ĐT Việt Nam và “duyên nợ” với các đội bóng châu Âu

Tác giả Hoài Thuận - Thứ Năm 05/09/2024 10:29(GMT+7)

Từ những trang báo bạc màu, từ màn mình TV đen trắng, châu Âu đã luôn là đỉnh cao, là ước mơ của mọi đứa trẻ trót yêu quả bóng tròn trên thế giới này. Và Việt Nam - nền bóng đá nằm ngoài Top 100 FIFA (hạng 115) vẫn đã đang nung nấu giấc mơ ấy: cho lần đầu tiên ĐTQG giáp mặt đối thủ châu Âu ở một giải đấu chính thức.

 

Và trước cái ngày hãy tin là không xa ấy, hôm nay, nhân dịp chúng ta tiếp tục có cơ hội cọ xát với một tên tuổi lục địa già, hãy nhìn lại những lần “thử chạm vào” trời Âu trong lịch sử.

Từ cú sút dưới chân đồi, đội trưởng Oozora Tsubasa dệt nên giấc mơ tuyệt đẹp mang tên Barcelona. Cũng từ bóng đá học đường, Sakamoto Teppei “quẩy hành lý” đến AC Milan. Hay từ một con phố nhấp nhô nào đó ở Brazil, Argentina hay Uruguay, những con tim khát khao đã vượt đại dương để đến với kinh đô của bóng đá thế giới.

Những câu chuyện đầy cảm hứng đó, cùng tiếng hô xé toạt màn đêm ở các kỳ World Cup, EURO hay sau này là Champions League đã luôn hướng ánh mắt của chúng ta về châu Âu. Lần lượt Lê Công Vinh, Nguyễn Công Phượng, Đoàn Văn Hậu và Nguyễn Quang Hải đã đi theo tiếng gọi đam mê ấy - để dù thất bại, vẫn đặt được những viên gạch đầu tiên và cho chúng ta mường tượng khoảng cách với ước mơ.

“Game khó thì mới đáng chơi”, như lời rapper Blacka, hãy cùng chờ một ngày đại diện tiếp theo của Việt Nam sang học hỏi và cả chinh phục vùng đất tinh hoa, như người Thái hay Indonesia đang làm được. Và tin rằng ngày đó, cũng sẽ không xa viễn cảnh ĐTQG giáp mặt một đối thủ châu Âu ở giải chính thức như đã nói.

Chúng ta cần bước từng đoạn nhỏ, chắt chiu và quyết tâm trên hành trình ấy. Ngày hôm nay là một đoạn như thế khi thủ môn Đặng Văn Lâm khẳng định: “Nga ở đẳng cấp thế giới. Trận đấu sắp tới sẽ trả lời trình độ bóng đá Việt Nam ở đâu”.

 

Dù bị cấm vận từ 2022, Nga hiện vẫn đứng thứ 33 FIFA - hơn Việt Nam 81 bậc. Trong 10 trận gần nhất, đáng chú ý có trận thắng Serbia 4-0, thắng Cameroon 1-0, thắng Iraq 2-0 và hai trận hòa 1-1 trước Qatar và Iran.

Thú vị hơn: Dù kém 10 bậc, ĐT Nga hiện tại vẫn được nhiều chuyên gia đánh giá có sức mạnh không quá kém cạnh ĐT Hàn Quốc - cũng chính là đối thủ mạnh nhất chúng ta từng đánh bại trong lịch sử (vào ngày 19/10/2003, Việt Nam hạng 98 quật ngã Hàn Quốc hạng 39 và vừa vào bán kết World Cup 2002 trên sân nhà; trong khi đó trận thắng đối thủ có thứ bậc cao thứ hai trong lịch sử đội tuyển diễn ra trước UAE - vị trí 67 FIFA ở vòng loại World Cup 2022).

Bởi vậy, việc đối đầu Những chú Gấu từng vào Tứ kết World Cup 2018 - dù vị thế không còn như xưa, là cơ hội tuyệt vời để các thầy trò HLV Kim Sang-sik tích cực luyện quân trước thềm ASEAN Cup.

Và ngoài ra như đã nói, còn bồi đắp thêm dòng chảy ước mơ bóng đá châu Âu vốn được khởi nguồn từ thật nhiều năm trước.

ĐT Nga chững lại vì lệnh cấm vận, nhưng vẫn ở đẳng cấp thế giới
Gần 2 năm không được tham dự giải đấu chính thức nào thuộc FIFA lẫn UEFA khiến ĐT Nga gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển chuyên môn, nhưng họ vẫn duy trì được đẳng cấp thế giới.

Thống kê này sẽ khiến bạn ngạc nhiên: Nếu tính cả các đội tuyển quốc gia và CLB, trong quãng thời gian từ 1991 đến nay, ĐT Việt Nam đã có đến 21 lần chạm trán các đội bóng châu Âu. Và không phải toàn thua, chúng ta thậm chí đã lận lưng 6 chiến thắng, 2 trận hòa bên cạnh 13 thất bại.

Việt Nam khởi đầu hành trình ấy bằng một chiến thắng, với pha lập công duy nhất của huyền thoại Lê Huỳnh Đức vào lưới Estonia ở Cúp Độc Lập năm 1995 trên sân Thống Nhất; trước khi lãnh thất bại đầu tiên với tỷ số sát nút 1-2 trước nhà ĐKVĐ Champions League khi ấy - Juventus trên sân Hàng Đẫy năm 1996. Hôm đó Gianluca Vialli và Pietro Parente đã phá lưới Nguyễn Văn Cường và Nguyễn Văn Phụng; nhưng Võ Hoàng Bửu cũng đáp lễ bằng bàn thắng danh dự trong hiệp hai.

