Đội tuyển Pháp: Khi thành công từng đến từ những tiền đạo “máy chạy”

Tác giả CG - Thứ Sáu 04/06/2021 17:24(GMT+7)

Trong cuốn "Zonal Marking: From Ajax to Zidane, the Making of Modern Soccer" của Michael Cox, tác giả nhận định rằng giai đoạn từ 2000 đến 2004 là thời kỳ cực thịnh của bóng đá Pháp. Trong suốt giai đoạn đó, họ có rất nhiều những tiền đạo nổi tiếng với tốc độ chóng mặt.

Vinh quang của đội tuyển Pháp ở World Cup 1998 và Euro 2000 chính là lịch sử huy hoàng của nền bóng đá xứ lục lăng, song bản sắc bóng đá của Les Bleus đã thay đổi trong suốt giai đoạn này. Nếu Pháp lên ngôi ở World Cup dựa vào hàng phòng ngự chắc chắn nhưng lại thiếu đi nguồn cảm hứng ở 1/3 sân cuối cùng thì 2 năm sau, họ giành chức vô địch châu Âu nhờ thứ bóng đá tích cực, tốc độ và đầy chất hưng phấn. Nếu năm 1998 Pháp gặt hái thành công nhờ lối chơi như một đội bóng Italy thì năm 2000, họ đã chơi đúng bản sắc của bóng đá Pháp đích thực.
 
Chúng ta có thể nhìn thấy khác biệt rõ nét ở đội hình xuất phát của Pháp trong trận chung kết World Cup 1998 và đội hình xuất phát của họ trong trận đầu tiên tại Euro 2000 trước Đan Mạch. Fabien Barthez vẫn là thủ môn. Thay đổi duy nhất ở hàng phòng ngự là sự trở lại của Laurent Blanc tại trận mở màn Euro 2000 bởi 2 năm trước, ông bị treo giò trong trận chung kết World Cup. Blanc lấy lại vị trí từ Frank Leboeuf và đá cặp với Marcel Desailly, trong khi Lilian Thuram và Bixente Lizarazu tiếp tục là cặp hậu vệ biên.
 
Ở phía trên, Didier Deschamps vẫn là tiền vệ trụ thi đấu bên cạnh Emmanuel Petit trong khi Christian Karembeu không được sử dụng. Zinedine Zidane và Youri Djorkaeff tiếp tục đá cao hơn để cung cấp sự sáng tạo. Do đó, ngoại trừ Blanc và Karembeu, 8 cái tên trong đội hình xuất phát của Pháp trước Đan Mạch được giữ nguyên từ trận chung kết 2 năm trước đó.
 
Bây giờ hãy nhìn vào hàng tiền đạo. Năm 1998, Pháp dựa vào Stephane Guivarc’h, một tiền đạo bị chế giễu vì sự vụng về, chậm chạp và không thể ghi nổi bàn thắng nào trong suốt chiến dịch World Cup - điều tình cờ là 20 năm sau Olivier Giroud cũng giống như vậy. Sau khi Pháp lên ngôi, Guivarc’h được ca ngợi vì những pha di chuyển không biết mệt mỏi và khả năng liên kết lối chơi.

Stephane Guivarc'h không ghi được bàn thắng nào cho đội tuyển Pháp ở World Cup 1998. Ảnh: Getty Images
 
Còn trong trận mở màn Euro 2000, Pháp sử dụng hai tiền đạo cực nhanh nhẹn trong đội hình xuất phát là Thierry Henry và Nicolas Anelka. Lối chơi của họ hoàn toàn khác Guivarc’h: mang tới nhiều tốc độ, kỹ thuật và sự tinh tế hơn. Với việc một tiền vệ có lối chơi thiên về sức mạnh như Karembeu không được đá chính, hệ thống của Pháp từ 3 tiền vệ phòng ngự thận trọng nay chỉ còn 2 người, và từ 3 ngòi nổ trên hàng công đã được tăng thêm thành 4.
 
Bên cạnh đó, đội tuyển Pháp cũng có một HLV trưởng mới trên băng ghế huấn luyện. Roger Lemerre là trợ lý của Aime Jacquet tại World Cup 1998 thì 2 năm sau ông đã ngồi vào chiếc ghế nóng. Dù vậy, những tác động của ông lên lối chơi của Pháp không đáng chú ý trước khi Euro 2000 diễn ra. Trước đó, ông bị chỉ trích vì dập khuôn lại những khuôn mẫu của tiền nhiệm và bị chế giễu là chỉ biết tưởng tượng xem Jacquet sẽ làm gì rồi sau đó sao chép lại.
 
