ĐT Croatia: Dấu chấm hết cho kỷ nguyên các huyền thoại sống

Tác giả Nam Khánh - Thứ Sáu 28/06/2024 14:08(GMT+7)

Zlatko Dalic rươm rướm nước mắt, tuy đã cố nhưng ông vẫn chẳng thể kìm nén cảm xúc trước giới truyền thông vào buổi sáng sau trận hòa với Italy.

 

Khi ấy, trên lý thuyết thì số phận của ĐTQG Croatia tại Euro 2024 vẫn chưa kết thúc – nó sẽ được định đoạt vào vài tiếng sau đó, khi trận hòa giữa Slovenia và Anh khiến cho họ chẳng thể kết thúc vòng bảng với tư cách một trong các đội đứng thứ ba có thành tích tốt nhất – nhưng vị HLV trưởng của họ biết rằng cái kết đã đến rất gần rồi, không chỉ là cuộc hành trình tại giải đấu này, mà còn là một thế hệ cầu thủ vĩ đại và thậm chí có thể là chính mối duyên của ông với đội tuyển Croatia.

Croatia là một trong những đội bóng được cổ vũ rầm rộ, mạnh mẽ nhất tại Đức. Hàng chục nghìn người hâm mộ đã đến Berlin; họ náo nhiệt, đầy màu sắc và ồn ào. Đúng là trước đây họ vốn đã luôn có mặt ở các giải đấu lớn, nhưng thường không tụ tập với quy mô lớn – hiểu đại khái, nếu so với các cổ động viên Italy thì tỷ lệ sẽ là 4:1.

“Điều này có nghĩa là đội tuyển quốc gia đã trở thành một phong trào lớn,” Dalic chia sẻ với sự xúc động vào tối thứ Ba.

“Giờ đây nó đã là một tôn giáo, một biểu tượng của dân tộc này. Tôi muốn họ luôn sát cánh bên nhau và dõi theo đội bóng này, yêu quý nó cả khi thua lẫn khi thắng.”

Những màn trình diễn cực ấn tượng của Croatia trong 2 kỳ World Cup gần nhất – tiến vào trận chung kết vào năm 2018 và vòng bán kết vào năm 2022 – cộng với thành tích lọt vào trận chung kết Nations League vào năm ngoái (cuối cùng để thua Tây Ban Nha sau loạt sút luân lưu), đã tăng sự ủng hộ mà họ nhận được lên gấp 10.

Tuy nhiên, có một thực tế đau lòng đang tồn tại là những gương mặt nòng cốt của đội tuyển này – một thế hệ vàng đáng tự hào – giờ đây đã quá già nua. Luka Modric đã 38 tuổi, và các cộng sự của anh ở trung tuyến là Marcelo Brozovic (31 tuổi) và Mateo Kovacic (30 tuổi) đều đã từ 30 tuổi trở lên – bộ ba này đã có tổng cộng 381 lần ra sân cho ĐTQG Croatia. Trên hàng công, Ivan Perisic đã 35 tuổi, Andrej Kramaric đã 33, còn Ante Budimir thì 32. Trong khi đó, Dalic đã nắm quyền HLV trưởng được 7 năm.

 

Sau khi bị loại một cách đau đớn khỏi Euro 2024, do bị rớt xuống vị trí thứ 3 tại bảng B vì để Italy ghi bàn gỡ hòa vào cuối trận, phải chăng đây chính là dấu chấm hết đối với một kỷ nguyên đáng tự hào của một trong những đội bóng xuất sắc nhất bóng đá châu Âu thập kỷ qua?

***

Tương tự như Gareth Southgate của đội tuyển Anh, sự cải thiện đáng kể về mặt kết quả của Croatia từ năm 2018 trở đi đã không thể giúp vị HLV trưởng của họ tránh khỏi những lời chỉ trích nặng nề ở quê nhà sau màn trình diễn nghèo nàn tại kỳ Euro này.

