Cuộc khủng hoảng của Barcelona: Nhà dột từ nóc?

Tác giả Nam Khánh - Thứ Ba 14/04/2020 11:36(GMT+7)

Biến cố 6 giám đốc đồng loạt nộp đơn từ chức chính là drama mới nhất trong một cuộc khủng hoảng mà những xung đột của ban lãnh đạo đã trở thành thước đo.

Lá đơn từ chức mà 6 giám đốc của Barcelona đã trao cho một công chứng viên vào tối thứ Năm – đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng của câu lạc bộ xứ Catalan – bao gồm một yêu cầu rằng cuộc điều tra về thứ được biết đến với cái tên “Barçagate” cần phải được hoàn tất, những kẻ chịu trách nhiệm phải bị trừng phạt và các khoản tiền thâm hụt phải được trả lại.

 
Những cáo buộc, được đưa tin đầu tiên bởi Cadena SER Radio, là có các khoản thanh toán lên đến 900.000 Euro đã được thực hiện cho công ty I3 Ventures nhằm lập nên và vận hành các tài khoản mạng xã hội và website với mục đích công kích những nhân vật, cầu thủ cả trong quá khứ lẫn hiện tại đối địch chủ tịch đương nhiệm Josep Maria Bartomeu, và bảo vệ danh tiếng của ông ta. 
Barcelona, Bartomeu và I3 Ventures đã lên tiếng phủ nhận quyết liệt những thông tin về động thái đáng xấu hổ đó, với việc vị chủ tịch này đã gọi các cáo buộc hướng vào ông ta là “hoàn toàn bịa đặt”, nhưng dù thế nào đi nữa thì câu chuyện này cũng đã khiến tình hình trở nên càng xấu đi hơn. Nếu chiến thuật đó đã thật sự được triển khai, thì rõ ràng là nó đã không hoạt động hiệu quả.

Đôi khi sẽ có quá nhiều đám cháy lớn cần phải được giải quyết, và hoàn toàn không có một cơ hội nào để những người ở chính giữa chúng được bình an vô sự. Dù cho một vị chủ tịch có được bảo vệ nhiệt tình đến thế nào đi nữa – và một phần của giới truyền thông sẵn sàng chống đỡ cho ông ta – thì khi có quá nhiều nhiều điều tồi tệ diễn ra một cách dồn dập, chuyện ông ta hoàn toàn bình an vô sự là bất khả thi. Và đã có rất nhiều chuyện tồi tệ diễn ra tại Barcelona.

Thậm chí ngay cả việc mùa giải đang phải tạm dừng cũng chẳng thể ngăn chặn chúng, mà thật ra thì cái tình trạng hiện tại cũng có liên quan rất lớn đến những diễn biến tại Barcelona trong thời gian qua: Đã từ rất lâu rồi, đội bóng đá đã phải gồng mình chống đỡ cho cả câu lạc bộ; và khi họ (tạm) ngừng hoạt động (trong một khoảng thời gian dài không xác định hồi kết), có lẽ việc mọi thứ đều sụp đổ là chuyện hiển nhiên sẽ xảy ra. 

