Đội tuyển Bỉ và sứ mệnh hàn gắn đất nước

Tác giả CG - Thứ Sáu 06/07/2018 14:38(GMT+7)

Đã từ lâu, nước Bỉ luôn gặp trở ngại trong việc gắn kết các nhóm dân tộc đã hình thành nên nhân khẩu học của họ. Thế nhưng đội tuyển bóng đá quốc gia là một ví dụ điển hình để giải quyết khó khăn đó.
Đội tuyển Bỉ và sứ mệnh hàn gắn đất nước
Nguồn gốc những chia rẽ

 
Từ ngày 13 tháng 6 năm 2011 đến ngày 6 tháng 12 năm 2011, Bỉ không hề có chính phủ hoạt động – xác lập kỷ lục thế giới 589 ngày vô chính phủ. Đã có 11 đảng được bầu vào Hạ viện và không bên nào chiếm hơn 20% số ghế. Đây là một trường hợp rất hiếm khi xảy ra. 
 
Bỉ là một nước khác với những nơi khác. Đó là một quốc gia phức tạp. Ở bất cứ quốc gia dân chủ nào, người dân ở đó cũng có những quan điểm khác nhau, văn hóa và tôn giáo khác nhau,…tất cả định hình nên cách họ suy nghĩ về chính trị và cách họ cảm nhận về đồng bào của mình. Lấy ví dụ về Ấn Độ, nước này có hơn 1 tỷ dân với hơn 50 ngôn ngữ và 5 tôn giáo khác nhau cùng chung sống. Tuy nhiên chỉ có 1 đảng được bầu dựa trên đa số phiếu trong cuộc bầu cử cuối cùng bất chấp mức độ đa dạng không có quốc gia nào trên thế giới sánh bằng.
 
Trở lại với nước Bỉ, vấn đề bắt nguồn sâu xa hơn. Cộng đồng người Walloons (có nguồn gốc Celtic) và Flemings (có gốc Đức) đã cùng nhau thành lập đất nước cách đây 2 thế kỷ. Vua Leopold là vị vua đầu tiên và cho đến nay, Bỉ vẫn là một quốc gia theo chế độ quân chủ mặc dù có chính phủ hoạt động, và Cơ đốc là tôn giáo chính.
 
Hai nhóm người hoàn toàn khác nhau này đã đến với nhau vì một mục tiêu chung – thời điểm đó, họ muốn Bỉ độc lập khỏi Vương quốc Hà Lan. Đó không phải một ý tưởng tồi trên lý thuyết với những kết quả đã đạt được nhưng 200 năm sau, các vấn đề ngày càng nổi cộm giữa hai nhóm sắc tộc bởi khác biệt về văn hóa. Những căng thẳng bắt đầu từ lâu, chủ yếu là do ban đầu tiếng Pháp được quy định là ngôn ngữ chính thức duy nhất trong nước và kế đó là một loạt các phong trào nhằm phản đối quyết định trên; điều này đã chia rẽ các cộng đồng hơn nữa. Những bất đồng vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay vì mỗi cộng đồng lại muốn văn hóa của họ được đại diện bởi chính phủ và ngược lại. Dù điều này có thể nào hiểu và cảm thông nhưng chắc chắn chúng sẽ dẫn đến những xung đột đồng thời tạo ra hệ thống quản trị rất rất phức tạp và khó để làm hài lòng tất cả.
 
Eden Hazard trong trận đấu gặp ĐT Nhật Bản
Ngày nay, hơn 11 triệu người Bỉ phân chia thành 2 nhóm cộng đồng chính. Ở một đất nước có phần bị chia rẽ như vậy thì yếu tố để tập hợp họ lại là gì?
 
“Tôi thi đấu cùng với các đồng đội người Bỉ chứ không thi đấu với các đồng đội người Flemings
.” – đội trưởng Eden Hazard, một người nói tiếng Pháp tuyên bố cách đây không lâu.
 
Quả thực là như vậy. Rất hiếm có dịp để người Bỉ đoàn kết như một và đội tuyển bóng đá quốc gia chính là lý do để họ làm điều đó.
 
World Cup 1986 – dấu mốc của thế hệ vàng đầu tiên
 
Năm 1920, đội tuyển Bỉ giành huy chương vàng Olympic. Thời điểm đó, tiếng Hà Lan vẫn chưa hoàn toàn cân bằng với tiếng Pháp mặc dù nó là ngôn ngữ chính thức của quốc gia. Tầm quan trọng của tiếng Hà Lan tại Bỉ vẫn không thể sánh bằng với tiếng Pháp và điều đó khiến cộng đồng Flemings không hài lòng. Đó cũng là khoảng thời gian mà Đảng nhân dân Flemings được thành lập.
 
