Có một điều Manchester United làm rất tốt ở mùa giải này: chơi tệ một cách bền vững. Mỗi tuần trôi qua, họ để lại cho chúng ta suy nghĩ rằng, đây chắc là màn trình diễn tệ nhất có thể rồi, rằng đó là chạm đáy nỗi đau rồi. Chỉ để tuần sau, họ đá còn tệ hơn, đến nỗi màn trình diễn tuần trước tự dưng có vị thế như mùa giải 1999, nếu đem ra so sánh với tuần sau.
Ít nhất đầu mùa giải này, Man United có thể bào chữa rằng nhà cầm quân của họ có trình độ không cao. Họ bị Leicester của Brendan Rodgers lấn át, trước khi bị Liverpool xé toạc. Họ biến trận derby ở Old Trafford thành buổi đấu tập cho Manchester City. Để rồi sau đó, bằng một cách vi diệu nào đó, bị Watford của Claudio Ranieri đánh bại 4-1.
Đó là dấu chấm hết cho Ole Gunnar Solskjaer. Việc Man United làm tiếp theo là bổ nhiệm một HLV tạm quyền uy tín, giàu kinh nghiệm để vực dậy đội bóng này. Lạc quan mà nói, Manchester United dưới thời Ralf Rangnick đã cải thiện số điểm mỗi trận so với thời điểm Solskjaer bị sa thải. Sau trận đấu với Watford, Quỷ đỏ có trung bình 1,41 điểm mỗi trận. Dưới thời Rangnick, họ đạt trung bình 1,61 điểm/trận. Điều này mang đến cho họ 61 điểm trong một mùa giải kéo dài 38 trận, con số thông thường chỉ giúp đội bóng của bạn đứng thứ 7.
Nhưng ngay cả khi phong độ đã được cải thiện đôi chút dưới thời Rangnick, vẫn có rất nhiều lần M.U trông không giống như một đội bóng đua tranh vào top 4. Họ thua thảm trước Man City, Liverpool và Arsenal, thậm chí còn thất bại trước ứng cử viên xuống hạng Everton.
Nhưng trận thua trước Brighton vào chiều thứ Bảy đã đạt tới cảnh giới khác. Nó thừa sức cạnh tranh sòng phẳng với Watford cho hai thất bại tệ nhất của M.U mùa này. Đội chủ sân Old Trafford đã quen với những trận thua hủy diệt: họ đã để thủng lưới 4 bàn năm lần, nhiều hơn 1 bàn so với đội cuối bảng Norwich. Nhưng bị out trình tới mức này bởi Brighton - một đội bóng không tồi, nhưng thua tới 7 trong 12 trận gần nhất - thì hẳn phải kinh khủng lắm…
Nếu ai đó trót đặt niềm tin vào việc Rangnick sẽ tạo ra luồng sinh khí mới cho Man United, họ có thể làm bạn với những chú chuột để gặm nhấm nỗi thất vọng. Rất khó để chọn ra một đội bóng lớn ở Premier League chơi bóng thiếu nhiệt tình, đoàn kết cũng như không có sự đảm bảo về mặt thành tích như nửa đỏ thành Manchester.
Thực ra vẫn có một lựa chọn; Chelsea mùa giải 15/16 trước khi Jose Mourinho bị sa thải là một tập thể như vậy, nhưng nó gần với sự sụp đổ từ trên đỉnh cao hơn (ngoài ra, đội bóng này cũng gượng dậy rất nhanh, khi vô địch mùa trước đó và cả mùa giải sau đó). Nó khác với hình ảnh của M.U hiện tại: một chiếc bè vô định trôi dạt giữa đại dương bao la.
