Chiến tích Champ19ns của AC Milan: Sự thật về cuộc hồi sinh của gã khổng lồ

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 25/06/2022 15:58(GMT+7)

Khi Elliott Advisors giải cứu một AC Milan có nguy cơ phá sản vào 4 năm trước, kế hoạch – như thành viên hợp danh Gordon Singer đã giải thích – là “tạo ra sự ổn định tài chính đồng thời đưa CLB này trở lại với vị thế mà nó thuộc về tại bóng đá châu Âu”. 


 

Và những kết quả tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng đã được tạo nên. Rossoneri đã chuyển mình từ một CLB kém cỏi, thậm chí là bất lực trong mọi khía cạnh, trở thành một nhà vô địch trị giá 1,2 tỷ euro. Những thành công đã đến với cả trong lẫn ngoài sân cỏ.

SỰ KIÊN ĐỊNH VỚI DỰ ÁN ĐƯỢC HOẠCH ĐỊNH, TIN TƯỞNG VÀO QUÁ TRÌNH

Trọng tâm của dự án được hoạch định dưới thời Elliott là một nguyên tắc cốt lõi rất đơn giản, khía cạnh bóng đá nhất định phải được xem trọng. Đáng buồn thay, hầu hết các quỹ đầu tư tư nhân hoặc quỹ đầu cơ đầu tư vào bóng đá đều chỉ coi điều này là thứ yếu. Lợi ích kinh doanh được họ đặt lên hàng đầu. Nhưng thực tế là cả hai nên đi đôi với nhau. 

Một đội bóng “thường thắng” sẽ thường xuyên được góp mặt ở Champions League và Milan đã không thể làm được điều đó trong suốt 7 năm. Chiếc vé tham dự Champions League sẽ cung cấp cho CLB những nguồn lực lớn để tiếp tục đầu tư nâng tầm đội bóng. Bên cạnh đó, việc được tham dự đấu trường này sẽ nâng cao sức hấp dẫn của CLB đối với các cầu thủ khi tham gia thị trường chuyển nhượng cũng như những đối tác thương mại. Đó là cách để bạn phá vỡ một vòng luẩn quẩn của sự tầm thường và bước vào một chu kỳ sáng sủa hơn. 

Nghe có vẻ đơn giản, phải chứ? Nhưng trong bóng đá chẳng có gì đơn giản cả! 

Trong bóng đá, phí tổn lớn nhất chính là những gì liên quan đến bóng đá; tiền lương, phí chuyển nhượng, tiền hoa hồng, tiền thưởng. Elliott đã tiếp quản một CLB không thể đáp ứng yêu cầu hòa vốn được quy định trong các quy tắc của Luật công bằng tài chính mà UEFA đặt ra. Tình trạng chi tiêu vô lối, thiếu tính toán dưới thời các chủ sở hữu trước đó đã khiến quỹ đầu tư này không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận lệnh cấm tham dự đấu trường châu Âu 1 năm và đưa ra những quyết định cứng rắn mà về bản chất, chúng cực kỳ phản văn hóa và phi truyền thống tại Italy. Đội hình của Milan quá lớn, hao tổn quá nhiều chi phí, nhưng lại thiếu hiệu quả. Tổng lương cao thứ hai Serie A đã không được phản ánh trong những kết quả trên sân đấu, và những cầu thủ được hưởng thu nhập cao nhất đội đang tụt giá thê thảm thay vì tăng giá trị. 


 

Thách thức mà chủ sở hữu mới phải đưa CLB này vượt qua chính là vừa phải cắt giảm chi phí, vừa phải nâng cao phong độ trên sân cỏ. 

Thành công mỹ mãn chính là kết quả của nhiệm vụ này. Milan đã đi từ vị trí thứ 5 lên thứ 2 rồi đến đầu bảng, có được những bước nhảy vọt mạnh mẽ từ tổng số điểm 68, lên 79 rồi tới 86 với mức chi tiêu ròng khoảng 75 triệu euro, trong khi giảm 30% hóa đơn trả lương. Ngay cả khi Zlatan Ibrahimovic trở lại CLB vào mùa đông năm 2020, họ vẫn là đội bóng trẻ nhất Serie A với độ tuổi trung bình là 24,5. 

