Cứu cánh 120 triệu Euro của Barcelona: Khi Joan Laporta còn nhiều việc cần giải quyết

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Tư 23/08/2023 11:57(GMT+7)

Hai ngày trước khi Barcelona bắt đầu hành trình bảo vệ chức vô địch La Liga, đội bóng của HLV Xavi Hernandez chỉ có 12 thành viên của đội 1 đủ điều kiện đăng ký – và một trong số họ, Ousmane Dembele, đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để gia nhập Paris Saint-Germain. 

 

Những vấn đề khó khăn về tài chính khiến Barcelona không thể đăng ký cả 3 bản hợp đồng mới mà họ chiêu mộ ở phiên chợ hè là Inigo Martinez, Ilkay Gundogan và Oriol Romeu. Ngoài ra những cái tên vừa gia hạn hợp đồng như Ronald Araujo, Sergi Roberto và Marcos Alonso, cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tuy vậy BLĐ đội bóng hi vọng một thỏa thuận tài chính mới được công bố vào thứ 6 (tức ngày 11/08/2023) sẽ giúp giải quyết được vấn đề, qua đó đăng ký thêm những cầu thủ quan trọng trước chuyến làm khách trên sân của Getafe.    

Barcelona phải chạy đua với thời gian để đăng ký tân binh Gundogan cho trận mở màn.

 

Sở dĩ đội chủ sân Camp Nou rơi vào tình cảnh như vậy bởi họ đã vi phạm các quy tắc về giới hạn tiền lương. La Liga tính toán mức tối đa tiền lương của mỗi đội dựa trên doanh thu mà họ kiếm được. Barcelona đơn giản đã chi nhiều hơn mức cho phép. Chủ tịch La Liga, Javier Tebas từng lên tiếng cảnh báo Barcelona vào thời điểm đầu năm 2023, rằng họ cần cắt giảm khoảng 200 triệu euro từ hóa đơn tiền lương để tuân thủ các quy định. Chủ tịch Joan Laporta biết rất rõ điều đó. Để tính toán cho việc này, ông cùng với các đồng sự để chấp nhận phương án để các trụ cột một thời như Jordi Alba và Sergio Busquets ra đi. Vấn đề tưởng chừng như đã được giải quyết thế nhưng biến cố bất ngờ xảy đến khi La Liga tuyên bố cắt giảm thêm 60 triệu euro từ ngân sách tiền lương của Barcelona trong mùa giải 2023/2024, với lý do là thiếu hụt doanh thu như dự kiến ban đầu. Cũng chính vì vậy mà các quan chức của Barcelona phải chạy đua với thời gian để lấp đi khoảng trống đó chỉ trong 2 ngày ngắn ngủi. 

Tại sao lại là 60 triệu euro?

Cụ thể, hai trong số các đòn bẩy tài chính mà Barcelona kích hoạt vào năm ngoái là thông qua việc bán cổ phần của công ty truyền thông Barca Studios. Sau quá trình thương thảo, thương vụ khép lại bằng việc hai đối tác Socios.com và Orpheus Media (thuộc sở hữu của Jaume Roures) chấp nhận bỏ ra khoản tiền 200 triệu euro để sở hữu 49,8% cổ phần của Barca Studios (mỗi bên có trách nhiệm chi ra 100 triệu euro cho 24,9% cổ phần). Tuy nhiên, chi tiết của các bản hợp đồng này không được công bố rộng rãi. Theo những nguồn tin nội bộ mà The Athletic thu thập được, thực chất Barcelona chỉ nhận 20 triệu euro ngay sau khi thương vụ được hoàn tất. Khoản tiền 180 triệu euro còn lại được thanh toán định kỳ trong vòng 3 năm (mỗi năm 60 triệu euro).

Barca Studios là “vật tế thần” để huy động vốn của BLĐ Barcelona.

 

Khi tính toán giới hạn tiền lương của Barcelona trong mùa giải 2023/2024, La Liga dự kiến đội bóng xứ Catalan sẽ nhận được 60 triệu euro doanh thu từ Socios.com và Orpheus Media vào cuối tháng 6/2023. Thế nhưng, điều này đã không xảy ra. Tuy vậy, cả Socios.com lẫn Orpheus Media đều phủ nhận việc họ đã làm sai điều khoản thanh toán hợp đồng. Thay vào đó, họ cho biết giữa các bên đã đồng ý một thỏa thuận về việc trì hoãn thanh toán đến tháng 12/2023. Điều này gián tiếp đẩy Barcelona phải tìm kiếm thêm đối tác để lấp đầy khoảng trống 60 triệu euro doanh thu bị thâm hụt.

Vào thứ 6, Barcelona thông báo họ đã làm được điều này. Một tuyên bố được đưa ra về việc CLB đạt thỏa thuận Libero Football – một công ty có trụ sở tại Đức. Theo đó, phía Libero sẽ trả khoản tiền 120 triệu euro cho 29,5% cổ phần của Barca Studios. Chưa rõ sẽ có bao nhiêu tiền chảy vào ngân sách của Barcelona ngay lập tức, tuy nhiên cách làm này cũng dậy lên nhiều nghi vấn. Liệu La Liga có làm ngơ trước tình trạng này?

