Trong tất cả những quốc gia hàng đầu về bóng đá, Hà Lan có lẽ là nơi có mô hình phức tạp nhất về mối quan hệ quyền lực giữa huấn luyện viên và cầu thủ.
Ví dụ điển hình là tại World Cup 1990 cũng như các kì Euro 1996 và 2012, khuynh hướng chia bè kết phái và tranh cãi về mọi thứ từ chiến thuật cho tới tiền bạc đã trở thành một nọc độc.
Trong cuốn tự truyện “Sự tĩnh lặng và tốc độ”, huyền thoại Dennis Bergkamp kể lại kỳ Euro 1996 của đội tuyển Hà Lan đã bị hủy hoại ra sao bởi tình trạng chia rẽ trong nội bộ.
***
Sau World Cup 1994, giải đấu mà Hà Lan dừng bước ở tứ kết trước Brazil, HLV Dick Advocaat chấp nhận một lời đề nghị béo bở từ PSV và Guus Hiddink - nổi tiếng với chức vô địch C1 năm 1988 cùng PSV - trở thành huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Hà Lan.
Và con đường lọt vào vòng chung kết Euro tiếp theo được tổ chức ở Anh là không dễ dàng. Đến trước khi giải đấu khởi tranh, Dennis Bergkamp bắt đầu cảm thấy sự căng thẳng trong đội hình.
“Tôi là một thành viên của hội đồng cầu thủ và ngày càng nhiều cầu thủ da đen muốn gia nhập. Đầu tiên tôi nghĩ: ‘Tốt, hãy đến đây’. Nhưng khi thành viên hội đồng càng nhiều hơn thì tôi đã phải đắn đo. Tại sao lại nhiều người đột nhiên muốn gia nhập như vậy? Điều đó nói cho tôi biết mức độ tin tưởng của họ vào hội đồng ấy như thế nào: Họ không tin ai hết”.
Trong khi đó, Bergkamp nhận thấy rằng các cầu thủ da đen đang tự tách mình thành những nhóm nhỏ khác nhau. Trong bữa ăn, họ có thói quen ngồi thành những bàn riêng. Món ăn Suriname được phục vụ bàn này, món truyền thống Hà Lan phục vụ bàn khác. Một lần, Clarence Seedorf đến ăn trưa muộn và Danny Blind - thời điểm đó là đội trưởng - đã lên tiếng khiển trách: “1:30 là 1:30”. Clarence lập tức phản pháo: “Tôi sẽ đến ngồi vào bàn khi nó phù hợp với tôi”. Sự căng thẳng dường như liên quan đến mâu thuẫn nội bộ giữa hai bên ở Ajax và Hiddink đã không can thiệp.
Xét về mặt chất lượng, đội hình Hà Lan lúc đó vô cùng chất lượng. Thế hệ 1994 mới nổi giờ đây đã có thêm sự tham gia của những cầu thủ trẻ tài năng như Patrick Kluivert và Seedorf - những người đóng vai trò lớn vào chức vô địch Champions League 1995. Ajax cũng lọt vào trận chung kết năm 1996 (nhưng đã thua trên chấm luân lưu trước Juventus). Vào tháng 12 năm 1995, sau một chiến dịch vòng loại kém cỏi, Hà Lan đã vượt qua Ireland trong trận play-off.
Dù vậy một số cây viết vẫn coi đội tuyển Hà Lan như ứng cử viên vô địch. Dennis Bergkamp cũng tỏ ra lạc quan: “Đó là một khoảng thời gian khó khăn với tôi. Sau World Cup, chúng tôi mất một thời gian dài để xem xét lại chính bản thân mình. Nhiều thứ đã xảy ra với tôi và đội tuyển Hà Lan nơi một thế hệ mới đang dần thay thế. Patrick Kluivert là một ngôi sao đang lên và sau thời gian ở Inter, tôi muốn khám phá lại niềm vui chơi bóng của mình.
|
Một bữa ăn của các cầu thủ đội tuyển Hà Lan tại Euro 1996. Ảnh: Guus Dubbelman/Hollandse Hoogte |
Đã có thời điểm tôi nghi ngờ bản thân mình và tự hỏi điều gì có thể xảy ra với bản thân khi Kluivert xuất hiện. Nhưng trận play-off trước Ireland diễn ra rất tốt và thi đấu sau Patrick khiến tôi cảm thấy như là một tiền đạo ẩn giống như tôi từng đá phía sau Van Basten. Tuyệt vời! Tôi đã sẵn sàng cho Euro. Chúng tôi có một đội bóng trẻ, chủ yếu là những gương mặt mới, nhưng với sự có mặt của một vài chàng trai đến từ Ajax đã đá hai trận chung kết Champions League, tôi nghĩ: ‘Điều này có thể mang lại hiệu quả’”.
