Trong 2 mùa giải gần nhất, đội bóng nửa xanh vùng Merseyside đều chật vật trong cuộc chiến trụ hạng. Người hâm mộ của The Toffees phải “nín thở” đến giây phút cuối cùng để biết chắc chắn rằng đội bóng thân yêu sẽ được ở lại với Premier League trong năm tiếp theo. Vậy nên mới có chuyện sau khi trụ hạng thành công, các CĐV Everton đã tràn xuống sân để ăn mừng giống như đội nhà vừa giành chức vô địch.
Khoảnh khắc đó đã để lại những cung bậc cảm xúc trái chiều. Không ít người cảm thấy buồn khi người hâm mộ của một đội bóng giàu truyền thống như Everton lại ăn mừng cuồng nhiệt thời điểm đội nhà trụ hạng thành công. Đáng lẽ với tầm vóc lịch sử của một CLB từng 9 lần vô địch First Division (tiền thân của Premier League), Everton phải làm tốt hơn những gì họ thể hiện trên sân cỏ.
Mùa giải 2021/2022, CĐV Everton ăn mừng đội nhà trụ hạng như kiểu vô địch. |
Đã có một vài tín hiệu khởi sắc xuất hiện tại Goodison Park trong quãng thời gian gần đây. Sau chuỗi khởi đầu tệ hại, đoàn quân của Sean Dyche đã có màn trình diễn rất ấn tượng kể từ giai đoạn tháng 10. Everton giành được 3 chiến thắng và 1 trận hòa trong 5 vòng đấu gần nhất tại Premier League, tạm leo lên vị trí thứ 14 trên BXH với 14 điểm. Nếu không xét đến nhóm Big Six thì đây là thành tích tốt nhất của một đội giành được kể từ tháng 10, bên cạnh Aston Villa.
Thế nhưng khi mà người hâm mộ Everton còn chưa kịp lan tỏa niềm vui thì họ đã nhận hung tin. Mới đây, Liên đoàn bóng đá Châu Âu đã đưa ra tuyên bố chính thức về việc Everton bị trừ 10 điểm tại Premier League vì vi phạm các quy định tài chính. Từ chỗ đang ở một ví trí an toàn, có cơ hội vươn lên nửa trên BXH, Everton giờ đã rơi tự do xuống khu vực “cầm đèn đỏ” với vỏn vẹn 4 điểm, chỉ xếp trên Burnley nhờ vào hiệu số bàn thắng. Dễ hiểu, từ BLĐ đội bóng cho đến các cầu thủ đều cảm thấy thất vọng trước phán quyết nghiệt ngã này. Đó chắc chắn là đòn giáng mạnh vào tham vọng của Everton ở mùa giải 2023/2024. Vậy điều gì đang diễn ra đằng sau phán quyết ấy?
Everton rơi xuống vị trí thứ 19 trên BXH Premier League sau khi bị trừ 10 điểm. |
Trong lịch sử Premier League, Everton chính là đội bóng thứ 2 bị trừ điểm, sau trường hợp của Portsmouth diễn ra vào năm 2010, thời điểm “Pompey” tuyên bố phá sản vì không thể trả nổi khoản nợ 60 triệu bảng quá hạn thanh toán. Tình thế của Everton không bi đát như Portsmouth, tuy nhiên đội chủ sân Goodison Park cũng đã vi phạm luật Luật công bằng tài chính (FFP) và Quy định lợi nhuận và phát triển bền vững (PSR).
Cụ thể, trong phiên điều trần vào tháng trước, Premier League đã đưa ra các bằng chứng cho rằng khoản lỗ lũy kế của Everton trong chu kỳ FFP kết thúc vào năm 2022 là 124,5 triệu bảng, vượt quá 19,5 triệu bảng so với khoản lỗ tối đa mà các CLB tại Châu Âu được chấp nhận. Mặc dù ban đầu phủ nhận cáo buộc, tuy nhiên phía Everton cuối cùng cũng đã chấp nhận rằng họ đã vi phạm một số tiền ước tính 9,7 triệu bảng. Đồng thời họ cũng đã đưa ra một vài lý do để giải thích cho việc vi phạm này.
Thứ nhất, dự án xây dựng SVĐ mới tốn kém của họ và sự khác biệt quan điểm trong việc hạch toán các khoản vay để hỗ trợ cho kế hoạch này.
Thứ hai, tác động của Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh trong giai đoạn từ 2020-2022.
Thứ ba, việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn của một ngôi sao (cầu thủ X) và phải đền bù 10 triệu bảng là điều không nằm trong dự tính của BLĐ đội bóng.
Thứ tư, ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến Nga – Ukraine khiến Everton phải dừng toàn bộ các thỏa thuận tài trợ từ nhà tài phiệt Alisher Usmanov với thỏa thuận ban đầu ước tính là 200 triệu bảng trả đều trong 20 năm. Với ảnh hưởng từ chiến tranh, thỏa thuận này chỉ có thể tiến hành vào năm 2025, thay vì đầu năm 2022 như dự tính.