Vào tháng 11/2022, La Liga đưa ra các quy định tài chính mới nhằm ngăn cản các đội bóng ở Tây Ban Nha bán tài sản của mình trong tương lai, tương tự như trường hợp của Barcelona. Không chỉ Barca Studios, các tổ chức xã hội của Blaugrana đã cho phép hội đồng quản trị bán một phần trong nhánh kinh doanh BLM của mình. Tuy vậy, khoản tiền huy động được từ thương vụ đó không được sử dụng phục vụ mục đích chuyển nhượng và trả lương cho cầu thủ.

Về bản chất Libero Football không phải một công ty chuyên về truyền thông hoặc công nghệ. Thay vào đó, họ cung cấp vốn lưu động cho các CLB, như một cách thức hợp tác đầu tư nhằm sinh lời trong tương lai. Một nhân vật nổi bật tại Libero đó chính là Peter Kenyon – cựu giám đốc điều hành của Chelsea và Manchester United. Người đàn ông 69 tuổi này tham gia vào Ban giám đốc của Libero với tư cách là Phó chủ tịch vào tháng 6/2023. Kenyon là người rất am hiểu lĩnh vực tài chính trong bóng đá, biết rất rõ La Liga bởi từng có quãng thời gian làm cố vấn cho Atletico Madrid. Kenyon cũng quen thân với Laporta từ năm 2003, thời điểm ông đang làm việc cho Man Utd. Cả hai bên từng thương thảo rất nhiều về khả năng chiêu mộ David Beckham. Tuy rằng thương vụ này đã thất bại nhưng đôi bên vẫn giữ được mối quan hệ thân thiết với nhau. 

Một cái tên nổi tiếng khác của Libero là Fredi Bobic. Cựu tuyển thủ Đức và giám đốc thể thao Hertha BSC là thành viên ban cố vấn của công ty. Kenyon trước đây cũng từng tham gia vào Doyen Sports, cùng với siêu cò Jorge Mendes. Tuy nhiên cuối năm 2014, Doyen Sports bị dừng hoạt động do FIFA không cho phép các công ty nắm giữ cổ phần cầu thủ bởi điều này khiến cho các thương vụ chuyển nhượng trở nên rắc rối, khi có quá nhiều điều khoản hợp đồng cần giải quyết.    

Jorge Mendes có mối quan hệ bền chặt với Barcelona với tư cách là người đại diện của Ansu Fati và Alejandro Balde, đồng thời công ty Gestifute của Mendes cũng đại diện cho các mục tiêu mà đội bóng áo sọc đỏ xanh theo đuổi, bao gồm Bernardo Silva và Joao Cancelo.

Ngày 09/08/2023, các đại diện của Gestifute đã có mặt trong trận đấu tranh cúp Gamper Trophy với Tottenham trên sân nhà tạm thời của Barcelona có tên Estadi Olimpic. Sau đó, HLV Xavi phát biểu trước truyền thông bỏ ngỏ khả năng chia tay Fati trước khi kỳ chuyển nhượng mùa hè khép lại. Cùng với việc tìm kiếm đối tác để làm tăng doanh thu, việc bán đi những cầu thủ không còn quan trọng trong đội hình cũng là cách trực diện nhất để giảm tải gánh nặng quỹ lương. 

Joan Laporta vẫn còn nhiều việc cần giải quyết để cứu Barcelona ra khỏi vũng lầy tài chính.

 

Chỉ cách đây vài năm, chẳng ai nghĩ rằng sẽ có lúc Barcelona phải chạy đua với thời gian để tìm cách đăng ký cầu thủ trước thời điểm mùa giải mới bắt đầu. Sau 2 năm kể từ ngày Lionel Messi rời Camp Nou, đế chế mà Joan Laporta đang cố gắng gây dựng lại vẫn là một mớ hỗn độn. Việc chỉ có 12 cầu thủ đội 1 đủ điều kiện đăng ký thi đấu là một nỗi tủi hổ lớn với một CLB từng làm mưa làm gió trên thị trường chuyển nhượng Châu Âu với vô số những “bom tấn” chuyển nhượng. Vài giờ trước khi trận đấu với Getafe bắt đầu, bộ ba Gudogan, Oriol Romeu và Sergi Roberto được đăng ký thêm, trong khi Dembele bị gạch tên khỏi danh sách thi đấu. Nhà đương kim vô địch La Liga mùa giải 2022/2023 trải qua trận hòa nhọc nhằn trên SVĐ Coliseum Alfonso Perez, sau khi Raphinha nhận 1 tấm thẻ đỏ trực tiếp ở phút 42.

Nỗ lực giải cứu Barcelona diễn ra như thế nào? 

