Chuyện đá phạt đền ở Man Utd và tầm nhìn xa của Solskjaer

Tác giả August - Thứ Sáu 23/08/2019 16:45(GMT+7)

Từ màn dàn xếp đá pen có-thể-không-vừa-mắt-đa-số đến cú phạt đền hỏng ăn của Pogba tại Molineux, điều đọng lại sau tất cả là gì? Sự độc lập, tinh thần trách nhiệm của từng cầu thủ và sự gắn kết giữa các đồng đội Man Utd.

Tại Molineux vài ngày trước, Paul Pogba đã có màn trình diễn không tồi. Nhưng siêu sao đắt giá nhất của Man Utd vẫn trở thành nạn nhân của màn “ném đá” ác liệt sau trận hòa Wolves 1-1. Lý do: anh sút hỏng quả phạt đền cuối trận khiến Man Utd bỏ lỡ cơ hội tốt nhất để giành thắng lợi. Nếu có 3 điểm trước Wolves, “Quỷ đỏ” chắc chắn sẽ chiếm vị trí dẫn đầu BXH Premier League. 

Chuyện đá phạt đền ở Man Utd và tầm nhìn xa của Solskjaer
Bản thân Pogba, không chỉ phải đối mặt những chỉ trích từ giới truyền thông mà còn chịu đựng không ít sự dè bỉu, phỉ báng mang màu sắc phân biệt chủng tộc. Câu chuyện Pogba “giành đá phạt đền với Rashford và sút hỏng” còn đi xa hơn khi nhiều đầu báo lá cải tại Anh thêu dệt nên việc HLV Ole Gunnar Solskjaer đã nổi giận sau trận đấu và tước luôn quyền thực hiện đá 11m của Pogba mà trao cho Rashford. Và dĩ nhiên, đấy cũng là cái cớ quá tốt để những dạng thuyết âm mưu được nảy nở theo kiểu: để Pogba và Rashford tranh đá penalty, thì rõ là OGS không quản được phòng thay đồ.
 
Nhưng bất kì vấn đề nào cũng có hai mặt. Trong một bài viết dài đăng tải trên The Athletic, nhà báo nổi tiếng Andy Mitten có một góc nhìn hoàn toàn trái ngược số đông về câu chuyện “Pogba – Rashford và quyền đá phạt đền của Man Utd”. Andy Mitten, người sáng lập tạp chí United We Stand, tác giả của hơn 500 bài phỏng vấn cầu thủ, từng tác nghiệp qua 100 quốc gia, cây viết quen thuộc của Four Four Two, Independent, Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).

Andy, một người gốc Manchester, chính là cháu gọi Charlie Mitten, một tiền đạo cánh nổi tiếng của “Quỷ đỏ” thập niên 40 của thế kỉ trước, bằng bác. Charlie Mitten, qua đời năm 2002, là một chuyên gia đá phạt đền của Man Utd, thành tích 16 bàn thắng từ chấm 11m của ông là kỉ lục tồn tại hàng chục năm cho tới trước khi bị phá bởi Gerry Daly thập niên 70.
 
Theo Andy, bất chấp Pogba vừa đá hỏng phạt đền ở Molineux thì “Solskjaer có nhiều lý do để… hạnh phúc vì HLV Man Utd đang sở hữu cùng lúc hai cầu thủ sẵn-sàng-đá-phạt-đền”. Lý giải về việc ai sẽ là người thực hiện quả đá 11m, được quyết định bởi “sự dàn xếp” của chính các cầu thủ trên sân, ở đây là Pogba và Rashford, Andy cho rằng đấy là điều mà Solskjaer muốn thấy “bởi ông cần các cầu thủ có trách nhiệm với lựa chọn và quyết định của mình. Bản thân Solskjaer cũng thấy ông phải có trách nhiệm trong việc giúp các cầu thủ, các thành viên của CLB gắn kết hơn, giàu tinh thần đồng đội hơn”.
 
