“Đứng ở dưới thì nhảy mạnh lên! Ai sợ thì đi về”, câu nói ngẫu hứng của nam rapper MCK trong đêm diễn “Những thành phố mơ màng” tại Hà Nội vào ngày 06/07/2024 bằng một cách thần kỳ nào đó bỗng trở nên nổi tiếng khắp không gian mạng. Và với tốc độ lan truyền internet như hiện nay, xu hướng “Ai sợ thì đi về” thâm nhập sâu vào giới trẻ Việt Nam. Mới đây, trào lưu này còn bay nửa vòng trái đất để cập bến nước Anh theo như một vài người trêu đùa nhau.
Phút 84, trong cuộc đại chiến vòng 1 Premier League 2024/2025 giữa Chelsea và Manchester City, Mateo Kovacic nhận bóng từ giữa sân và có pha solo mẫu mực vượt qua 2 cầu thủ Chelsea trước khi dứt điểm từ khoảng cách gần 20m hạ gục thủ thành Robert Sanchez. Người ta gọi đó là khoảnh khắc xuất thần của Kovacic, bởi xuyên suốt sự nghiệp chơi bóng của mình thì tiền vệ người Croatia vốn không mạnh ở khả năng săn bàn. Hơn nữa đây lại là một bàn thắng cực kỳ đẹp mắt. Phút ngẫu hứng ghi bàn vào lưới đội bóng cũ của Kovacic đã giúp Man City ấn định thắng lợi 2-0, đồng thời qua đó cũng chấm dứt luôn hi vọng có điểm của đội chủ nhà.
Không chỉ quay cận cảnh pha lập công tuyệt đẹp đó, các camera tại Stamford Bridge cũng bắt trọn khoảnh khắc chủ tịch Todd Boehly thất vọng rời khu vực khán đài VIP, thay vì ở lại theo dõi đến hết trận. Một vài người vui tính đã cho rằng vì các cầu thủ của tỉ phú người Mỹ đứng dưới “nhảy không mạnh” nên ông “sợ bỏ về luôn”.
Chủ tịch Todd Boehly thất vọng rời đi sau khi Man City ghi bàn thứ 2 vào lưới Chelsea. |
Tất nhiên đó chỉ là câu nói trêu đùa bởi một doanh nhân đã từng đầu tư số tiền khổng lồ lên đến 5,2 tỷ USD (4,25 tỷ bảng) để mua lại Chelsea từ tay Roman Abramovich thì đâu phải là hạng tầm thường, đâu có dễ run sợ trước bất cứ khó khăn nào. Nên nhớ rằng, cũng chính người đàn ông ấy đã chi ra tổng cộng 1,32 tỷ bảng để đưa về Stamford Bridge tổng cộng hơn 40 cầu thủ chỉ trong vòng vỏn vẹn 2 năm cầm quyền, tức bằng 56% tổng ngân sách chuyển nhượng mà Abramovich đã sử dụng trong gần 2 thập kỷ, theo thống kê từ Transfermarkt. Trong quá khứ, truyền thông Anh đã phải kính nể với sự đầu tư bài bản của Abramovich dành cho Chelsea, thế nhưng giờ đây họ thậm chí còn phải kinh sợ với độ chịu chơi điên cuồng của Todd Boehly.
Chelsea dưới triều đại Todd Boehly là “cỗ máy đốt tiền” bậc nhất Premier League. |
Tuy vậy, luôn có một câu nói trói buộc đế chế của Todd Boehly tại Chelsea, rằng tiền không phải lúc nào cũng giải quyết được vấn đề. Tổng cộng 1,32 tỷ bảng được chi ra trong vòng 2 năm, vậy cái mà vị tỉ phú 50 tuổi nhận lại được là gì? Hay đơn thuần chỉ là sự thất vọng?
Sự bất ổn đến hỗn loạn diễn ra ngay trong mùa giải đầu tiên. Thống kê cho thấy, đã có 17 tân binh cập bến Stamford Bridge, 15 cầu thủ phải ra đi theo diện chuyển nhượng hoặc chấm dứt hợp đồng, 4 HLV trưởng ngồi vào ghế nóng tại Chelsea và tất nhiên chẳng một ai có cơ hội tiếp tục làm việc trong mùa giải tiếp theo. Theo dòng lịch sử, chưa bao giờ có một CLB chi ra số tiền hơn 600 triệu bảng trong 2 kỳ chuyển nhượng liên tiếp lại có kết quả tệ đến vậy. Tính riêng tại Premier League, Chelsea kết thúc mùa giải 2022/2023 với vị trí thứ 12 chung cuộc sau khi giành vỏn vẹn 44 điểm (11 thắng, 11 hòa, 16 thua), xô đổ hàng loạt các kỷ lục tệ hại nhất trong lịch sử CLB, bao gồm: thành tích tệ nhất từ năm 1996, chuỗi trận không thắng dài nhất từ năm 1993, ghi bàn ít nhất từ 1920. Không đơn giản chỉ là việc thiếu hiệu quả trong việc sự dụng nhân sự mà tập thể Chelsea này còn thiếu sự gắn kết. Có lẽ việc lọt vào đến tứ kết Champions League là niềm an ủi duy nhất với họ. Bởi lẽ, những gì thể hiện tại các giải quốc nội, các True Blues đều không muốn nhớ.
