Dư âm U20 Việt Nam: Đòn bẩy "Ngoại binh" cho những bước tiến xa hơn?

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Hai 29/05/2017 19:34(GMT+7)

Zalo
Không thể phủ nhận những điểm tích cực mà U20 Việt Nam thể hiện trong suốt ba trận đấu vừa qua tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, nếu thật sự muốn biến nền tảng này trở thành vinh quang thực tiễn nào đó, chỉ vậy là chưa đủ, chúng ta cần những họng súng ngoại.
Du am U20 Viet Nam va cau chuyen dung cau thu ngoai 5
 
Chia tay U20 World Cup, thật đáng buồn khi chúng ta lại là đội bóng duy nhất chịu cảnh tịt ngòi, cho dù sở hữu khá nhiều cơ hội tại vị trí ngon ăn. Đặt trong bối cảnh bị đánh giá là một trong những đội tuyển yếu nhất giải, thành tích trên có thể được cho là khá dễ hiểu. Thế nhưng, hãy nhìn sang những đối thủ đồng cân đồng lạng khác mà Việt Nam bị xếp chung mâm lúc đầu, họ đều có được bàn thắng đem về làm quà. Vanuatu trong bảng đấu với những cái tên mạnh hơn chúng ta rất nhiều là Đức, Venezuela và Mexico ghi được tới bốn bàn. Nam Phi hay Guinea, hai đội tuyển đến từ những nền bóng đá yếu kém của châu Phi cũng ít nhất làm rung lưới đối phương một lần.

Ngoại trừ trận đấu gặp U20 Pháp vốn quá mạnh, thực tế chúng ta không hề thua kém về thế trận nói chung trước hai đội tuyển còn lại là New Zealand và Honduras. Từ tổ chức phòng ngự cho đến độ kết dính giữa tuyến hậu vệ và tiền vệ, mọi thứ đều hoàn hảo cho một đội bóng vốn tập hợp toàn những cầu thủ mới 18-19 tuổi. Lối chơi chặt chẽ này từng được U19 Việt Nam trình diễn tại Bahrain 2016 và nay được HLV Hoàng Anh Tuấn nâng tầm tại Hàn Quốc 2017 sau những chuyến tập huấn hiệu quả.
Du am U20 Viet Nam va cau chuyen dung cau thu ngoai 4
U20 Việt Nam tại U20 World Cup Hàn Quốc
Đặt cạnh một đội tuyển khác cũng tập trung trong thời gian vừa rồi là U22 Việt Nam, phải nói tính tổ chức của lứa U20 vượt trội hơn hoàn toàn. Nói không ngoa, nếu không phải U20 của ông Hoàng Anh Tuấn ra sân trước Pháp hôm thứ Năm vừa rồi tại Cheonan mà là U22 của Hữu Thắng, rất có thể tỉ số đã không dừng tại mức 0-4. Phải khẳng định chắc nịch rằng, lối đá và sơ đồ 4-4-2 mà U20 Việt Nam đang sử dụng là chiến thuật phù hợp và hoàn toàn đúng đắn trong xu thế bóng đá hiện đại, hạn chế tối đa được điểm yếu thể hình và thể lực của các cầu thủ chúng ta. Dẫu vậy, dù thủ tốt đến mấy, cũng không thể thắng nếu không ghi được bàn. Đó cũng là điểm yếu hiện hữu lớn nhất, không chỉ của U20 Việt Nam, mà tồn tại ở tất cả các cấp độ đội tuyển hiện tại.

Nếu như ở các nền bóng đá phương Tây, lối đá của ĐTQG thường luôn phụ thuộc vào xu thế chiến thuật chung của giải quốc nội. ĐT Anh bắt đầu tò mò thử nghiệm với 3-4-3 vốn đang thịnh hành tại Premier League. ĐT Tây Ban Nha cũng dần từ bỏ tiki-taka để dùng sơ đồ 4-4-1-1 thực dụng hơn nhiều đang phổ biến tại Real Madrid, Atletico Madrid hay Villarreal. ĐT Đức cũng vậy, từ thích nghi với lối đá pressing cự li cao của Bayern Munich dưới thơi Pep Guardiola, nay trở lại với 4-2-3-1 bảo thủ của Carlo Ancelotti. Trong bối cảnh chung, khi bóng đá cấp CLB lên ngôi chèn ép bóng đá quốc tế, thời gian cho cầu thủ tập luyện và làm quen với chiến thuật lẫn đồng đội tại CLB chủ quản luôn áp đảo thời gian trên tuyển, vốn bị giới hạn khá nhiều, sẽ là khôn ngoan cho HLV trưởng ĐTQG, hoặc trong trường hợp cụ thể này là đội U20, áp dụng lối đá phổ biến tại giải quốc nội, nơi các cầu thủ vốn đá quá quen và không cần nhiều thời gian để thích nghi.
Du am U20 Viet Nam va cau chuyen dung cau thu ngoai 3
Lối đá và sơ đồ 4-4-2 mà U20 Việt Nam đang sử dụng là chiến thuật phù hợp
Vậy lối đá đặc trưng tại V-League là gì? Có thật là "lối đá ban bật nhỏ, chuyền ngắn trong cự li hẹp" như báo chí luôn tuyên truyền? Không hề. Hãy nhìn vào số liệu. 13/14 CLB tại V-League 2017 có tiền đạo ngoại trong biên chế (trừ Hoàng Anh Gia Lai). Cho dù quy chế giải đấu đã hạn chế số lượng ngoại binh chung xuống chỉ còn hai, nhưng tiền đạo nước ngoài cho vị trí cao nhất hàng công luôn là ưu tiên hàng đầu của mọi CLB. Điều này tạo ra một nghịch cảnh, khi tiền đạo nội không có cơ hội để thi đấu thường xuyên. Cho dù lứa U20 này, hay lứa trước đó nữa, đều xuất hiện những điểm sáng ở thủ môn, ở hậu vệ hay tiền vệ, tiền đồ cho những tiền đạo dường như khá tăm tối. Ngoài những cựu binh từng sản sinh ra cách đây 10 năm như Công Vinh hay Anh Đức, thật khó để nêu tên ra một tiền đạo cắm Việt Nam triển vọng ở thời điểm bây giờ.

