Điều gì có thể ngăn Man City tìm được kho báu ‘Four Pieces’?

Tác giả Trên đường Pitch - Chủ Nhật 19/11/2023 19:47(GMT+7)

Zalo

Chuyến tàu lượn cảm xúc đêm 13/11 là đại sứ cho sự khốc liệt của Premier League: Ba lần Man City vươn lên dẫn trước là ba lần chủ nhà Chelsea gỡ hòa quả cảm. Giờ đây, khi chuỗi 3 trận thắng liên tiếp của nhà ĐKVĐ vừa bị chặn, chính là lúc thích hợp để gặng tìm lời đáp cho một câu hỏi lớn.

s-l1600 (1)
 

Dù đang bị Liverpool và Arsenal bám sát với khoảng cách một điểm ít ỏi, Man City vẫn dẫn đầu và hướng đến kỷ lục chưa từng có: Đội đầu tiên vô địch nước Anh 4 mùa liên tiếp.

Điều gì có thể ngăn The Citizens làm nên lịch sử vĩ đại ấy?

Trước khi nói chuyện cụ thể về nước Anh, hãy nhìn rộng ra châu Âu. Mùa giải trước, trái với nỗi đau của Borussia Dortmund là cảm giác ăn mừng trong bình thản của Bayern Munich. Ngày cuối cùng của Bundesliga 2022-23 diễn ra đầy kịch tính nhưng mang lại một kết quả quá quen thuộc: Hùm Xám đăng quang lần thứ 11 liên tiếp.

Ở Italia thập kỷ trước, kỷ lục 9 lần liền vô địch gọi tên Juventus. Ở Pháp, Lyon cũng từng vô địch liên tiếp 7 lần vào những năm 2000. Tại Tây Ban Nha, Real Madrid cầm danh hiệu 5 mùa liên tục vào những năm 1960, và một lần nữa làm được điều đó vào những năm 1980.

Giờ thì trở lại nước Anh, những chuỗi tương tự thấp hơn nhiều khi cao nhất chỉ là 3 lần vô địch liên tiếp. Từng có đến 6 cú hattrick vĩ đại như vậy, nhưng chưa có đội nào nối dài thành tích lên con số 4. Điều này phản ánh tính cạnh tranh rất cao ở giải hạng Nhất ngày xưa và giờ đây là Premier League. Trong tận 135 năm, chưa từng có CLB nào duy trì sự thống trị đến mức như vậy.

Điều nghĩa là Manchester City có thể tiến vào vùng lãnh thổ chưa từng được khám phá trong mùa giải này. Nghe hệt như một câu thoại hùng hồn trong đại tác phẩm One Piece.

Ấy thế nhưng năm “người tiền nhiệm” của họ không hề lặng im trong dĩ vãng. Hãy lắng tai thật kỹ vào cảnh tối ấy đi. Man City ơi, nghe thấy chưa, những lời cảnh báo từ bóng ma lịch sử?

Manchester City thời hiện đại rõ ràng khác biệt ở nhiều khía cạnh so với  Huddersfield (1923-26), Arsenal (1932-35), Liverpool (1981-84), Manchester United (1998-2001) và lại là United trong giai đoạn 2006-09. Tuy nhiên, vẫn có những mẫu số chung, những lời giải thích tại sao những đội có tiềm năng vô địch lần thứ tư liên tiếp lại chưa từng làm được điều đó!

Lời giải đầu tiên - mất HLV trưởng

Tin tốt cho City là họ có lẽ đã tránh được điều đầu tiên, vì chiến lược gia kiến tạo nên ba lần liên tiếp hiện vẫn còn đang dẫn dắt họ. Trong quá khứ, Herbert Chapman từng dẫn dắt Huddersfield hai lần vô địch nước Anh rồi chuyển sang Arsenal. Người kế nhiệm Cecil Potter chỉ cố giúp đội vô địch thêm một lần nữa rồi đứt đoạn.

Lại nói về Chapman, sau đó ông giúp Arsenal hai mùa liên tiếp lên đỉnh xứ sương mù nhưng rất tiếc là qua đời khi đang đương chức vào năm 1934. Chuyện cũ lặp lại, Pháo thủ vô địch thêm một mùa cùng tân HLV Joe Shaw rồi cũng bị cắt đứt chuỗi lên ngôi.