"Kể từ tháng 1, các vấn đề cứ nối tiếp nhau xuất hiện”
Trong một cuộc phỏng vấn diễn ra vào giữa tháng hai, Lionel Messi đã khẳng định: “Kể từ tháng 1, các vấn đề cứ nối tiếp nhau xuất hiện”. Anh nói không sai và đến hiện tại, chúng đã không hề chậm lại một chút nào cả. Thay vào đó, cái tình thế đó đã “tăng tốc”, các danh mục vấn đề là vô tận và thậm chí là vô lý đến mức tưởng như chỉ có thể xuất hiện trong truyện tranh. Cuộc từ chức đồng loạt của 6 thành viên trong ban lãnh đạo, bao gồm hai vị phó chủ tịch và nhân vật từng được xem là người kế nhiệm của Bartomeu, thậm chí cũng chẳng phải là sự cố mới nhất. 
Chỉ vài tiếng sau cuộc từ chức hàng loạt đó, Emili Rousaud đã nói với RAC1 rằng, ông nghĩ có ai đó tại Barcelona đã “giở trò trộm cắp”. Chuyện này đã thúc đẩy một tuyên bố từ phía Barcelona rằng họ “sẽ bảo lưu quyền thực hiện những hành động pháp lý” để đáp trả Rousand – lại một màn kiện tụng khác diễn ra tại câu lạc bộ này, đủ để tạo nên cả một bộ sưu tập – và nhấn mạnh rằng, dù sao đi nữa, thì những cuộc từ chức đó đều là một phần trong kế hoạch “tái cơ cấu” ban lãnh đạo của Bartomeu. Và, vậy nên, chẳng có gì đáng để hoảng loạn cả. 
Ngay cả khi chỉ xét đến những gì đã diễn ra trong tháng 1, thì danh sách các vấn đề cũng đã là cực kì dài, và bất kì mục nào trong số chúng cũng đủ để khiến cuộc khủng hoảng tại Barcelona trở nên trầm trọng hơn. Barcelona đã sa thải Ernesto Valverde khỏi chiếc ghế huấn luyện viên trưởng, bất chấp việc đang đứng đầu bảng xếp hạng La Liga. Họ đã mời mọc Xavi Hernández trở thành người kế nhiệm, nhưng anh đã từ chối, và sau đó ngầm ngụ ý mình sẽ không đời nào quay trở về Barca nếu phải làm việc cho ban lãnh đạo hiện tại, cũng như khăng khăng rằng những sự ảnh hưởng “độc hại” cần được giữ tránh xa khỏi phòng thay đồ.

Họ tiếp tục tìm đến Ronald Koeman, và nhận được câu trả lời là “Không”. Đáng lẽ ra đó là điều mà họ nên biết từ trước, khi mà nhà cầm quân này vẫn đang rất tận tụy cống hiến cho đội tuyển quốc gia Hà Lan. Cái tên được tìm đến kế tiếp là Mauricio Pochettino, người cũng đáp lại bằng lời từ chối. Rốt cuộc, họ đã trao chiếc ghế huấn luyện viên trưởng cho Quique Setién, và vị chiến lược gia này đã thừa nhận rằng ông cực kì kinh ngạc khi mình là người được chọn. Họ đã bảo rằng cuộc bổ nhiệm này là một phần của một quá trình dài, được lên kế hoạch, tính toán tỉ mỉ; “Tôi chỉ mới nhận được cuộc gọi từ Barcelona vào hôm qua,” Setién đáp lại, một lời nói dối khác đã bị vạch trần.  