Thực tế, việc liên đoàn bổ nhiệm Lemerre vào ghế HLV trưởng bị đặt dấu hỏi. Quãng thời gian cầm quân nổi bật nhất của ông là ở thập niên 70 và 80. Và trước giai đoạn ngắn là HLV tạm quyền của Lens vào năm 1997 thì ông có 10 năm dẫn dắt đội tuyển quân đội Pháp (giành chức vô địch thế giới năm 1995). Song, đó không phải là con đường thường thấy với một người dẫn dắt đội tuyển quốc gia.
 
Nhưng có lẽ đó chính là đặc điểm chung của các HLV người Pháp. Nếu các HLV Hà Lan rao giảng triết lý của họ, các HLV Italy là những chiến thuật gia tỉ mỉ thì các HLV Pháp thường có chất tự do hơn. Họ không phải những bậc thầy chiến thuật hay những nhà tư tưởng. Thay vào đó, họ có tâm lý của những HLV trẻ và tin rằng nhiệm vụ cơ bản của họ là hướng dẫn các cầu thủ, giúp họ phát huy hết tiềm năng.

HLV Roger Lemerre. Ảnh: UEFA
 
Trở lại với đội hình của Pháp ở trận đấu với Đan Mạch tại Euro 2000, cặp tiền đạo của họ là Henry và Anelka. Henry có góp mặt trong thành phần đội tuyển Pháp dự World Cup 1998, anh ghi bàn vào lưới Nam Phi và cú đúp vào lưới Saudi Arabia ở vòng bảng nhưng sau đó phải ngồi dự bị ở vòng đấu loại trực tiếp. Và đến lúc đó, Henry vẫn được coi là một cầu thủ chạy cánh chứ không phải tiền đạo.
 
“Tôi không giống Trezeguet, đừng mong đợi tôi sẽ ghi cả rổ bàn thắng”, Henry chia sẻ sau khi gia nhập Juventus năm 1999 như vậy. Người anh nhắc đến, không ai khác ngoài David Trezeguet, người bạn thân và đồng đội tại Monaco, một tiền đạo vòng cấm đúng nghĩa. Tại Juventus, Henry thường đá wing-back. 6 tháng sau, Bianconeri bán anh và 1 năm sau họ mua Trezeguet.
 
Trong khi đó, Anelka gia nhập Arsenal từ PSG theo cách gây tranh cãi vào năm 1997. Anh chứng minh bản thân ngày lập tức nhờ tốc độ như điện xẹt của mình. Anh ghi bàn ấn định chiến thắng cho Arsenal trong trận chung kết FA Cup 1998 bằng cách vượt qua hàng phòng ngự Newcastle và dứt điểm. Cú hattrick đầu tiên của Anelka cho “Pháo thủ” là 3 bàn thắng được thực hiện theo cách gần như tương tự nhau: sử dụng tốc độ đón đường chuyền ra phía sau hàng phòng ngự từ Dennis Bergkamp. Anelka được điền tên vào danh sách sơ bộ của Les Bleus tại World Cup 1998, tuy nhiên cuối cùng Aime Jacquet thích Henry và Trezeguet hơn.

Niclolas Anelka và Thierry Henry là cặp tiền đạo số một của Pháp ở Euro 2000. Ảnh: Getty Images
 
Nhưng nếu Henry gặp khó khăn ở Juventus thì cùng thời điểm đó, Anelka có mùa giải 1998/1999 thăng hoa ở Arsenal với 17 bàn thắng và nhanh chóng được ướm vào vai trò trung phong của đội tuyển Pháp. Sau khi Anelka ghi cả hai bàn trong chiến thắng 2-0 trước đội tuyển Anh vào năm 1999, đội trưởng Deschamps không ngần ngại tuyên bố trước báo giới: “Chúng tôi đã tìm ra Ronaldo của mình!”. Nếu World Cup 1998, Les Bleus không có một tiền đạo cắm đẳng cấp nào thì lúc này họ đang sở hữu một tiền đạo xuất sắc.
 