Cần phải nói rõ rằng, con đường trở thành một nhà vô địch của Milan không phải lúc nào cũng suôn sẻ. 

Khi Elliott tiếp quản quyền sở hữu CLB, Gennaro Gattuso đang là HLV trưởng và ông đã phải ra đi mặc dù vẫn còn 2 năm trong hợp đồng (tuyệt nhiên không đòi một đồng bồi thường nào). Sau đó, người kế nhiệm Gattuso là Marco Giampaolo đã bị sa thải chỉ sau 7 trận ở giải VĐQG. 

Ngay cả Stefano Pioli – nhà cầm quân đã đưa Rossoneri giành Scudetto ở mùa bóng vừa qua – cũng không thể xoay chuyển tình thế ngay lập tức, với đỉnh điểm khủng hoảng chính là trận thua tan nát 5-0 trước Atalanta trong trận đấu cuối cùng trước Giáng Sinh năm 2019, và chật vật đánh bại Genoa 2-1 trong trận đấu cuối cùng trước khi lệnh Lockdown vì COVID-19 được thực thi, qua đó làm dấy lên những đồn đoán về chuyện Ralf Rangnick sẽ thay thế ông.

Trong BLĐ, giám đốc thể thao Leonardo đã rời CLB chỉ sau 1 năm nhậm chức. Huyền thoại Paolo Maldini, khi ấy đang là cộng sự của Leonardo với chức vụ “giám đốc phát triển và chiến lược thể thao”, đã đứng trước khả năng trở thành người tiếp theo bật khỏi BLĐ, và khả năng này đã xuất hiện thêm lần nữa khi giám đốc bóng đá Zvonimir Boban ra đi vì bất đồng gay gắt với những tính toán của các cấp trên. 

Dự án được hoạch định rõ ràng đã có những thời điểm đối mặt với nguy cơ sụp đổ, nhưng rốt cuộc nó vẫn sống sót, và Milan trở thành một nhà vô địch. 


 

AC Milan đã rất kiên định với đường lối được vạch ra, đề cao triết lý “trust the process” (tin tưởng vào quá trình), đặc biệt là khi đàm phán gia hạn với những bản hợp đồng sắp kết thúc của Gigio Donnarumma, Hakan Calhanoglu và Franck Kessie. Cả 3 đều được đề nghị những bản hợp đồng gia hạn phù hợp với ngân sách của CLB. Cả 3 đều nghĩ rằng họ có thể đòi hỏi nhiều hơn. Rốt cuộc, thay vì chiều ý những ngôi sao đang đóng vai trò trụ cột của đội này, Milan đã để họ ra đi vì 2 lý do. Một là CLB nhất quyết kiên định với chiến lược tìm về các cầu thủ có thể tạo ra những đóng góp lớn với chi phí phải tiêu tốn thấp. Hai là nếu bạn trả cao hơn giá trị thị trường cho mức lương của một cầu thủ, bạn sẽ sớm tạo ra các khoản nợ thay vì bảo toàn tài sản. 

Ngay cả trong một dự án đã mang lại Scudetto sớm hơn dự kiến, sự kiên nhẫn là một yếu tố đã rất nổi bật. Lấy Rafael Leão làm ví dụ. Không ít người từng sớm đặt nghi vấn về khả năng phát triển và tỏa sáng của anh sau khi CLB chủ sân San Siro chiêu mộ cầu thủ trẻ người Bồ Đào Nha với mức phí 29,5 triệu euro vào năm 2019. Trong một thời gian dài, những cụm từ miêu tả phù hợp nhất về anh là “thiếu lửa” và “mưa nắng thất thường”. Các bản hợp đồng khác, đặc biệt là Theo Hernandez, đã sớm tạo nên những tác động lớn hơn và ổn định hơn. Ibrahimovic thậm chí từng bảo rằng Leão là cầu thủ duy nhất mà mình không thể dạy bảo ở Milanello. 

Nhưng mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi ở mùa giải này – tức mùa giải thứ ba của anh ở Milan, với minh họa rõ ràng nhất chính là danh hiệu “cầu thủ xuất sắc nhất Serie A 2021-22” được Lega Serie A trao cho tiền đạo cánh người Bồ Đào Nha.  