Việc ưu tiên tiền đạo ngoại không chỉ làm thui chột tiềm năng tiền đạo nội, mà nó còn tạo ra một hệ quả tai hại sâu xa hơn về chiến thuật. Với xu thế ở mọi đội là đều có một, thậm chí cả hai ngoại binh đều là tiền đạo, nó tạo ra sự phụ thuộc lối chơi vào những cái tên này. Sở thích của các CLB Việt Nam lại là những tiền đạo to cao gốc Phi mà kể ra đây tiêu biểu là Hoàng Vũ Samson (Hà Nội), Errol Stevens (Hải Phòng) hay Uche Iheruome (Thanh Hoá), chiến thuật chung của đội đương nhiên cũng phải điều chỉnh sao cho phục vụ họ tốt nhất. Tức nghĩa, cầu thủ nội chỉ cần hoàn thành công việc của những ong thợ cần mẫn, dốc bóng rồi tạt, hoặc căng ngang vào vòng cấm, nơi các chân sút khổng lồ kia đón lõng sẵn, lại có lợi thế thể hình hơn đa số thủ môn và hậu vệ, vốn toàn là người Việt.
Du am U20 Viet Nam va cau chuyen dung cau thu ngoai 2
Hoàng Vũ Samson (Hà Nội)
Nó trái ngược hoàn toàn với những tuyên ngôn về triết lí ĐTQG đang được xây dựng. Lứa cầu thủ trưởng thành, vốn quá quen với cách chơi ở cấp CLB, bối rối khi phải học lại từ đầu để phục vụ quan điểm "đá đẹp". Hay lứa cầu thủ mới, được đào tạo chuẩn mực trong các lò hay học viện, nay cũng buộc phải đồng hoá để tồn tại trong môi trường V-League. Kết quả cuối cùng chúng ta thấy được qua hình ảnh của U20 và U22 Việt Nam. Tốc độ lên bóng chậm, đứt kết nối giữa các mắt xích ở trung tâm và tiền tuyến. Tiền đạo nội vốn đã ít thời gian thi đấu thực địa nên cảm giác bóng kém, kĩ năng dứt điểm tệ và khả năng phối hợp với vệ tinh gần như bằng 0 do không thể đáp ứng được kiểu đá tạt cánh - đánh đầu của chân sút ngoại. Tiền vệ của chúng ta thì vốn quen với bài đẩy bóng ra biên để giãn cánh rồi tăng tốc tạt nay bế tắc khi không có phương án dự phòng thay thế nào.

Thực trạng này đặt ra một yêu cầu cấp thiết, để vô địch, vô địch thực sự chứ không còn là những mục tiêu đá đẹp hão huyền, chúng ta buộc phải sử dụng đến ngoại binh trên hàng công. Với hiện tại khó sửa chữa như hiện nay, đó là giải pháp tiên quyết và duy nhất. Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, việc sử dụng một cầu thủ nhập tịch là việc hoàn toàn bình thường. Ba nhà vô địch thế giới gần nhất - Ý, Tây Ban Nha cùng Đức đều bước lên đỉnh vinh quang với sự trợ giúp của những cầu thủ gốc gác nước ngoài. Với Ý là những oriundi như Mauro Camoranesi, Amauri hay Eder. Tây Ban Nha có Diego Costa hay xa hơn vào quá khứ như Alfredo Di Stefano. Đức thì khỏi phải bàn, từng là thành trì của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nay có hơn nửa trong hàng ngũ là cầu thủ ngoại, không ít là những trụ cột như Mesut Ozil, Sami Khedira hay Gerald Asamoah.
Du am U20 Viet Nam va cau chuyen dung cau thu ngoai 1
Phan Văn Santos
Từ khi Luật Quốc tịch mới cho phép các ngoại binh nhập tịch Việt Nam đến nay, đã có khá nhiều cầu thủ thực hiện quá trình pháp lí này, từ gần gũi như Thái Lan, xa xôi như châu Phi hay Nam Mỹ đều đã ghi danh. Vẫn có rất nhiều luồng ý kiến cho rằng, hành động này của các cầu thủ là vì mục đích kinh tế hơn là vì sự gắn bó thật sự với Việt Nam. Sự trung thành của họ với màu cờ sắc áo luôn bị đặt dấu hỏi. Thế nhưng, với những cầu thủ từng được gọi lên tuyển như Kesley Alves, Phan Văn Santos hay Đinh Hoàng Max rồi lại bị ghẻ lạnh thì sao?

Có thể hiểu những quan chức của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) muốn duy trì sự toàn vẹn của đội tuyển, đồng thời nuôi dưỡng những tài năng trẻ nội địa. Tuy nhiên, hiện tại đã chứng minh chính sách đó sẽ không thể đem lại thành công cho nước nhà. Hoàng Anh Tuấn đã xây dựng được bệ phóng, giờ ông cần một đòn bẩy, để đưa đội tuyển đến những nấc thang cao hơn.

HOÀNG BÁCH (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Chelsea FC hay là "Cole Palmer FC"?

Thất bại 0-5 trước Arsenal chỉ là một trong những trận đấu cho thấy Chelsea đang phải sống dựa vào Cole Palmer đến thế nào, sự phụ thuộc này là điều bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy và không thể chối cãi.

X
top-arrow