Trận đấu đầu tiên ở vòng bảng, trận hòa 0-0 trước Scotland, không mấy ấn tượng nhưng vẫn chưa có gì phải mất bình tĩnh. Chỉ khi trận đấu thứ hai diễn ra (chiến thắng 2-0 trước Thụy Sĩ), mọi chuyện bắt đầu sáng tỏ.
Bergkamp và Jordi Cruyff (con trai Johan Cruyff) đã ghi bàn cho Hà Lan nhưng lùm xùm thực sự đến từ băng ghế dự bị. Trận đấu mới chỉ diễn ra đến phút 26 nhưng Hiddink đã rút Seedorf - trước đó đã phải nhận thẻ vàng ở phút 12 và vừa thoát khỏi việc phải nhận tấm thẻ vàng thứ hai - ra khỏi sân. Với Hiddink, đó là cách để giữ quân khi cầu thủ của ông có khả năng cao sẽ bị đuổi khỏi sân.
Tuy nhiên, Seedorf lại coi đó như một sự xúc phạm và anh dành hầu hết khoảng thời gian còn lại của trận đấu để phàn nàn với Edgar Davids - người cũng rất tức giận vì bị gạt ra ngoài. Tối hôm đó, Davids đã gặp một nhà báo nước ngoài và nói “Hiddink nên dừng trò rúc đầu vào mông các cầu thủ đi”. Davids khẳng định chắc nịch rằng Hiddink thích sử dụng những cầu thủ da trắng như Danny Blind và anh em nhà De Boer hơn và có sự phân biệt đối xử với những cầu thủ da đen.
Lời nhận xét của Davids gây xôn xao và Hiddink yêu cầu anh lên phòng nói chuyện. Khi Davids từ chối xin lỗi, Hiddink đã rất giận dữ và đuổi anh ra khỏi đội. Hiddink sau đó triệu tập một cuộc họp đội trong khách sạn, ông cho biết mình nhận thấy có những sự căng thẳng giữa các cầu thủ và bảo họ tự giải quyết vấn đề. “Tự giải quyết với nhau đi”, chiến lược gia Hà Lan nói trước khi rời đi.
Điều tồi tệ đã xảy ra. Seedorf - người đại diện cho phe các cầu thủ Suriname gồm Davids, Patrick Kluivert và Michael Reiziger - đã chỉ trích các cầu thủ da trắng từ Ajax đồng thời khẳng định Danny Blind và Ronald de Boer tạo quá nhiều ảnh hưởng lên các quyết định của Hiddink. Seedorf (thời điểm đó mới 20 tuổi) cũng tiết lộ lý do anh rời Ajax đến Sampdoria một năm trước đó là vì anh không được đảm bảo vị trí tiền vệ cánh phải mà Louis van Gaal đã hứa với mình. Thay vào đó vị trí ấy thuộc về Ronald de Boer và Seedorf khẳng định anh em nhà De Boer không chỉ chi phối ở Ajax mà còn tại đội tuyển quốc gia.
|
Edgar Davids trong cuộc chạm trán Thụy Sĩ. Ảnh: Getty Images |
Michael Reiziger ủng hộ những cáo buộc của Seedorf. Anh cũng cho biết những cầu thủ da đen ở Ajax bị đối xử như đàn em, cầu thủ học việc ở đội trẻ. Anh đưa ra chi tiết trong những bản hợp đồng để làm chứng. Anh tiết lộ trong sự phẫn nộ rằng Danny Blind đang hưởng lương gấp sáu lần Patrick Kluivert.
Dennis Bergkamp nhớ lại: “Tôi không thể tin những gì đang diễn ra! Nó nổ ra và diễn biến thực sự căng thẳng. Trong đội lúc đó có ba nhóm: một nhóm bao gồm Seedorf, Kluivert, Reiziger và [Winston] Bogarde chống lại Blind và anh em De Boer trong khi nhóm thứ ba (nhóm lớn nhất) mà tôi ở trong đó chỉ biết ngồi xem và há hốc mồm”.
Mặc dù phe Suriname cho rằng cấu trúc lương ở Ajax thể hiện sự phân biệt chủng tộc thì Bergkamp khẳng định những vấn đề về chủng tộc là hoàn toàn không liên quan. Như thông lệ, điều được tính tới ở Ajax là thâm niên. Vì Blind đã 35 tuổi và là đội trưởng câu lạc bộ, rõ ràng Blind sẽ phải được trả lương cao hơn Kluivert 20 tuổi - người chơi cho đội một chưa đầy hai năm. Phe Suriname tranh luận rằng vì thành công tại Champions League phần lớn là nhờ họ nên họ phải được nhận phần thưởng xứng đáng. Với những cầu thủ da đen, điều quan trọng là “sự tôn trọng”. Và Hiddink bị cáo buộc không tôn trọng họ vì không xếp họ trong đội hình xuất phát.