Về mặt hiệu số, cho tới trước quả phạt đền cuối trận đấu với Wolves, Pogba thực hiện thành công 8/11 lần đá penalty ở mùa giải 2018/19. Rashford, trong khi đó, ghi bàn ở cả 2 lần đá phạt đền của anh mùa trước. Đáng nhớ nhất, chính là pha sút tung lưới Buffon ở “Sân công viên các Hoàng tử” trong những phút bù giờ trận lượt về vòng 1/8 Champions League, giúp Man Utd giành thắng lợi 3-1 qua đó vào tứ kết. Rashford cũng thực hiện tốt quả đá phạt đền mở ra thắng lợi 4-0 trước Chelsea ở vòng khai mạc mùa này.
 
Kể từ sau Charlie Mitten, người ghi 16 bàn từ chấm 11m những năm 40 của thể kỉ trước đến Eric Cantona giai đoạn đầu kỉ nguyên Premier League, truyền thống của Man Utd xưa nay luôn có 1 chuyên gia đá phạt đền. Và khi một chuyên gia như thế rời CLB, sẽ ngay lập tức có người “kế thừa”. Như Wayne Rooney (đá thành công 20/28 quả phạt đền ở Premier League) thế chỗ Cristiano Ronaldo (11/13) khi CR7 cập bến Real.

Trong 5 năm đầu tiên ở Man Utd, khi vẫn còn Ronaldo, Rooney chỉ được trao cơ hội đá penaty duy nhất 1 lần và anh… không ghi bàn. Trước Ronaldo, chuyên gia đá phạt đền của “Quỷ đỏ” là Ruud Van Nistelrooy (18/22). Chuyện dàn xếp người đá phạt đền, ngay trên sân, trong trận đấu, đúng là rất hiếm khi xảy ra trước thời OGS.
 
 
Tất nhiên, không phải lúc nào người thực hiện quả đá phạt đền của Man Utd, sau khi “dàn xếp” với đồng đội trên sân, cũng ghi bàn. Như trường hợp của Pogba ở Molineux chẳng hạn. Pogba là người tạo ra quả phạt đền đó, anh cũng là người thực hiện nhiều quả penalty nhất kể từ khi tái hồi Old Trafford và anh muốn tiếp tục làm điều đó trước Wolves. Rashford, trong khi đó, cũng muốn được thực hiện. 
 
Khác với hình ảnh “xấu xí” của Neymar – Cavani hồi đầu mùa giải 2017/18 tại PSG (tân binh ngôi sao Brazil tranh đá phạt đền với trụ cột đã được chỉ định), trường hợp Pogba – Rashford hoàn toàn khác. Bởi Pogba – Rashford là câu chuyện về 2 cầu thủ có thừa sự tự tin vào bản thân và sẵn sàng nhận trọng trách để đá phạt đền. Và quan trọng hơn cả, đấy (chuyện dàn xếp về trách nhiệm giữa họ) là điều HLV của họ, Solskjaer, cho phép.
 
“Tái ông thất mã”. Pogba đá hỏng phạt đền ở Molineux, Man Utd lỡ thời cơ tuyệt vời chiếm ngôi đầu BXH Premier League. Cá nhân ngôi sao đắt giá nhất trong lịch sử Man Utd, Pogba, nhận về cơn bão chỉ trích. Chính Pogba, trong phòng thay đồ sau trận hòa Wolves, đã đứng lên nhận lỗi vì đã… đá hỏng quả phạt đền. Pogba ít nhiều từng thể hiện mong muốn rời Old Trafford mùa này. Không phải toàn bộ các cầu thủ Man Utd đều cảm thấy thoải mái với việc Pogba là người đá quả phạt đền ở cuối trận hòa Wolves. Nhưng tất cả đều chắc chắn về 2 điều: Pogba trước sau luôn là một người tuyệt đối chuyên nghiệp và anh chính là cá tính lớn nhất của đội, kể từ sau khi Ibrahimovic rời Old Trafford.
 
Và một Pogba như thế, đương nhiên, không đáng phải chịu búa rìu dư luận chỉ bởi anh khát khao ghi bàn ở chấm 11m nhưng bất thành, càng không bao giờ phải là “tấm bia” cho vô vàn những miệt thị phân biệt chủng tộc. Các đồng đội của Pogba, hơn ai hết, hiểu rõ điều đó. Trên Twitter và các tài khoản mạng xã hội cá nhân khác, hàng loạt cầu thủ Man Utd đã lên tiếng bảo vệ Pogba, đưa ra những thông điệp cảnh báo mạnh mẽ đến những kẻ nhân chuyện Pogba đá hỏng phạt đền ở Molineux mà phỉ báng tiền vệ này. Từ Maguire đến Lingard, từ Rashford đến Smalling, không ai bảo ai, không hề có sự bàn bạc, họ tự động làm điều đó – ở bên cạnh Pogba trong nghịch cảnh. 
 
