Dù vô địch hay không vẫn có một cột mốc để cho thấy Arsenal là một đội bóng xuất chúng

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 07/05/2023 17:40(GMT+7)

Bên cạnh rất nhiều điểm tương đồng giữa hai ứng cử viên vô địch của Premier League mùa giải này, Manchester City của Pep Guardiola và Arsenal của Mikel Arteta, có một sự khác biệt rất rõ ràng. Điểm khác biệt đó đã làm dấy lên một cuộc tranh luận vừa mang tính triết học, vừa hướng vào khía cạnh chiến thuật thuần túy: Liệu đưa một cá nhân có khả năng xô đổ hàng loạt kỷ lục có thực sự nâng tầm đẳng cấp tổng thể của đội, hay sự tỏa sáng của anh ta sẽ là thứ được đánh đổi của các đồng đội xung quanh?

 

Câu chuyện về Erling Haaland giờ đây đã bước sang giai đoạn thứ ba. Đầu tiên, anh thích nghi với môi trường thi đấu mới một cách phi thường và đưa Man City tiến đến chức VĐQG thứ ba liên tiếp. Sau đó, phát sinh một vấn đề nghiêm trọng là anh cần quá nhiều sự “phục vụ” từ phần còn lại của đội và khiến cho đấu pháp của Man City chịu những ảnh hưởng tiêu cực. Giờ đây, trong khi The Citizens đang tăng tốc về phía chức vô địch, tất cả mọi thứ dường như đang hoạt động hoàn hảo trở lại. 

Nhưng có một tình huống thú vị hơn nhiều đang diễn ra với Arsenal, đội bóng đã chiêu mộ về một cầu thủ bị Man City ruồng bỏ, và đó là việc khả năng tấn công của họ đã được nâng tầm mạnh mẽ đến đáng nể. Phong độ chói sáng của Gabriel Jesus ngay trong mùa giải đầu tiên khoác áo The Gunners không chỉ được thể hiện qua những lần đưa bóng vào lưới, nhưng bàn thắng của anh vào lưới Chelsea trong trận đấu diễn ra vào tối thứ Ba thực sự là một cột mốc rất đáng chú ý. Anh đã trở thành cầu thủ thứ tư của Arsenal có thành tích ghi bàn đạt mức 2 con số ở Premier League 2022-23, và đáng lẽ ra Jesus đã có thể đạt được cột mốc này sớm hơn nếu không phải ngồi ngoài 3 tháng vì chấn thương. 

Trong kỷ nguyên Premier League, chỉ 8 đội bóng đạt được cột mốc có 4 cầu thủ ghi từ 10 bàn trở lên trong một mùa giải – Gabriel Jesus đã góp mặt 3 trong 8 đội bóng đó. 

Cả 4 thành viên trong bộ tứ tấn công chủ lực của Arsenal đều đang thể hiện phong độ săn bàn rất ấn tượng. The Gunners đã đóng góp 4 cái tên trong số 17 cầu thủ có thành tích nổ súng tốt nhất ở Premier League mùa giải này: Gabriel Martinelli ghi 15 bàn, Martin Odegaard 14, Bukayo Saka 13, và mới đây là Jesus với 10 lần chọc thủng lưới các đối thủ. Ngược lại, Man City hiện chỉ có duy nhất 1 cầu thủ đạt thành tích ghi bàn ở mức 2 con số là Erling Haaland – tuy nhiên hiện thành tích phá lưới của anh đã lên tới con số 35, và con số 40 (tương đương với 4 cầu thủ khác nhau có khả năng ghi 10 bàn một mùa) là một mục tiêu hoàn toàn khả thi.

Với cột mốc của Jesus, giờ đây Arsenal đã trở thành đội bóng thứ 8 trong kỷ nguyên Premier League có 4 cầu thủ đạt thành tích ghi bàn từ 10 trở lên trong một mùa giải, nhưng chi tiết thú vị hơn hết về những trường hợp này là thời điểm chúng diễn ra. 