Công bằng mà nói, sẽ là quá khắc nghiệt nếu chúng ta gọi chiến dịch này của Croatia là một thảm hoạ – nếu các trận đấu với Albania và Italy kết thúc ở phút 94 và 97, Croatia sẽ giành được 6 điểm thay vì chỉ là 2 và đạt đủ điều kiện để tiến vào vòng đấu tiếp theo của Euro 2024.

Nhưng khi nhìn lại các tiêu chuẩn cao vời vợi mà đội tuyển quốc gia này đã tự đặt ra tại 2 kỳ World Cup gần nhất, không có gì khó hiểu khi cái cách mà họ thể hiện tại Đức đã khiến cho những người yêu mến đội bóng này vô cùng thất vọng, thậm chí là tức giận và làm dấy lên những lời chỉ trích gay gắt về các sai lầm, bất ổn đã dẫn tới kết cục này. Đây chính là màn trình diễn tệ nhất của Croatia tại một giải đấu lớn kể từ World Cup 2014, cái năm mà thất bại 1-3 trước Mexico khiến họ phải dừng bước tại vòng bảng.

“Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về thất bại này,” Dalic thừa nhận, đồng thời từ chối nói về tương lai của ông.

Tuy đúng là Dalic chẳng phải là thần thánh gì để có thể ngăn cản quá trình lão hoá của Modric và các cộng sự, nhưng ông thực sự đáng trách khi thiếu đi kế hoạch về một thế hệ kế nhiệm cho dàn nhân sự nòng cốt nay đã trở thành các lão tướng già nua của ĐTQG Croatia.

 

Chiến thắng 2-1 trước Bồ Đào Nha trên sân khách trong quá trình “khởi động” trước giải đấu chẳng khác nào một viên đạn bọc đường tai hại khiến cho Dalic, hay thậm chí là người hâm mộ ĐTQG Croatia và giới truyền thông ở quê nhà, chẳng thể nhận ra rằng đội bóng này đang rất cần một làn gió mới. Thật vậy, trận thắng này đã nâng cao những kỳ vọng hướng về đội tuyển Crotia và củng cố cái niềm tin nửa vời rằng thế hệ vàng già cỗi của họ vẫn đủ khả năng tạo nên một câu chuyện hùng tráng cuối cùng.

Trong trận đấu khởi đầu chiến dịch Euro 2024 với đối thủ Tây Ban Nha, Dalic đã đưa ra sân một đội hình xuất trận y hệt như trong trận thắng Bồ Đào Nha, dường như ông đã không tính đến một tình tiết quan trọng là trong trận đấu đó đội hình của Bồ Đào Nha đã không có sự góp mặt của nhiều cầu thủ chủ chốt, bao gồm Cristiano Ronaldo, Pepe, Joao Cancelo và Rafael Leao. Trên hết, đó chỉ đơn thuần là một trận giao hữu vô thưởng vô phạt. “Sau màn trình diễn tuyệt vời trước Bồ Đào Nha, tôi sẽ rất ngu ngốc nếu thay đổi bất cứ điều gì,” Dalic từng nhấn mạnh.

Trong số những lão tướng mà vị HLV này luôn tuyệt đối tin tưởng – và sau những thành công vô tiền khoáng hậu mà họ đã mang tới cho Croatia, thật sự là rất khó để loại bỏ họ (“chừng nào tôi còn sống, tôi sẽ luôn biết ơn họ,” ông từng nói vậy ở Đức) – Brozovic chính là người bị chỉ trích nhiều nhất, vì những màn thể hiện của anh làm hầu hết mọi người đều cảm thấy rằng 1 năm chơi bóng ở Saudi Arabia cùng Ronaldo cho Al Nassr đã khiến anh chẳng còn đáp ứng nổi cường độ thi đấu được yêu cầu tại vị trí tiền vệ phòng ngự trên sân chơi đỉnh cao.

Trong khi có những cầu thủ như hậu vệ trái 26 tuổi Borna Sosa của Ajax phải làm một kẻ bên lề chẳng được đoái hoài trong đội và mòn mỏi chờ đợi cơ hội, thì lão tướng Perisic lại được đá chính trong trận đấu với Albania và nhìn chung là đã có một màn trình diễn đúng chất một cầu thủ 35 tuổi đã dính phải một chấn thương dây chằng chéo trước dai dẳng vào mùa giải trước. Ngôi sao 29 tuổi Mario Pasalic của Atalanta cũng chẳng được sử dụng nhiều.