Tại Anfield, HLV Bob Paisley đã nghỉ hưu sau hai mùa vô địch liên tiếp cùng Liverpool ở thập kỷ 80s. Trợ lý Joe Fagan được đôn lên ghế lái trưởng và lập tức giành cú ăn ba ngay mùa đầu tiên, nhưng rất tiếc, lại không thể bảo vệ ngai vàng nước Anh mùa tiếp đó.

1007843-19194298-2560-1440
Sau khi Alex Ferguson giải nghệ, MU cũng không còn là chính mình

Vào mùa giải 2001-02, sau hai mùa vô địch Premier League liên tiếp cùng Man United, Sir Alex Ferguson công bố quyết định giải nghệ. Sau đó ông thu hồi quyết định này, nhưng có lẽ chính sự phân tâm đã khiến Quỷ Đỏ trả giá và đánh mất ngôi vương.

Trường hợp còn lại là Man United vào thập kỷ 2000s không rơi vào “lời nguyền” này. Nhưng con số 4/5 trường hợp cũng đủ làm chúng ta suy ngẫm, và đủ khiến Man City bớt lo ngại khi vẫn giữ chân được HLV Guardiola. Dẫu vậy, vẫn phải đặt câu hỏi nhẹ nhàng về quyết tâm chinh phục còn sót lại của chiến lược gia người Tây Ban Nha. Ông đã giành được gần như mọi thứ cùng Man City và dường như đang từng bước chuẩn bị cho thử thách mới (hợp đồng chỉ còn đến 2025).

Lời giải thứ hai - cày ải quá nhiều

Khác với điều đầu tiên, những yếu tố tiếp theo sẽ đáng ngại hơn đối với nhà ĐKVĐ.

Liverpool từng giành được một cú ăn ba khác vào mùa giải 1983-85, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa họ đã cày ải rất nhiều trong mùa giải ấy. Chính điều đó dẫn đến hệ quả đuối sức, trải qua chuỗi đến 7 trận không thắng ở giai đoạn đầu mùa VĐQG Anh kế tiếp. Chính chuỗi trận tệ hại đó góp phần lớn khiến họ không thể bảo vệ ngai vàng.

4857-jpeg-5127-1692115552
KDB là một ví dụ điển hình về việc cày ải quá nhiều

United cũng từng giành cú ăn ba mùa 2008-09, để rồi thua tổng cộng 5 trận ở giai đoạn từ đầu mùa cho đến giáng sinh ở mùa Premier League tiếp theo (mùa mà họ mất chức vô địch vào tay Chelsea). Tương tự, có thể việc phải cày ải đến 179 trận trong 3 mùa giải đã khiến Quỷ đỏ thua đến 5/7 trận ở giai đoạn cuối năm 2001… Giờ đây, Man City đã đang bắt đầu mùa giải mới sau khi đã chơi đến 180 trận trong 3 mùa giải vừa qua.

Lời giải thứ ba - các cuộc thư hùng

Lại nhìn về quá khứ: Sự sa sút vào tháng 4/1927 của Huddersfield bắt nguồn từ hai lần gặp Newcastle (đội sau đó lên ngôi chung cuộc). Huddersfield đã thắng ở Leeds Road nhưng sau đó thua tại St James’ Park. Tiếp đến, sự trượt dốc của Arsenal sau đó một thập kỷ cũng bắt nguồn từ trận thua 4-5 trước Sunderland vào tháng 12/1935.

Kể từ đó, cái dớp “thất bại ở trận then chốt và không thể bảo vệ ngai vàng” càng rõ ràng hơn. Liverpool thua Everton trên cả sân nhà và sân khách trong mùa giải 1984-85. Man United thua Arsenal vào mùa 2001-02 và thua Chelsea mùa 2009-10. Tất cả đều là những cuộc thư hùng bản lề.

16658429869063
 

Như vậy, lời khuyên dành cho kẻ nào muốn lật đổ Man City là phải đánh bại họ ít nhất một lần trong mùa giải, trước khi trông đợi vào những sự giúp đỡ khác: Ở mùa 2001-02, đội Á quân Liverpool đã đánh bại nhà ĐKVĐ Man United trên cả sân nhà và sân khách và vô tình “dọn đường” cho Arsenal vươn lên tiếm ngôi. Mùa 1984-85, đội hạng ba Tottenham cũng hai lần hạ gục nhà vua đương nhiệm Liverpool, “dọn đường” cho “anh hùng áo vải” Everton bước lên ngôi báu.

