“Bản sắc” của Manchester United là một chủ đề đã gây ra rất nhiều cuộc tranh luận, nhưng chính xác thì nó là gì và nó có thật sự quan trọng đối với một câu lạc bộ đang nỗ lực để tìm kiếm một con đường có thể đưa họ trở lại vị thế đỉnh cao?
“Bản sắc” của Manchester United là một chủ đề đã gây ra rất nhiều cuộc tranh luận, nhưng chính xác thì nó là gì và nó có thật sự quan trọng đối với một câu lạc bộ đang nỗ lực để tìm kiếm một con đường có thể đưa họ trở lại vị thế đỉnh cao?
“Truyền thống” là một thứ rất quan trọng, theo những gì Adam Bate đã viết, nhưng bản sắc của Man United lại rất khó xác định và trên hết, nó không được phép cản trở tiến trình phát triển của họ …
Trong một cuộc trò chuyện giữa Sky Sport và vị huấn luyện viên đã làm việc lâu năm tại lò đào tạo cầu thủ trẻ của Manchester United, Tony Whelan, ông đã sử dụng một cụm từ để mô tả truyền thống phát triển cầu thủ của câu lạc bộ này. Ông đã nhắc đến một “sợi chỉ đỏ” nối liền xuyên suốt lịch sử Man United.
“Tôi gọi nó là một ‘sợi chỉ đỏ’, bởi vì nó đã có từ tận thời ‘Những cậu bé của Busby’ rồi,” Whelan nói. “Những nguyên tắc từ thời đó vẫn còn được duy trì và áp dụng, chúng tôi chỉ đơn giản là tiếp nối cái truyền thống đó mà thôi.”
Không ai có thể chắc chắn mùa giải sắp tới của Man United dưới thời Solskjaer sẽ diễn ra như thế nào, nhưng có một điểm nhấn rất đáng chú ý. Câu lạc bộ này sẽ đạt đến cột mốc 4000 trận liên tiếp trong suốt chiều dài lịch sử với những đội hình một có sự góp mặt của các cầu thủ trưởng thành từ học viện đào tạo cầu thủ trẻ của họ.
Đó là một sự “nối tiếp truyền thống” kéo dài trong suốt 80 năm, và như Whelan đã đề cập đến, nó gắn liền với những đội hình mang tính biểu tượng, từ “những cậu bé của Busby” cho đến “Thế hệ 92”. Sẽ hoàn toàn chính xác khi nói rằng, một sự cam kết vững chắc chưa từng thấy với công tác phát triển cầu thủ trẻ đã được xác định tại đội bóng này, nhưng sự thật là Manchester United luôn luôn là một câu lạc bộ còn có nhiều hơn thế nữa.
Trong khi những thần đồng như Duncan Edwards, George Best và Ryan Giggs là những cái tên thuộc dạng “cây nhà lá vườn”, thì còn có những biểu tượng vĩ đại khác tại Man United như Dennis Law, Bryan Robson và Roy Keane đều là những bảng hợp đồng kỷ lục được mang về từ thị trường chuyển nhượng.
Có lẽ không ai ở Old Trafford được yêu mến hơn Eric Cantona, nhưng trước cả khi trở thành ngôi sao tại Man United, anh cũng đã là một cầu thủ kiệt xuất sở hữu những phẩm chất phi thường, chính vì vậy, anh đã đến với Man United với tư cách là một nhà vô địch ở tuổi 26, khi vừa dẫn dắt đội tuyển Pháp lên ngôi tại European Championships.
United có truyền thống tạo ra những tài năng trẻ và phát triển họ thành những ngôi sao lớn, nhưng đồng thời, họ cũng có truyền thống sẵn sàng vung tiền khủng trên thị trường chuyển nhượng để phù hợp với vị thế của “Câu lạc bộ thành công nhất lịch sử bóng đá Anh”.
Chính vì thế, để có thể xác định được một “bản sắc” thực sự của Man United là một việc rất khó khăn.
