ĐT Tây Ban Nha: Hiểm họa từ chuyền nhiều nhưng thiếu hiệu quả

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Ba 06/12/2022 15:06(GMT+7)

Zalo

Đội tuyển Tây Ban Nha được mệnh danh là “Vua chuyền bóng” tại World Cup 2022, với việc thực hiện tới 2.489 đường chuyền chỉ sau 3 trận đấu ở vòng bảng, tức trung bình 830 đường chuyền/trận. Thế nhưng chuyền bóng nhiều để làm gì nếu như điều đó không mang lại tính hiệu quả?

Có nhiều ý kiến cho rằng ĐT Tây Ban Nha đã cố tình thua Nhật Bản để tránh Croatia và quan trọng hơn là tránh nhánh đấu khó với sự góp mặt của Brazil – ứng cử viên số một cho chức vô địch. Thuyết âm mưu ấy không ai dám khẳng định, nhưng một khi bước chân vào vòng knock-out trực tiếp, mọi sai lầm sẽ đều phải trả giá đắt và sẽ càng ít chỗ cho những toan tính. 

Về cơ bản, phong độ của thầy trò Luis Enrique đang có dấu hiệu chững lại. Họ khởi đầu World Cup 2022 bằng trận “thảm sát” Costa Rica với tỉ số 7-0, nhận về cơn mưa lời khen từ người hâm mộ và giới chuyên môn. Tuy nhiên cũng là tập thể ấy để Đức gỡ hòa trong 10 phút cuối trận, để rồi thua trận đầu tiên của giải đấu trước những chiến binh “Samurai xanh”. Tây Ban Nha kết thúc vòng bảng với vị trí thứ 2 chung cuộc với 4 điểm.

ĐT Tây Ban Nha Hiểm họa từ chuyền nhiều nhưng thiếu hiệu quả 1
Dù kiểm soát bóng vượt trội nhưng Tây Ban Nha vẫn thất bại trước Nhật Bản

Nhắc lại trận đấu với Nhật Bản một chút, Tây Ban Nha đã sớm có lợi thế dẫn trước với bàn thắng của Alvaro Morata ngay khi trái bóng vừa lăn được 11 phút. Tuy nhiên, 2 bàn thắng của Ritsu Doan và Ao Tanaka trong hiệp 2 đã đưa Nhật Bản ngược dòng thành công.

Tây Ban Nha đã thua Nhật Bản bất chấp việc họ kiểm soát bóng tới 82% cả trận. Họ cũng thực hiện tới 1058 đường chuyền, cao gấp 5 lần đối thủ (228 đường chuyền), tỉ lệ chuyền bóng chính xác vượt trội (91% so với 67%), đồng thời cũng có số pha dứt điểm nhiều gấp đôi (12 so với 6). Tuy nhiên Tây Ban Nha vẫn trắng tay rời SVĐ Khalifa. Điều này khiến nhiều người liên tưởng đến câu nói nổi tiếng của HLV Jose Mourinho: “Đối thủ cứ đi mà giữ quả bóng, thậm chí họ mang luôn về nhà cũng được. Còn đội bóng của tôi sẽ giữ lại 3 điểm”. 

Trên tờ AS, cây viết kỳ cựu Hector Martinez đã có bài bình luận: “Lại một lần nữa, hàng phòng ngự của Tây Ban Nha rất đáng báo động. Họ thi đấu dưới sức một cách khó hiểu dù có lợi thế dẫn bàn từ sớm”. Hector Martinez tiếp tục thẳng thắn đặt dấu hỏi cho những quyết định của Luis Enrique. Đội trưởng Sergio Busquets có nguy cơ vắng mặt ở trận sau nếu nhận thêm thẻ vàng trong cuộc đối đầu với Nhật Bản. Ngoài ra bộ đôi Gavi và Rodrigo được xếp đá chính dù bị đau nhẹ ở trận gặp Đức trước đó. 

tbn2
Rất nhiều vấn đề cần HLV Luis Enrique giải quyết sau khi Tây Ban Nha vượt qua vòng bảng

Đặc biệt là trường hợp của Rodri khi cầu thủ thuộc biên chế Manchester City tiếp tục được xếp đá trung vệ, trong khi bộ ba trung vệ thực thụ là Aymeric Laporte, Eric Garcia và Hugo Guillamon, làm bạn với băng ghế dự bị. Tài năng trẻ Guillamon thậm chí còn chưa được sử dụng tại kỳ World Cup này. Người chơi thấp nhất ở hệ thống phòng ngự ấy, Unai Simon cũng bị điểm mặt sau đường chuyền sai lầm dẫn đến bàn gỡ hòa 1-1 của Nhật Bản. 