Còn với phần còn lại của đội bóng, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: “Chuyện quái quỷ gì khiến một cuộc đấu đá nội bộ vô nghĩa giữa các cầu thủ Ajax làm ảnh hưởng đến chúng ta?”
Dennis Bergkamp hồi tưởng: “Một sự thất vọng rất lớn bao trùm lên không khí của cả đội. Tất cả những vẫn đề lớn nhỏ được hình thành bởi những thứ họ mang theo từ Ajax. Việc mâu thuẫn leo thang là điều hết sức bất ngờ. Hoặc có lẽ nó không phải điều tình cờ và Van Gaal đã che giấu nó”.
|
Mâu thuẫn nội bộ khiến một đội hình chất lượng của Hà Lan trở nên vô hại. Ảnh: Getty Images |
Những người theo phe trung lập cố gắng giữ bình tĩnh và ổn định tình hình, Bergkamp và Arthur Numan của PSV thuyết phục một cuộc “đình chiến” giữa hai bên. Song, sự can thiệp quan trọng nhất đến từ nơi ít ngờ đến nhất: Jordi Cruyff, tiền đạo cánh của Barcelona, người đang chơi giải đấu duy nhất của mình cho Hà Lan. “Tôi là một người ngoài cuộc ở đây và tôi không biết rõ về các anh”, con trai Johan Cruyff nói trong cuộc họp đội. “Nhưng tôi biết rằng chúng ta ở đây vì những thứ chắc chắn quan trọng hơn mối bất đồng của các anh. Chúng ta ở đây vì một giải đấu lớn, chúng ta ở đây để thi đấu ở Euro. Hãy thi đấu và gạt những mối bất hòa sang một bên”.
Bergkamp rất ấn tượng với những lời đó, và những người khác cũng vậy. Các phe phái không thể giải quyết tranh chấp của mình nhưng sau những phát biểu của Jordi Cruyff, họ đã đồng ý thi đấu cùng nhau.
“Jordi là một người mới”, Dennis Bergkamp nói. “Tôi nghĩ trong đội, cậu ấy là một người tốt. Chúng tôi ở cùng một phòng và trở thành những người bạn tốt ngay lập tức. Chúng tôi giống nhau, có sự nghiêm túc cùng khiếu hài hước pha chút châm biếm khi nói: ‘Các anh nghĩ các anh là ai?’ Khi tôi đùa cợt, Jordi ngay lập tức trở lại là mình. Tôi nghĩ cậu ấy là một chàng trai tuyệt vời”.
Dennis chế giễu những tin đồn cho rằng Jordi là số một trong đội vì có cha là người chỉ đạo từ đằng sau Hiddink. “Suy nghĩ đó thật lố bịch. Như thể là Hiddink sợ Cruyff bởi điều gì đó vậy! Guus và Johan có mối quan hệ tốt. Không, Jordi đá tốt. Cậu ấy thường đá tiền đạo cánh ở Barcelona và Overmars bị chấn thương nên đó là một sự lựa chọn hợp lý”.
Liệu lúc này mọi chuyện đã ổn chưa? Không hẳn. Tinh thần đồng đội của Hà Lan đã bị sứt mẻ và trận đấu cuối cùng vòng bảng của họ là cuộc đối đầu trên sân Wembley với một đội tuyển Anh đang rất hứng phấn sau khi vừa đánh bại Scotland. Đội chủ nhà không chỉ tràn đầy niềm tự hào yêu nước mà họ cũng mang những mối thù của năm 1988 và 1993 cần phải trả Hà Lan.
Hơn nữa, họ có Terry Venables - một huấn luyện viên đã có ý tưởng rõ ràng để triệt tiêu chiến thuật của Hà Lan. Những gì diễn ra sau đó là một trong những nỗi xấu hổ lớn nhất của bóng đá Hà Lan - và một trong những đêm tuyệt vời nhất của người Anh trong thập kỷ ấy. Tỉ số chung cuộc là 4-1 nghiêng về chủ nhà. Khi người Anh tấn công bằng sự tập trung và chiến thuật tinh vi, Hà Lan bị sụp đổ.
Anh cũng có hai bàn thắng hết sức tuyệt vời. Bàn thứ hai của Alan Shearer (và là thứ ba của tuyển Anh) là kết quả màn phối hợp từ pha đi bóng của Paul Gascoigne và một cú chuyền bóng tinh tế của Teddy Sheringham. Hà Lan có bàn thắng an ủi sau đó từ một pha kiến tạo đáng chú ý hơn của Bergkamp, anh khống chế một đường bóng rất nhanh từ Seedorf trước khi tung một đường chuyền có đường cong parabol cho Kluivert ghi bàn qua hai chân của Seaman.