 
Từ màn dàn xếp đá pen có-thể-không-vừa-mắt-đa-số đến cú phạt đền hỏng ăn của Pogba tại Molineux, điều đọng lại sau tất cả là gì? Sự độc lập, tinh thần trách nhiệm của từng cầu thủ và sự gắn kết giữa các đồng đội Man Utd. Pogba MẤT 1 bàn thắng nhưng nhờ đó anh cảm nhận ĐƯỢC, một cách rõ ràng, tình cảm và sự trân trọng của tập thể “Quỷ đỏ” dành cho mình. Hai điểm MẤT trong trận hòa Wolves có thể giành lại ở các trận kế tiếp, đổi lại Man Utd có cái ĐƯỢC lớn hơn thế gấp bội: tinh thần đồng đội lên cao mạnh mẽ.
 
Đấy chính là điều Solskjaer muốn thấy ở tập thể mà ông đang dẫn dắt. Và vì thế, thay vì tiếp cận “sự kiện Pogba – Rashford” theo góc nhìn hạn hẹp của kẻ cơ hội khi chỉ trích cái Tôi của Pogba và cho rằng cách OGS quản lý đội bóng có phần thiếu tổ chức, thì chúng ta nên coi đấy là một bước đi khôn ngoan và có tầm nhìn xa của HLV người Na Uy. 
 
Trong một mùa giải dài hơi, một quả phạt đền hỏng ăn đặt bên cạnh một tập thể gồm những những thành viên có tinh thần trách nhiệm cao và sự gắn kết mạnh mẽ, điều gì quan trọng hơn? Hỏi cũng chính là trả lời rồi!
 
Bài viết có sử dụng tư liệu từ Pogba and Rashford sharing United’s penalties is Solskjaer being prudent and far-sighted – The Athletic
 
 AUGUST (TTVN)
 
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.

Có một Arsenal khốn khổ trong nỗi nhớ Martin Odegaard

Thua, hòa và lại tiếp tục thua. Đó là kết quả thi đấu của Arsenal tại Premier League trong 3 vòng đấu gần nhất. Từ việc tràn trề hi vọng cạnh tranh chức vô địch với Manchester City và Liverpool, Pháo thủ thành London giờ đây đang trượt dài trong mớ hỗn độn không lời giải vì phong độ chạm đáy.

Lửa khủng hoảng đang lan nhanh ở Etihad?

Manchester City đã phải nhận thất bại muối mặt 1-4 trên sân Jose Alvalade trước Sporting Lisbon trong loạt trận thứ 4 Champions League rạng sáng hôm nay. Đây đã là trận thua thứ 3 liên tiếp của đoàn quân Pep Guardiola trong vòng một tuần, khi trước đó họ để thua Tottenham ở Carabao Cup và Bournemouth ở giải ngoại hạng. Có chăng một cuộc khủng hoảng đang ngầm lan nhanh ở Etihad?

Liverpool đứng đầu Premier League: Niềm tin cho Arne Slot

Lội ngược dòng trước Brighton với chỉ 3 phút bằng 2 bàn thắng chớp nhoáng của Cody Gakpo và Mohamed Salah, Liverpool của Arne Slot đã giành lại ngôi đầu giải ngoại hạng Anh sau khi vòng đấu thứ 10 khép lại. Khoảng cách giờ là 2 điểm với những nhà đương kim vô địch Manchester City và là 7 điểm đối với kẻ được xem là ứng cử viên số 2 mùa này Arsenal.

Chuyện gì đang xảy ra với Arsenal?

Hành quân đến Newcastle với tâm thế không thật sự thoải mái sau những lần hụt chân liên tiếp gần đây khiến cho kết quả mà Arsenal phải nhận trước những người chủ nhà thực ra không quá bất ngờ với những ai am tường về Arsenal lẫn ngoại hạng Anh. Có chăng một cuộc khủng hoảng đang dần lan rộng ở Emirates?