Dù cho chuyện gì sẽ xảy ra trong trận đấu còn lại của M.U đi chăng nữa, đây vẫn là mùa giải tồi tệ nhất của họ kể từ 90/91 (dù mùa đó ít nhất họ đã giành được Winners ’Cup). Một năm trước đó, họ chỉ giành được 13 trận thắng, có 48 điểm và xếp thứ 13, nhưng vẫn giành được FA Cup. Nên nhớ rằng, đây là một kỷ nguyên hoàn toàn khác đối với M.U, với sức mạnh tài chính mà họ có hơn hẳn ngày trước rất nhiều. Bóng đá hiện đại là cuộc chơi của những CLB giàu có, nhưng có vẻ như M.U không có hứng thú chơi bời.
Sự trở lại của Cristiano Ronaldo vào mùa hè năm ngoái tưởng như là dấu hiệu cho thấy Man United sẽ trở lại đỉnh cao, sau giai đoạn chuyển giao dưới thời Solskjaer. Tuy nhiên, M.U sẽ kết thúc mùa giải này với nhiều nhất là 61 điểm, kém xa con số 74 mà họ có được mùa trước. Ronaldo đã làm rất tốt với 18 bàn thắng ở Premier League và 24 bàn trên mọi đấu trường. Nhưng thật khó để nói rằng siêu sao người Bồ Đào Nha đã giúp cho đội bóng chơi tốt hơn.
Đáng chú ý, với chất lượng các cầu thủ mà M.U hiện có, số điểm họ có được nhiều nhất mùa này vẫn ít hơn 20 điểm so với 81 điểm mà phiên bản M.U của Jose Mourinho giành được ở mùa giải 17/18. Đó vẫn là thành tích tốt nhất của M.U ở Premier League thời kì hậu Sir Alex Ferguson, và nó đang ngày càng trở nên xa tầm với đội bóng này. Ngay cả khi phong cách chơi bóng của Mourinho đã trở nên lỗi thời ở thời điểm đó; thậm chí cũng không còn phù hợp với Man United, có vẻ như dự báo của ông về những gì sẽ xảy ra với đội bóng này là đúng. Bởi tập thể này tiếp tục trở nên kém cỏi kể từ khi ông bị sa thải.
Vấn đề của Mourinho ở M.U là các CLB bóng đá thành công đều hướng tới sự thống nhất từ trên xuống dưới. HLV cần có ý tưởng rõ ràng. Các cầu thủ cần tin vào điều đó. Ban lãnh đạo cần hỗ trợ nhà cầm quân và những người hâm mộ cũng nên đồng tình với điều đó. Đây chính là điều làm nên sức mạnh của Liverpool hiện tại. Trong sự nghiệp của mình, Mourinho chưa bao giờ làm được điều đó trong quãng thời gian dài.
Nhưng M.U bây giờ còn chệch choạc hơn nhiều so với thời điểm họ sa thải Mourinho vào tháng 12/2018. Không có sự thống nhất giữa các cầu thủ, không có niềm tin nơi nhà cầm quân, cũng chẳng có sự kết nối với người hâm mộ. Câu hỏi đặt ra là liệu Erik ten Hag có thể đưa những điều này xích lại gần nhau hơn vào mùa giải sau?
Việc Ten Hag kí hợp đồng dài hạn sẽ có lợi cho bản thân ông. Lối chơi hiện đại của chiến lược gia người Hà Lan đã được kiểm chứng tại Ajax Amsterdam. Chúng ta có thể tưởng tượng các thành viên trong đội, sau khi trải qua một mùa giải chán ngấy như vừa cắn phải miếng thịt mỡ, muốn chơi theo cách của Ten Hag và United sẽ vận hành trở lại như một đội bóng đúng nghĩa. Một vài chiến thắng trong tháng 8 và tháng 9 và sự lạc quan sẽ dần quay trở lại.
Nhưng không mấy người nghĩ tới những dấu hiệu tích cực này, sau thảm họa diễn ra trên sân Amex chiều thứ bảy.
Lược dịch từ bài “Manchester United, the team that hits new lows with every passing week” của Jack Pitt-Brooke (The Athletic)