Chuyện này chỉ diễn ra duy nhất 1 lần trong 17 mùa giải đầu tiên của Premier League, khi Eric Cantona, Andy Cole, Ryan Giggs và Paul Scholes đạt được thành tích săn bàn đó trong chức vô địch 1995-96 của Manchester United. Tuy nhiên, lý do Quỷ đỏ đạt được cột mốc này phần lớn là nhờ… biến cố Cantona bị treo giò vào đầu mùa giải vì hành hung một cổ động viên ở Selhurst Park. Scholes đã bắt đầu mùa giải đó với nhiệm vụ thay Cantona đảm nhận vai trò hộ công, và những bàn thắng mà anh ghi được trong giai đoạn này đã giúp anh kết thúc mùa giải với 10 pha lập công. Nói cách khác, cột mốc này của Quỷ Đỏ không phải hoàn toàn được tạo nên bởi một bộ tứ tiền đạo hoạt động hài hòa, đồng điệu khi được triển khai cùng lúc trên sân, mà chủ yếu là bởi một nhóm cầu thủ thay phiên nhau đảm đương hàng công vì hoàn cảnh bắt buộc. 

Nhưng, hiện tại, thay vì chỉ diễn ra duy nhất 1 lần trong suốt 17 năm, thì chuyện một đội bóng có 4 cầu thủ ghi từ 10 bàn trở lên trong một mùa giải đã diễn ra đến 8 lần trong 14 năm qua, cho thấy sự thay đổi từ mô hình bóng đá phổ biến trong những năm 1990 và 2000 (nhiệm vụ của các tiền vệ là sáng tạo, nhiệm vụ của các tiền đạo là ghi bàn, phân định rất rạch ròi), sang mô hình bóng đá của những năm 2010 và 2020 (nhiều cầu thủ tấn công đảm nhận cả hai nhiệm vụ ghi bàn và sáng tạo). Việc 4-4-2 không còn là đội hình chiếm xu thế, mà thay vào đó là 4-2-3-1 và 4-3-3 tất nhiên có mối liên hệ rất mật thiết với câu chuyện này. 

Rất rõ ràng, con số 8 lần nổi lên một đội bóng có 4 cầu thủ đạt thành tích ghi bàn từ 10 trở lên trong một mùa giải Premier League đã được tạo nên bởi việc 4 cái tên Arsenal, Chelsea, Manchester City và Manchester United có 2 lần làm được điều đó.

Chelsea đã có 2 lần liên tiếp đạt cột mốc này trong 2 mùa giải 2009-10 và 2010-11, dưới sự dẫn dắt của Carlo Ancelotti. Mùa đầu là với bộ tứ Didier Drogba, Florent Malouda, Frank Lampard và Nicolas Anelka, mùa sau là với bộ tứ Drogba, Malouda, Lampard và Salomon Kalou.

 

Trên cuộc hành trình đoạt chức vô địch Premier League 2009-10 của The Blues, cả Drogba và Lampard đều vượt mốc 20 bàn (mặc dù cần phải chỉ rõ ra là Lampard có 10 bàn được ghi trên chấm 11 mét). Mùa giải tiếp theo, Malouda đã bất ngờ trở thành vua phá lưới của Chelsea với… chỉ 13 lần đưa bóng vào lưới, khi chiến dịch của đội chủ sân Stamford Bridge bị trật bánh bởi sự xuất hiện của Fernando Torres. 

Arsenal là đội tiếp theo làm được điều này, vào mùa giải 2012-13. Đây là một tình huống thú vị khác về cuộc tranh luận “liệu hướng đi nào sẽ tốt hơn cho một đội bóng: Có trên sân duy nhất một tay săn bàn chuyên dụng hay có nhiều tay săn bàn?”, bởi vì trong mùa giải trước đó, họ gần như hoàn toàn trông đợi vào Robin van Persie – người đã có 30 pha lập công – trong việc tìm kiếm các bàn thắng, còn cái tên đứng thứ hai về thành tích nổ súng là Theo Walcott, với chỉ 8 bàn. 

Nhưng sau khi Van Persie ra đi, Walcott đã trở thành người dẫn đầu danh sách ghi bàn của The Gunners với 14 pha lập công, trong khi các tân binh Santi Cazorla, Lukas Podolski và Olivier Giroud đạt thành tích nổ súng lần lượt là 12, 11 và 11. Đây là 4 “tiền đạo” ưa thích của Arsene Wenger trong hệ thống 4-2-3-1 và cuối cùng, Arsenal đã ghi ít hơn 2 bàn so với khi Van Persie còn chơi cho họ, mặc dù kiếm được nhiều hơn mùa bóng 2011-12 3 điểm. 