Tuy nhiên khi đó bóng đá vẫn chưa đóng vai trò quan trọng. Có những vấn đề lớn hơn trong nước như việc nhờ Thế chiến thứ nhất mà Bỉ lấy lại được các tỉnh nói tiếng Đức ở phía Đông nhờ Hiệp ước Versailles.
 
Năm 1980, tiếng Đức trở thành ngôn ngữ được công nhận chính thức để sử dụng trong chính quyền và Brussels thời điểm này là thành phố song ngữ duy nhất (cũng là khu vực lớn thứ ba trong nước) và là thủ đô của Bỉ. Thời điểm đó, thế hệ vàng đầu tiên của bóng đá Bỉ cũng bắt đầu có những xung đột. Jean-Marie Pfaff, Eric Gerets và Jan Ceulemans là 3 trong số những người tạo nên đội hình tài năng trong thập niên 80. Khi đó, đội tuyển Bỉ trình diễn một thứ bóng đá đẹp với sự kết hợp của các tài năng. Những kết quả trên sân và sự ổn định ở trong nước khiến nước Bỉ lần đầu tiên thực sự có sự thống nhất và đoàn kết kể từ khi được thành lập. Đội hình thập niên 70 và Paul Van Himst, cầu thủ Bỉ xuất sắc nhất thế kỷ 20, cũng thu hút được những sự chú ý nhưng khi đó họ vẫn bị xáo trộn bởi những chia rẽ trong nước.
 
Vòng chung kết World Cup 1986 ở Mexico là thời điểm quyết định cho đội tuyển quốc gia. Khi đó họ nhận được sự quan tâm, họ có một đội hình tài năng và quan trọng nhất, đất nước đã trở nên đoàn kết trong một giai đoạn ngắn. Không còn người Flemings, người Walloons hay người nói tiếng Đức mà chỉ còn người Bỉ mà thôi. Rất nhiều người hâm mộ đã tới Mexico để cổ vũ đội tuyển đá World Cup và chờ đợi một giải đấu thành công.
 
Trong hoàn cảnh bình thường, bạn có thể tưởng tượng ra một người nói tiếng Pháp sẽ không thể có bóng vì anh ta đá chung với những người nói tiếng Hà Lan. Nhưng lúc này, những điều đó không còn nữa vì họ đang thi đấu cùng nhau trong cùng một màu áo của đội tuyển quốc gia. Mọi con mắt đều hướng vào các cầu thủ.
 
Mexico 1986 là một kỳ World Cup thực sự đáng nhớ. Bỉ đứng thứ ba ở vòng bảng nhưng vẫn được đi tiếp vì là một trong các đội xếp thứ ba có thành tích tốt nhất. Màn trình diễn của họ ở vòng bảng có thể gói gọn trong các từ uể oải và rời rạc – không khác mấy so với chính phủ Bỉ năm 2010.
 
Bước vào vòng 16 đội, Bỉ đánh bại một tập thể rất tài năng của Liên Xô và khiến người hâm mộ tin rằng những điều tuyệt vời vẫn còn nằm ở phía trước. Trận đấu đó, Liên Xô dẫn trước 2-1 cho đến phút 70 nhưng đến phút 77, Ceulemans đã phá bẫy việt vị và ghi bàn thắng cân bằng tỷ số, một pha lập công có lẽ đẹp nhất lịch sử bóng đá Bỉ. Liên Xô mất nhuệ khí trong thời gian hiệp phụ, họ phải nhận thêm 2 bàn thua nữa và thất bại chung cuộc.
 
Tầm quan trọng của bàn thắng mà Ceulemans ghi được là rất quan trọng. Ở giải đấu đó, Bỉ thi đấu không hề hấp dẫn và đẹp mắt nhưng sau pha lập công này, tinh thần đội bóng đã thay đổi. Adrenaline bên trong mỗi thành viên kết hợp với sự khát khao đã đẩy tinh thần đội tuyển Bỉ lên cao. Ở vòng tứ kết, Bỉ có cuộc đối đầu thú vị với Tây Ban Nha và họ là người giành chiến thắng trong loạt luân lưu cân não.
 