 

Tiếp nối dòng chảy là thất bại 0-4 trước các tiền bối của Edin Dzeko - ĐT Bosnia & Herzegovina năm 1998; thua CLB Guingamp của Pháp 1-2; thua Ajax 0-1; thua hai CLB Mannheim và Karlsruher của Đức cùng tỷ số 2-3; và thua Raon-I’Etape của Pháp cũng 2-3 vào năm 1999. Nhưng cũng trong năm này, chúng ta có trận hòa đáng khen 2-2 trước Nancy của Pháp với hai pha lập công của Văn Sỹ Hùng và đặc biệt là Đặng Phương Nam ở phút 86.

Bước sang thiên niên kỷ mới, chúng ta khởi đầu bằng chiến thắng 4-1 giòn giã trước Saint-Die của Pháp với cú đúp của Nguyễn Tuấn Thành cùng các pha lập công của Nguyễn Việt Thắng và Hoàng Bửu. Dù sau đó lại thua Raon-I’Etape 0-1, chúng ta có chiến thắng 4-1 trước đội Middlesex Wanderers của Anh.

Ngày 12/2/2003 đánh dấu cột mốc quan trọng: Lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay ĐTQG Việt Nam thi đấu một trận trên đất châu Âu. Đó là cuộc giao hữu với ĐT Albania năm 2003 tại Norcia, thị trấn thuộc tỉnh Perugia, Italia. Chúng ta thua 0-5 trận này và cũng là kết quả dễ hiểu khi dù tính chất là đội tuyển và tính điểm FIFA, đội hình Việt Nam ở trận đó chỉ là U23 do HLV Nguyễn Thành Vinh dẫn dắt. Khi ấy, U23 đang tập huấn châu Âu để chuẩn bị cho SEA Games 22 trên sân nhà.

Bước sang năm 2004, chúng ta có tổ chức một giải giao hữu và trong khuôn khổ ấy, ĐT Việt Nam thua Porto B với tỷ số 1-2.

Nhưng cũng là đội hình B, lần này của Barcelona, chúng ta có chiến thắng làm nức lòng người hâm mộ năm 2004 với pha lập công duy nhất của Phan Thanh Bình! Đội tuyển năm đó đã chơi một trận cống hiến với những tên tuổi như thủ môn Bùi Quang Huy, đội trưởng Nguyễn Huy Hoàng, các tiền vệ Thạch Bảo Khanh, Lê Tấn Tài, Phan Văn Tài Em, Lê Hồng Minh và đặc biệt là tiền đạo Phạm Văn Quyến. Cũng trong năm này, chúng ta có trận hòa 0-0 với Slavia Prague của CH Séc.

Năm 2009, đội tuyển của HLV Henrique Calisto đánh bại Olympiacos - với thủ môn từng vô địch EURO 2004 Anotonios Nikopolidis trong đội hình. Đây cũng là trận đấu có sự góp mặt của hai cầu thủ nhập tịch Đinh Hoàng La và Đinh Hoàng Max.

Đinh Hoàng Max và HLV Calisto

Thập kỷ 2010s chứng kiến chỉ 3 lần chúng ta chạm trán các đối thủ châu Âu, nhưng đều là những cái tên đầy chất lượng: Eintrach Frankfurt (thua 0-2), Arsenal (thua 1-7) và Manchester City (thua 1-8). Trong đó, hai trận giao hữu với hai ông lớn của Premier League rõ ràng là sự kiện lớn thúc đẩy sự phát triển của bóng đá nước nhà. Các bàn thắng danh dự của Trần Mạnh Dũng và Nguyễn Văn Quyết đã làm dậy sóng cầu trường và là kỷ niệm khó quên.

Việt Nam vs Man City

Cuối cùng, trong thập kỷ 2020s hiện tại, chúng ta mới có một lần chạm trán đối thủ trời Âu là Borussia Dortmund. Thầy trò HLV Park Hang-seo giành chiến thắng 2-1 bằng các bàn thắng của Nguyễn Tiến Linh và Phạm Tuấn Hải. Chỉ 18 tháng sau, vẫn Bức Tường Vàng của những Mats Hummels, Donyell Malen đã ra sân đối đầu Real Madrid ở Chung kết Champions League.

Tất nhiên, cả 22 trận đấu kể trên của ĐT Việt Nam với các đối thủ châu Âu đều là những cuộc giao hữu hoặc thuộc những giải đấu giao hữu. Tính chất nhẹ nhàng và thân thiện hơn rất nhiều so với các trận chính thức. Dù vậy, mỗi cơ hội cọ xát với họ đều là tích lũy quý giá để hướng về một trận chính thức đầu tiên sau này!

Đặng Văn Lâm 'cảnh báo' tuyển Nga: Người Việt Nam không bao giờ bỏ cuộc
Trước thềm màn so tài giữa ĐT Việt Nam và Nga tối ngày 5/9, thủ thành Đặng Văn Lâm đã có những phát biểu rất đáng chú ý.
Nhận định Việt Nam vs Nga (20h00 ngày 5/9): Bất ngờ có xuất hiện?
Trước một đối thủ đang xếp hạng 33 FIFA như đội tuyển Nga thì có lẽ cơ hội để ĐT Việt Nam của HLV Kim Sang Sik tạo bất ngờ sẽ là không thực sự nhiều.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lịch thi đấu căng như dây đàn, liệu Real có thể tiếp tục nói hai từ "hài lòng"?

Trong những mùa giải gần đây, chúng ta luôn thấy một khả năng xoay sở rất tốt của HLV Carlo Ancelotti với những gì Real Madrid có trong tay. Nhưng ở mùa này, khi cơn bão chấn thương lũ lượt kéo tới, liệu chiến lược gia người Italia có thể tiếp tục nói "chúng tôi hài lòng với đội hình hiện tại"?

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.