Công tác huấn luyện có là nguyên nhân cho màn trình diễn thất vọng của Man United?

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Ba 26/04/2022 10:00(GMT+7)

Cách đây ít tuần, Ralf Rangnick đã được hỏi sẽ mất bao lâu để Manchester United đạt được đẳng cấp của Liverpool hiện tại.

 
 
“Tôi không nghĩ một đội bóng như Manchester United phải mất 3 hoặc 4 năm để đạt được điều đó,” ông tự tin trả lời. “Điều đó là không cần thiết – sẽ chỉ mất từ 3 đến 4 kì chuyển nhượng nếu bạn biết mình đang cần gì.”
Nhưng sau thất bại 4-0 của trước đội bóng của Jürgen Klopp, Rangnick đã thay đổi lập trường của mình.
 
“Thật xấu hổ, thật đáng thất vọng và cũng thật nhục nhã, nhưng chúng tôi phải chấp nhận rằng họ đã đi trước chúng tôi 6 năm,” Rangnick thừa nhận. “Bởi từ đội hình mà Liverpool hiện có với đội hình mà Jürgen kế thừa là khoảng 6 năm. Ở mùa giải đầu tiên của ông ấy, Liverpool chỉ cán đích ở vị trí thứ 8.”
 
Đó là sự lạm phát quá nhanh về mặt thời gian – từ việc chỉ mất 18 tháng đến 6 năm. Manchester United bỗng dưng trở nên lạc hậu bốn lần chỉ trong vài tuần. Nhưng hiện thực đáng buồn là điều Rangnick không dám thừa nhận; người hâm mộ Man United cũng vậy. Cuối cùng, chẳng ai biết chính xác sẽ phải mất bao lâu.

 
Không ai biết điều đó, vì không thể nói chính xác đội hình này tốt hay dở. Trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, nơi mà mọi màn trình diễn tồi tệ đều dễ dàng lên thớt, có lẽ ai cũng có câu trả lời của mình, nếu được hỏi những Scott McTominay, Aaron Wan-Bissaka, Marcus Rashford hoặc Fred có thể đóng vai trò quan trọng ở Man United trong tương lai hay không. Nhưng đánh giá một cá nhân cầu thủ là điều không đơn giản, nếu không xét đến bối cảnh rộng hơn.
 
Bởi suy cho cùng, những cầu thủ này chỉ đơn giản là không thi đấu dưới sự huấn luyện của những HLV đẳng cấp nhất. Trong khi các đối thủ của họ đã bổ nhiệm những HLV dẫn dắt những CLB đẳng cấp gần nhất như Dortmund, Bayern Munich và PSG, Manchester United lại tin tưởng một cựu huyền thoại của CLB, người có lần thứ hai dẫn dắt Molde sau khi mùa giải đầu tiên của ông ở Premier League kết thúc với việc xuống hạng. Sau đó là một giám đốc bóng đá, người mới chỉ làm công tác huấn luyện một đội bóng trong 10 mùa giải gần nhất.
 
Cả Ole Gunnar Solskjaer và Ralf Rangnick đều không quen làm việc trong hoàn cảnh mà họ gặp phải. Solskjaer là một nhà cầm quân kì lạ: rất giỏi trong việc giữ cho phòng thay đồ luôn vui vẻ, cũng như đôi lúc tỏ ra sắc sảo về mặt chiến thuật trong các trận đấu lớn, nhưng lại không có một triết lý bóng đá hay phong cách chơi bóng cụ thể, cũng như gặp vấn đề trong việc giúp các cầu thủ tiến bộ hơn. Rangnick lại có tiếng trong việc giúp cầu thủ tiến hóa hơn, với những người như Fred và Jadon Sancho đều chơi tốt hơn kể từ khi ông nắm quyền. Nhưng chiến lược gia người Đức lại quá yếu ở các khía cạnh còn lại.
 
Đó là lí do khiến đội hình của Manchester United không có đủ điều kiện để chơi bóng ở đẳng cấp cao nhất. Khả năng của một cầu thủ ít khi có giới hạn – nó phụ thuộc vào trình độ huấn luyện, thể lực, yếu tố chiến thuật và cả tâm lý nữa. Huấn luyện tốt sẽ giúp cho cầu thủ tiến bộ hơn và ngược lại. Tất cả điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng nhìn vào hiện trạng bất ổn hiện tại của Manchester United, không phải ai cũng biết đến điều đó. So sánh với Liverpool về mặt cá nhân sẽ làm nổi bật điều này.

 
Hãy thử so sánh Wan-Bissaka với Andy Robertson. Nói điều đó lúc này có vẻ hơi lố bịch, nhưng trước khi đến Man United, Wan-Bissaka là cầu thủ chơi tốt hơn so với thời điểm Robertson còn đá cho Hull City. Cầu thủ người Anh sẽ trở nên khác hẳn, bởi anh nổi tiếng với khả năng phòng ngự vững chắc hơn là tấn công. Mà thông thường, sẽ dễ huấn luyện một cầu thủ tấn công bùng nổ thành một hậu vệ đáng tin cậy hơn là ngược lại. Ngoài ra, dù giá trị trên TTCN không hoàn toàn phản ánh chất lượng của một cầu thủ, nhưng có lý do tại sao một người có giá 7 triệu bảng và người còn lại có giá 50 triệu bảng. 
 