Tất nhiên, World Cup 1986 người ta sẽ không nhớ nhiều tới đội tuyển Bỉ mà nhân vật chính là Diego Maradona. Trong trận bán kết, số 10 Argentina lập cú đúp vào lưới Quỷ đỏ và qua đó đặt dấu chấm hết giải đấu của họ. Dù vậy, Bỉ hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu. Đơn giản là họ thất bại trước một đội bóng được lĩnh xướng bởi thiên tài và không ai có thể ngăn cản Argentina của Maradona ở giải đấu đó.
 
Mỗi đất nước lại có một câu chuyện khác nhau với World Cup. Các bình luận viên Panama đã khóc trong niềm vui sướng khi nghe thấy quốc ca của nước họ được cất lên tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh khi đội tuyển Panama chuẩn bị đá trận World Cup đầu tiên trong lịch sử. Khi đó, những thất bại dường như không còn mang quá nhiều ý nghĩa nữa.
 
World Cup nổi tiếng vì cảm xúc mà nó mang lại. Quay lại với đội tuyển Bỉ năm 1986, nếu họ không thi đấu tốt với một đội hình tài năng như vậy chắc chắn sẽ khiến mọi người trở nên chán nản khi trở về nhà, những người hầu như không có bất kỳ nền tảng chung nào để đến với nhau. Tầm quan trọng của giải đấu ấy là rất lớn trong việc xây dựng mối quan tâm nhiều hơn dành cho thể thao và đưa mọi người xích lại gần nhau hơn.
Một đội tuyển thi đấu cùng nhau, truyền cảm hứng lẫn nhau
 
“Chính trị làm chia rẽ mọi người. Là huấn luyện viên đội tuyển Bỉ, tôi có thể giúp họ đoàn kết lại.”
 
Eden Hazard có mối quan hệ tốt với HLV Marc Wilmots
Thế hệ vàng của Marc Wilmots năm 2014 đã tạo ra những phản ứng khác nhau với chiến dịch World Cup của họ. Bỉ bị Argentina loại ở tứ kết. Dù vậy, các cổ động viên nghĩ rằng lọt vào tứ kết cũng đã là một thành công nhất định. Tất nhiên, thất bại trước Lionel Messi vẫn còn hơn là không thể lọt vào vòng đó để đối đầu với siêu sao người Argentina. Đó là giải đấu đầu tiên mà thế hệ vàng mới của Bỉ thi đấu cùng nhau và tràn trề hy vọng các cầu thủ sẽ còn đá tốt hơn nữa – như Hazard và De Bruyne là những minh chứng sống để niềm tin đó trở thành hiện thực.
 
Thời điểm hiện tại, thật khó có đội tuyển nào có thể sánh với Bỉ về chiều sâu đội hình. 2015 có thể là đỉnh cao ở một góc độ nào đó khi họ vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng FIFA (một hệ thống vẫn có những sai lầm nhưng rõ ràng vẫn là minh chứng cho tài năng của họ) khiến những kỳ vọng lại ngày một lớn hơn. Một hàng công thi đấu bùng nổ, một hàng tiền vệ tài năng, hiểu ý nhau và hàng phòng ngự chắc chắn. Nếu được dẫn dắt đúng hướng, Bỉ có thể đối đầu với bất kỳ ông lớn nào với mục tiêu không gì khác là chức vô địch ở giải đấu bốn năm mới có một lần.
 
2014 là lần đầu tiên Quỷ đỏ vượt qua vòng loại World Cup kể từ năm 2002 và số lượng khán giả theo dõi ở trong nước đã thiết lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Cả nước Bỉ được nhuộm bởi 3 màu đỏ, vàng và đen khi đội tuyển của họ trở lại giải đấu sau một thời gian “ngủ đông”. Dù chỉ dừng chân ở vòng tứ kết nhưng ít nhất đội bóng đã tốt hơn rất nhiều so với hơn 10 năm trước. Và nay, người hâm mộ đã kiên nhẫn chờ bốn năm để chứng kiến các cầu thủ tỏa sáng.
 
Lombaerts - Đội tuyển Bỉ
Trung vệ Nicolas Lombaerts từng chia sẻ trên The Guardian trước thềm World Cup 2014 rằng: “Chúng tôi vẫn chưa có chính phủ. Nhưng chúng tôi không quan tâm, chúng tôi sẽ giữ sự đoàn kết của đất nước.”
 
Nhiệm vụ mà chính phủ Bỉ đối mặt là rất lớn khi phải giữ sự hài lòng và ổn định giữa hai cộng đồng lớn nhất nước. Để làm được như vậy, họ phải phát triển và thích nghi. Một chính quyền đơn nhất trở thành chính quyền theo chế độ quân chủ lập hiến liên bang và sự thành lập vùng thủ đô Brussels là ví dụ cho thấy đất nước đang tự thay đổi để tốt hơn. Hiện nay ở Bỉ không có tờ báo và kênh phát thanh quốc gia. Các cộng đồng hoàn toàn chịu trách nhiệm về giáo dục, các vấn đề gia đình trong khu vực của mình. Tất cả phải được thực hiện vì sự ổn định của đất nước.
 