Leão chính là cầu thủ đắt giá nhất mà Milan ký hợp đồng dưới thời Elliott sau những thương vụ đắt đỏ nhưng gây thất vọng nặng nề mà Leonardo thực hiện là Krzysztof Piatek và Lucas Paqueta. Tuy nhiên, dần dần, các chủ sở hữu đã nắm bắt được ngành công nghiệp bóng đá và thành lập một ủy ban chuyển nhượng với cảm hứng đến từ bộ phận tương tự ở Liverpool. Quyền lực được trao cho Maldini với tư cách người đứng đầu mảng tuyển dụng, cùng sự hỗ trợ của vị giám đốc thể thao giàu kinh nghiệm Ricky Massara. Tomori từng kể rằng, không đời nào anh có thể từ chối khi Maldini đích thân gọi điện và mời mình gia nhập Milan. Theo Hernandez cũng “đồng cảnh ngộ” khi huyền thoại có 5 lần vô địch Champions League bay đến Ibiza và nói rằng ông muốn anh đảm nhận vị trí mà mình từng chơi cho đội chủ sân San Siro. 


 

Thương vụ đưa Hernandez về AC Milan ban đầu được đề xuất bởi Geoffrey Moncada, một cựu chuyên gia phân tích của Monaco, và chính là người đã lôi kéo Bernardo Silva rời khỏi Benfica B để đưa anh đến Stade Louis II. Trong sự nổi lên của chất Pháp và Ligue 1 ở Milan, người đàn ông này đã đóng một vai trò không nhỏ. Moncada chính là một sự tóm gọn hoàn hảo cho chiến lược của Milan. Nhãn quan của anh phải cực kỳ nhạy bén, đặc biệt là vào thời đại này, khi các CLB lớn trên khắp châu Âu đang phát hiện ra những tài năng từ mọi ngõ ngách rất sớm, rất nhanh. 

Moncada đã nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ BLĐ CLB. Khi anh đề xuất một cậu bé sắp hết hạn hợp đồng tại học viện của Lyon, từng tham dự giải U-19 European Championship và sau đó đeo băng đội trưởng của đội U-20 Pháp, ban điều hành của Milan đã không chút do dự ủng hộ anh. Cậu bé đó chính là Pierre Kalulu, người đã cùng với Tomori tạo nên một cặp trung vệ thép giúp Rossoneri giữ sạch lưới 9 trong 11 trận cuối cùng tại Serie A 2021-22.

Ngoài ra, góp phần giúp cho quy trình tuyển dụng của Milan trở nên mạnh mẽ còn có bộ phận phân tích dữ liệu do giám đốc điều hành bóng đá cấp cao Hendrik Almstadt thành lập, hiện bộ phận này đang có sự tham gia của các ngôi sao lớn trong ngành là Bobby Gardiner, Ben Torvaney và Tiago Estevao.

Hiệu quả tổng thể được tạo ra là Milan đang có một cách tiếp cận rất chủ động trên thị trường chuyền nhượng, chẳng cần phụ thuộc vào các tay cò giới thiệu cho họ cầu thủ này, cầu thủ kia. Hãy xem xét các số liệu về chuyện trả tiền hoa hồng cho những người trung gian vào năm 2021 mới được Liên đoàn bóng đá Italy công bố. Juventus đã chi gần 29 triệu euro, Inter chi khoảng 28 triệu euro, Roma thì khoảng 26 triệu euro. Ngược lại, số tiền mà Milan đã tiêu cho chuyện này thậm chí còn chẳng bằng một nửa những con số đó (12,5 triệu euro). 

Quá trình này không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Chẳng có CLB bóng đá nào đạt tỷ lệ thành công 100% trên TTCN cả. Ví dụ, Soualiho Meite hoặc Mario Mandzukic, những người mà Milan vẫn hành động đủ thông minh để thực hiện các bản hợp đồng ngắn hạn và có thể sớm “cắt duyên” trong trường hợp họ không thể hiện đạt yêu cầu. 

Cũng có những thương vụ tuy ban đầu rất hứa hẹn nhưng rốt cuộc lại chẳng được như mơ, chẳng hạn như Jens Petter Hauge, một bản hợp đồng được thực hiện dựa trên phân tích dữ liệu. Nhưng cũng như với Kalulu, Alexis Saelemaekers và Marko Lazetic, số tiền mà Milan đã bỏ ra cho Hauge khôn khéo đến mức giúp họ tự đảm bảo cho mình một khoản lợi nhuận trong trường hợp phải bán nhanh anh đi.  