 

Tài năng trẻ 21 tuổi Martin Baturina của Dinamo Zagreb, một chàng trai được xem là tương lai của nền bóng đá Croatia và đồng thời là “Luka Modric mới”, chỉ được chơi vỏn vẹn 5 phút trong xuyên suốt giải đấu. Luka Sucic, một tiền vệ hoạt bát, tràn đầy năng lượng thuộc biên chế Red Bull Salzburg, cũng 21 tuổi, phải đến tận trận đấu với Italy mới được đá chính và đã trở thành một trong những điểm sáng của Croatia vào ngày hôm đó.

Lovro Zvonarek, một tiền vệ tấn công 19 tuổi được đánh giá rất cao và hiện đang khoác áo Bayern Munich, thậm chí vẫn chưa được triệu tập lên ĐTQG.

Chính bản thân Dalic dường như cũng chẳng xác định được đâu mới là đội hình đá chính tốt nhất của ông. Nhà cầm quân này đã liên tục thay đổi vị trí hậu vệ phải, hậu vệ trái và trung vệ, chỉ đạo Josko Gvardiol chơi tới 3 vị trí khác nhau và đã lựa chọn 6 cái tên khác nhau cho hàng công 3 người của Croatia.

Chỉ có bộ ba tiền vệ Modric, Kovacic và Brozovic – những người mà Dalic từng ca ngợi là trung tuyến xuất sắc nhất thế giới vào năm 2022 – là luôn được giữ nguyên.

Sẽ là rất sai lầm nếu bảo rằng 3 lão tướng này chính là vấn đề nguồn cơn khiến Croatia suy yếu trầm trọng, nhưng đôi khi họ rõ ràng thiếu đi năng lượng và sự sáng tạo. Modric đã không thể chơi trọn vẹn 2 trên 3 trận đấu và mặc dù vẫn là “thần tài” của đội – vừa là thủ lĩnh, vừa là người đã ghi bàn thắng duy nhất của Croatia trong trận đấu với Italy – nhưng anh thiếu đi sự ổn định, bền bỉ, và cũng chỉ được đá chính 18 trận cho Real Madrid mùa trước. Kovacic chỉ đá chính 16 trận cho Manchester City, còn trường hợp Brozovic thì đã nói ở trên.

Không thể phủ nhận, bên cạnh tình trạng già hoá nghiêm trọng của dàn nhân sự nòng cốt, thì sự lỏng lẻo của hàng phòng ngự cũng là một vấn đề lớn góp phần dẫn tới thất bại của họ ở Euro năm nay. Đoàn quân của Dalic chỉ để thủng lưới 4 bàn trong chiến dịch vòng loại, nhưng lại phải nhận tới 6 bàn thua sau 3 trận đã chơi ở Đức.

Một trong những điểm yếu chủ chốt của họ chính là khả năng phòng ngự trước các quả tạt – đặc biệt là những quả tạt có quỹ đạo xoáy về phía khung thành, còn được gọi là “in-swinging”. 

Trong ví dụ dưới đây, lấy từ trận ra quân của thầy trò Dalic trước đối thủ Tây Ban Nha, bạn có thể thấy một vòng cấm chật cứng người – bao gồm 8 cầu thủ Croatia – khi Lamine Yamal chuẩn bị tạt bóng. Với quân số đông đúc như vậy, nhưng lại chẳng có ai theo kèm Dani Carvajal (một trong những cầu thủ nhỏ con nhất trên sân đấu) khi anh ta lao về phía khung thành để dứt điểm quả tạt của Yamal cả. Vào khoảnh khắc Carvajal chạm bóng, có tới 4 cầu thủ Croatia ở gần đó nhưng lại không có ai tranh bóng với anh ta cả.

 

 

Có lẽ các đối thủ của họ đều đã phát hiện ra điểm yếu này. Trong thất bại 1-2 trước Xứ Wales – một trận đấu thuộc vòng loại Euro 2024 – vào tháng 10 năm 2023, Croatia cũng đã để thủng lưới một bàn tương tự.