Trong 4 lý do kể trên, chúng ta thấy nổi cộm nhất chính là việc Everton xử lý các khoản vay liên quan đến dự án xây dựng SVĐ mới. Với việc không có nhiều gói tài trợ bên ngoài, kinh phí để xây dựng SVĐ ước tính 760 triệu bảng chủ yếu đến từ khoản vay từ chủ sở hữu Farhad Moshiri. Tại đây, Moshiri lập ra Everton Stadium Development Ltd (ESDL) để đứng vai trò pháp nhân của toàn bộ dự án, đồng thời sẽ gánh toàn bộ chi phí lãi vay. Thế nhưng, đáng lẽ ra Everton dưới vai trò là công ty mẹ sẽ phải gánh phần lớn các phải lãi vay đó, chứ không phải ESDL. Do vậy, ủy ban kiểm tra đã cho rằng BLĐ Everton đã không trung thực trong việc ghi nhận các khoản chi phí, đồng thời coi đây là một tình tiết tăng nặng án phạt. Một thông báo được đưa ra sau đó: “Tình cảnh của Everton là do chính họ tạo ra. Việc để các khoản lỗ tài chính vượt ngưỡng quy định đã, đang và sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng”. Sau 5 ngày tranh luận và phản biện, lời khai từ các nhân chứng chuyên môn, 40.000 trang tài liệu được đệ trình, bản phán quyết dài 41 trang đã được đưa ra.
Dự án xây dựng SVĐ mới của Everton còn chưa hoàn tất đã phát sinh vấn đề. |
Phản ứng từ phía Everton
Trong một tuyên bố diễn ra vào ngày 17/11/2023, Everton cho rằng họ bị sốc và thất vọng cực độ, đồng thời mô tả việc bị trừ 10 điểm là một hình phạt thể thao bất công. Phía Everton khẳng định họ đã hành động rất thiện chí, thường xuyên liên lạc với các phái đoàn PSR về nắm vững tình hình CLB. Cụ thể từ trước đó, liên đoàn PSR đã đặt Everton vào tầm ngắm, đồng thời hạn chế một vài hoạt động tài chính của họ trong năm 2021, bao gồm cả việc đưa ra giới hạn tiền lương. Tất cả các giao dịch, bao gồm chuyển nhượng và hợp đồng, phải được các quan chức liên đoàn phê duyệt trước khi được hoàn tất. Everton tin rằng họ đã tuân thủ các biện pháp này và những nỗ lực ấy chưa được ghi nhận một cách thỏa đáng.
Everton cũng lưu ý rằng ủy ban kiểm tra không xác định đây là hành vi cố ý vi phạm và chỉ ra ví dụ về việc có 3 người trong ban kiểm tra thừa nhận án phạt không nên đánh thẳng vào phương diện thể thao (tức là trừ điểm). Everton cho rằng đội bóng đang trở thành “vật tế thần” để răn đe cho những CLB lớn hơn. Trong quá khứ, rất nhiều ông lớn tại Châu Âu vi phạm FFP nhưng chưa có bất cứ CLB nào bị trừ điểm trực tiếp. Trường hợp của Juventus bị trừ điểm đến từ việc đội bóng thành Turin dính án gian lận tài chính.
Everton có cơ hội kháng cáo?
Điều này là rất rõ ràng. Ngay cả khi bị xác định vi phạm, Everton vẫn có quyền kháng cáo để giảm nhẹ bản án. Trước đây, đội bóng đang thi đấu tại Giải hạng nhất Anh là Sheffield Wednesday cũng từng bị trừ 12 điểm do sai phạm trong việc ghi nhận doanh thu bán sân vận động không đúng thời điểm. Sau cùng, án phạt được giảm xuống chỉ còn 6 điểm. Tuy vậy, Sheffield Wednesday cũng không thể trụ lại giải đấu khi xếp đội sổ ở vị trí thứ 24 vào cuối mùa giải 2020/2021 với 41 điểm. Điều đáng nói là nếu như không bị trừ điểm thì Sheffield Wednesday sẽ có được vị trí thứ 21 với 47 điểm, vừa đủ để họ ở lại với Giải hạng nhất. Vậy nên, trước khi chờ đợi kết quả từ nỗ lực kháng cáo, đoàn quân của Sean Dyche phải cố gắng thoát ra khỏi “vũng lầy” khu vực cuối BXH.
Hệ lụy từ nhiều năm “lạc lối”
Dù chỉ là đội bóng tầm trung, Everton lại thuộc nhóm CLB có truyền thống lâu đời nhất của bóng đá Anh. Trong suốt chiều dài lịch sử, họ mới bốn lần vắng mặt ở hạng đấu cao nhất và lần gần nhất đã cách đây hơn 60 năm. Tại kỷ nguyên Premier League (tính từ năm 1992), Everton chưa từng xuống hạng. Đặc biệt trong thập niên đầu của thế kỷ 21, Everton thường xuyên xuất hiện trong Top 6 đội dẫn đầu khi mùa giải kết thúc. Đó là giai đoạn hoàng kim của đội bóng gắn liền với đế chế mà David Moyes xây dựng. Đỉnh cao là ở mùa giải 2004/2005, The Toffees cán đích với vị trí thứ 4 chung cuộc, nhưng phải cay đắng chứng kiến đối thủ không đội trời chung là Liverpool giành mất vé dự Champions League nhờ chiến tích kinh điển tại Istanbul.