Lời giải thứ tư - lực lượng suy yếu

Một mẫu số chung đáng chú ý khác là dường như đội vô địch Anh 3 lần liên tiếp nào cũng đều trở nên suy yếu ở mùa giải thứ tư. Trong thời đại mà các đội ít chuyển nhượng, cả Huddersfield và Arsenal đều không mua được cầu thủ nào trước mùa thứ 4 để tăng cường lực lượng cho đội hình bắt đầu già cỗi.

Còn trong thời đại chuyển nhượng sôi động hơn, các nhà vô địch lại bị chảy máu tài năng! Sự ra đi đáng kể của các trụ cột đã khiến họ sụp đổ. Xét hiện tại, sự gia nhập của trung vệ đẳng cấp Josko Gvardiol có thể giúp Man City phòng ngự chắc chắn hơn, nhưng việc mất đi Ilkay Gundogan và Riyad Mahrez, họ đã suy yếu phần nào ở hàng công.

Đáng chú ý, Gundogan lại chính là cựu đội trưởng đã nâng cúp Champions League mùa giải trước và điều này sẽ dấy lên quan ngại: Liverpool từng bị cắt chuỗi vô địch khi tiền vệ đội trưởng Graeme Souness rời đi để gia nhập Sampdoria vào năm 1984. Man United cũng nhận vận rủi sau khi Sir Alex bán Jaap Stam năm 2001 (sau này ông thừa nhận đó là một sai lầm). Và rồi cũng chính United đã mất cả Cristiano Ronaldo lẫn Carlos Tevez (dù không phải đội trưởng, họ chính là những ngôi sao sáng bậc nhất và là những thủ lĩnh tinh thần) vào năm 2009.

riyad-mahrez-and-ilkay-gundogan-pictured-during-man-city-game
 

Đặc biệt trong cả hai lần ở Man United, có cảm giác động lực chiến đấu của họ đều thay đổi. Rõ rệt nhất là vào năm 2001, khi Sir Alex dường như đã làm cách mạng quá tay. Xới xáo đội hình khi đón về Juan Sebastian Veron và Ruud van Nistelrooy, Quỷ Đỏ chuyển sang đá với hàng tiền vệ 5 người với mong muốn cải thiện thành tích khi tiến ra châu Âu. Kết quả: Danh thủ người Argentina hoàn toàn không phù hợp với sân Old Trafford, còn sát thủ Hà Lan thì dù tỏ ra sung mãn với 36 bàn thắng trong mùa giải đầu tiên và tổng là 150 bàn sau 5 năm, chỉ giành được duy nhất một danh hiệu Premier League.

Lão hóa đội hình cũng là một nguyên do lớn khiến chưa có CLB nào vô địch nước Anh 4 lần liền. Ở mùa 1935-36, Arsenal sống bằng cảm hứng của tiền đạo Alex James, lúc ấy đã 34 tuổi. Tương tự là trường hợp của Liverpool với Phil Neal và Kenny Dalglish mùa 1984-85. Huyền thoại người Scotland bỏ lỡ đoạn đầu mùa và chỉ ghi được 6 bàn sau 53 trận trên mọi đấu trường (dù cho bù lại ông kiến tạo đến 24 bàn). Ở mùa 2009-10, bộ ba kỳ cựu Ryan Giggs, Paul Scholes và Gary Neville thậm chí còn phải cày ải nhiều hơn mùa trước đó.

Tin vui cho Man City là họ không có quá nhiều cầu thủ luống tuổi. Với việc Gundogan và Mahrez đã ra đi, Kyle Walker và Kevin de Bruyne là những trường hợp hiếm hoi đá chính ở độ tuổi ngoài 30. Dù vậy, gần đây ta thấy tuổi tác dường như đã gần bắt kịp ngôi sao người Bỉ, nhân tố rất quan trọng trong chiến thuật của Pep.

Lời giải thứ năm - vận rủi chấn thương

Đây có lẽ là yếu tố duy nhất nằm ngoài tầm kiểm soát của Man City, thực sự không thể đoán trước được. Trong lịch sử, chấn thương hoành hành cũng là nguyên nhân phổ biến khiến “hội hattrick vô địch” không thể kéo dài chu kỳ thành công. Cụ thể từ tận 1927, sự sa sút vào cuối mùa thứ 4 của Huddersfield xảy ra khi họ mất đội trưởng Clem Stephenson, Billy Smith (người giờ đây vẫn giữ kỷ lục số lần ra sân cho CLB) và cả ngôi sao Alex Jackson. Bỗng thiếu hai chân chạy cánh và cầu thủ kiến thiết lối chơi, số bàn thắng của họ cạn dần.