Eden Hazard là cầu thủ tới từ vùng Wallonia (nơi nói tiếng Pháp). Kevin De Bruyne sinh ra ở Đông Flanders (nơi nói tiếng Hà Lan). Trong khi đó, trung vệ Vincent Kompany thì thông thạo cả tiếng Hà Lan lẫn Pháp và có bố là người Congo. Đội hình hiện tại của Quỷ đỏ là tập hợp của rất nhiều cá nhân tới từ nhiều khu vực và có gốc gác khác nhau nhưng họ vẫn cho thấy mình rất gắn kết. Họ đã biết cách gạt những khác biệt sang một bên vì lợi ích của đất nước.
 
Roberto Martinez đánh giá cao tinh thần của Bỉ
Việc bổ nhiệm Roberto Martinez làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia đã vướng phải một vài sự nghi ngờ nhưng cho đến nay mà đặc biệt là ở World Cup 2018, đội tuyển Bỉ dưới sự dẫn dắt của chiến lược gia người Tây Ban Nha vẫn đang thi đấu tốt. Đội hình hiện tại có nhiều cầu thủ thi đấu tại các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu hơn bất cứ đội hình nào trong quá khứ mà chủ yếu là tại Premier League.
 
Đội tuyển Anh năm 2006 cũng là một thế hệ vàng nhưng chính sự chia rẽ ở cấp câu lạc bộ cùng ban huấn luyện yếu kém đã khiến đội bóng thất bại thảm hại ở mọi giải đấu lớn. Với trường hợp của Bỉ, thế hệ vàng này bị chia rẽ bởi các vùng cộng đồng và các câu lạc bộ - nhưng khi De Bruyne của Manchester City tung ra một đường chuyền dọn cỗ cho Lukaku của Manchester United dứt điểm hạ gục thủ môn đối phương, Hazard  của Chelsea sáng bừng lên niềm vui trong mắt và người đội trưởng chạy tới ăn mừng cùng các đồng đội. Các khu vực được phân chia trong nước bị quên lãng, nguồn gốc của mỗi người không còn là điều quan trọng. Lúc này ba màu đỏ, vàng, đen quan trọng hơn là màu áo câu lạc bộ.
 
Có lẽ khi cả người Bỉ nói tiếng Hà Lan lẫn tiếng Pháp thấy tinh thần này, họ sẽ cảm thấy điều gì đó không bình thường. Tất nhiên, người ta nhớ đến Bỉ không chỉ bởi sự bất hòa giữa hai khu vực lớn nhất quốc gia. Họ có thứ hạng khá cao ở chỉ số phát triển con người và là một đất nước tuyệt vời để thăm quan bên cạnh nền kinh tế phát triển. Nhưng sự khác biệt văn hóa vẫn luôn phủ một bóng mờ lên mối quan hệ giữa người Walloons và người Flemings, những người thường chỉ đồng quan điểm mỗi khi cùng tập trung xem một giải đấu bóng đá lớn trên truyền hình.
 
Bỉ sẽ đụng độ Brazil ở tứ kết
Cho đến lúc này, đội tuyển Bỉ vẫn đang đi đúng hướng. Các học trò của Martinez vẫn đang nỗ lực để mang niềm vui về với quê hương. Không chỉ vậy, người Bỉ đang hy vọng các người hùng của họ sẽ mang được một thứ khác khi trở về - ví dụ như một chiếc cúp vàng chẳng hạn. Sự đoàn kết và một chức vô địch danh giá, bạn còn muốn điều gì hơn từ những người hùng của mình?
 
Lược dịch từ bài viết “Belgium’s Exemplary Success Through Ethnic Integration” của tác giả Taha Memon trên Football Paradise.

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lịch thi đấu căng như dây đàn, liệu Real có thể tiếp tục nói hai từ "hài lòng"?

Trong những mùa giải gần đây, chúng ta luôn thấy một khả năng xoay sở rất tốt của HLV Carlo Ancelotti với những gì Real Madrid có trong tay. Nhưng ở mùa này, khi cơn bão chấn thương lũ lượt kéo tới, liệu chiến lược gia người Italia có thể tiếp tục nói "chúng tôi hài lòng với đội hình hiện tại"?

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.