Khi Dan James chuẩn bị tạt bóng, rõ ràng là Croatia đang có lợi thế quân số so với đối thủ bên trong vòng cấm. Tuy nhiên, sau quả tạt in-swinging của Dan James, Harry Wilson đã thoải mái thực hiện một cú đánh đầu đưa bóng vào góc khung thành Croatia.

 

 

Croatia có rút ra được bài học nào về vấn đề này trong trận đấu vòng bảng thứ hai không? Câu trả lời là không. Trong cuộc đối đầu Albania, chuyện tương tự đã xảy ra ở cánh phải. Khi quả bóng đến chân Jasir Asani ở đường biên, hai trung vệ Josip Sutalo và Josko Gvardiol đã cách nhau rất xa, tạo nên một khoảng trống lớn bên trong vòng cấm Croatia – vì Gvardiol đã rời vị trí, dạt ra cánh để theo sát đối thủ mà anh được giao nhiệm vụ theo kèm.

Brozovic tuy có cố gắng lấp vào khoảng trống đó, nhưng anh đã hành động quá muộn. Qazim Laci xâm nhập vào khu vực giữa vòng cấm và thực hiện một cú đánh đầu – cũng được kiến tạo bởi một quả tạt “in-swinging” khác – đánh bại thủ môn Dominik Livakovic. Còn bàn gỡ hoà tiếp theo của Albania vào những giây cuối cùng của trận đấu thì sao? Cũng đến từ một quả tạt khác, tuy lần này là tầm thấp.

 

 

Khoảng cách giữa cặp trung vệ đã trở thành một đặc trưng của Croatia mùa giải này, và đây là một vấn đề về cấu trúc thường là bắt nguồn bởi bộ ba tiền vệ giỏi kiểm soát bóng của họ.

Trong bàn thua đầu tiên của đội bóng này trước Tây Ban Nha, chuỗi tình huống dẫn tới nó bắt đầu với việc Kovacic và Brozovic lùi xuống chơi giữa 2 trung vệ để triển khai bóng từ hàng thủ, vì vậy đương nhiên 2 trung vệ sẽ phải giãn ra hai bên. Sau đó, trung vệ lệch trái Marin Pongracic phất bóng dài lên phía trên và lúc này Kovacic chính là cầu thủ đá thấp nhất bên phía Croatia – vì các hậu vệ cánh của họ đã dâng lên rất cao (slide 2 trong Gif dưới).

Khi Tây Ban Nha cướp được quyền kiểm soát bóng, khoảng cách giữa 2 trung vệ đã trở nên quá xa nhau, và đối thủ thì không bị pressing đủ gắt trong khi 3 tiền vệ lão tướng của Croatia đều đang dâng lên tụ tập ở vòng tròn trung tâm sân đấu (slide 3 trong Gif dưới). Chỉ cần một đường chuyền đơn giản là đủ để Tây Ban Nha tận dụng tình huống này và tạo điều kiện để Alvaro Morata lao tới khung thành cùng bóng rồi 1 chọi 1 với thủ môn.

 

 

Đây không phải là lần đầu tiên Croatia tỏ ra mong manh dễ vỡ đến vậy trong trận đấu này. Dấu hiệu cảnh báo về chuyện này đã đến từ 10 phút trước đó, trong một tình huống để mất bóng ở giữa sân khác của họ. Như ảnh dưới cho thấy, cự ly đội hình của Croatia đã trở nên quá xa cách và khiến họ rất dễ bị tổn thương trong các khoảnh khắc chuyển trạng thái, với việc Tây Ban Nha có thể dễ dàng thực hiện những đường chuyền đâm xuyên trung tâm hàng thủ của họ.