Sau khi đến M.U và Liverpool, sự nghiệp của hai người đã rẽ sang hai hướng hoàn toàn khác biệt. Robertson hiện là hậu vệ trái xuất sắc nhất nước Anh và được cho là xuất sắc nhất trên bình diện châu Âu. Trong khi đó, Wan-Bissaka đang vật lộn để được đá chính tại Manchester United. Đây là ví dụ điển hình về một cầu thủ không thích hợp với cách chơi ở M.U, một đội bóng dựa trên nền tảng bóng đá kỹ thuật và thiên về tấn công. Đó là những thiếu sót của riêng Wan-Bissaka, nhưng không hoàn toàn là lỗi của anh.
 
Sẽ rất hấp dẫn nếu được chứng kiến điều gì sẽ xảy ra nếu Wan-Bissaka được chơi dưới thời Klopp trong ba năm, cũng như Robertson dưới thời Solskjaer và Rangnick. Liệu sự nghiệp của họ có đảo ngược hoàn toàn không? Có lẽ là không. Nhưng khả năng cao Wan-Bissaka sẽ được coi là cầu thủ xuất sắc hơn – khi anh đã được đánh giá cao hơn từ đầu và sẽ được thi đấu dưới tài thao lược của một chiến lược gia đẳng cấp.
 
Phần lớn các cá nhân kém hiệu quả của Manchester United đã chơi tốt hơn cho các đội bóng trước đó của họ hoặc cho ĐTQG hơn là cho Man United. Do đó, công tác huấn luyện rõ ràng là thứ cần chê trách.
 
Câu hỏi đặt ra là liệu những tổn hại này có tồn tại mãi mãi? Liệu Wan-Bissaka hay những cầu thủ như McTominay, Rashford, Fred, Victor Lindelof, Harry Maguire và Luke Shaw vẫn có khả năng tiến bộ dưới thời một HLV mới và phát huy hết tiềm năng của họ?
 
Hoặc những cầu thủ này đã bỏ lỡ ba năm phát triển quan trọng, khiến sự nghiệp của họ sẽ không bao giờ hồi phục. Thậm chí vấn đề của họ trở nên trầm trọng hơn bởi quãng thời gian ở trong một phòng thay đồ thiếu động lực và sự cạnh tranh, với những người hâm mộ (trên mạng xã hội nhiều hơn trên khán đài) luôn chờ sẵn mỗi khi họ thất bại?
 
Chúng ta chưa biết điều đó và Rangnick cũng vậy. Suy cho cùng, cách nhanh nhất để cải thiện đội hình của United là bổ nhiệm một chiến lược gia mới có kinh nghiệm để cải thiện các cá nhân, đồng thời giúp Man United trở lại đẳng cấp vốn có.
 
Công việc đó sẽ thuộc về Erik ten Hag, người thiếu kinh nghiệm ở các giải đấu lớn, nhưng thành tích đưa Ajax vào bán kết Champions League 2019 đáng được xếp vào hàng ấn tượng nhất trong những năm gần đây. Chiến lược gia người Hà Lan chắc chắn được hưởng lợi từ triết lý bóng đá hiện có ở Ajax, nhưng đã tạo nên danh tiếng nhờ việc đưa các học trò lên một tầm cao hơn, đồng thời xây dựng một tập thể gắn kết.

 
Các cuộc khủng hoảng trong bóng đá thường có xu hướng bị phóng đại. Bạn có thể được tha thứ cho suy nghĩ này khi mùa giải bắt đầu, rằng Barcelona sẽ trở thành một đội bóng trung bình trong thập kỷ tới. Chỉ cần bổ nhiệm Xavi Hernandez, đồng thời có một kỳ chuyển nhượng thuận lợi, Barca đã đủ khả năng để đánh bại Real Madrid 4-0 và chắc chắn họ sẽ là ứng cử viên cho chức vô địch La Liga mùa tới. Nhiệm vụ ở Man United chắc chắn khó khăn hơn, chủ yếu là bởi các đối thủ trong nước của họ hiện là hai CLB tốt nhất châu Âu, nhưng công thức thì vẫn còn đó.
 
Rangnick là một giám đốc bóng đá hơn là một chiến lược gia. Thời gian ông dành ra là để nghĩ về những thứ cần làm trong các kỳ chuyển nhượng, hơn là dành cho sân tập.
 
Man United đang có số điểm gần với đội đứng thứ 16 hơn là với đội đầu bảng. Lời giải thích rằng "đội hình đơn giản là không đủ tốt" có vẻ hơi kì cục, trong bối cảnh đội bóng này còn đứng thứ hai mùa trước và được bổ sung cầu thủ chạy cánh xuất sắc nhất Bundesliga, trung vệ nhiều danh hiệu nhất La Liga và cây săn bàn hàng đầu ở Serie A.
 
Trừ khi Manchester United bổ nhiệm một nhà cầm quân có tầm cỡ tương tự với các cầu thủ của họ, bằng không họ sẽ còn thảm hại hơn cả bây giờ.
 
Lược dịch từ bài “Man United’s players show a crushing level of underdevelopment and bad management is to blame” của Michael Cox (The Athletic)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lịch thi đấu căng như dây đàn, liệu Real có thể tiếp tục nói hai từ "hài lòng"?

Trong những mùa giải gần đây, chúng ta luôn thấy một khả năng xoay sở rất tốt của HLV Carlo Ancelotti với những gì Real Madrid có trong tay. Nhưng ở mùa này, khi cơn bão chấn thương lũ lượt kéo tới, liệu chiến lược gia người Italia có thể tiếp tục nói "chúng tôi hài lòng với đội hình hiện tại"?

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.