Khi những tin đồn về Rangnick nổi lên rầm rộ vào mùa xuân năm 2020, tầm nhìn rõ ràng và sự kiên định với kế hoạch đề ra của AC Milan đã được thể hiện qua việc Pioli được CEO Ivan Gazidis và Elliott trấn an rằng chưa hề có quyết định nào được chốt hạ. Ông sẽ được các chủ sở hữu và BLĐ CLB toàn tâm ủng hộ, kiên nhẫn quan sát trước khi đưa ra quyết định cuối cùng – họ hiểu rằng thời gian và sự tin tưởng là những yếu tố cần trao cho một nhà cầm quân khi phải làm việc với rất nhiều cầu thủ trẻ. 

“Ngoài ra, tôi cũng được cung cấp cho những cầu thủ tầm cỡ lớn, như Olivier Giroud, Zlatan, (Simon) Kjaer, Alessandro Florenzi và Mike Maignan, những người dày dạn kinh nghiệm, có kinh nghiệm khoác áo ĐTQG, kinh nghiệm đua vô địch. Họ là những tấm gương dành cho tôi và các cầu thủ trẻ,” Pioli chia sẻ.


 

NHỮNG NGƯỜI THỔI LỬA

Dự án đã thực sự cất cánh khi Zlatan quay trở lại. Thoạt nhìn, động thái ký hợp đồng với một cầu thủ sắp bước sang tuổi 40, đã dính một chấn thương có nguy cơ chấm dứt sự nghiệp, và vừa trải qua 2 năm chơi bóng ở MLS tạo cảm giác chẳng ăn nhập gì với đường lối tuyển dụng của Milan vào thời điểm này.

Nhưng đừng quên, gã đàn ông này là Zlatan Ibrahimovic. 

Trong một bài viết gần đây của The Athletic mang nội dung công cuộc tái thiết Manchester United, cựu cầu thủ Brian McClair đã nhận định CLB cần “ai đó có thể đảm bảo các cầu thủ – từ đội một đến học viện – hiểu được ý nghĩa của vinh dự khoác lên mình chiếc áo United, giá trị của điều đó và tầm nhìn nên có trong tư cách một thành viên của CLB này”. Maldini đã đóng vai trò này tại Milan. Còn người thúc đẩy nó là Ibrahimovic, một sợi dây liên kết với những đoàn quân mạnh mẽ gần nhất mà CLB sản sinh ra. Những tiêu chuẩn vàng xưa cũ từng hiện hữu ở Milanello đã được khôi phục. Sự cạnh tranh trên sân tập đã tăng mạnh khi Ibrahimovic thách thức các đồng đội trở nên giỏi hơn, hình thành nên trong họ tinh thần trách nhiệm cao. 

Pioli đã nói đùa rằng ông không cần phải vào phòng thay đồ nữa vì Ibrahimovic (và Kjaer) đã thay mình đảm bảo kỷ cương trật tự và xây dựng bầu không khí phù hợp. Ngôi sao người Thụy Điển đã ngay lập tức trở thành người gánh vác một CLB có tầm cỡ to lớn như Milan trên lưng, thoải mái tiếp nhận tất cả áp lực, trách nhiệm và những kỳ vọng thay cho “các cậu bé” trong đội. Bất thình lình, họ nở rộ và sự thăng hoa của Milan thực sự bắt đầu. 

Khi Ibrahimovic mới trở lại, Rossoneri đứng thứ 11 ở Serie A, chỉ kiếm được trung bình 1,2 điểm / trận, và tiền đạo người Thụy Điển vẫn khăng khăng nói về một điều: Chức vô địch. 

“Đội nào sẽ giành Scudetto,” một phóng viên hỏi.

“Zlatan đang chơi cho đội nào?” Ibrahimovic hỏi lại.

“Milan,” người phóng viên đáp.

“Vậy thì Milan,” Ibrahimovic mỉm cười. 