Sau khi gia nhập Arsenal, Henry thi đấu bừng sáng và trình độ của anh như được nâng lên tầm cao mới. Lúc này, ở đội tuyển quốc gia, Lemerre có hai tiền đạo trẻ chất lượng trong tay và ý tưởng của ông chính là kết hợp họ thành một cặp đôi để làm khổ hàng hậu vệ đối thủ. Trong suốt trận đấu với Đan Mạch ở Euro 2000, những pha chạy chỗ tốc độ của cả Henry lẫn Anelka liên tục khiến hàng thủ đội bóng Bắc Âu gặp khó. Bàn mở tỷ số đến khi Anelka thoát xuống, Peter Schmeichel lao ra truy cản, bóng bật đến chỗ Blanc và trung vệ của Les Bleus ghi bàn vào lưới trống.

Tốc độ của bộ đôi tiền đạo tiếp tục làm khổ Đan Mạch. Henry là người ghi bàn thắng thứ hai, anh đứng ở gần vạch giữa sân bên cánh trái, tăng tốc đón đường chuyền của Zidane, chạy về phía khung thành mà không vấp phải sự truy cản nào trước khi dứt điểm qua Schmeichel. Bàn thắng này không có gì khác ngoài tốc độ tuyệt đối: không cần phối hợp cầu kỳ, không cần pha kiến tạo thông minh, không cần những bước chạy làm mồi nhử. Đây là một bộ mặt mới trong lối chơi của đội tuyển Pháp.
 
Trong trận đấu thứ hai, Les Bleus thắng CH Czech 2-1, Henry mở tỷ số theo cách quen thuộc: dứt điểm sau khi đón đường chuyền ra phía sau hàng phòng ngự, dù thực tế bàn thắng xuất phát từ đường chuyền ngược về sai lầm của hậu vệ Petr Gabriel. 
 
Ở trận đấu cuối cùng vòng bảng, Lemerre xoay tua đội hình và thua Hà Lan 2-3, song lúc đó Pháp đã chắc chắn đi tiếp. Trong trận tứ kết, Pháp lạc lối khi họ tiếp cận trận đấu theo cách khác thay vì chỉ sử dụng tốc độ đơn thuần. Lemerre bố trí sơ đồ 4-2-3-1, Djorkaeff và Christophe Dugarry đá ở cánh, bó vào trong thay vì chạy ra phía sau hàng phòng ngự đối thủ. Henry là tiền đạo duy nhất, một vai trò mà anh không thích, và đây cũng là trận đấu mà anh chơi kém thuyết phục nhất tại Euro 2000. Dù sao, Pháp vẫn giành chiến thắng 2-1.
 
Ở vòng bán kết, Pháp thắng Bồ Đào Nha 2-1 khi họ quay trở lại với cách chơi cơ bản. Khi trinh sát đối phương, Lemerre quan sát thấy hàng phòng ngự Bồ Đào Nha không quá nhanh. “Đó là lý do ông ấy muốn tăng thêm tốc độ trong lối chơi của chúng tôi”, Robert Pires nhớ lại. “Đó là lý do Henry và Anelka đá chính. Ông ấy muốn chúng tôi khoét vào hai cánh vì cặp trung vệ của họ [Fernando Couto và Jorge Costa] rất mạnh mẽ và giỏi không chiến”. Tuy nhiên vấn đề là các cầu thủ Bồ Đào Nha phòng thủ lùi sâu hơn các đối thủ trước đó của Pháp, do đó các pha chọc khe không hiệu quả.
 
Song, với một pha xâm nhập bên phải vòng cấm, Anelka đã thu hút đối thủ, kiến tạo cho Henry gỡ hòa, trước khi Zidane định đoạt chiến thắng ở hiệp phụ bằng tình huống thực hiện phạt đền thành công. Quả phạt đền này do Wiltord và Trezeguet - lần lượt thay Anelka và Henry - phối hợp mang lại.

4 tiền đạo của Pháp tại Euro 2000 - Henry, Trezeguet, Anelka và Wiltord (áo trắng). Ảnh: UEFA
 
Hai cầu thủ dự bị này tiếp tục thể hiện tầm ảnh hưởng trong trận chung kết. Sau khi Lemerre sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 với Henry một mình trên hàng công nhưng thi đấu bế tắc và Pháp bị dẫn trước 1-0, Djorkaeff và Christophe Dugarry phải nhường chỗ cho Wiltord và Trezeguet. Trong pha tấn công cuối cùng của thời gian chính thức, thủ thành Barthez phát bóng dài. Trezeguet nhảy lên đánh đầu đưa bóng về phía Wiltord, số 13 của Pháp sút sệt, đưa bóng vượt qua Francesco Toldo.
 
