Chỉ có bốn CLB từ các giải đấu lớn của châu Âu đang bất bại ở cả trong nước và Champions League mùa này. Ba trong số đó là những siêu đội bóng: Manchester City, đội giành 4 trong 5 chức vô địch Premier League gần nhất; PSG, đội cũng vô địch 4 trong 5 danh hiệu quốc nội gần nhất và Real Madrid, đương kim vô địch châu Âu và La Liga.
Cái tên còn lại là Napoli, đội bóng chỉ có 3 danh hiệu Coppa Italia trong 30 năm qua. Họ đang đứng đầu Serie A và sở hữu thành tích hoàn hảo tại vòng bảng Champions League (thắng cả ba trận, gần nhất là chiến thắng 6-1 trước Ajax Amsterdam trên sân khách), với 31 bàn được ghi sau 11 trận ở hai giải đấu.
Đáng ngạc nhiên ở chỗ, Napoli làm được điều này sau một mùa hè cắt giảm tới 30% quỹ lương, cũng như thu về 13 triệu euro lợi nhuận trong kỳ chuyển nhượng. Một mùa hè chứng kiến Napoli nói lời chia tay với một loạt các trụ cột, những cầu thủ có tố chất lãnh đạo thiên bẩm, giàu kinh nghiệm đồng thời có mối quan hệ khăng khít với đội bóng và người hâm mộ.
Lorenzo Insigne, một người con xứ Naples đã gắn bó với CLB cả một thập kỉ được phép ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do. Kalidou Koulibaly, thủ lĩnh tinh thần của đội bóng, trụ cột ở hàng phòng ngự và là một trong những trung vệ xuất sắc nhất thế giới đã gia nhập Chelsea sau 8 mùa giải. Dries Mertens - cầu thủ ghi bàn nhiều nhất mọi thời đại của Napoli cập bến Galatasaray. Còn Fabian Ruiz, một trong những tiền vệ hàng đầu Serie A chuyển sang khoác áo PSG.
Tiền bạc là yếu tố chi phối tất cả các trường hợp ra đi kể trên. Ba người đầu tiên đều đã bước qua tuổi 30. Trong khi đó dù mới 26 tuổi, Ruiz chỉ còn một năm hợp đồng (giống Koulibaly). Napoli không đủ khả năng để trói chân những cầu thủ này bằng một bản hợp đồng dài hơn, nên đành để họ ra đi một cách miễn cưỡng.
Khi một đội bóng làm điều này, hẳn bạn đang nghĩ đến khái niệm “đập đi xây lại”. Napoli đã cán đích ở vị trí thứ ba mùa trước, nhưng thật khó để tin rằng họ sẽ giành suất dự Champions League mùa này - nhất là với một bộ phận người hâm mộ đang cảm thấy tức giận với chủ tịch Aurelio De Laurentiis vì đã rút ruột đội bóng của họ một cách triệt để. Ngoài ra, cầu thủ tài năng nhất còn lại của họ, Victor Osimhen đang dính chấn thương và vẫn chưa thể trở lại thi đấu.
Napoli thắng Ajax 6-1
|
Tuy nhiên, những gì Partenopei đạt được cho tới thời điểm này cho thấy họ là bậc thầy trong việc tái thiết. Trừ những đội bóng có túi tiền sâu như rãnh Mariana như Real Madrid, PSG hay Manchester City - tái thiết là một công việc vô cùng khó khăn. Nó khác với khái niệm “đập đi xây lại”, vì khi gây dựng lại đội bóng từ đầu, bạn chấp nhận rằng CLB sẽ không có khả năng cạnh tranh trong thời gian ngắn hạn. Là bởi bạn đang đi theo một hướng đi mới, thường là khi có một tân HLV hoặc thử nghiệm những cầu thủ trẻ hơn.
Trong khi đó, tái thiết là thay thế những cầu thủ đã ra đi mà không làm ảnh hưởng đến kết quả. Tại sao ư? Vì nếu kết quả của đội bóng đi xuống, thì - trong nhiều trường hợp - doanh thu của đội cũng vậy. Sau đó, CLB sẽ bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn.
Tái thiết cũng là điều mà đối thủ của Napoli đêm thứ Ba cũng hy vọng làm được. Trong mùa hè, Ajax mất Antony và Lisandro Martinez vào tay Manchester United, Sebastian Haller vào tay Borussia Dortmund, Ryan Gravenberch và Noussair Mazraoui vào tay Bayern Munich, Perr Schuurs vào tay Torino và Nicolas Tagliafico vào tay Lyon (đó là những cầu thủ đã ra sân ít nhất 22 trận ở giải VĐQG).
Họ đã chi hơn 100 triệu euro cho những cái tên thay thế để duy trì sức cạnh tranh. Hiện tại, Ajax đang xếp thứ hai ở Eredivisie. Nhưng sau thất bại trước Napoli, cánh cửa để họ lọt vào vòng loại trực tiếp Champions League đang dần khép lại. Doanh thu trong mùa giải tới sẽ ít đi, đồng nghĩa với việc cơ hội để giữ chân những cầu thủ được đánh giá cao còn lại của họ như Jurrien Timber và Mohamed Kudus là không cao.
Đó là thực tế mà tầng lớp trung lưu của châu Âu phải đối mặt. Tuy nhiên, với trường hợp của Napoli, cách tiếp cận của họ đang tỏ ra cực kỳ hiệu quả, khi tỏ ra mát tay với từng bản hợp đồng trong mùa hè.