@trenduongpitch.vn Vị trí nào tốt nhất cho Rodri ở tuyển Tây Ban Nha? #bongda #bongda24h #trenduongpitch #bongda24hvn #tdp #thethaomoingay #rodri #sports #footballtiktok #football ♬ nhạc nền - Trên đường Pitch

Sự cứng nhắc thái quá trong quyết định chơi bóng ngắn chính là căn nguyên của vấn đề. Hệ thống phòng ngự của Tây Ban Nha đã bị rối loạn, để rồi sụp đổ trước lối chơi áp sát cực nhanh của đại diện đến từ Châu Á. 

Đã có khoảng thời điểm, Tây Ban Nha bị đẩy xuống vị trí thứ 3, bởi ở cuộc đối đầu cùng giờ giữa Đức – Costa Rica, đại diện Nam Mỹ đã vươn lên dẫn trước 2-1 ở phút 70. Nếu người Đức không nỗ lực ngược dòng, các cầu thủ Tây Ban Nha đã phải mua vé máy bay về nước sớm. 

Chia sẻ sau trận đấu, HLV Luis Enrique nói rằng bản thân ông không hề biết về “hiểm họa” đó. Điều này phần nào cho thấy sự khó lường của giải đấu năm nay. Về phần mình, vị chiến lược gia 52 tuổi đã lên tiếng cảnh báo các học trò cần rút ra bài học xương máu, nhanh chóng lấy lại tinh thần cho trận đấu sinh tử trước mắt với Morocco. 

Chứng kiến cách Nhật Bản đánh bại Tây Ban Nha, chắc chắn HLV Walid Regragui của Morocco sẽ học hỏi được nhiều điều để áp dụng cho trận đấu vào đêm nay, khi mà đối thủ của Morocco là bậc thầy về kiểm soát bóng. Nhưng từ trước đến nay, lối chơi pressing tầm cao vốn dĩ là khắc tinh của Tiki-Taka. Thành công của Nhật Bản là điều mà chúng ta không thể phủ nhận.

Ngoài ra, sự yếu kém trong các phương án dứt điểm cũng có thể khiến Tây Ban Nha phải trả giá đắt. Cảm giác hân hoan sau trận đấu với Costa Rica nhanh chóng bị dập tắt ở hai trận đấu tiếp theo của vòng bảng khi các chân sút xứ sở đấu bò liên tục “mất tích”, ngoại trừ Morata. Thực tế cho thấy, Morata cũng là “số 9” thực thụ duy nhất của La Roja trên đất Qatar. Khoảng thời gian 30 phút cuối trận đấu với Nhật Bản, khi Tây Ban Nha cần thêm bàn thắng cho thấy vị trí trung phong cắm quan trọng như thế nào. Không có Morata ở trên sân, HLV Luis Enrique thiếu đi “điểm nổ” cần thiết, thứ mà lần lượt những Marco Asensio, Ferran Torres, Dani Olmo, đang không làm tốt.

ĐT Tây Ban Nha Hiểm họa từ chuyền nhiều nhưng thiếu hiệu quả 2
Hàng công của Tây Ban Nha đang phụ thuộc rất nhiều vào Alvaro Morata.

 

Trước Morocco, nhiều khả năng Morata sẽ xuất trận ngay từ đầu, đồng thời Tây Ban Nha vẫn sẽ vẫn cố gắng áp đảo bằng khả năng kiểm soát bóng thường thấy. Nhưng nếu chỉ ru ngủ đối phương bằng các đường chuyền qua lại, thầy trò Luis Enrique có thể nhận lại những cú hồi mã thương. Đừng quên trong đội hình của đại diện đến từ Bắc Phi sở hữu không ít những cầu thủ tốc độ, giàu tính đột biến trong lối chơi như Achraf Hakimi, Hakim Ziyech, Youssef En-Nesyri và cả Sofiane Boufal nữa.

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Chelsea FC hay là "Cole Palmer FC"?

Thất bại 0-5 trước Arsenal chỉ là một trong những trận đấu cho thấy Chelsea đang phải sống dựa vào Cole Palmer đến thế nào, sự phụ thuộc này là điều bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy và không thể chối cãi.

X
top-arrow