VIDEO: Lùm xùm Messi - Abidal và mớ lộn xộn ở Barca
Cuộc “nội chiến” giữa Abidal và Messi chỉ càng khiến mọi người nhận ra sự trầm trọng của mớ bòng bong ở đội bóng chủ sân Camp Nou thời điểm này. Nó một lần nữa...
Tiếp theo, giám đốc thể thao Eric Abidal đã lên tiếng rằng các cầu thủ đã đóng vai trò rất lớn trong động thái sa thải Valverde. Messi, với sự kiên nhẫn từ lâu nay đã hao mòn đi rất nhiều – một người từng thẳng thừng tuyên bố rằng phó chủ tịch Javier Faus “chẳng biết cái đếch gì về bóng đá cả” – đã công khai đáp trả lại Abidal, chỉ trích người đồng đội cũ đã làm “dơ bẩn” thanh danh của các cầu thủ và yêu cầu ông chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. 
Messi đã vùng dậy tham chiến vì – như anh thừa nhận sau đó – anh đã phát bệnh với những lời bịa đặt rằng mình đang chi phối hoàn toàn câu lạc bộ. “Tôi không hiểu tại sao người ta lại có thể nghĩ được như thế nữa,” anh phàn nàn. Có lẽ là bởi vì họ ước rằng anh thật sự nắm một quyền lực lớn đến như vậy.  
Các vấn đề vẫn còn rất nhiều. Khi Barcelona đang rất cần một tiền đạo, họ chẳng những đã không mua về một ai, lại còn bán đi hai cái tên có thể chơi tiền đạo. Họ đã mất đi sự phục vụ của Luis Suárez và Ousmane Dembele vì những chấn thương dài hạn, và phải tiến hành một thương vụ khẩn cấp để mang về Martin Braithwaite – thay vì chuẩn bị sẵn sàng cho công tác bổ sung lực lượng khi thị trường chuyển nhượng đang thực sự mở cửa, bỏ lại Cédric Bakambu bơ vơ ở một sân bay cách xa hàng ngàn dặm, và dẫn đến một đội hình mỏng đến mức chẳng có đủ quân số cầu thủ đội một để lấp đầy băng ghế dự bị. 
Giữa cái bối cảnh đầy tiêu cực đó, những cáo buộc liên quan đến I3 Ventures đã xuất hiện và sự việc đình chỉ công tác của Jaume Masferrer, cố vấn thân cận nhất của Bartomeu – một vật tế thần mà nhiều người tin rằng vẫn đang được giữ nguyên quyền lực ở phía sau hậu trường Barcelona. Kế đến là các cuộc đảm phán về việc cắt giảm lương – tại một câu lạc bộ mà một tháng trước đó đã tự tuyên bố mình chính là thương hiệu thể thao lớn nhất thế giới – và một động thái công khai khác cho thấy rõ sự bất mãn và chia rẽ bên trong nội bộ Barca.