Chiến lược của đội bóng này nằm ở việc mua những cầu thủ không hoàn toàn nằm ngoài tầm ngắm, nhưng lại đang là kép phụ ở đội bóng chủ quản của họ, hoặc có những hạn chế riêng. Ở hàng thủ, họ chiêu mộ Kim Min-jae từ Fenerbahce, một cầu thủ 26 tuổi người Hàn Quốc đã trải qua ba mùa giải ở Trung Quốc trước khi chuyển sang chơi bóng ở Thổ Nhĩ Kỳ mùa trước. Tuyển thủ Uruguay Mathias Olivera tỏ ra khá chật vật khi khoác áo ứng viên trụ hạng Getafe tại La Liga. Hậu vệ người Na Uy Leo Ostigard đến từ Brighton, sau khi thi đấu rất tốt trong 6 tháng cho mượn tại Genoa.
Ở hàng tiền vệ, họ đã chơi một canh bạc khi mượn Tanguy Ndombele từ Tottenham. Từng nổi tiếng một thời, nhưng Ndombele đã ở xuống dốc không phanh trong hai mùa giải vừa qua (bao gồm cả quãng thời gian cho mượn khi trở lại Lyon). Nhưng logic trong thương vụ này khá dễ hiểu: Nếu anh ta lấy lại phong độ, bạn sẽ sở hữu một cầu thủ đẳng cấp. Còn nếu không, dẫu sao anh ta cũng không phải hạt nhân chính của đội. Bạn hoàn toàn có thể gửi trả anh ta cho CLB chủ quản.
Trên hàng công, Giovanni Simeone, người được biết đến vì là con trai của HLV Diego Simeone và xăm lên mình logo Champions League cũng là một bản hợp đồng cho mượn ít rủi ro khác. Simeone đã ghi 17 bàn thắng mùa trước cho Verona, nhưng lại không có phong độ ổn định và ở tuổi 27, anh sẽ không thể tiến bộ thêm. Tuy nhiên, một lần nữa Napoli đã đúng khi Simeone trở thành siêu dự bị chất lượng (anh đã ghi bàn vào lưới cả Ajax và Liverpool ở Champions League).
Họ có Giacomo Raspadori, cầu thủ cập bến từ Sassuolo dưới dạng cho mượn với điều khoản bắt buộc mua đứt. Chỉ mới 22 tuổi và là một phần của ĐT Italia, nhưng có thể vì Sassuolo không quá hào nhoáng, ít CLB lớn chú ý đến anh. Sức trẻ của Raspadori khiến anh trở thành một sự rủi ro chấp nhận được.
Cuối cùng, họ sở hữu cầu thủ có thể có ảnh hưởng lớn nhất đến Serie A mùa này: Khvicha Kvaratskhelia. Tài năng trẻ 21 tuổi người Georgia đã được các ông lớn châu Âu theo dõi rất kĩ trong ba năm qua. Sự kết hợp của nhiều yếu tố (bao gồm cả cuộc chiến ở Ukraine) giúp Napoli có cơ hội ký hợp đồng với anh với mức giá không thể hời hơn, 10 triệu euro. Kvaratskhelia đã có 6 bàn thắng, 3 đường kiến tạo cũng như liên tục được đề cập trên mạng xã hội với hashtag #Kvaradona.
Tại Kobuleti trên bờ Biển Đen, đội bóng đá của địa phương là một đội hạng hai mang tên Shukura, sử dụng Chele Arena làm sân nhà. Danh xưng của sân vận động này được đặt theo tên của Revaz Chelebadze, một người con nổi tiếng của thị trấn Georgian này và là thành viên của đoàn quân Dinamo Tbilisi đã trở thành nhà vô địch của bóng đá Liên Xô vào năm 1978.
Những trụ cột ở mùa giải trước cũng đang thể hiện phong độ cao. Khoảng trống để lại sau sự ra đi của Insigne, Koulibaly và Mertens đang được lấp đầy bởi những cái tên như Osimhen (trước khi chấn thương), Piotr Zielinski và Giovanni Di Lorenzo. Thủ thành Alex Meret, người bị chỉ trích nặng nề bởi các phương tiện truyền thông địa phương và người hâm mộ vì thiếu cá tính đang dần chứng tỏ đẳng cấp của mình.
Cũng đừng quên HLV Luciano Spalletti. Ông có thể là một người lập dị nhưng lại đang chiếm trọn trái tim của người hâm mộ, thành phố cũng như đội bóng. Cựu HLV Inter Milan đang giúp một tập thể trẻ trung bay cao, dù ông đang quen với việc dẫn dắt một đội bóng với nhiều cựu binh, với cách tiếp cận thận trọng hơn ở mùa giải trước.
Suy cho cùng, không nhất thiết phải luôn có một kế hoạch quá chi tiết. Cách làm của Napoli chưa chắc đã hiệu quả với các đội bóng khác; có thể họ có nhân sự đưa ra quyết định tốt hơn, hoặc đơn giản là họ đã gặp may. Nhưng điều đáng chú ý là họ đang bay cao, trong bối cảnh rất khó để tái thiết đội bóng một cách nhanh chóng. Kinh nghiệm của họ có lẽ sẽ khuyến khích các đội bóng khác mạnh dạn hơn trong việc đưa ra những quyết định khó khăn của riêng họ.
Lược dịch, có chỉnh sửa bài viết “Napoli's reload, not reboot, is working in Serie A and Champions League. Can other clubs follow suit?” của Gabriele Marcotti (ESPN)