Điều bất ngờ, bàn thắng ấy là đủ để đưa Hà Lan lọt vào vòng tứ kết đối đầu với người Pháp. Trên sân Anfield, Dennis phải rời sân trong hiệp hai vì chấn thương và chứng kiến Hà Lan thất bại trên chấm luân lưu. Ít nhất, cuối thất bại trên sân Wembley, anh đã có thể thể hiện phẩm chất, thực hiện pha kiến tạo ma thuật, có lẽ là một trong những đường kiến tạo xuất sắc nhất của anh, rồi sau đó đổi áo với Tony Adams.
Adams nhớ lại: “Tôi đã đối đầu qua ba thế hệ của Hà Lan, Van Basten cùng thời với tôi. Tôi muốn có cơ hội ‘trả thù’ anh ấy nhưng anh ấy đã giải nghệ trong sự tiếc nuối. Vì thế khi chúng tôi đánh bại đội bóng của Dennis năm 1996, cảm giác như thể: ‘Tôi đã trả thù nhầm người’.
Tôi biết Hà Lan trong cơn hỗn loạn nhưng chúng tôi không có gì phải thiếu tự tin về thắng lợi của mình cả. Tôi nghĩ chúng tôi chơi một thứ bóng đá xuất sắc và Teddy Sheringham là một số 10 tuyệt vời. Bạn biết đấy, tôi là một người Anh và đôi khi chúng tôi không đủ để đặt mình là một ứng cử viên. Tôi là một người yêu nước. Tôi yêu quý Dennis và tôi nghĩ cậu ấy là một siêu cầu thủ nhưng tôi cũng đá cùng với Teddy Sheringham, người có tài năng kinh khủng ở cùng vị trí”.
Tuy nhiên, Hiddink tin rằng thảm họa xảy ra không phải do năng lực của tuyển Anh mà bởi tinh thần chiến đấu của Hà Lan. Ông đã xin các cầu thủ của mình hãy suy nghĩ một cách thấu đáo: “Hãy suy nghĩ về đặc quyền khi các cậu có thể trình diễn trên sân khấu này. Gạt mọi thứ sang một bên vì điều đó đi”. Nhưng trước đội tuyển Anh, nhiều cầu thủ vẫn hoàn toàn chỉ nghĩ về mâu thuẫn với nhau.
“Tôi cảm thấy tôi đang ở trên một chuyến tàu chạy trốn mà tôi không thể dừng lại khi chúng tôi đi qua mỗi nhà ga”. Mặc dù vậy, cũng có điều may từ toàn bộ những thứ lùm xùm diễn ra trong suốt giải đấu là giờ đây Hiddink có thể hoàn toàn thoải mái để xóa bỏ những thứ không cần thiết và tạo ra một khởi đầu tươi mới.
Dennis lại nhìn theo một cách khác: “Tôi đã thực sự chán nản. Khi vấn đề nổ ra, tôi biết ngay rằng chúng tôi không có hy vọng vô địch rồi. Tôi nghĩ: không còn hy vọng, đó là điều không thể. Đó là một giải đấu khủng khiếp. Mọi người dường như giảm bớt những căng thẳng sau cuộc họp đội nhưng sự thiếu tin tưởng thì đã lan quá sâu. Cuộc họp diễn ra quá muộn. Nếu toàn bộ vấn đề diễn ra trước giải đấu, chúng tôi có lẽ đã có thể giải quyết gọn gàng và tìm được nhịp điệu của mình. Nhưng nó không còn khả thi nữa”.
Một trong những khoảnh khắc lóe sáng hiếm hoi của Hà Lan là pha kiến tạo của Bergkamp cho Kluivert ghi bàn.
“Cách tôi thực hiện pha kiến tạo đã trở thành điển hình trong phong cách chơi của tôi ở Arsenal. Tình huống đó có ý nghĩa rất lớn với tôi. Sau thời kì ở Inter, tôi dường như đã lạc lối và ở Arsenal, tôi đã tìm lại được tình yêu với bóng đá. Nhưng nó rõ ràng không phải những gì mà từ vị trí của mình, tôi làm ngay lập tức. Tôi ghi bàn nhưng cũng kiến tạo. Chậm mà chắc, tôi đang kiến tạo nhiều hơn ghi bàn. Bàn thắng của Patrick đã khẳng định rằng tôi cũng đang phát triển như vậy ở đội tuyển quốc gia”.
Tuy nhiên, những sự tiêu cực lại lấn át khoảnh khắc xuất sắc ấy: “Đó là giải đấu thứ ba của tôi và tôi nghĩ: ‘Điều gì đang xảy ra thế này, và giải đấu cuối cùng của tôi lại bị hủy hoại bởi những hành vi ích kỷ, thiếu chuyên nghiệp vậy sao?’ Thật khủng khiếp”.
Lược dịch từ cuốn tự truyện "Stillness and Speed: My Story" của Dennis Bergkamp