Các cầu thủ rõ ràng đã rất tức giận, một tuyên bố được đưa ra bởi Messi đã bày tỏ sự “bất ngờ” với việc họ đã bị ném cho bầy sư tử bởi “những người bên trong câu lạc bộ”, bị “đám người đó” cấu kết với các tờ báo thân cận để thêu dệt nên những câu chuyện mang mục đích gây áp lực cho họ và biến họ trở nên xấu xa. “Chúng tôi vô cùng phẫn nộ vì người ta cứ truyền tai nhau những câu chuyện hoàn toàn bịa đặt.” Suárez tuyên bố trong tuần này. 
Messi và các đồng đội cũng đã khẳng định rằng họ sẽ tự nguyện đóng góp khoản thu nhập của mình để giúp các nhân viên của câu lạc bộ đảm bảo nhận được 100% mức lương (thay vì cũng phải chịu cảnh cắt giảm vì mùa giải bị tạm dừng bởi đại dịch). Tin tốt là động thái đó đã biến ban lãnh đạo câu lạc bộ trở thành những kẻ phản diện, và chủ tịch của nó thậm chí còn xấu xa hơn.
Phát ngôn công khai của Bartomeu đã nhấn mạnh rằng, những câu chuyện được tuồn cho cánh truyền thông không hề bắt nguồn từ ông ta hay CEO Oscar Grau, và đổ lỗi cho những người khác, để rồi làm cho trầm trọng hơn sự mất niềm tin vào ban lãnh đạo câu lạc bộ, một tập thể vốn cũng có một số thành viên đang yêu cầu câu trả lời cho sự việc đó và về vụ I3: Họ cũng muốn biết tại sao câu lạc bộ lại phải trả nhiều tiền đến vậy, và tại sao nó lại được chia ra trả theo từng đợt, với những khoản tiền đủ nhỏ để tránh đi việc kích hoạt công tác kiểm toán nội bộ - tất cả những câu hỏi đó đã xuất hiện trong đầu Rousaud. 
Nợ nần chồng chất, đội hình suy nhược. Sự sa sút càng lúc càng trầm trọng hơn qua từng năm, nhưng các chi phí thì chẳng hề rẻ hơn: Hóa đơn tiền lương của các cầu thủ hiện đang chiếm đến 67% ngân sách của Barcelona. Sự ngờ vực đang hiện hữu ở mọi nơi: Giữa các cầu thủ và ban lãnh đạo; giữa các thành viên của ban lãnh đạo với nhau. Một số thành viên cho rằng mô hình của Bartomeu quá mức “tổng thống chế”, và nhận định rằng ông ta đã quá nuông chiều các cầu thủ bóng đá, những người thậm chí còn ít tin tưởng vào ông ta hơn cả họ. Còn vị chủ tịch này thì nhìn thất sự không trung thành, ngay cả ở những thành viên ban lãnh đạo được cho là đứng về phe ông ta, lo sợ rằng có một âm mưu “phản loạn” đang được tiến hành sau lưng mình. 
Chỉ một tháng sau khi Bartomeu bổ nhiệm Rousaud vào chiếc ghế phó chủ tịch, nhân vật này đã nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu cho vị thế người kế nhiệm của ông ta. Thế nhưng, thay vào đó, Bartomeu đã quyết địch xem Rousaud là kẻ địch của mình. Vào hôm thứ Ba, ông ta đã gọi cho 4 giám đốc - Rousaud, Enrique Tombas, Silvio Elias, Josep Pont – và yêu cầu họ chủ động từ chức, vì biết rằng mình không có quyền đích thân sa thải bọn họ. “Ông ta nói với tôi rằng mình đang lo ngại về một loạt các giám đốc, bao gồm cả tôi: Chuyện đó thật phi logic,” Rousaud nói. “Tôi không thích cái cách mà ông ta xử lý chuyện này.”
Barca có biến lớn: 6 thành viên trong ban lãnh đạo từ chức
Gã khổng lồ La Liga giờ phải tái cấu trúc ở hậu trường sau khi một số quan chức cấp cao quyết định ra đi.
Hai ngày sau, Rousaud, Tombas, Elias và Pont đã thực sự từ chức. Đó có thể được xem là một chiến thắng, nhưng Bartomeu lại không thể lường trước được việc Jordi Calsamiglia và Maria Teixidor đã quyết định theo chân họ. Bên cạnh đó, một cuộc từ chức đồng loạt hiếm khi là một chiến thắng đối với bất kì vị chủ tịch nào, và càng không phải là một chiến thắng khi mà nó lại diễn ra trong bối cảnh những chỉ trích công khai từ các cầu thủ đang xuất hiện càng lúc càng nhiều, khi nó càng gây ra thêm nhiều sự chia rẽ hơn nữa, và khi cuộc khủng hoảng đang trở nên cực kì trầm trọng. 
Những gương mặt thuộc ban lãnh đạo mà Bartomeu đã thành lập vào năm 2015 giờ đây chỉ còn lại một nửa. Hiện tại đội ngũ này chỉ có 13 người, trong khi các đạo luật của câu lạc bộ đã quy định rằng phải có ít nhất là 14. Và, Rousaud đã tuyên bố rằng, “Có ít nhất ba giám đốc nữa đang cân nhắc đến việc từ chức”.

Bartomeu hiện đang có 4 giám đốc thể thao và rất nhiều giám đốc truyền thông. Sẽ không thể tránh khỏi việc những con người đó đặt câu hỏi rằng liệu có phải mọi chuyện thực sự luôn là lỗi của họ hay không; phải chăng ít nhất Bartomeu đáng lẽ ra đã nên lựa chọn tốt hơn; và ông ta sẽ hành động như thế nào trong lần tới khi tiếp tục có một ai đó “tạo phản”, đến khi nào thì cuộc ra đi ồ ạt này mới có thể kết thúc. Tính đến nay, Bartomeu đã chứng kiến 7 phó chủ tịch từ chức vì nhiều lý do khác nhau kể từ khi nắm quyền tại Barcelona. Ít nhất thì trong ban lãnh đạo hiện tại có một người mà ông ta sẽ không bao giờ sa thải, ngay cả khi nhiều người nghĩ rằng ông ta nên làm như vậy, đó chính là bản thân ông ta. 
Nguồn: Sid Lowe, đăng tải trên The Guardian. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.