Sự trở lại của Toni Kroos đã mang đến cho Die Mannschaft một “cỗ máy đếm nhịp” hoàn hảo tại kỳ EURO lần này. Tuy nhiên, tập thể của HLV Julian Nagelsmann dường như vẫn đang khá bất định trong việc lựa chọn cho mình một lối chơi xuyên suốt với những mâu thuẫn giữa “chất Đức” truyền thống và phong cách gegen-pressing hiện đại.
Trận hòa 1-1 trước Thụy Sỹ cách đây vài ngày đã phơi bày không ít điểm yếu của ĐT Đức, đặc biệt là ở khâu phòng ngự. Trong bối cảnh cặp trung vệ số một Antonio Rudiger và Jonathan Tah có nguy cơ vắng mặt tại vòng 1/16, những người hâm mộ nước chủ nhà lại càng trở nên lo lắng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đây cũng chưa phải vấn đề đáng ngại duy nhất bởi lối chơi của thầy trò Nagelsmann cho đến thời điểm này vẫn chưa thực sự được vận hành một cách hiệu quả.
Trên thực tế, nhà cầm quân sinh năm 1987 đã chủ động xây dựng đội tuyển dựa trên mô hình và những ý tưởng tại CLB cũ Leipzig. Theo đó, Đức với những hạt nhân mới nổi là Jamal Musiala, Florian Wirtz hay Kai Havertz có vẻ như đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng kể từ thời Joachim Loew, với một thứ bóng đá giàu tính trực diện và đột biến hơn. Thế nhưng, trong suốt chiều dài lịch sử, ngay cả khi giành chức vô địch World Cup 2014, người ta vẫn luôn đặt câu hỏi rằng “chất Đức” thực sự có vai trò ra sao đối với ĐTQG nước này.
10 năm trước, người Đức từng đăng quang ngai vàng thế giới bằng một lối chơi tấn công phóng khoáng, đẹp mắt, là di sản của một quá trình đổi thay với không ít cay đắng, mất mát. Để rồi sau đó, chính thứ bóng đá quyến rũ này cũng trở thành chướng ngại vật khiến Die Mannschaft dần rơi vào khủng hoảng và liên tục lạc bước tại những giải đấu lớn tiếp theo. Ở một góc độ nào đó, Đức chưa bao giờ tìm thấy điểm chung với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Pháp về phong cách chơi bóng. Giống như người Italia đặc trưng với bản sắc phòng ngự thì ĐT Đức chỉ thực sự đáng sợ nhờ vào tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ của một tập thể nhiều “máu và sắt”.
Toni Kroos đã xuất hiện và đóng góp cho đội quân của Nagelsmann những giá trị nhất định, ở khâu cầm nhịp và triển khai bóng, thế nhưng tại EURO, người Đức vẫn cần nhiều hơn những miếng đánh đa dạng, những bài vở không tuân theo quy luật thông thường. Ngôi sao đang khoác áo Real Madrid đâu đó có thể làm rất tốt vai trò của một chuyên gia cầm bóng giữa sân, giúp Die Mannschaft tìm được độ tĩnh trước những đối thủ gây áp lực toàn diện. Tuy nhiên, khi đội bóng cần gia tăng tính đột biến thì rõ ràng Nagelsmann vẫn chưa thể tìm thấy cho mình thêm nhiều phương án hiệu quả.
Với những cầu thủ sở hữu khả năng tấn công vào khoảng trống xuất sắc như Musiala, Wirtz, Gundogan, người Đức gần như đã xác định cách tiếp cận khung thành đối phương thông qua các tình huống phối hợp nhỏ, cơ động và linh hoạt. Mặc dù vậy, việc Havertz không thể chơi như một trung phong truyền thống rõ ràng cũng phần nào hạn chế đi khả năng gây sức ép của hàng công Die Mannschaft rất nhiều. Đây chính là lý do Niclas Fullkrug được triệu tập tham dự giải đấu lần này, tuy nhiên trong mắt HLV Nagelsmann, anh này vẫn chỉ là một phương án dự phòng.
Fullkrug ăn mừng bàn thắng phút 92
|
Trước vòng knock-out sắp tới với đối thủ đầu tiên là ĐT Đan Mạch, nhiều ý kiến chuyên môn lo ngại rằng nếu như đại diện Bắc Âu chủ động phòng ngự hoặc áp sát bằng các tình huống pressing mạnh mẽ thì người Đức sẽ xử lý ra sao? Khi mà lối chơi tấn công dựa trên nền tảng kỹ thuật của các cầu thủ trẻ dường như vẫn chưa đạt được sự nhuần nhuyễn nhất định. Cộng thêm việc phải đánh đổi “chất thép” truyền thống trong đội hình để tìm kiếm sự tự do, sáng tạo cho những nhân tố trên hàng công cũng là một “con dao hai lưỡi” có thể khiến Die Manschaft phải trả giá. Cần phải nhớ rằng, Kroos chưa bao giờ được đánh giá cao trong khả năng bọc lót hay phòng ngự và Robert Andrich cũng chỉ là chân dự bị trong đội hình vô địch của Bayer Leverkusen ở mùa giải vừa rồi.
Người Đức không có bản năng tấn công như người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay người Pháp. Tập thể mà Nagelsmann sử dụng tại kỳ EURO lần này cũng không hề ranh mãnh, lọc lõi và lì lợm giống như những bậc tiền bối trong quá khứ. Trên một khía cạnh khác, Đức có thể trở nên tự do hơn và có đầy đủ những nguồn năng lượng cần thiết để triển khai một thứ bóng đá pressing mới mẻ, hiện đại. Thế nhưng, nếu muốn chinh phục đỉnh cao nhất, chắc chắn Die Mannschaft phải biết cách khơi gợi lại “chất Đức” truyền thống của mình, ít nhất là ở một vài thời điểm quan trọng. Bài toán làm sao để cân bằng một cách hài hòa giữa “tĩnh và động”, sẽ cần được Julian Nagelsmann tìm ra câu trả lời trong thời gian sớm nhất.