 

Đó chính là cách Maldini và Ibrahimovic kết nối CLB. Họ đã nuôi dưỡng tinh thần của các cầu thủ, thúc đẩy chất Milan, một tâm lý trân trọng, gắn kết và tự hào với chiếc logo trên ngực, sẵn lòng xả thân vì nó, nỗ lực hết mình để xứng đáng với nó, mà bao lâu nay chính là sự khác biệt giữa những đội bóng giỏi và những đội bóng vĩ đại. 

Điều Maldini tự hào nhất chính là “mối quan hệ cá nhân mà tôi đã tạo nên với các cầu thủ” vì “phần lớn trong số họ là những cầu thủ trẻ cần được chỉ dẫn”. Khi Kalulu ký hợp đồng với Milan ở tuổi 20, Maldini đã nói với cậu bé rằng: “Trong 6 tháng đầu, tôi muốn cậu quan sát và học hỏi. Cậu đang ở một đất nước tôn sùng phòng ngự. Hãy ghi nhớ tất cả những gì cậu có thể. Không sớm thì muộn, cơ hội của cậu sẽ đến.”

Còn Tomori cũng đã hào hứng kể lại một cuộc trò chuyện của mình với Maldini vào tháng 3 năm 2021, về năng lực của anh, những gì ông cảm thấy anh có thể cải thiện, cũng như chia sẻ cảm giác xúc động vì sự quan tâm sâu sắc từ huyền thoại phòng ngự của bóng đá Italy dù hồi đó mình vẫn đang chơi cho Milan theo dạng cho mượn từ Chelsea.  

Trong các khía cạnh quản lý, huấn luyện và thi đấu của bóng đá, yếu tố con người luôn nắm vai trò chủ chốt dù là trong bất kỳ thời đại nào, cũng như tạo nên sự cân bằng cho môn thể thao này. Những ai đã xem Top Gun: Maverick đều sẽ nhớ đến câu nói “chính người phi công, không phải chiếc máy bay” mới là thứ tạo nên sự khác biệt. Những mối quan hệ thân tình. Sự thấu cảm. Tinh thần. 

Pioli cũng chia sẻ rằng, tuy các số liệu thống kê rất quan trọng, nhưng tri giác, bản năng của một HLV cũng vậy. Ví dụ, nhà cầm quân người Italy khẳng định không đời nào ông lựa chọn một cầu thủ được ra sân chỉ vì chuyên gia phân tích của đội bảo rằng anh ta có tỷ lệ chuyển bóng thành công cao. “Tôi tin vào cảm nhận của mình. Tôi thích quan sát các cầu thủ và cố thấu hiểu những gì diễn ra trong đầu họ khi đang cân nhắc ai sẽ được tham chiến,” Pioli giải thích.

AC Milan áp đảo ĐHTB Serie A 2021/22

NIỀM TIN TẠO NÊN KỲ TÍCH

Ban đầu, Milan vốn không hề nằm trong số những ứng cử viên vô địch của Serie A 2021-22. Juventus với sự trở lại của Massimiliano Allegri chính là cái tên được tin tưởng nhất. HLV trưởng Igor Tudor của Verona cũng từng ca ngợi rằng những gì Pioli đã làm được thật phi thường, vì ông chỉ có thể trông cậy vào một đội hình có chất lượng đứng thứ ba hoặc thứ tư tại giải đấu. 

Mặc dù đúng là đội bóng này đôi khi trông thật mong manh, đặc biệt là tại hai vị trí tiền đạo cánh phải và số 10 khi Milan thể hiện sự chật vật trong nhiệm vụ săn bàn, nhưng cuối cùng những điểm mạnh đã hoàn toàn lấn át các điểm yếu, những khoảng thời gian dài thiếu vắng Ibrahimovic, Kjaer, Ismael Bennacer và Ante Rebic. Trong một mùa bóng mà Ibrahimovic phải thường xuyên ngồi ngoài vì chấn thương, Giroud đã khỏa lấp chỗ trống của tiền đạo người Thụy Điển một cách tuyệt vời, trở thành nhân tố quyết định trong các trận đấu lớn nhất, như chiến thắng trên sân khách trước Napoli, hay cuộc lội ngược dòng trong trận Derby della Madonnina. Còn Kalulu và Sandro Tonali đã vươn mình từ những tài năng trẻ triển vọng lớn thành những trụ cột trong đội. 