Có cảm giác như câu lạc bộ này đang phải rất chật vật với cái khái niệm về “những định nghĩa về một cầu thủ của Manchester United”. Sự hiện diện của Solskjaer đã củng cố hơn mối liên kết giữa hiện tại với quá khứ, lịch sử của đội bóng này, mang đến một sự yên tâm cho các cổ động viên rằng, bất kì bảng hợp đồng nào mà ông mang về cũng đều sẽ tuân theo cái ý tưởng của ông về những gì có thể đại diện cho “chất Manchester United” nhất. Đó chính là vấn đề đang tồn tại ở đây, và chúng có thể sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Gary Neville đã nói về việc tách “những cái tốt” ra khỏi “những cái xấu” trong phòng thay đồ của Man United và đó dường như là sự khởi đầu duy nhất cho những thay đổi mang tính tích cực. Tuy nhiên, đó là một nhiệm vụ rất lớn và vô cùng khó khăn – không chỉ bởi chính Neville cũng thừa nhận rằng rất khó để xác định những cái tên nào sẽ góp mặt trong hai danh sách “tốt” và “xấu” kia.
Trên thực tế, thật sự rất khó để khẳng định chắc chắn ai nên ở lại và ai nên ra đi khi xét đến cốt lõi của cái khái niệm về “bản sắc” của Man United và xác định ý nghĩa thực sự của nó.
Ví dụ, Jesse Lingard và Marus Rashford nên là hiện thân của nó. Cả hai đều là những cầu thủ có tiếng tăm, tầm vóc rất lớn tại đội bóng này. Họ là những tài năng trưởng thành tại chính lò đào tạo cầu thủ trẻ của Man United và đã tạo ra những dấu ấn đáng nhớ tại đội 1. Tuy nhiên, những hành vi của họ trong kì nghỉ hè đã khiến rất nhiều người khó chịu, trong một thời điểm mà các động thái của nhà vô địch World Cup, Paul Pogba, vốn đã gây ra vô số sự phẫn nộ.
Đối với một số người, đặt những hình ảnh đó cạnh bên các đoạn video về những buổi tập luyện suốt mùa hè của Scott McTominay là một chuyện quá hấp dẫn để có thể bỏ qua. “Đừng sợ hãi, hãy sẵn sàng”. Đó chính là thông điệp mà Scott đã truyền tải, khi anh được chụp hình đang đứng trên sân cứng. Đó chính là những hình ảnh mà các fan hâm mộ của Man United muốn được nhìn thấy
Tuy nhiên, ngay cả ở đây, vẫn đề cốt lõi của câu hỏi búa mang tên “bản sắc” vẫn được đặt ra. Trong khi tất cả mọi người đều bị ấn tượng bởi những nỗ lực của McTominay, thì cũng có nhiều người khác tranh cãi rằng, vấn đề nên nhìn nhận ở tiền vệ này, là việc anh thiếu khả năng, trình độ chứ không phải ở tính cách, thái độ. Cái mà các cổ động viên đó lo lắng, chính là việc “khi mà người ta chỉ có thể đặt hy vọng vào tính cách, thái độ của các cầu thủ, thì đó là một sự thừa nhận thất bại chứ không phải là một con đường để trở lại vị thế đỉnh cao.”
Lời nói dối đã lặp đi lặp lại vô số lần chính là “các cổ động viên của Manchester United sẽ luôn hạnh phúc, bất chấp kết quả có như thế nào, miễn là họ được nhìn thấy các cầu thủ đang cống hiến hết mình cho chiếc áo đang khoát trên người.” Nhưng đó chỉ là “một nửa sự thật” tại bất kì câu lạc bộ nào và nó hoàn toàn dối trá khi dùng để nói về một câu lạc bộ có tầm cỡ như Man United.
Sự thật là các cổ động viên muốn nhiều hơn thế. Đó là những gì đang diễn ra ở mọi nơi khác và là những gì mà họ nên phấn đấu để đạt được nếu muốn thu hẹp khoảng cách với các đối thủ. Bởi vì trong khi người ta quan niệm rằng “làm việc chăm chỉ sẽ có thể đánh bại tài năng”, thì sự thật phũ phàng là Manchester City và Liverpool lại đang sở hữu cả hai thứ đó cùng một lúc.