Barcelona sẽ phải trả cho Jordi Alba khoản tiền 36 triệu euro nếu hậu vệ người Tây Ban Nha ở lại thi đấu đến hết mùa giải 2023/2024. Ngoài lương thưởng mùa giải mới, Barcelona vẫn còn nợ Alba tiền lương của các mùa giải trước cộng lại. Để giảm tải gánh nặng này, cả hai bên đã ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt hợp đồng trước 1 năm. Thỏa thuận đi đến thống nhất với việc Barcelona được giảm tải một phần nợ lương của Alba, còn hậu vệ 34 tuổi được phép chuyển tới Inter Miami theo dạng chuyển nhượng tự do. Đó cũng là một hành động rất nhân văn của Alba bởi anh hiểu tình cảnh khó khăn của đội bóng mà mình đã gắn bó trong vòng hơn một thập kỷ.

Trường hợp tương tự cũng xảy ra với Samuel Umtiti – người có thể kiếm được 20 triệu euro trong mùa giải 2023/2024, nhưng cũng đã chấp nhận ra đi trước thời hạn. Việc chia tay 2 cầu thủ trẻ Gustavo Maia và Alex Collado cũng giúp Barcelona tiết kiệm được 4,5 triệu euro tiền lương. 

Rào cản lớn nhất chính là Busquets với khoản tiền lương lên đến 40 triệu euro/mùa cũng đã ra đi. Franck Kessie bị bán sang Al Hilal với giá 12,5 triệu euro chỉ sau 1 mùa giải ngắn ngủi chuyển đến từ AC Milan. Những cái tên gây thất vọng khác như Sergino Dest và Clement Lenglet cũng bị ra tối hậu thư phải rời đi ngay mùa hè này.

Có thể bạn chưa biết

Mùa hè 2021, dù sớm chiêu mộ Sergio Aguero, Memphis Depay và Eric Garcia, nhưng phải đến sát ngày La Liga trở lại, họ mới được đăng ký vào danh sách thi đấu. Đến tháng 1/2022, điều tương tự cũng xảy ra với Ferran Torres.

Mùa hè 2022, Barcelona huy động được tổng cộng 868 triệu euro từ các chính sách đòn bẩy tài chính thông qua việc bán cổ phần của các hoạt động kinh doanh trong tương lai. Đòn bẩy đầu tiên đến từ việc Sixth Street mua lại bản quyền truyền hình, được công bố vào ngày 30/06/2022, hạn cuối để khóa sổ báo cáo tài chính của mùa giải 2021/2022. Nếu thương vụ này gặp trục trặc, Lewandowski và Raphinha gần như không thể chuyển tới Camp Nou. Bản thân họ cũng chỉ được đăng ký chỉ 24 giờ trước khi trận đấu đầu tiên của mùa giải 2022/2023 với Rayo Vallecano bắt đầu. 

Theo Pol Ballus and Dermot Corrigan, The Athletic

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.

Có một Arsenal khốn khổ trong nỗi nhớ Martin Odegaard

Thua, hòa và lại tiếp tục thua. Đó là kết quả thi đấu của Arsenal tại Premier League trong 3 vòng đấu gần nhất. Từ việc tràn trề hi vọng cạnh tranh chức vô địch với Manchester City và Liverpool, Pháo thủ thành London giờ đây đang trượt dài trong mớ hỗn độn không lời giải vì phong độ chạm đáy.

Lửa khủng hoảng đang lan nhanh ở Etihad?

Manchester City đã phải nhận thất bại muối mặt 1-4 trên sân Jose Alvalade trước Sporting Lisbon trong loạt trận thứ 4 Champions League rạng sáng hôm nay. Đây đã là trận thua thứ 3 liên tiếp của đoàn quân Pep Guardiola trong vòng một tuần, khi trước đó họ để thua Tottenham ở Carabao Cup và Bournemouth ở giải ngoại hạng. Có chăng một cuộc khủng hoảng đang ngầm lan nhanh ở Etihad?

Liverpool đứng đầu Premier League: Niềm tin cho Arne Slot

Lội ngược dòng trước Brighton với chỉ 3 phút bằng 2 bàn thắng chớp nhoáng của Cody Gakpo và Mohamed Salah, Liverpool của Arne Slot đã giành lại ngôi đầu giải ngoại hạng Anh sau khi vòng đấu thứ 10 khép lại. Khoảng cách giờ là 2 điểm với những nhà đương kim vô địch Manchester City và là 7 điểm đối với kẻ được xem là ứng cử viên số 2 mùa này Arsenal.

Chuyện gì đang xảy ra với Arsenal?

Hành quân đến Newcastle với tâm thế không thật sự thoải mái sau những lần hụt chân liên tiếp gần đây khiến cho kết quả mà Arsenal phải nhận trước những người chủ nhà thực ra không quá bất ngờ với những ai am tường về Arsenal lẫn ngoại hạng Anh. Có chăng một cuộc khủng hoảng đang dần lan rộng ở Emirates?