Tuy từ lâu đã được ca ngợi về tiềm năng trở thành ngôi sao lớn tiếp theo của bóng đá Italy, Tonali đã hết sức chật vật tại Milan vào mùa giải 2020-21 và CLB đã quyết định không kích hoạt điều khoản mua đứt trong bản hợp đồng mượn đã ký kết. Milan đã tiến hành đàm phán lại với Brescia để đưa thỏa thuận mua đứt 35 triệu euro ban đầu xuống còn khoảng 20 triệu euro, kèm theo một cầu thủ trẻ từ học viện của Rossoneri là Giacomo Olzer. Tonali cũng đã chấp nhận giảm lương để có được cơ hội thứ hai ở CLB mà mình yêu mến từ thuở bé. Cuối mùa bóng 2021-22, cú đúp của anh vào lưới Verona, đối thủ đã khiến Milan gục ngã trong cuộc đua vô địch vào các năm 1973 và 1990, chưa kể pha ghi bàn quyết định chiến thắng vào phút cuối cùng trước Lazio, đã đưa Tonali trở thành một trong những nhân vật chính trong Scudetto của Rossoneri.

Pioli khẳng định ông luôn tin rằng Milan có thể chinh phục Scudetto – từ trước cả khi mùa giải 2021-22 khởi tranh. Nhà cầm quân người Italy kể rằng, khi toàn đội tái ngộ tại Milanello lần đầu tiên trong đợt tập trung tiền mùa giải, tất cả mọi người đã đồng tâm nhất trí rằng chức vô địch chính là mục tiêu tiếp theo của họ. 

Những bước khởi đầu mạnh mẽ – 4 trận thắng, 1 trận hòa – đưa Milan lên ngôi đầu bảng tuy đã tạo nên sự phấn khích nhưng vẫn không thay đổi đáng kể ý kiến về cơ hội vô địch của họ trong dư luận. Những ca chấn thương của các yếu nhân đã bắt đầu tăng lên, kể cả thủ môn Mike Maignan. Nghiêm trọng nhất là khi nguyên cặp trung vệ số một Kjaer và Tomori đồng loạt phải nghỉ thi đấu vì dính chấn thương – đặc biệt là lão tướng người Đan Mạch sẽ phải vắng mặt trong toàn bộ phần còn lại của mùa giải, sau khi đầu gối gặp vấn đề trong một trận đấu với Genoa vào đầu tháng 1. Trong bối cảnh đó, đáng lẽ ra việc chi mạnh trên TTCN để mang về viện binh là điều bắt buộc, nhưng…

“Kết luận được thống nhất sau khi thảo luận với BLĐ CLB là thay vì tìm kiếm viện binh từ TTCN, chúng tôi sẽ đặt niềm tin vào những cậu bé có sẵn trong đội. Và cuối cùng, đó là một quyết định đúng, vì Kalulu đã cho thấy cậu ấy là một cầu thủ tuyệt vời, một hiện tượng kỳ vĩ của Serie A 2021-22,” Pioli tự hào kể lại. 

Khi Juventus ký hợp đồng với Dusan Vlahovic và Inter đưa về Robin Gosens, còn Milan thì chẳng có một động thái cải thiện đội hình nào trong kỳ chuyển nhượng tháng 1, người ta lại có thêm một lý do khác để nghi ngờ họ. Nhưng cuối cùng, không một đội bóng nào chắc chắn, vững vàng và ổn định như đoàn quân của Pioli. 

“Tôi nhắc lại, chúng tôi đã luôn tin tưởng,” Pioli nói thêm. “Theo ý kiến của tôi, có 2 chiến thắng đóng vai trò then chốt. Đầu tiên là màn lật ngược thế cờ trong trận Derby della Madonnina, chắc chắn rồi, bởi nếu chúng tôi mà thua thì khoảng cách điểm số với Inter sẽ rất khó để lội ngược dòng. Còn lại là chiến thắng giành được vào phút cuối ở Rome trước Lazio, diễn ra sau khi chúng tôi bị Inter đánh bại trong trận bán kết Coppa Italia vào giữa tuần. Những khoảnh khắc đó đã tiếp thêm cho chúng tôi nhiều sự tự tin hơn nữa, một cảm giác mãnh liệt về khả năng chinh phục Scudetto. Và 6 chiến thắng trong 6 trận cuối cùng, khi chúng tôi rõ ràng là đội có những bước chạy mạnh mẽ nhất trong số các ứng cử viên vô địch, đã chứng minh khả năng và sức mạnh tinh thần ở các cầu thủ của tôi.”