Ở mùa giải thứ hai, mọi thứ cũng không được cải thiện nhiều, bất chấp nửa xanh thành London vẫn mua sắm rầm rộ trên thị trường chuyển nhượng. Có cảm giác như Todd Boehly muốn xóa sạch mọi tàn dư của triều đại cũ, bằng cách đẩy đi tất cả những cái tên còn sót lại, bao gồm: Edouard Mendy, Cesar Azpilicueta, Kai Havertz, Mason Mount, Christian Pulisic, Ruben Loftus-Cheek, N'Golo Kante, Hakim Ziyech và Romelu Lukaku. Lòng kiên nhẫn của ông cực kỳ có giới hạn khi bộ đôi gốc Phi là Kalidou Koulibaly và Pierre-Emerick Aubameyang phải lập tức khăn gói ra đi chỉ sau 1 năm ngắn ngủi. Chelsea thậm chí chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với Aubameyang khi gặp khó trong việc tìm kiếm đối tác mua tiền đạo này. Hai bản hợp đồng cho mượn ở kỳ chuyển nhượng mùa đông trước đó là Joao Felix và Denis Zakaria cũng bị trả lại CLB chủ quản do đóng góp hạn chế.
Todd Boehly cũng rất mạnh tay thanh lý tàn dư từ thời Roman Abramovich. |
Loay hoay trong mớ hỗn độn do chính mình tạo ra, Chelsea của mùa giải 2023/2024 lại đón 11 tân binh, đồng thời tiễn chân 17 cầu thủ theo diện chuyển nhượng hoặc chấm dứt hợp đồng. Đã có 450 triệu bảng từ ngân sách chuyển nhượng của Chelsea chảy vào túi tiền của các CLB khác, nhưng tất cả những gì Todd Boehly nhận lại trong mùa giải làm việc duy nhất của HLV Mauricio Pochettino chỉ là ngôi vị á quân Carabao Cup và vào đến bán kết FA Cup. Ở đấu trường quan trọng nhất là Premier League, Chelsea khởi đầu tệ hại với chỉ 1 chiến thắng trong 6 vòng đấu đầu tiên, ghi vỏn vẹn 5 bàn ở chuỗi trận thất vọng ấy. Bất chấp việc cải thiện được phong độ ở giai đoạn nước rút, Chelsea vẫn chỉ kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 6 chung cuộc, chỉ được tham gia UEFA Europa Conference.
Ở mùa hè này, Chelsea vẫn điên cuồng mua sắm. Sau khi chiêu mộ tân binh thứ 9 là Pedro Neto từ Wolverhampton với mức giá 54 triệu bảng, đại diện thành London sắp sửa chào đón tân binh thứ 10 là Joao Felix từ Atletico Madrid. Và vẫn công thức cũ, khi các cầu thủ này sẽ ký hợp đồng dài hạn. Thống kê cho thấy, Chelsea hiện đang có tổng cộng 42 cầu thủ, trong đó có đến 24 cầu thủ còn thời hạn hợp đồng trên 5 năm. Bằng cái này, BLĐ đội bóng muốn phân bổ chi phí nhằm tránh ảnh hưởng của Luật công bằng tài chính (FFP). Tuy nhiên, sẽ là lợi bất cập hại khi Chelsea muốn đẩy đi một số nhân tố không còn hữu dụng trong trường hợp họ vẫn cố bám trụ ở lại. Trường hợp của Malang Sarr là ví dụ điển hình.
Hình ảnh Todd Boehly rời khán đài khi trận đấu với Man City chưa kết thúc là tín hiệu cho thấy sự tức giận của người đàn ông quyền lực nhất Chelsea. Mùa giải mới đã khởi tranh nhưng đội bóng của ông vẫn tệ như vậy. Họ bị Erling Haaland chọc thủng lưới từ sai lầm của hàng phòng ngự. Họ để Kovacic nhân đôi cách biệt cũng từ sự chủ quan trong việc theo kèm người. Hàng thủ chơi như mơ ngủ trong khi hàng công liên tục bỏ lỡ cơ hội từ những đôi chân của Enzo Fernandez, Cole Palmer và đặc biệt là sự vô duyên của Nicolas Jackson. Trong tay HLV Enzo Maresca đang có 12 cầu thủ tấn công, nhưng ngay cả chính bản thân ông cũng chưa định hình được bản thân sẽ sử dụng ai, loại bỏ ai. Một cơn khủng hoảng thừa lượng, thiếu chất theo đúng nghĩa!
Mùa giải mới nhưng Nicolas Jackson vẫn vô duyên đến lạ! |
Trận thua trước nhà đương kim vô địch Man City trong ngày Premier League trở lại không phải là điều gì khó chấp nhận, thế nhưng cái cách mà các cầu thủ Chelsea nhận thất bại đã khiến Todd Boehly cũng như các True Blues không thể nuốt trôi. Khoảnh khắc “người cũ” Kovacic ghi bàn ấn định tỉ số 2-0 như một lời mỉa mai chua chát, rằng một cầu thủ bị Todd Boehly bỏ rơi đã dạy cho hàng công của ông cách làm như thế nào để sút tung lưới đối thủ. Việc Man City liên tiếp chinh phục đỉnh cao danh vọng cũng được xem là lời đả kích mạnh mẽ đến ông chủ của Clearlake Capital. Về cơ bản, cả Man City lẫn Chelsea đều được xếp vào nhóm các đội bóng phát triển mạnh mẽ nhờ sự hẫu thuận tài chính của giới chủ giàu có. Thậm chí, Chelsea còn là đội bóng đi tiên phong với đế chế Abramovich (2003-2022). Nhưng khi Man City tận dụng tốt nguồn lực từ giới chủ thì giờ đây Chelsea lại đang “lạc trôi” giữa dòng xoáy mà Todd Boehly tạo ra.
Cơn bĩ cực này được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài nếu như Chelsea vẫn mắc chứng bệnh “cuồng shopping”, thay vì quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân sự sẵn có. Phải chờ đợi đến bao giờ các đôi chân áo xanh ở dưới sân mới “nhảy mạnh” để mình ở lại sân lâu hơn đây tỉ phú Todd Boehly?