Trận đấu bước vào hiệp phụ, lúc này Pháp đã bổ sung nhiều tốc độ và năng lượng hơn so với một Italy bị mất tinh thần. Và sự thay đổi người thứ ba của Lemerre đóng vai trò then chốt. Pires, người vào sân thay Lizarazu ở những phút cuối hiệp đấu chính thức thứ 2, đi bóng vượt qua 2 hậu vệ Italy trước khi đưa bóng vào trong vòng cấm để Trezeguet tung cú vô lê chính xác, mang về bàn thắng vàng cho Pháp.

2 năm trước, Pháp vô địch World Cup nhờ hàng phòng ngự vững chắc (chỉ phải nhận 2 bàn thua) thì tại Euro 2000 họ chỉ giữ sạch lưới đúng 1 trận. Song, ở giải đấu tổ chức ở Bỉ và Hà Lan, Les Bleus tự tin về khả năng ghi bàn nhiều hơn đối thủ. Bộ tứ Anelka, Henry, Wiltord và Trezeguet không chỉ cung cấp tốc độ và khả năng ghi bàn đơn thuần mà họ còn đưa ra 4 phương án chiến thuật khác nhau.

 
Anelka thường được coi là một tiền đạo trung tâm đúng nghĩa nhưng thích chơi lùi thấp một chút. Henry thì lai giữa tiền đạo cánh trái và tiền đạo cắm, trong khi Wiltord thì là phương án ở cánh đối diện. Trezeguet là một tiền đạo cắm đúng nghĩa, một cầu thủ không hề chậm nhưng khác biệt chính là khả năng không chiến. 
 
Ông Jorge Trezeguet, bố của David Trezeguet nói: “Mọi người cứ nói về việc những cầu thủ nhanh nhẹn như Henry và Anelka chạy chỗ ra sao, nhưng David thì suy nghĩ nhanh. Cái đầu của nó rất nhạy bén”. Tuy nhiên, Henry vẫn là nhân vật chính và Euro 2000 có lẽ là giải đấu duy nhất trong màu áo đội tuyển mà anh thể hiện đúng phong độ ở Arsenal. 
 
Tại World Cup 2002, Pháp bắt đầu giải đấu với vị thế ứng cử viên vô địch và các phương án tiền đạo của Lemerre vẫn gần như giữ nguyên so với 2 năm trước: Henry, Trezeguet và Wiltord. Tuy nhiên, Anelka bị loại vì Pháp đã tìm ra một tiền đạo thậm chí còn nhanh hơn: Djibril Cisse.

Dù từng là vua phá lưới Ligue 1, tuy nhiên Djibril Cisse sau này không phát huy hết tiềm năng của mình. Ảnh: Getty Images
 
Cisse đã thăng tiến rất nhanh. Anh chỉ bắt đầu chơi ở Ligue 1 sau khi Pháp vô địch Euro 2000 một tháng và đến mùa xuân năm sau thì thành cầu thủ đá chính ở Auxerre. Thi đấu trên hàng công bên cạnh Guivarc’h, Cisse ghi 8 bàn trong mùa giải 2000/2001 và 22 bàn trong mùa giải 2001/2002 - và đồng thời là vua phá lưới Ligue 1. Song, HLV trưởng Guy Roux không thích cầu thủ của mình được tâng bốc.
 
“Cậu ấy có một cái chân phải rất ‘ngoan’, một cái chân trái tệ và cậu ấy không biết đánh đầu. Thế vì sao lại phải ồn ào vậy?”, Roux chia sẻ sau khi Cisse dẫn đầu danh sách vua phá lưới Ligue 1. Chiến lược gia dẫn dắt Auxerre từ 1961 đến 2005 lạnh lùng như vậy để học trò giữ đôi chân trên mặt đất. Dù vậy, những nhận xét của Roux vẫn có phần đúng. Nhiều người phân vân không biết Cisse có phải một cầu thủ tài năng thiên bẩm hay không, bởi tốc độ đáng kinh ngạc của anh thì quá phù hợp với lối chơi phản công của Auxerre. Và Cisse không bao giờ đi tới giới hạn tiềm năng bản thân, một phần vì anh bị gãy chân hai lần.