Đáng chú ý, một thứ gì đó gần giống với một chiến lược bài bản đã xuất hiện trong mùa hè này. Những cầu thủ có tiềm năng lớn, trẻ trung và đầy khát khao đang là những mục tiêu chính của Man United hiện tại, đối với những cái tên đó, việc được khoát áo Man United chính là sự đánh dấu cho một thách thức lớn nhất trong sự nghiệp non trẻ của họ.
Daniel James là bảng hợp đồng đầu tiên của kỷ nguyên Solskjaer, một cầu thủ 21 tuổi, người xứ Wales, vừa trải qua một mùa giải đột phá tại Swansea. Aaron Wan-Bissaka, người sinh cùng tháng với James, cũng đã gia nhập Man United với một bảng hồ sơ trinh sát đầy ấn tượng.
Mối quan tâm thứ hai tại Man United chính là “lối chơi.”
Solskjaer đã đạt được một số thành công với lối đá phòng ngự phản công, nhưng “kiểm soát bóng với những tính toán sắc bén” đang tiếp tục là một vấn đề của Man United và trong khi một số người sẽ phủ nhận những lời chỉ trích của Louis Van Gaal, thì nhà cầm quân người Hà Lan cũng không hề sai khi khẳng định rằng, lối chơi mà vị huấn luyện viên người Na Uy áp dụng không hề có gì khác biệt so với lối chơi của Man United dưới thời Jose Mourinho.
Ngay cả ở đây, câu hỏi về “bản sắc” cũng vô cùng khó giải đáp. Thời kỳ của Sir Alex Ferguson không chỉ có phong cách thi đấu tự do, tấn công dồn dập và sự nỗ lực, mà còn là chiến thắng nhờ một phong cách hấp dẫn, nhưng đồng thời vẫn nhấn mạnh vào cái tinh thần “chiến thắng bằng mọi giá”. Trận hòa 5-5 trước West Brom thường được mang ra làm biểu tượng cho thứ bóng đá đề cao tính giải trí, niềm vui, nhưng đó chưa bao giờ là một ví dụ đầy đủ.
Cũng như chủ nghĩa thực dụng ở châu u, ngay cả sự thành công tại giải quốc nội của Man United dưới thời Alex Ferguson cũng mang đầy sự toan tính, thực dụng khi cần thiết. Trong mùa giải 1995/1996 nổi tiếng, khi đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Man United cho ngôi vô địch là Newcastle, họ đã có một chuỗi 4 trận thắng liên tiếp trên sân nhà đều với tỷ số 1-0.
Mùa giải thứ ba trong chuỗi ba mùa giải liên tiếp vô địch Premier League của Man United, chức vô địch của mùa 2008/2009 mà họ giành được chủ yếu là nhờ vào một chuỗi 14 trận giữ sạch lưới liên tiếp, họ chỉ có 4 trận là ghi được nhiều hơn 1 bàn trong chuỗi trận đó.
Vấn đề ở đây là việc cố gắng “xếp xó” 26 năm trị vì của Alex Ferguson rõ ràng là chuyện bất khả thi – đó cũng là một sự thật khi đề cập đến việc xác định “bản sắc” của một câu lạc bộ đã tồn tại hơn 1 thế kỷ trước cả khi nhà cầm quân người Scotland đến.
James Fearon, nhà khoa học chính trị nổi tiếng tại đại học Stanford đã từng lập luận rằng, “bản sắc” có thể được định nghĩa là “những đặc trưng phân biệt mà người ta dành cho chúng một sự niềm tự hào đặc biệt hoặc xem là không thể thay đổi.” – và đối với Tony Whelan, ông đã tóm tắt nó bằng hình ảnh của một “sợi chỉ đỏ”.
Nhưng “sợi chỉ đỏ” quan trọng nhất và được đề cao nhất chính là sự thành công. Chính vì lý do đó, sẽ có ý nghĩa hơn khi Man United tập trung vào việc tìm kiếm một bản sắc mới thay vì cố gắng bám víu vào “bản sắc Manchester United”; để hướng đến tương lai chứ không phải mãi nhìn về quá khứ.
Lược dịch từ bài viết của Adam Bate, “Manchester United identity is hard to define so look forward not back”, được đăng tải trên tờ Sky Sport.
- NAM KHÁNH -