Còn Tomori thì kể rằng Ibrahimovic đã liên tục nhắc nhở mọi người duy trì sự tập trung trong những trận đấu cuối cùng và sau mỗi chiến thắng. “Ngay cả khi chúng tôi đã dẫn trước Sassuolo 3-0 ở vòng đấu cuối chỉ sau 1 hiệp đấu, Zlatan vẫn nói: ‘Chúng ta chưa xong việc đâu, vẫn còn 45 phút nữa ở phía trước đấy!’” 

Với một CLB có lịch sử lừng lẫy như Milan, việc giành Scudetto sẽ được coi là điều hiển nhiên đối với những người không theo dõi sát họ mà chỉ “ghé thăm” ở mùa bóng này. Nhưng như Maldini đã nhấn mạnh, đó không hề là một chiến tích bình thường. Đây mới chỉ là Scudetto thứ ba mà Milan giành được trong thế kỷ này. 

“Có ít nhất 20 câu chuyện phi thường đã diễn ra,” CEO Gazidis khẳng định.

Đó là Pioli, người chưa hề giành được bất kỳ danh hiệu lớn nào trước khi gia nhập Rossoneri và từng bị Inter – CLB mà ông hâm mộ từ khi còn là một cậu bé – sa thải sau 27 trận. 


 

Đó là Ibrahimovic, người đã giữ được lời hứa đưa Milan giành Scudetto một lần nữa, 11 năm sau lần gần nhất anh chinh phục đỉnh cao của bóng đá Italy trong chiếc áo đỏ đen, mặc dù phải thi đấu trong tình trạng “không có dây chằng chéo trước ở đầu gối trái, đầu gối luôn sưng, chỉ có thể tập với đội đúng 10 lần, phải tiêm thuốc hơn 20 lần, hút dịch khỏi đầu gối mỗi tuần, uống thuốc giảm đau mỗi ngày, gần như không ngủ nổi vì đau.” Nhưng những trở ngại đó đã không thể ngăn cản anh xuất hiện đúng lúc đúng chỗ để kiến tạo cho Tonali ghi bàn mang về chiến thắng trước Lazio vào tháng Tư.

Còn cả Paolo Maldini nữa, đây là Scudetto thứ tám mà ông được tận hưởng, và là lần đầu tiên trên cương vị một giám đốc điều hành, đồng thời cũng là lần đầu tiên của cậu con trai ông, Daniel, người đã nổ súng trong chiến thắng 2-1 trước Spezia hồi tháng 9. Một triều đại vĩ đại đang được tiếp nối. 

Đó là Davide Calabria, người đã trở thành một phần của Milan từ năm 15 tuổi, trải qua bao thăng trầm trong chiếc áo đỏ đen. Đó là Junior Messias, người từng phải hành nghề shipper tại Turin để kiếm thêm thu nhập và chơi ở giải hạng tư của bóng đá Italy cách đây 4 năm. Đó là Tomori, vào năm 2018 anh khoác áo Derby County và chơi ở Championship, giờ đây anh là nhà vô địch Italy. 

Đoàn quân Rossoneri này và vị HLV trưởng của họ chắc chắn đã vượt qua một chặng đường dài kể từ vòng sơ loại Europa League trước Shamrock Rovers và loạt sút luân lưu bất tận với Rio Ave. 

Đó thực sự là một cuộc hành trình ngoạn mục!  

Nguồn: Lược dịch từ bài viết “AC Milan’s redemption: Pioli, Tomori and Gazidis tell the story of their Scudetto” của ký giả James Horncastle, đăng tải trên The Athletic

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lịch thi đấu căng như dây đàn, liệu Real có thể tiếp tục nói hai từ "hài lòng"?

Trong những mùa giải gần đây, chúng ta luôn thấy một khả năng xoay sở rất tốt của HLV Carlo Ancelotti với những gì Real Madrid có trong tay. Nhưng ở mùa này, khi cơn bão chấn thương lũ lượt kéo tới, liệu chiến lược gia người Italia có thể tiếp tục nói "chúng tôi hài lòng với đội hình hiện tại"?

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.