Trở lại với đội tuyển Pháp, họ đã từng là nhà vô địch thế giới mà không có một tiền đạo xuất sắc nào trong đội hình. Nhưng 4 năm sau, Les Bleus đến Nhật Bản và Hàn Quốc với tư cách đương kim vô địch với 3 cầu thủ là vua phá lưới ở các giải vô địch quốc gia: Cisse ở Ligue 1, Henry ở Premier League và Trezeguet ở Serie A. Tuy nhiên, Pháp bị loại từ vòng bảng mà không ghi được bàn thắng nào. Kỳ lạ hơn, thất bại của thầy trò Roger Lemerre lại làm tăng thêm danh tiếng của Pháp về việc đào tạo ra những tiền đạo nhanh nhẹn.
 
Henry trải qua kỳ World Cup đáng thất vọng, song anh vẫn là tiền đạo hay bậc nhất châu Âu. Trong suốt giai đoạn này, không tiền đạo nào ở lục địa già tiệm cận với Henry, người ghi 95 bàn ở Premier League giữa hai kỳ Euro 2000 và 2004. Nhưng dù Henry giải quyết vấn đề hàng công của Pháp và là một cỗ máy săn bàn ổn định thì một khía cạnh quan trọng trong lối chơi của anh chính là anh không phải một tiền đạo cắm thuần túy. Henry có nguồn cảm hứng từ George Weah, Romario và Ronaldo, những người mà anh cho là sáng tạo lại vị trí tiền đạo cắm, “làm mất phương hướng hậu vệ đối phương bằng những bước chạy, tốc độ và khả năng rê dắt”.
 
Tại Euro 2004, Pháp bổ sung thêm những tiền đạo nhanh nhẹn dù thiếu vắng Cisse và Anelka. Bên cạnh những cái tên quen thuộc như Henry, Trezeguet và Wiltord, tân HLV Jacques Santini chọn Sidney Govou, Steve Marlet và Louis Saha.

Sidney Govou từng là một tiền đạo triển vọng, nhưng cuối cùng điều mọi người nhớ về anh chỉ là một cầu thủ chạy cánh giàu tốc độ. Ảnh: Getty Images
 
Govou là một cầu thủ vô cùng tốc độ. Tại Lyon, anh thường đá cặp với tiền đạo Sonny Anderson, người cũng đã từng thi đấu cùng Henry ở Monaco. Cựu tiền đạo Brazil chia sẻ “Cậu ấy khiến tôi nghĩ tới Thierry, song Sidney bùng nổ hơn”. Nhận xét của Anderson không chỉ chỉ ra Govou là một cầu thủ giàu tốc độ mà còn là việc Henry đã trở thành một tham chiếu cho mọi chân sút mới nổi của Pháp khi đó.
 
Tuy nhiên, Govou đã không thể chuyển hóa thành một tiền đạo ghi bàn ổn định. Một phần do những chấn thương anh gặp phải, một phần vì  anh vốn không phải một tiền đạo bẩm sinh và thường xuyên mất bình tĩnh trong các tình huống một đối một. Govou là một chân rê dắt đáng sợ nhưng không phải chân sút sắc sảo. Vì thế, dù từng được xem là một tiền đạo đầy hứa hẹn, cuối cùng anh “đóng đinh” ở vị trí cầu thủ chạy cánh phải. Trong khi đó, Henry thì ngược lại: anh bắt đầu hành trình ở cánh trái và sau đó dịch chuyển vào giữa thành tiền đạo cắm.
 
Có thể nói trong suốt giai đoạn giữa hai kỳ Euro từ 2000 đến 2004, có 8 điền đạo đã khoác áo Les Bleus ở 3 giải đấu lớn: Henry, Anelka, Wiltord, Trezeguet, Saha, Marlet, Govou và Cisse - tất cả được sinh ra ở chính quốc Pháp nhưng cha mẹ của họ đều xuất thân từ hải ngoại. Chính trị gia cánh hữu Jean-Marie Le Pen từng chỉ trích rằng những cầu thủ này không đại diện cho nước Pháp, song thực tế thì ngược lại. Họ đã mang đến cho bóng đá Pháp suốt giai đoạn 2000 - 2004 một bản sắc bóng đá mà Les Bleus thiếu ở kỳ World Cup 1998.
 
Lược dịch từ cuốn sách “Zonal Marking: From Ajax to Zidane, the Making of Modern Soccer” của tác giả Michael Cox.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.