Man City của Pep Guardiola đã có 2 lần đạt được cột mốc này. Lần đầu là vào mùa giải 2017-18, trong đó Sergio Aguero ghi 21 bàn, Raheem Sterling 18, Jesus 13 và Leroy Sane 10, nhưng 4 người họ chưa bao giờ thực sự chơi như một bộ tứ tấn công. Jesus đã đá cặp với Aguero trong hệ thống 3-5-2 vào đầu mùa giải, nhưng sau đó chủ yếu là đóng vai trò một phương án thay thế cho tiền đạo người Argentina hoặc thỉnh thoảng chơi ở cánh. 

2 năm sau, Man City đã trở thành đội bóng duy nhất sở hữu 5 cầu thủ có thành tích nổ súng đạt mức 2 con số: Sterling (20), Aguero (16), Jesus (14), Kevin De Bruyne (13) và Riyad Mahrez (11). Arsenal sẽ không thể tái lập được chiến tích này trừ khi Granit Xhaka bùng nổ phong độ săn bàn và giúp thành tích lập công hiện tại của anh (5 bàn) được nhân đôi, hoặc Eddie Nketiah (hiện đang có 4 bàn) bất ngờ tái xuất và ghi bàn như điên. 

Giữa 2 mùa giải đó của Man City chính là lần thứ hai Manchester United có 4 cầu thủ đạt thành tích nổ súng từ 10 bàn trở lên, trong đó Paul Pogba dẫn đầu bảng xếp hạng săn bàn với 13 pha lập công, đứng trên các tiền đạo thực thụ của đội là Romelu Lukaku (12 bàn), Anthony Martial (10) và Marcus Rashford (10). Tổng số pha lập công của Martial và Rashford trong mùa giải tiếp đó sẽ được nâng lên thành 17, sau sự ra đi của Lukaku – một ví dụ điển hình khác về việc thành tích nổ súng của những người khác tăng lên sau khi trung phong chủ chốt của đội rời đi. 

 

Đoàn quân 2022-23 của Arsenal thực sự xứng đáng được xem là một ví dụ kinh điển về một đội bóng đạt được cột mốc này: Một bộ tứ tấn công thực sự thường xuyên cùng nhau đá chính trong xuyên suốt mùa giải. 

Việc Odegaard tiến hóa thành một tiền vệ săn bàn một phần là do anh rất giỏi trong việc đón những đường chuyền tầm thấp đến từ cánh trái bằng cái chân trái của mình, như ngôi sao người Na Uy đã làm 2 lần trước Chelsea.

Saka và Martinelli đã được triển khai ở các vị trí mà họ có thể thực hiện những pha di chuyển cắt vào phía trong sân đấu và dứt điểm bằng chân thuận, nhưng đồng thời hai ngôi sao chạy cánh này cũng có khả năng thực hiện các tình huống “đâm thẳng và sút”. 

Còn với Jesus, tinh thần vị tha trên sân đấu, khả năng liên kết lối chơi, khuynh hướng di chuyển rộng và tạo khoảng trống cho các đồng đội của anh cũng quan trọng không kém gì những lần ngôi sao người Brazil đưa bóng vào lưới đối thủ. Nên nhớ, trong 30 mùa giải của kỷ nguyên Premier League, chỉ có 8 đoàn quân đạt cột mốc có ít nhất 4 cầu thủ ghi từ 10 bàn trở lên, và Jesus đã góp mặt đến 3 trên 8 đội bóng đó.  

Với việc Man City đang thể hiện một phong độ dường như không thể ngăn cản, khả năng Arsenal có thể kết thúc mùa giải này với tư cách đội bóng xuất sắc nhất Premier League đã trở nên rất thấp. Nhưng theo một cách nhìn nhận khác, đoàn quân của Arteta hiện tại thực sự là hình mẫu của một đội bóng xuất chúng: Kết hợp hài hòa, san sẻ trách nhiệm và tối đa hóa khả năng của nhau.  

Theo Micheal Cox, The Athletic.

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.