soát bóng và tốc độ của mình.
 
Mặc dù có vị trí thi đấu ở cánh, nhưng tạt bóng không phải là “tài sản” lớn nhất của ngôi sao người Pháp. Ngoài việc giúp Milan phát triển bóng, hỗ trợ cho các đồng đội trong những đợt tấn công, cầu thủ 23 tuổi còn thích di chuyển bó vào bên trong và hành động như một mối đe dọa trực tiếp với khung thành đối phương. Những pha di chuyển hướng vào các khu vực trung lộ của Hernández cực kỳ có lợi cho đội. Ngoài ra, thật đáng ngạc nhiên, dù chỉ có chiều cao 184 cm, nhưng khả năng không chiến của anh là rất ấn tượng và đạt tỷ lệ thành công 58,8%. Tất cả những phẩm chất đó đã dẫn đến 4 bàn thắng và 3 đường kiến tạo ở Serie A cho đến thời điểm hiện tại.
 
Hernández đoạt bóng từ đối phương và trực tiếp di chuyển cắt vào bên trong để dứt điểm. 
Sau khi Milan chuyển cánh tấn công sang cánh phải, Hernández đã xâm nhập vào bên trong vòng cấm, ở half-space trái, và nhận một quả tạt. Cuối cùng, anh đã ghi bàn trong tình huống này.
 
CHIẾN THUẬT PRESSING VÀ CÁC HÀNH ĐỘNG PHÒNG NGỰ
 
Như đã đề cập, các hành động phòng ngự của Milan được bắt đầu với chiến thuật pressing của họ trong đội hình 4-4-2 khi quyền kiểm soát bóng thuộc về đối phương. Họ thường truy cản khá quyết liệt trong đấu pháp pressing tầm cao của mình và có xu hướng gây áp lực cực kỳ mạnh mẽ lên các hậu vệ và thủ môn. Rossoneri cố gắng “khóa” các tuyến đường chuyền bóng và gây khó khăn cho khâu triển khai bóng của đối phương, thường khiến cho đối phương có những đường chuyền không chính xác. Mục tiêu hàng đầu của Milan là đoạt bóng ở những khu vực trên cao và ngay lập tức sử dụng khả năng phản công của mình để xuyên phá đối phương. Chiến thuật pressing và một kèm một của Milan đã dẫn đến rất nhiều pha phản công, cũng như sự thành công của họ ở thời điểm này.
 
Một tình huống thực hiện pressing tầm cao của Milan
 
Các winger sẽ “chăm sóc” các hậu vệ cánh đối phương, trong khi tiền đạo và tiền vệ tấn công sẽ cố gắng “gây rối” ở các khu vực trung tâm. Trong trường hợp họ không thể ngăn cản đối phương lên bóng, cặp đôi pivot sẽ hành động. Trách nhiệm chính của họ là cung cấp sự hỗ trợ cho hàng thủ, bằng cách hoạt động như một tuyến phòng ngự thứ hai hoặc lui hẳn xuống để kiểm soát các khoảng trống trong trường hợp có hậu vệ nào đó rời khỏi vị trí.
 
Tỷ lệ giành chiến thắng trong các pha phòng ngự tranh chấp tay đôi của Milan thường rất cao, nhưng đối thủ đã có không ít lần khai thác thành công 2 cánh của họ, nơi mà các hậu vệ cánh thường xuyên dâng cao quá mức để có thể lui về và phòng ngự kịp thời. Đôi khi họ cũng để lộ ra những khoảng trống ở trung lộ vì cách chọn vị trí quá cao khi tham gia tấn công của các cầu thủ tại đây.  
 
Mặc dù thể hiện rất xuất sắc trong các pha phạt góc mà mình được hưởng, nhưng Milan đã để thủng lưới 6 bàn từ các tình huống cố định cho đến thời điểm hiện tại của mùa giải này và cần phải cải thiện khả năng phản ứng của họ bên trong vòng cấm. 
 
KẾT LUẬN
 
Những màn trình diễn rất cân bằng và sự linh hoạt trong khâu tấn công của Milan đã dẫn đến một chuỗi trận bất bại rất dài và mang về cho họ ngôi đầu bảng tại Serie A. 
 
Các phân tích trên cho thấy Milan dưới sự dẫn dắt của Stefano Pioli đã trở thành một đội bóng biết chơi một thứ bóng đá đầy thông minh nhưng không quá phức tạp. Các cầu thủ tự tin vào các giác quan của mình và sử dụng những điểm mạnh của bản thân để xuyên phá đối phương, dẫn đến tính linh hoạt trong khâu triển khai bóng và sự bùng nổ trong tấn công. 
Ngoài ra, một hàng thủ đầy chắc chắn đã giúp Milan có được những màn trình diễn phòng ngự rất ấn tượng, và bất chấp một số sai lầm đáng chú ý, chúng ta vẫn có thể nhận định rằng tổng thể các hành động phòng ngự mà Rossoneri thực hiện đã đủ thông minh để bảo vệ khung thành của mình. 

Nguồn: Lược dịch từ bài phân tích “AC Milan: Analysing their unbeaten run” của tác giả Lorihanna Shushkova, đăng tải trên Total Football Analysis. 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.