Sau đó 9 mùa giải, Arsenal cũng biến thành bệnh viện khi lần lượt vua phá lưới Ted Drake, các tiền đạo James, Ray Bowden và thủ thành Frank Moss đều phải ngồi ngoài gần như cả mùa.

Đối với Liverpool, Ian Rush từng ghi 47 bàn trong mùa giải 1983-84 nhưng sang mùa tiếp theo, số bàn giảm chỉ còn 26 (trong đó chỉ 14 bàn ở giải VĐQG) vì ông thường xuyên ngồi ngoài và bỏ lỡ 1/3 số trận thư hùng với các đối thủ trực tiếp.

Chấn thương nổi tiếng nhất trong mùa 2001-02 của Man United chắc chắn là cái cổ chân đau đớn của David Beckham, nhưng ảnh hưởng lớn nhất thì phải và vết đau đầu gối của Roy Keane, khiến đội trưởng huyền thoại phải vắng mặt trong vài trận thua của họ ở mùa Thu. Nhưng tệ nhất phải là mùa 2009-10, Quỷ Đỏ thực sự đã ngập ngụa trong lũ chấn thương: Wayne Rooney đang nổ súng giòn giã với 34 bàn thì bị đau mắt cá chân vào cuối tháng 3 và từ đó không ghi thêm bàn nào nữa; họ cũng phải trả giá vì các cầu thủ phòng ngự vắng mặt thường xuyên. Thậm chí, United đã thua một trận mà hai tiền vệ Darren Fletcher và Michael Carrick phải xuất phát trong vai trò… cặp trung vệ.

1_GettyImages-1786434056
Sẽ là mối lo cho Man City nếu phải chứng kiến Haaland gặp phải chấn thương như vậy

Chính vì vậy, Man City nên nghĩ về viễn cảnh Erling Haaland dính chấn thương là vừa - dù ở mức độ nặng hay nhẹ, để tránh cảnh sốc và hoang mang vì không có người thay thế hiệu quả phần nào. Man City từng vô địch với các số 9 ảo, nhưng lịch sử chỉ ra, “hội hattrick” năm xưa luôn không thể bảo vệ chức vô địch nếu có số bàn thắng thấp hơn mùa trước đó.

Lời giải cuối cùng - sự xuất hiện theo chu kỳ của kẻ lật đổ

Một thực tế rất thú vị được ghi chép trong lịch sử, là hầu hết “hội hattrick” đều không thể vô địch lần thứ tư liên tiếp vì sự hiện diện khó chống đỡ của một kẻ thách thức ngôi vương mạnh mẽ. Sunderland lật đổ Huddersfield ở giải VĐQG mùa 1935-36 khi ghi đến 109 bàn thắng, nhiều hơn nhà ĐKVĐ đến 50 bàn. 1984-85 cũng là mùa giải hay nhất trong lịch sử Everton với đội hình xuất sắc nhất mọi thời. Không chỉ vô địch Anh, họ còn tiến vào đến chung kết FA Cup và vô địch Cúp C2 châu Âu.

Và đến thời điểm này, nhiều fan gạo cội của Pháo Thủ vẫn đánh giá cao sức mạnh của đội hình vô địch mùa 2001-02 hơn cả đội hình bất bại của HLV Arsene Wenger. Còn Chelsea mùa 2009-10 đơn giản là một cỗ máy chiến thắng đã thấm nhuần từng tư tưởng, từng mảng miếng công sắc lẹm của HLV Carlo Ancelotti để trở thành đội bóng đầu tiên lập kỷ lục ghi bàn trong một mùa kể từ thập kỷ 60s (với tận 103 bàn thắng, hơn á quân Man United gần 20 bàn).

pep-arteta-1150jpg
 

Nhìn vào BXH hiện tại, đã gần 1/3 mùa giải trôi qua và bóng hình những kẻ lật đổ cũng dần lộ diện: Liverpool và Arsenal chỉ đang kém Man City 1 điểm như đã nói, và đặc biệt Tottenham đang chơi mùa hay nhất trong nhiều thập kỷ qua. Một hai điểm là cực kỳ mong manh, nhất là trong cuộc chiến khốc liệt - nơi mỗi trận đánh nhỏ đều kỳ kèo từng pha giao tranh như “Đại hải trình” Premier League.

Đường đến “kho báu Four Pieces” của Man City ngỡ đã rất gần, sẽ còn hứa hẹn lắm thử thách trong thời gian tới. 

Trần Thuận (dịch từ The Independent)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

X
top-arrow