Thế nhưng trong vài năm trở lại đây, Everton ngày càng sa sút không phanh. Đó được xem là hệ lụy từ nhiều năm lạc lối. Đầu năm 2016, Moshiri bán toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại Arsenal cho đối tác thân cận là Alisher Usmanov. Với khoản tiền nhận được, tỷ phú người Anh thâu tóm 49,9% cổ phần của Everton với mức đầu tư khoảng 200 triệu bảng, biến ông trở thành cổ đông lớn nhất Everton.
Trước khi Moshiri lên nắm quyền, đội bóng thành phố cảng đã thua lỗ 8/11 mùa giải. Mùa giải hiếm hoi họ làm ăn có lãi chính là mùa giải 2013/2014 (lãi 31 triệu bảng), khi họ bán thành công Marouane Fellaini sang Manchester United với mức giá 32,5 triệu bảng. Trong những năm tiếp theo, kết quả kinh doanh của Everton cũng không được cải thiện dù họ được quản lý bởi một người từng làm kiểm toán viên tại hai công ty kiểm toán lớn nhất thế giới là E&Y và Deloitte.
Bất chấp vẫn bán được một vài trụ cột để tái đầu tư, tiêu biểu là trường hợp của John Stones (50 triệu bảng), Romelu Lukaku (75 triệu bảng), Idrissa Gueye và Lucas Digne (27,5 triệu bảng). Mới nhất là thương vụ bán bộ đôi Anthony Gordon và Richarlison để thu về khoản tiền lên đến 100 triệu bảng. Tuy vậy, ở chiều ngược lại, các thương vụ mua sắm của Everton được xem là thảm họa. Vô số cái tên từng được kỳ vọng khi cập bến Goodison Park như Morgan Schneiderlin, Yannick Bolasie, Cenk Tosun, Theo Walcott, Davy Klaassen, Michael Keane, Gylfi Sigurdsson, Andre Gomes, James Rodriguez, Alex Iwobi, Dwight McNeil, Beto…đều không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn. Cũng chính vì không thể tỏa sáng như kỳ vọng ban đầu, dẫn đến việc Everton cũng chẳng thể bán họ với mức giá sinh lời. Ví dụ như Sigurdsson, Everton phải trả cho Swansea 45 triệu bảng để sở hữu tiền vệ người Iceland vào mùa hè 2017, nhưng không thu lại được bất cứ đồng nào trong tương lai.
Sigurdsson từng không đáp ứng được kỳ vọng với mác giá 45 triệu bảng. |
Everton dưới thời Moshiri được xem là “lò xay” HLV. Sean Dyche là HLV trưởng thứ 12 kể từ khi người đàn ông 68 tuổi nắm quyền. Trong số này có rất nhiều chiến lược gia hàng đầu như Roberto Martinez, Ronald Koeman, Rafael Benitez, và đặc biệt là Carlo Ancelotti. Thuyền trưởng hiện tại của Real Madrid từng bị hấp dẫn bởi những lời hứa hẹn đầu tư mạnh mẽ từ Moshiri, nhưng nhanh chóng vỡ mộng và rời đi chỉ sau đó 18 tháng.
Trong 2 mùa giải 2021/2022 và 2022/2023 mà Everton phải chật vật trụ hạng tại Premier League, thống kê cho thấy BLĐ đội bóng chỉ chi ra 96 triệu bảng để nâng cấp đội hình, dù họ thu về 123 triệu bảng từ việc bán cầu thủ.
Moshiri và Usmanov đang ngày càng khiến Everton tụt lùi. |
Usmanov được xem là cổ đông ngầm tại Everton, thế nhưng tỷ phú người Nga cũng không hề vung tiền để cải tổ Everton như những gì người hâm mộ kỳ vọng. Những gì xảy ra tại Everton ở thời điểm này có phần giống với Arsenal thời điểm Usmanov vẫn còn nắm giữ cổ phần, cùng với nhà Kroenke. “Đánh trống khua chiêng” là vậy, nhưng Usmanov chưa bao giờ cho thấy tham vọng xứng tầm với khối tài sản ông ta sở hữu. Khác biệt chính là Arsenal “sống khỏe” từ hoạt động kinh doanh của họ, còn Everton thì không.
Nếu điều này không được cải thiện trong tương lai, rất có thể cái tên Everton sẽ ngày càng bị lu mờ trên bản đồ bóng đá Anh. Chẳng ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra khi họ phải xuống hạng ở mùa giải năm nay với án phạt 10 điểm vẫn lơ lửng treo trên đầu?