 

 

Nếu Dalic vẫn còn một tâm trạng đủ tốt, đủ hăng hái để thách thức dư luận sau thất bại trước Tây Ban Nha, tuyên bố rằng Croatia xứng đáng được tôn trọng hơn, rằng thật không công bằng khi Croatia vẫn chỉ được xem là một đội “ngựa ô” dù đã giành được 3 huy chương trong 6 năm qua, còn đội tuyển Anh vẫn được gọi là “một đội bóng vĩ đại” dù chức vô địch World Cup duy nhất của họ đã diễn ra từ tận hơn 50 năm trước, thì trận hòa Albania thực sự đã giáng vào ông một đòn đau.

“Chúng tôi đã chẳng thể làm được bất kỳ điều gì đúng đắn cả,” Dalic nói về màn trình diễn của Croatia trong hiệp 1. “Chúng tôi quá chậm chạp và để mất bóng quá nhiều, quá dễ dàng ở khu trung tuyến.”

Croatia đã không phải nhận tấm thẻ vàng nào trong 2 trận đầu tiên của họ, và chuyện này cũng khiến Dalic cảm thấy khó chịu. “Đây là một dấu hiệu cho thấy chúng tôi đã thi đấu không đủ quyết liệt,” ông tuyên bố. Bên cạnh đó, nhà cầm quân này cũng thừa nhận rằng Perisic đã già hơn thấy rõ sau World Cup 2022.

Dalic đã cho các cầu thủ nghỉ ngơi 1 ngày sau trận hòa Albania, có lẽ là để họ có thời gian suy ngẫm thật sâu xem họ nên chơi máu lửa đến thế nào (nếu đúng là vậy thì việc này đã thực sự có tác dụng, vì Croatia đã phải nhận tới 6 thẻ phạt trong trận đấu với Italy), đồng thời suy tính về những điều chỉnh mà mình cần thực hiện cho đội hình xuất trận trong trận đấu vòng bảng cuối cùng. Giải pháp của ông cho vấn đề trung tuyến để mất bóng quá nhiều, quá dễ dàng là bổ sung thêm quân số cho họ.

Đội hình ra sân của Croatia trong trận đấu với Italy thực chất chính là 4-6-0, vì người đảm nhận vai trò tiền đạo trung tâm là tiền vệ tấn công Kramaric.

 

Công bằng mà nói thì hệ thống này đã phát huy tác dụng – Croatia đã kiểm soát trận đấu tốt hơn so với 2 trận trước đó, nhưng đồng thời đây cũng là một đội hình quá an toàn.

Đoàn quân của Dalic không có tốc độ trên hàng tiền đạo và tấn công quá yếu ớt, đồng nghĩa rằng họ chẳng thể củng cố lợi thế dẫn trước tỷ số của mình. Sau đó, sự yếu kém ở hàng thủ đã khiến họ phải trả giá ở phút 98, khi toàn bộ 4 hậu vệ bị Riccardo Calafiori thu hút sự chú ý, qua đó “thả tự do” cho Mattia Zaccagni tung đòn kết liễu.

Hình ảnh tiêu biểu của ĐTQG Croatia tại kỳ Euro này có lẽ chính là khoảnh khắc Luka Modric thất thần, u sầu chụp ảnh cùng giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu. Lại thêm một tấm huy chương/danh hiệu khác được bổ sung vào phòng trưng bày thành tích của Croatia, nhưng người trực tiếp nhận nó thì chẳng thể cười nổi.

Một thế hệ vàng bắt đầu vào năm 2008, sau đó thăng hoa mạnh mẽ trong giai đoạn 2016 đến 2023, dường như đã đến lúc cần phải kết thúc.

Đây không phải là lần đầu tiên Croatia ở trong tình cảnh này. Tại World Cup 2002, thất bại đáng tiếc ở vòng bảng của đội tuyển này đã đánh dấu sự kết thúc của một thế hệ tài năng đã đưa họ đến vòng bán kết World Cup 1998 và vòng tứ kết Euro 96. Davor Suker và Robert Prosinecki là 2 người hùng đã phải chấp nhận rời khỏi sân khấu hồi ấy, còn giờ đây có lẽ sẽ là Modric và Perisic – 2 con người chắc chắn đã được khắc tên trong lịch sử nền bóng đá Croatia với tư cách 2 trong số những gương mặt vĩ đại nhất.

Theo Tim Spiers và Mark Carey, The Athletic

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.